Du lịch bụi Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn)

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An. Nằm ở miền Nam Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh cách Hà Nội 1.730 km theo đường bộ.

Sài Gòn về đêm – Ảnh: Tùng Lâm

Mã vùng điện thoại: 08

Biển số xe: 50 → 59

Tổ chức hành chính: Thành phố Hồ Chí Minh gồm 19 quận (Quận 1 → Quận 12, Thủ Đức, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Bình Tân) và 5 huyện (Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè)

Khí hậu
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, thành phố Hồ Chí Minh có hai mùa rõ rệt đó là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa bình quân hàng năm là 1.979 mm và mùa khô diễn ra từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau với nhiệt độ trung bình hàng năm là 27,55 0C.

Diện tích: 2.095,6 km²

Dân số: Dân số của thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 là 7.721.100 người. Mật độ: 3.685 người/km²

Lịch sử
Công cuộc khai mở
Hơn 300 năm trước, vùng đất này chỉ là những bãi sình lầy, hoang vu. Với hệ thống sông rạch khá thuận tiện cho việc di chuyển, những lưu dân người Việt đầu tiên đã vượt biển tìm đến mưu sinh ở miền đất này. Bằng bàn tay và khối óc, bằng mồ hôi, nước mắt và cả xương máu nữa, họ đã biến miền đất hoang sơ thành đồng ruộng phì nhiêu, phố phường đông đúc… Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược, đặt cơ sở hành chính đầu tiên và việc xác định Sài Gòn ở vị trí trung tâm cho cả vùng đất phương Nam thể hiện xu thế phát triển và bản lĩnh kiên cường của một dân tộc vốn có nền tảng văn hiến ngàn đời. Chính vì vậy mà Sài Gòn – Gia Định suốt mấy thế kỷ qua đã đứng vững trước bao thử thách và ngày càng phát triển…

Kháng chiến chống Pháp
Được xem là nơi cung cấp nguồn lương thực cho cả nước và cũng là trung tâm buôn bán ngay giữa một vùng phì nhiêu nhất, điều kiện tự nhiên lại rất thuận lợi về mặt giao thông hàng hải, thương mại… Sài Gòn được các nước phương Tây chú ý ngay từ những năm đầu thế kỷ XIX. Sau một năm đổ bộ vào Đà Nẵng, năm 1859 quân đội viễn chinh Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Nhằm thực hiện mưu đồ chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ nước ta, tiến tới việc xác lập khu vực ảnh hưởng của đế quốc Pháp tại Viễn Đông, Pháp đã gấp rút xúc tiến việc qui hoạch xây dựng Sài Gòn thành một đô thị lớn nhiều chức năng về hành chính, quân sự, kinh tế, cảng v.v… Đứng trước vận mệnh của dân tộc, nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã nhất tề đứng dậy chống xâm lăng.

Kháng chiến chống Mỹ
Vào cuối năm 1950, lợi dụng tình hình thực dân Pháp suy yếu, đế quốc Mỹ thừa cơ nhảy vào thay thế Pháp, chủ trương chiếm đóng lâu dài miền Nam. Lúc này, Sài Gòn trở thành thủ đô của miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào. Cùng với việc xây dựng để bảo vệ các cơ quan đầu não về chính trị, quân sự, Mỹ đã đầu tư phát triển xây dựng, mở mang làm cho thành phố Sài Gòn trở thành một trung tâm kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa. Thêm một lần nữa, lịch sử đã ghi nhận tinh thần yêu nước nồng nàn và ý thức trách nhiệm cao cả của đồng bào Nam Bộ mà Sài Gòn – Gia Định là bức trường thành kiên cố của Tổ quốc phương Nam, là lực lượng kiên cường bảo vệ sự thống nhất đất nước…
Cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội
Năm 1976, sau khi non sông thu về một mối, thể theo nguyện vọng toàn dân từ Bắc chí Nam, Quốc hội thống nhất quyết định lấy tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.
Thật xứng đáng cho Thành phố được mang tên lãnh tụ tối cao, vô cùng kính yêu của dân tộc, Người đã sáng lập ra Đảng, ra quân đội, ra Mặt trận, ra Chính quyền Cách mạng, đã vạch đường chỉ lối, rồi lại cùng nhân dân chiến đấu đưa nước ta, dân tộc ta đến thắng lợi huy hoàng ngày nay…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *