Trà Vinh nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Phía bắc Trà Vinh giáp với Bến Tre, phía nam giáp Sóc Trăng, phía tây giáp Vĩnh Long, phía đông giáp biển.
Mã vùng điện thoại: 074
Biển số xe: 84
Tổ chức hành chính: Trà Vinh có 8 đơn vị hành chính, bao gồm 01 thành phố (Thành phố Trà Vinh) và 7 huyện (Huyện Càng Long, Châu Thành, Huyện Cầu Kè, Huyện Tiểu Cần, Huyện Cầu Ngang, Huyện Trà Cú, Huyện Duyên Hải).
Khí hậu
Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình từ 26 – 27OC, độ ẩm trung bình 80 – 85%/năm, ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ; mùa mưa từ tháng 5 – tháng 11, mùa khô từ tháng 12 – tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình từ 1.400 – 1.600 mm.
Diện tích: 2.341,2 km²
Dân số: Dân số tỉnh Trà Vinh năm 2011 là 1.012.600 người. Mật độ: 433 người/km².
Lịch sử
Về địa lý, nhân văn và lịch sử có lẻ tỉnh Trà Vinh là tỉnh sanh sau đẻ muộn nhứt trong các tỉnh của Việt Nam. Về sự bồi đấp, chắc chắn rằng Tỉnh Vĩnh Long phải có trước Trà Vinh. Theo thời gian Tỉnh Trà Vinh sẽ được bồi đấp dài thêm ra, biết đâu huyện Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh sau nầy cũng sẽ là một Tỉnh.
Cách nay không lâu, Long Toàn chỉ là một cái ấp, rồi lên thành xã và rồi thành một huyện như bây giờ.
Theo tác giả Huỳnh Văn Lang trong quyển Công Chúa Sứ Giả Tập Hai trang 259, năm 1708 Mạc Cửu đem dâng cho chúa Nguyễn các vùng đất của ông cho chúa Nguyễn từ Phú Quốc, Vũng Thơm, Trũng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Hà Tiên; như vậy từ đây miền Đông và miền Tây Nam Phần, đã thuộc về Việt Nam.
Tuy nhiên hai miền vẫn chưa hoàn toàn liên kết được với nhau về phương diện địa lý và chính trị, vì còn một vùng đất rộng lớn nằm giữa sông Tiền và sông Hậu hoàn toàn ngăn cách hai miền Đông và Tây. Năm mươi năm sau – năm 1759, Quốc vương Chân Lạp là Nặc Nguyên mất, Nặc Nhuận vừa lên thay đã bị con rể là Nặc Hinh giết chết để cướp ngôi.
Con Nặc Nhuận là Nặc Tôn sang Hà Tiên nhờ chính quyền nhà Nguyễn đem quân sang đánh Nặc Hinh giành lại quyền làm vua. Khi lên ngôi, để trả trả ơn trả nghĩa, Nặc Tôn dâng về chúa Nguyễn phần đất Tầm Phong Long – phần đất còn lại nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, gồm cả 5 tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Vĩnh Long và Trà Vinh ngày nay. Kể từ đây non sông Việt Nam được nối liền một mãnh.
Nếu cuộc Nam Tiến được chia làm làm 10 giai đoạn, thì Mạc Cửu dâng đất miền Tây cho chúa Nguyễn năm 1708 là giai đoạn 9. Phần đất Tầm Phong Long năm 1759 là giai đoạn 10, hoàn tất cuộc nam Tiến. Chúng ta cũng nên biết lúc bấy giờ Vỉnh Long và Trà Vinh được gọi là Long Hồ Dinh
Sau khi chiếm được Thăng Long, thống nhất đất nước ngày 20 tháng 7 năm 1802, Nguyễn Ánh lấy niên hiệu là Gia Long đổi tên nước là Việt Nam. Tên nước Việt Nam bắt đầu từ đây. Ngẫm nghỉ lại lời của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Cửu cửu càng khôn dỉ định”. Việt Nam ảnh hưởng bởi con số 9. Ngày 20 tháng 7 (2 + 7 = 9) năm Gia Long thứ nhứt Việt Nam được thống nhứt và có tên Việt Nam mến yêu nầy. Hiệp định Genève Ngày 20 tháng 7 năm 54, đất nước lại chia đôi!
Năm 1832 vua Minh Mạng đổi Long Hồ Dinh thành Vỉnh Long Trấn (Vĩnh Long có tên từ năm nầy, Tỉnh Trà Vinh chưa có tên!). Vĩnh Long Trấn được chia làm 4 phủ: Định Viễn, Hoằng An, Hoằng Trị, và Lạc Hóa. Phủ Lạc Hóa có 2 huyện: Tuân Nghĩa và Trà Vinh.
Sau khi Lê Văn Duyệt mất (Lúc 02:00 giờ ngày 1 tháng 8 năm 1932) vua Minh Mạng bải bỏ chức Tổng Trấn Gia Định Thành và chia Nam Kỳ thành 6 tỉnh trực thuộc Triều Đình Huế: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vỉnh Long, An Giang và Hà Tiên. (Lúc nầy Trà Vinh vẫn còn là một huyện của phủ Lạc Hóa chớ chưa được là một phủ, thuộc tỉnh Vĩnh Long). Đứng đầu tỉnh là Tuần Phủ, phụ tá có các quan Án Sát, Bố Chánh, Lãnh Binh để lo các việc hành chánh và quân sự.
Năm 1841, dưới thời Thiệu Trị nguyên niên, một người tên là Lâm Sâm (Xin xem thêm bài Đức Bố Chánh Trần Trung Tiên – Cũng trong Diễn đàn này) nổi loạn ở Lạc Hóa (Trà Vinh), dùng bùa chú, tà thuyết mê hoặc dân chúng, tụ tập bè đảng tới hơn bảy tám ngàn người chiếm các vùng đất Cầu Kè, Tiểu Cần, Bắc Trang, Trà Điêu.
Trong cuộc chiến dẹp giặc nổi loạn thì quan Bố Chánh Trần Trung Tiên đã tử trận (Đêm 17 rạng ngày 18 tháng 3 âm lịch, năm Tân Sửu- 1841, tại Ô Đùng.) Sau khi ngài chết, ngài rất linh hiển. Người dân bản xứ lập đền thờ tại nơi ngài tử trận và mỗi năm đều tổ chức tế giổ rất trọng thể tại làng Hiếu Tử. Vua Khải định năm thứ 9 12/9/1925) sắc phong ngài làm Thành Hoàng . Sắc phong như sau:
“Sắc Trà Vinh Tỉnh, Ngải Long Thượng tổng, Hiếu Tử xã.
Bố Chánh Trần Trung Tiên chi thần, mạng giả linh ứng từ kim, chính trực. Vãng tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật trước phong di vưc bảo trung hưng linh phù.
Tôn thần chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hộ bảo ngã lê dân khâm thử”.
Khải Định cửu niên, bất ngoạt nhị thập ngủ nhật.
Trường Trung Học lớn nhứt và đầu tiên của Tỉnh Trà Vinh cũng được mang tên ngài. Trường Trung Học Trần Trung Tiên. Trường nầy đã đào tạo thật nhiều nhân tài cho đất nước. Dưới thời Pháp thuộc, toàn cỏi Nam kỳ được chính thức chia làm 21 tỉnh (Ngày 25/6/1867) Trà Vinh là tỉnh số 5 trong 21 Tỉnh (Gia, Châu, Hà, Rạch, Trà, Sa, Bến, Long, Tân, Sóc, Thủ, Tây, Biên…). Vậy tỉnh Trà Vinh được xem là khai sinh năm nầy (1867). Đúng là sinh sau đẻ muộn!
Năm 1876 Pháp đổi Sở Tham Biện thành Tiểu Khu Hành Chánh Trà Vinh. Ngày 20/12/1899 bải bỏ chức vụ Tham Biện và đổi thành Tỉnh Trưởng (Chef de Province). Tỉnh Lỵ được đặt tại Long Đức. Lúc bấy giờ Trà Vinh có 8 quận: Châu Thành, Cầu Ngang, Long Toàn, Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Ôn và Càng Long.
Ngày 8/10/1957 chính quyền Ngô Đình Diệm cho sát nhập Quận Vũng Liêm vào Trà Vinh.
Ngày 14/1/1967 lại tách rời Vũng Liêm và Trà Ôn cho Vĩnh Long (Sắc lệnh số 01/SL/ĐUHC). Trà Vinh còn lại 7 quận cho đến nay. Vì nghỉ rằng danh từ Trà Vinh (Trapeang) (Xin xem thêm bài Đức Bố Chánh Trần Trung Tiên – Cũng trong Diễn đàn này) là do người khmer đặt ra nên chính quyền đổi thành tỉnh Vĩnh Bình và thị xã là Phú Vinh.
Sau năm 1975 tỉnh Vĩnh Bình lại một lần nửa bị xem là một huyện của tỉnh Cửu Long- Huyện Trà Vinh- và thị xã được đổi từ Phú Vinh thành thị xã Trà Vinh. Sau hằng loạt nhiều tỉnh của miền Nam được tách ra thì tỉnh Cửu Long cũng được tách rời làm 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh cho đến nay.
Lễ hội ở Trà Vinh
Các bạn đi du lịch bụi ở miền Tây có thể chọn thời điểm Trà Vinh diễn ra các lễ hội để tham gia, chắc chắn đó sẽ là những trải nghiệm thật khó quên:
- Lễ hội Ok Om Bok: lễ hội cúng trăng của người Khmer được tổ chức tầm khoảng tháng 10 âm lịch, có diễn ra hội đua ghe ngon rất hấp dẫn.
- Lễ hội cúng biển Mỹ Long: diễn ra vào ngày 11,12/5 âm lịch gồm các hoạt động như giỗ Tiền chức, Nghinh Nam Hải, tế Thần Nông và chiến sĩ trận vong, chánh tế chúa xứ, Hát rỗi…
- Lễ nguyên tiêu: diễn ra tại huyện Trà Cú với trung tâm là Phước Thắng Cung hay còn gọi là chùa Ông Bảo.
- Lễ hội Chol Chnam Thmay: lễ mừng năm mới của đồng bào Khmer.
- Lễ Sen Đôn Ta: cúng ông bà của người Khmer.
Điểm du lịch ở Trà Vinh
Ao Bà Om
Nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh chừng 7km, ao Bà Om là thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của vùng đất này. Ao có hình vuông, quanh năm đầy nước, không gian xung quanh được bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm phần ấn tượng. Ao Bà Om còn lưu truyền câu chuyện về người phụ nữ tên Om và quá trình đào hồ.
Chùa Âng
Nằm kế bên ao Bà Om, chùa Âng được xem là ngôi chùa Khmer cổ nhất và đẹp nhất của tỉnh. Chùa được xây dựng trên một gò đất cao với kiến trúc Khmer truyền thống là các đỉnh tháp nhọn, xung quanh được trang trí bởi các hình tượng nhân thần và nhiên thần trong tín ngưỡng của người Khmer.
Chùa Hang
Chùa nằm ở huyện Châu Thành của tỉnh Trà Vinh. Do cổng chùa nhìn như một cái hang nên chùa có tên gọi chùa Hang. Khuôn viên chùa rất rộng, thoáng máng, xung quanh là rừng cây bao bọc là nơi hội tụ của nhiều loài chim. Bên trong chùa còn có trường học dạy chữ cho con em người Khmer. Ngoài ra còn có những ngôi nhà sàn nhỏ để đàn ông Khmer tới cầu nguyện mỗi ngày.
Biển Ba Động
Trải dài trên ba xã của huyện Duyên Hải, biển Ba Động tuy không trong xanh như các vùng biển khác ở miền tây nhưng cảnh quan nơi đây còn rất hoang sơ và không khí trong lành. Tại đây còn có những đặc sản hấp dẫn như dưa hấu, nghêu Nhà Mát, tôm sú Cồn Cù, đuôn chà là, cá kèo kho…
Ăn gì khi đến Trà Vinh?
Bún suông
Nguyên liệu chính của món ăn này chính là chả tôm tươi với nước dùng ninh từ xương heo có vị ngọt đậm đà tự nhiên, một số nơi bỏ thêm tôm hoặc mực khô để nồi nước dùng hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó còn có bắp cải trắng bào sợi, hành ngò..
Cháo ám
Cháo ám là món ăn yêu thích của người dân Trà Vinh, món ăn tuy không quá cầu kì nhưng để nấu được ngon thì phải trải qua nhiều công đoạn. Thịt cá luộc sau đó cắt ra từng khúc rồi xào với mỡ hành, nước luộc cá dùng để nấu cháo, có thể cho thêm củ hành nướng hoặc tôm khô, mực khô cho ngọt nước. Khi cháo chín thì cho cá và trứng cá vào. Ăn kèm là các loại rau sống cắt nhuyễn với chén nước mắm đậm đà.
Bánh tét Trà Cuôn
Bánh tét Trà Cuôn là món ăn nức tiếng của đất Trà Vinh, tuy bánh tét là món ăn phổ biến ở Nam Bộ nhưng bánh tét tại đây lại có hương vị thơm ngon hơn hẳn nhiều vùng miền khác. Vẫn là các nguyên liệu như nếp, thịt heo, mỡ…tuy nhiên tay nghề và những gia vị độc đáo của người dân Trà Cuôn đã đưa bánh tét nơi đây lên một tầm cao mới.
Bánh canh Bến Có
Cũng giống như những món bánh canh khác, bánh canh Bến Có chú trọng tới sợi bánh và nước súp là hai yếu tố quan trọng nhất. Nguyên liệu đi kèm thì có giò heo, thịt nạc, lòng heo, gan và đặc biệt là chén nước mắm chấm đậm đà.
Bún nước lèo
Món bún nước lèo gắn liền với một loại mắm nổi tiếng của đồng bào Khmer, đó chính là mắm bò hóc, mắm được dùng để nấu nước dùng tạo nên mùi vị thơm ngon đặc trưng của món ăn. Bún được làm từ lúa mùa nên dai và vị ngọt tự nhiên. Ăn kèm với nó là rau sống, bắp chuối, hẹ.
Thiện Hoàng says
Quận Long Toàn chỉ được lập vào thời Việt nam cộng Hòa, thời Pháp 1 phần thuộc Quận cầu ngang, 1 phần thuộc quận Trà cú .