Tỉnh Hà Nam nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng Việt Nam. Phía bắc tiếp giáp với Hà Nội, phía đông giáp với tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, phía nam giáp tỉnh Ninh Bình, đông nam giáp tỉnh Nam Định và phía tây giáp tỉnh Hòa Bình.
Mã vùng điện thoại: 0351
Biển số xe: 90
Tổ chức hành chính: Tỉnh Hà Nam có 6 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố (thành phố Phủ Lý) và 5 huyện (Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm, Bình Lục).
Khí hậu
Hà Nam có điều kiện thời tiết, khí hậu mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm ướt.
Nhiệt độ trung bình hàng năm vào khoảng 23-24oC, số giờ nắng trung bình khoảng 1300-1500giờ/năm. Trong năm thường có 8-9 tháng có nhiệt độ trung bình trên 20oC (trong đó có 5 tháng có nhiệt độ trung bình trên 25oC) và chỉ có 3 tháng nhiệt độ trung bình dưói 20oC, nhưng không có tháng nào nhiệt độ dưới 16oC.
Hai mùa chính trong năm (mùa hạ, mùa đông) với các hướng gió thịnh hành: về mùa hạ gió nam, tây nam và đông nam; mùa đông gió bắc, đông và đông bắc.
Diện tích: 860,5 km²
Dân số: Dân số của tỉnh Hà Nam năm 2011 là 786.900 người. Mật độ: 914 người/km².
Thành phần dân tộc: Việt, Tày, Mường, Hoa
Lịch sử
Ngày 20/10/1890, tỉnh Hà Nam chính thức được thành lập. Đất đai tỉnh Hà Nam gồm đất phủ Liêm Bình, 17 xã của huyện Vụ Bản, Thượng Nguyên (thuộc tỉnh Nam Định), 2 tổng Mộc Hoàn, Chuyên Nghiệp thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Nội (cho nhập vào huyện Duy Tiên) và 2 huyện cũ là Duy Tiên, Kim Bảng của phủ Lý Nhân.
Từ khi thành lập đến nay, trải qua 118 năm, địa danh và địa giới hành chính của tỉnh đã có nhiều thay đổi. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tỉnh thuộc liên khu III. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo kháng chiến của hai tỉnh Nam Định và Hà Nam, tháng 5/1953, Trung ương quyết định cắt các huyện phía Bắc tỉnh Nam Định gồm Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và 7 xã phía Bắc Nghĩa Hưng nhập vào tỉnh Hà Nam; chuyển châu Lạc Thuỷ về tỉnh Hoà Bình. Tháng 4/1956, sau giảm tô và cải cách ruộng đất, 3 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và 7 xã của Nghĩa Hưng sát nhập trở lại tỉnh Nam Định. Năm 1956, tỉnh Hà Nam và Nam Định sát nhập thành tỉnh Nam Hà. Đầu năm 1976, Nam Hà sáp nhập với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1992, tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình lại chia tách như cũ. Ngày 1/1/1997, tỉnh Hà Nam được tái lập, gồm các huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên, Kim Bảng và thị xã Phủ Lý.
Tên tỉnh Hà Nam tuy mới có 118 năm, song vùng đất này từ rất sớm đã có những đặc thù, đặc điểm riêng. Với bốn mặt đều có sông bao bọc, dòng sông Đáy chia địa hình Hà Nam làm hai vùng rõ rệt: vùng đồng chiêm trũng và dải đá trầm tích ở phía Tây. Ở vùng đồng bằng có nhiều đồi núi với cảnh quan đẹp: Núi Đọi, núi Điệp ở Duy Tiên; núi An Lão (Nguyệt Hằng Sơn) ở Bình Lục; núi Non, núi Chanh Chè ở Thanh Liêm… Trung tâm tỉnh là nơi hội tụ của 3 con sông: sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ (ngã ba sông). Ở trong dãy núi đá vôi phía Tây có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp đã đi vào thơ ca: Ngũ động sơn, hang Luồn – ao Dong, đầm Ngũ Nhạc, núi Ngọc, Bát cảnh tiên, dốc Cổng Trời, động Phúc Long, Kẽm Trống, hang Gióng Lở…Trải qua chiều dài lịch sử, cố nhân đã để lại cho Hà Nam nhiều di sản văn hoá vật thể vô cùng quý giá: Trống đồng Ngọc Lũ – dấu ấn thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hoá Đông Sơn; cuốn sách đồng Bắc Lý – một trong 4 cuốn sách còn nguyên vẹn nhất, nội dung phong phú nhất của cả nước, tấm bia “Sùng Thiện Diên Linh”, tấm bia “Đại Trị”… Hà Nam có 1.784 di tích trong đó có 65 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 39 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Leave a Reply