X

Du lịch bụi Vĩnh Long

Tỉnh Vĩnh Long nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc giáp các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, phía Đông giáp tỉnh Bến Tre, phía Đông Nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía Tây và Nam giáp các tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ.

Mã vùng điện thoại: 070

Biển số xe: 64

Tổ chức hành chính: Tỉnh Vĩnh Long có 8 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố (thành phố Vĩnh Long) và 7 huyện (Huyện Bình Minh, Huyện Bình Tân, Huyện Long Hồ, Huyện Mang Thít, Huyện Tam Bình, Huyện Trà Ôn, Huyện Vũng Liêm).

Khí hậu
Vĩnh Long nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào. Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình cả năm từ 27 – 28oC, so với thời kỳ trước năm 1996 nhiệt độ trung bình cả năm có cao hơn khoảng 0,5-1oC. Nhiệt độ tối cao 36,9oC; nhiệt độ tối thấp 17,7oC. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm bình quân 7-8oC.
Lượng mưa và sự phân bố mưa: Lượng mưa bình quân qua các năm từ 1995 đến 2001 có sự chênh lệch khá lớn. Tổng lượng mưa bình quân cao nhất trong năm là 1.893,1 mm/năm (năm 2000) và thấp nhất 1.237,6 mm/năm điều này cho thấy có sự thay đổi thất thường về thời tiết. Do đó ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi các đặc trưng của đất đai cũng như điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, lượng mưa năm của tỉnh phân bố tập trung vào tháng 5-11 dương lịch, chủ yếu vào tháng 8-10 dương lịch.

Diện tích: 1.496,8 km²

Dân số: Dân số tỉnh Vĩnh Long năm 2011 là 1.028.600 người. Mật độ: 687 người/km².

Thành phần dân tộc: Việt, Hoa, Chăm, Khmer

Tên gọi:
Năm 1732, chúa đời thứ 7 thời Nguyễn là Nguyễn Phúc Trú (1696 – 1738) lập đơn vị hành chánh đầu tiên của tỉnh là Châu Định Viễn, dinh Long Hồ.
+ Năm 1779, đổi thành Hoằng Trấn dinh;
+ Từ năm 1780 – 1805, Vĩnh Trấn;
+ Từ 1806 – 1832, Trấn Vĩnh Thanh;
+ Từ 1832 – 1950, tỉnh Vĩnh Long;
+ Từ năm 1951 – 1954, tỉnh Vĩnh Trà;
+ Từ năm 1954 – 1975, tỉnh Vĩnh Long;
+ Từ năm 1976 – 5.1992, tỉnh Cửu Long;
+ Từ 5 – 5 – 1992 đến nay là tỉnh Vĩnh Long.
Thời chúa Nguyễn, Vĩnh Long bao gồm các phần đất tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh.
Trước 1948, huyện Chợ Lách (Bến Tre) thuộc tỉnh Vĩnh Long; sau đó giao cho Bến Tre; đến giai đọan 1957 – 1965, huyện Chợ Lách giao về cho tỉnh Vĩnh Long. Năm 1966, tách huyện Chợ Lách về tỉnh Bến Tre.
Trước năm 1948, hai huyện Cầu Kè, Trà Ôn thuộc tỉnh Cần Thơ; từ 1948 – 1950, hai huyện này thuộc tỉnh Vĩnh Long; Từ năm 1951 – 1954, thuộc tỉnh Vĩnh Trà; Từ năm 1954 – 1971, huyện Cầu Kè, huyện Trà Ôn thuộc tỉnh Trà Vinh. Từ năm 1971 – 1975 huyện Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Từ năm 1957 – 1974, các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, thị xã Sa Đéc (Sa Đéc) nhập vào Vĩnh Long.
Từ năm 1957 trở về trước huyện Vũng Liêm thuộc tỉnh Vĩnh Long; Từ năm 1957 đến 1972 đến nay thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Các điểm du lịch ở Vĩnh Long

Khu du lịch Vinh Sang

Vinh Sang được xem là khu du lịch sinh thái lớn nhất của tỉnh Vĩnh Long, nơi đây mang đến cho du khách khung cảnh thanh bình của miền quê sông nước, của những miệt vườn cây ăn trái trù phú. Tại Vinh Sang du khách có thể trải nghiệm các dịch vụ độc đáo như tát mương bắt cá, trò chơi trên sông, cưỡi đà điểu, tham quan vườn cây ăn trái và thưởng thức ẩm thực miệt vườn hấp dẫn.

Cù lao An Bình

Nằm đối diện với thành phố Vĩnh Long cù lao An Bình là một vùng đất đai màu mỡ, cây trái trù phú quanh năm. Trên cù lao là những nhà vườn nổi tiếng như Sáu Giáo, Ba Hùng, Mai Quốc Nam, Mười Hưởng…Bên cạnh đó du khách còn được trải nghiệm du lịch homestay, sống cùng với người dân bản địa, tìm hiểu về văn hóa và cuộc sống của người dân nơi đây.

Khu du lịch Trường An

Với diện tích khoảng 16ha, khu du lịch Trường An như một Nam Bộ thu nhỏ với khung cảnh đồng quê, miệt vườn. Một địa chỉ tuyệt vời dành cho du khách thích nghỉ ngơi, yên tĩnh. Hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng cùng với các dịch vụ đi kèm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của du khách.

Văn Thánh Miếu

Một trong ba văn thánh của khu vực Nam Bộ xưa, nơi du khách có thể hiểu thêm về lịch sử của vùng đất này cũng như tinh thần hiếu học của người dân phương Nam. Khuôn viên của văn thánh với những hàng cây dài thẳng tắp tạo nên không gian bình yên, thư thái cho du khách ghé thăm.

Chùa Tiên Châu

Chùa nằm trên cù lao An Bình, đây được xem là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Vĩnh Long được xây dựng từ năm 1750 với kiến trúc đậm chất truyền thống. Những hoành phi câu đối, nét chạm khắc đều được thực hiện từ các nghệ nhân xứ Huế. Chùa cũng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ăn gì khi đi du lịch Vĩnh Long?

Cá tai tượng chiên xù

Cá tai tượng chiên xù là món ăn rất quen thuộc ở Nam Bộ, đây là giống cá to, thịt trắng và chắc nịch, ngon nhất vẫn là đem chiên xù sau đó cuốn với bánh tráng, rau sống và chấm với nước mắm chua ngọt. Những vẩy cá được chiên giòn khi ăn cũng rất đã.

Cá cháy

Cá cháy là loài cá rất độc đáo có rất nhiều ở Vĩnh Long, đặc biệt là khúc sông Hậu chảy qua các huyện Bình Minh, Măng Thít. Thịt cá rất ngon và béo dùng để nấu canh chua là hết sẩy. Ngoài ra cá cháy còn có thể kho, nấu cháo hoặc làm gỏi.

Khoai lang mắm sống cuốn lá cách

Món ăn dân dã của người dân Vĩnh Long, nguyên liệu chính là khoai lang luộc sau đó cắt thành từ khoanh nhỏ cho dễ ăn. Khoai được cuốn với lá cách sau đó chấm với mắm, mắm ở đây có thể là mắm cá linh hoặc mắm cá trèn.

Thanh trà

Thanh trà khi chín có màu vàng tươi, căng bóng trông rất bắt mắt, ruột thanh trà mềm, có vị chua ngọt rất độc đáo. Dùng thanh trà trong những ngày nắng nóng bằng cách dầm nước đá là món giải khát rất hữu hiệu. Ngoài ra thanh trà còn được sử dụng như một nguyên liệu để nấu ăn như món canh chua, cá kho.

Bưởi năm roi

Nhắc đến Vĩnh Long là người ta nghĩ ngay đến bưởi năm roi, loại trái cây nổi tiếng bậc nhất của đồng bằng sông Cửu Long. Trái bưởi khi chín cũng xanh vỏ ngoài, ruột bên trong có màu vàng nhẹ, múi bưởi căng bóng, vịt không chua mà cũng không ngọt nên người ăn không cảm thấy ngán.

Xem bình luận

  • mình đang muốn về miền tây để đi du lịch mn biết có kdl nào vui không chỉ minh với tks all