Long Sơn là một xã đảo thuộc TP Vũng Tàu, cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 100km, cách trung tâm thành phố Vũng Tàu khoảng 12 km về phía Tây Nam theo đường bộ. Đến với Long Sơn, du khách sẽ có dịp ghé thăm nhà lớn Long Sơn (còn gọi là đền Ông Trần), khu đền thờ đạo Ông Trần – một tín ngưỡng khá phổ biến ở đây. Đặc biệt là thưởng thức các loại hải sản trên các nhà bè, nhà hàng nổi.
Vị trí: Phía đông giáp sông Dinh, phía Nam giáp xã Tân Hải – huyện Tân Thành, phía bắc và tây giáp biển. Nằm ở phía bắc TP. Vũng Tàu, Long Sơn là xã duy nhất trong cả nước trực thuộc thành phố.
Diện tích: Với diện tích 92 km2, trong đó có đến 54km2 là đất liền, còn lại là đất mặn. Xã được bao bọc 4 bề bởi kênh rạch, sông biển. Xã gồm 11 thôn với tổng diện tích đất là 92km2 trong đó, diện tích đất đã được sử dụng tính đến năm 2003 là 57 km2 .
Nhân khẩu: 13.558 nhân khẩu.
Xã đảo Long Sơn gồm 1 đảo chính nằm men theo triền của núi Nứa – cái tên đã từng được dùng làm địa danh cho cả hòn đảo, là đoạn cuối của dãy núi Phước Hoà đâm ra biển và đảo nhỏ là đảo Gò Găng.
Long Sơn vốn nổi tiếng với di tích Nhà Lớn, nơi đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử vì những công trình kiến trúc cổ và những phong tục tập quán xưa cũ khá độc đáo vẫn còn được người dân ở đây lưu giữ lại. Nhà lớn Long Sơn, hay dân gian còn gọi là Đền ông Trần là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ bề thế, uy nghi đã thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan. Di tích tọa lạc tại số du khách, Nhà Lớn còn là nơi tập trung sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của tín đồ tin theo ông Trần. Khu nhà Lớn là một tập hợp quần thể kiến trúc khép kín với nhiều công trình như: dãy nhà phố, chợ, lầu dài, nhà máy đèn… Không chỉ nổi tiếng với những công trình kiến trúc, đạo ông Trần còn nổi tiếng với những phong tục tập quán khá đặc sắc và mang biểu trưng của nhiều đạo giáo khác nhau: đạo Phật, đạo Lành, đạo Nho, đạo thờ ông bà tổ tiên… Đặc biệt, tín ngưỡng đạo ông Trần không có kinh kệ, chuông mõ, cũng không có ăn chay hay kiêng kị gì, chỉ có lời dạy của ông Trần được truyền khẩu trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một chuyện khá thú vị của đạo ông Trần đó là tục lệ tổ chức ma chay, cưới hỏi, lễ lạt đơn giản và tiết kiệm. Xưa kia, việc cưới xin cho người trong đảo thường được tổ chức vào ngày 30 mồng 1 và 15, 16 hàng thàng, không tính ngày giờ, không đặt ra những lễ nghi tục lệ phiền phức; Khi tổ chức chỉ nấu xôi chè cúng ông bà, không cỗ bàn linh đình. Đám tang cũng đơn giản, người chết bó chiếu đặt trong một quan chung bằng tre, gỗ sơn đỏ và khiêng đi chôn ngay trong ngày, có kéo dài lắm cũng không quá 24 tiếng; không chôn theo hàng lối, không bia mộ nhân thân và xả tang ngay tại huyệt.
Bên cạnh di tích Nhà Lớn, hiện nay, xã đảo Long Sơn còn được nhiều du khách yêu thích ẩm thực biết đến nhiều với đặc sản Hào. Trải dài hàng chục km tuyến sông Dinh nằm bao quanh xã đảo là những bè hào nối tiếp nhau. Vài năm trở lại đây, cùng với con tôm, bãi muối thì nghề nuôi hào đang đem lại nguồn thu nhập khá lớn, góp phần làm thay đổi cuộc sống cho người dân xã đảo. Không những vậy, để quảng bá hình ảnh của xã đảo, gần đây, nhiều khu du lịch đã được xây dựng nhằm khai thác những tiềm năng của xã đảo bằng hình thức kết hợp giữa du lịch sinh thái, ẩm thực với du lịch về nguồn.
Đời sống phát triển kéo theo các nhu cầu khác về y tế, giáo dục và sinh hoạt văn hoá cũng được nâng lên. Để đáp ứng cho người dân, vừa qua, được sự hỗ trợ của thành phố, Long Sơn đã xây mới trường tiểu học xã khang trang, sạch đẹp để con em trong xã được cắp sách đến trường trong điều kiện tốt nhất. Đến nay, số trẻ em trong độ tuổi đi học của xã được vận động ra lớp đạt đến hơn 60%, tăng rất nhiều lần so với những năm trước đây.
Mặt khác, để kịp thời chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, trạm y tế xã đã được xây dựng với các trang thiết bị khá hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ. Bên cạnh đó, để làm phong phú hơn đời sống tinh thần cho nhân dân trong xã, vào các ngày lễ tết, các ngày cuối tuần, trung tâm văn hoá xã đều tổ chức phục vụ sinh hoạt văn hoá văn nghệ, mở cửa phòng đọc sách báo với hàng ngàn đầu sách để người dân đến vừa vui chơi, vừa mở mang kiến thức.
Leave a Reply