Thành phố Phan Thiết là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận. Phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), Phía nam giáp biển Đông và huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), phía bắc giáp huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Bắc Bình (Bình Thuận).
Khoảng cách: Phan Thiết nằm trên quốc lộ 1A (chiều dài quốc lộ 1A đi qua là 7 km), cách Thành phố Hồ Chí Minh 198 km về hướng Đông.
Tổ chức hành chính: Phan Thiết được chia thành 18 đơn vị hành chính gồm phường Mũi Né, phường Hàm Tiến, phường Phú Hài, phường Phú Thủy, phường Phú Tài, phường Phú Trinh, phường Xuân An, phường Thanh Hải, phường Bình Hưng, phường Đức Nghĩa, phường Lạc Đạo, phường Đức Thắng, phường Hưng Long, phường Đức Long, xã Phong Nẫm, xã Tiến Lợi, xã Thiện Nghiệp, xã Tiến Thành.
Diện tích: 206 km²
Dân số: Theo thống kê của Cục thống kê tỉnh Bình Thuận năm 2004 dân số của Phan Thiết là 216.578 người. Mật độ dân số là 1.051 người/km² toàn thành phố.
Dân tộc: Dân cư Phan Thiết chủ yếu là người Việt, có một bộ phận người gốc Hoa sinh sống trong trung tâm thành phố.
Tên gọi
Khi chưa có người Việt định cư, tên vùng đất này có nguồn gốc từ tiếng Chăm gọi là “Hamu Lithít” – “Hamu” là xóm ruộng bằng, “Lithít” là ở gần biển. Khi bắt đầu có người Việt định cư, vẫn chưa ai có ý định đặt ngay cho vùng đất này một tên gọi mới bằng tiếng Việt. Vậy mà không biết tự bao giờ, âm cuối “Lithit” lại được gắn liền với âm “Phan” tách từ phiên âm của tên hai vùng Phan Rang, Phan Rí mà thành ra Phan Tiết (tên gọi ngày xưa) và sau này người ta gọi chuẩn với cái tên là Phan Thiết .
Lịch sử
Vùng đất này có tên gọi lâu đời của người Chăm là Ha-mu Li-thit (nghĩa là “xóm Lithit”). Sau khi vương quốc Chămpa sáp nhập vào Đại Việt, chưa ai có ý định đặt ngay cho vùng đất này một tên gọi mới bằng tiếng Việt. Lâu dần, âm cuối “Li-thit” được gắn liền với âm “Phan” mà thành Phan Thiết. Vùng hành chính này xác lập cùng thời gian hình thành tỉnh Bình Thuận ngày nay, nhưng khi ấy nó chưa được xác định địa giới và cấp hành chính gì.
• Phan Thiết thời kỳ mới thành lập
Cuối thế kỷ 17, đạo quân của Chúa Nguyễn do chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh chỉ huy được lệnh tiến sâu vào vùng đất cựcNam. Năm 1693, vượt qua con sông Mai Nương của xứ Pan Ran (Phan Rang) băng theo vùng gió cát ven biển Đông, các toán quân binh lần lượt tiến vào cửa biển Paric (Phan Rí) rồi đến cửa Ba-Giai (Phố Hài). Cuộc hành quân đường bộ dài khoảng 150 kilômét ấy tạm dừng lại ở một dải đất trũng khá rộng nằm dọc theo biển; đây đó nhấp nhô những đòi đất sỏi chen với các đụn cát vàng nối dài.
Một dòng sông từ hướng Tây xanh mờ non núi, chảy về uốn khúc giữa lòng thung lũng rộng mở nối xuôi thẳng ra vùng sóng nước mênh mông. Hai bên bờ sông mọc đầy những cụm bần, mấm cạnh các khe lạch lớn nhỏ, rải rác đây đó là đầm ao chen giữa lau sậy um tùm. Được biết nơi đây có tên gọi lâu đời của người Chăm là Ha-mu LITHIT (xóm có tên là LITHIT). Mặc dù sớm có mặt vài nhóm cư dân bản địa cất chòi, dựng trại làm rẫy và đánh cá, toàn vùng vẫn chưa được khai phá mấy, cảnh vật còn rất hoang sơ.
Ngoài mấy ngôi tháp cổ kính màu đỏ gạch nung trơ vơ trên một ngọn đồi về hướng Đông Bắc, các xóm nhà còn lại chẳng có gì đáng kể, đất đai đậm nét nghèo nàn. Trong khi đó, sự trù phú của biển bày ra trước mắt với cảnh sớm sớm mặt nước chao động mạnh bởi chớn sóng của các đàn cá mòi dày đặc nổi gần bờ, hay ngoài xa kia, từng bầy cá voi với thân hình bóng loáng đang chập chờn phun cao vòi nước…
Lúc đầu, chưa ai có ý định đặt ngay cho vùng đất này một tên gọi mới bằng tiếng Việt. Vậy mà không biết bao giờ, cái âm cuối của địa danh Chăm LITHIT lại được gắn liền với âm “PHAN” tách từ phiên âm của tên hai vùng Phan Rang, Phan Rí mà thành ra Phan Thiết. Dù chẳng mang ý nghĩa gì đặc biệt, cái tên mới Phan Thiết nghe cũng khá thuận miệng với mọi người.
• Buổi đầu hình thành Phan Thiết
Như sử sách đã nêu, vùng đất có tên Phan Thiết mở ra cùng một thời gian hình thành tỉnh Bình Thuận. Nhưng đáng nói là qua nhiều năm, Phan Thiết vẫn chưa xác định thuộc đơn vị hành chánh cấp gì, đặc biệt cũng chưa nói rõ địa giới của nó tới đâu. Phải đợi đến khi Bình Thuận từ một Trấn đổi thành Phủ năm 1697 rồi sau đó đặt làm Dinh, thì Phan Thiết mới chính thức được công nhận là một Đạo (cùng một lượt với các Đạo Phan Rang, Phố Hài, MaLy vùng Tam Tân Lagi). Đạo là cấp hành chính dưới Dinh và trực thuộc Dinh về mọi mặt, mặc dù đứng đầu nó có hai viên quan văn, võ lo việc cai trị. Nhưng Đạo không được coi tương đương với cấp huyện và càng không thể sánh với Đạo được lập ra sau này là một tỉnh nhỏ.
Dưới thời phong kiến, bộ máy hành chính của tỉnh Bình Thuận thường không ổn định được lâu. Đạo Phan Thiết lập nhưng chẳng có văn bản nào chỉ rõ nó quản lý trên phạm vi gồm bao nhiêu thôn, xã. Chỉ biết 128 năm sau năm 1825 vào thời Minh Mạng, Đạo Phan Thiết được giảm bỏ, và ruộng đất này cho nhập vào huyện (năm 1854 vào thời Tự Đức, huyện này là huyện Tuy Lý) thuộc phủ Hàm Thuận từ khi Bình Thuận chính thức cải thành tỉnh.
Dù vậy, trải qua bao nhiêu năm, Phan Thiết vẫn được mọi người từ trong Nam ra ngoài Bắc vào đều nhắc tới là chốn thị tứ quen thuộc, sầm uất ở cuối miền Trung. Và cũng không mấy ai quên nơi đây trước kia là một nơi thường diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa các lực lượng quân Nguyễn và quân Tây Sơn kéo dài từ năm 1773 đến năm 1801. Sức người, sức của của vùng duyên hải trù phú này đã bị vơ vét, chiếm đoạt tận cùng để phục vụ cho cuộc nội chiến. Tiếp đến vào giữa thế kỷ XIX khi giặc Pháp đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định năm 1859 thì từ đó Phan Thiết trở thành nơi lui tới, tụ họp thường xuyên của các phần tử yêu nước chống Pháp xâm lược ở Nam Bộ.
Hâu quả chiến tranh tàn phá nặng nề khiến nhà thơ Nguyễn Thông mấy mươi năm sau về sống ở Phan Thiết đã ngậm ngùi nhìn cảnh đất này bằng mấy câu thơ:
” Địa kinh nhưng mã nhân yên thiểu
Tuế khốn chinh thâu vật lực cùng”
(Tạm dịch là: Đất đai trải qua chiến tranh, người ở thưa thớt, hàng năm khổ sở về sưu thuế, của cải cùng kiệt).
Năm Minh Mạng thứ XVII năm 1836, Thị Lang Bộ Hộ là Đào Tri Phủ được cử làm việc khám đạc, lập địa bạ tỉnh Bình Thuận để chuẩn định và tiến hành đánh thuế. Trong số trên 307 xã, thôn thuộc hai phủ, bốn huyện và mười lăm tổng của tỉnh Bình Thuận, đo đạc xong ước tính có khoảng chín địa điểm năm trong khu vực được coi là vùng Phan Thiết thuộc tổng Đức Thắng. Bên hữu ngạn sông, đó là các xã Đức Thắng, Nhuận Đức, Lạc Đạo và các thôn Thành Đức, Tú Long. Bên tả ngạn là xã Trinh Tường và các thôn Long Khê, Long Bình, Minh Long.
Qua nhiều lần thay đổi các đơn vị hành chính, một số thôn nhỏ sáp nhập thành làng lớn, có những địa danh cũ biến mất hẳn, không tiện tra cứu sau này, như Minh Long, Long Bình (thuộc địa phận Bình Hưng hiện nay) hay Long Khê (thuộc địa phận Phú Trinh). Một số thôn, xã khác cùng Tổng Đức Thắng nh Phú Tài, Phú Hội, Xuân Phong, Đại Nẫm thì được xem là ngoại vi của Phan Thiết. Vào thời đó, một số địa danh quen thuộc ở khu vực Phố Hài như Tân Phú, An Hải, An Hoà, Tú Lâm, Sơn Thủy, Thiện Chính, Ngọc Lâm… thì thuộc về Tổng Hoa An (sau đổi lại là Lại An) của huyện Tuy Định. Xa hơn nữa về phía Đông Phan Thiết, một số thôn xã dọc bờ biển như Khánh Thiện, Thạch Long, Long Sơn (nay thuộc khu vực Rạng – Mũi Né) lại thuộc một Tổng khác, Tổng Vĩnh An của huyện Hoà Đa.
Cuối thế kỷ XVIII, một cây cầu gỗ dài 41 trượng (khoảng 164 mét) bắc qua sông Phan Thiết, cách biển trên một dặm (khoảng nửa kilômét), nối liền con đường cái quan. Cầu có tên Thắng Kiều do một trăm dân đinh ở xã Đức Thắng được tha bắt lính và đóng thuế để dựng nên. Từ năm 1809 vào thời Gia Long, đường cái quan được tu bổ, mở rộng có quân xá và trạm dịch chuyển công văn từ trong ra ngoài. Đoạn ngang qua đồng bằng Phan Thiết rộng tới 40 – 50 kilômét với gần 6 kilômét qua toàn ruộng muối đến Phố Hài, là khu vực sầm uất nằm giữa hai trạm Thuận Lý và Thuận Phan. Phía tả ngạn sông lúc đó có phủ trị Hàm Thuận đóng, hai bờ sông đều nhóm họp chợ sớm chiều. Nhìn đâu đâu cũng người qua kẻ lại dập dìu, trên bờ cửa nhà chen chúc còn dưới bến thì tấp nập ghe thuyền. Đi xa trên 15 kilômét nữa, gặp trạm Thuận Tỉnh (nằm trong khu vực Rạng – Mũi Né) đóng giữa một làng đánh cá trù phú có tới 400 nóc nhà ngói.
Bằng đường biển, người ta đã dùng mấy chục chiếc ghe bầu chuyên chở nhiều sản phẩm hàng hoá của ruộng đồng, rừng núi, sông biển Bình Thuận vào Sài Gòn – Gia Định và đến tậnSingaporebuôn bán. Đó là muối, cá mặn, nước mắm, bông vải, đậu phộng, heo sống, da thú các loại… và các thứ quý hiếm như ngà voi, sừng tê giác, trầm hương… Kết hợp những chuyến hàng bán ra nước ngoài, ghe thuyền trở về không quên mua sắm các món vũ khí, súng đạn để phòng thủ đất nước chống ngoại xâm, nhất là khi giặc Pháp rục rịch xuất hiện. Cho nên không phải ngẫu nhiên vào thời kỳ đó, đã có nhận định rằng Phan Thiết và Phố Hài là hai cửa khẩu quan trọng bậc nhất trên tuyến từNamĐịnh vào Sài Gòn.
Tuy vậy, mài đến gần cuối thế kỷ XIX, Phan Thiết vẫn chưa được công nhận chính thức là một đơn vị hành chính của tỉnh Bình Thuận. Có lẽ sẽ lợi nhiều hơn cho việc hình thành và phát triển của Phan Thiết nếu ngay từ năm 1835, vua Minh Mạng chịu chấp nhận đề nghị của tuần vũ Dương Văn Phong cho chuyển tỉnh thành Bình Thuận lập từ thời Gia Long ở gần Phan Rí (huyện Hoà Đa) về đóng ở địa phận Phú Tài – Đại Nẫm, huyện Hàm Thuận. Phải đợi đến hơn 60 năm sau, tức là vào năm Thành Thái thứ muời (năm 1898), tỉnh lỵ Bình Thuận mới đổi chỗ, đặt tại làng Phú Tài ở ngoại vi Phan Thiết. Phan Thiết từ lâu vốn được dư luận xa gần coi là một châu thành, thì nay mới chính thức đặt thành thị xã (centre urban), tỉnh lỵ của Bình Thuận sau khi có đạo dụ của vua Thành Thái ra ngày 20-10-1898 (cùng một ngày thành lập các thị xã Thanh Hoá, Vinh, Huế, Hội An, Quy Nhơn).
• Phan Thiết dưới thời Pháp thuộc
Bộ máy thống trị của Pháp ở Bình Thuận do một tên công sứ (résident) đứng đầu cùng cơ quan làm việc – gọi tắt là “toà sứ” – đặt thường trực tại Phan Thiết. Công việc đầu tiên mà bọn cầm quyền Pháp phải làm là sắp xếp lại thị xã Phan Thiết. Vì bước sang đầu thế k XX – mãi đến năm 1905 – thị xã này vẫn chưa xác định rõ ranh giới.
Theo Nghị định số 4-11-1910 của toàn quyền A.Klobukowski, Phan Thiết bao gồm 16 làng xã. Cụ thể bên hữu ngạn sông có: Đức Thắng, Thành Đức, Nhuận Đức, Nam Nghĩa, Lạc Đạo, Tú Long; bên tả ngạn sông có: Long Khê, Phú Trinh, Trinh Tường, Đảng Bình, Quảng Bình, Thiện Mỹ, Thiện Chánh, Xuân Hoà, An Hải, Sơn Thuỷ (năm làng sau trước đây thuộc khu vực Phố Hài). Nay có thêm mấy địa danh mới như Nam Nghĩa, Quảng Bình là do số dân Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Quảng Bình di cư vào Phan Thiết ngày càng đông, hình thành các vạn, hộ trên địa bàn làng Thành Đức và làng Long Bình. Và do sự điều chỉnh, sáp nhập mới nên có vài tên làng rất xưa như Long Bình, Minh Long không tồn tại nữa. Tuy vậy cũng chưa ổn, vì chỉ tám năm sau, theo Quyết định ngày 6-1-1918 của Khâm Sứ Trung Kỳ Charles thì Phú Hài (tên gọi mới của Phố Hài) phải tách ra khỏi Phan Thiết để nhập về tổng Lại An của huyện Hàm Thuận.
Bộ máy chính quyền ở Phan Thiết được quy định: đứng đầu là viên công sứ Pháp ở Bình Thuận kiêm chức đốc lý (résident-maire) vừa là Chủ tịch Ủy ban thành phố (conmission municipale), Phó Chủ tịch Ủy ban là viên tuần vũ; các ủy viên do Khâm Sứ Trung Kỳ chọn; và Ủy ban chỉ có chức năng tư vấn. Bên dưới có một bang tá trực tiếp làm việc với quan Đốc lý Pháp và quan tỉnh củaNamtriều. Mỗi phường có một phường trưởng thuộc quyền của bang tá. Ngoài phường trưởng còn có các hương chức khác thừa hành công vụ như của các làng xã ở phủ, huyện.
Thị xã Phan Thiết hình thành, những dãy nhà gạch, nhà lầu mọc lên thay dần các xóm nhà mái thấp, chen chúc ở các ngõ hẻm. Mọi việc mà nhà cầm quyền Pháp không thể không quan tâm trong chương trình chỉnh trang thị xã là đặt tên đường. Việc này mãi đến năm 1934 mới sắp xếp xong tên 42 con đường và giữ nguyên cho đến tháng 8/1945. Xen với tên những tên trùm thực dân phản động và bọn vua quan thối nát là những con đường mang tên các nhà trí thức Pháp nổi tiếng như Pasteur, Rousseau, Carnot…, những con đường hướng dẫn nơi cần biết như đường liên Tỉnh đường (Rue de la Citadelle) đường ra bãi Thương Chánh (Rue de la plage), đường đến nhà thương (Rue de l’ Hôpital), đường ra ga xe lửa (Avenue de la Ga ra)… Điều thú vị là Phan Thiết có một số tên đường bằng tiếng Pháp đặc trưng cho sinh hoạt nghề nghiệp như đường Ghe thuyền (Rue des Barques), đường Dân chài (Rue lesPêcheurs), đường Lưới (Rue desFlets), đường Tĩn (Rue des Jarres), bến Nước mắm (Quai de la Saumure), bến Thợ mộc (Quai des Charpentiers) và một số đường khác ghi theo tiếng Việt đặc trưng cho một phố biển giàu hải sản: Rue de cá Đỏ dạ, Rue de cá Nục, Rue de cá Mòi, Rue de cá Cơm. Một con đường khác chạy dọc bờ biển từ Đức Thắng đến Lạc Đạo được gọi là bến Ngoạn mục (Quai de Belle – vue), xưa kia nơi đây là một bãi cát trắng phau, không có nhà cửa, phóng tầm mắt nhìn cảnh trời mây nước trong xanh rất đẹp.
Vào thời ấy, Phan Thiết có số dân chừng 25.000 người (trong tổng số trên 10 vạn dân của Bình Thuận). Bên cạnh đại đa số người Việt, có khoảng trên 700 Hoa Kiều và Minh Hương, 60 người Âu và một số ít người Ấn..
• Và Phan Thiết hôm nay
Thành phố Phan Thiết là một Tỉnh lỵ của tỉnh Bình Thuận, là một thành phố trẻ rất năng động với tốc độ phát triển rất cao, cách thành phố Hồ Chí Minh 198 km và nằm ở phía Nam của Vịnh Cam Ranh là khu vực cuối cùng của miền Trung, nay thuộc miền Đông Nam Bộ.
Ngày nay, Phan Thiết đang từng bước vươn lên để xứng đáng là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh nhà.