Tỉnh Đồng Nai nằm ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng và Bình Dương; phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận; phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.
Diện tích: 5.907,2 km²
Dân số: Dân số tỉnh Đồng Nai năm 2011 là 2.665.100 người. Mật độ: 451 người/km².
Mã vùng điện thoại: 061
Biển số xe: 60, 39
Tổ chức hành chính: Ngày 21/8/2003, Chính Phủ ban hành Nghị định số 97/2003/NĐ – CP về việc thành lập thị xã Long Khánh và các phường, xã trực thuộc thị xã Long Khánh, thành lập các huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Như vậy, hiện nay tỉnh Đồng Nai có tất cả là 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Biên Hoà là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh, thị xã Long Khánh và 9 huyện: Long Thành, Nhơn Thạch, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Trảng Bom.
Khí hậu
Đồng Nai nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm 25 – 270C, nhiệt độ cao nhất khoảng 20,50C, số giờ nắng trong năm 2.500 – 2.700 giờ, độ ẩm trung bình 80 – 82%. Trong năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa tương đối lớn, trung bình năm 1.700 – 1.800 mm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, thời tiết nắng, nóng, độ ẩm thấp, có khi xuống dưới 70%.
Lịch sử
Cuối thế kỷ XVI, vùng đất Đồng Nai vẫn còn hoang dã, chưa được khai phá, người dân bản địa gồm các dân tộc Stiêng, Mạ, Kơ ho, M’nông, Chơ ro và một vài sóc người Khơ me sinh sống. Dân ít, sống thưa thớt, kỹ thuật sản xuất thô sơ, trình độ xã hội còn thấp.
Cuộc chiến tranh của họ Trịnh và họ Nguyễn ở miền Trung và Bắc Việt Nam làm cho dân chúng khổ sở, điêu đứng và tạo ra một làn sóng di cư của người dân miền Thuận Quảng vào Đồng Nai tìm đất sống.
Bản tính cần cù, chịu khó, lưu dân người Việt đã cùng với người bản địa chung sức khai phá đất đai để sản xuất nông nghiệp. Dần dà, rừng rậm hoang vu đã trở thành những cánh đồng lúa và hoa màu tươi tốt.
Năm 1679, nhà Minh ở Trung Quốc sụp đổ, Tổng binh Trần Thượng Xuyên trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm không khuất phục nhà Thanh đã đem 50 chiến thuyền, 3.000 binh lính thân tín và gia quyến đến xin thuần phục chúa Nguyễn ở Thuận Hóa. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã thu nhận họ và cho vào khai khẩn, mở mang vùng đất Đông Phố (Cù lao Phố ngày nay).
Năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai (là cả Nam Bộ bây giờ), đặt vùng đất mới thành phủ Gia Định, chia làm 2 huyện: huyện Phước Long (Đồng Nai) dựng dinh Trấn Biên, huyện Tân Bình (Sài Gòn) dựng dinh Phiên Trấn. Ngoài ra, Nguyễn Hữu Cảnh còn cho lập bộ đinh, bộ điền, chiêu mộ những người có vật lực từ các vùng khác vào lập nghiệp và phát triển kinh tế.
Người Hoa theo Trần Thượng Xuyên đầu tiên định cư ở Bến Gỗ, nhưng thấy Cù lao Phố có vị trí thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán, họ đã quyết định di chuyển đến đây sinh sống. Từ đây, Cù lao Phố phát triển ngày càng phồn thịnh và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định (Nam bộ ngày nay).
Leave a Reply