Du lịch bụi Khánh Hòa

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, phía Bắc giáp với tỉnh Phú Yên, phía Tây Bắc giáp với tỉnh Đắk Lắk, phía Tây Nam giáp với tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp với tỉnh Ninh Thuận và giáp Biển Đông phía Đông; có mũi Hòn Ðôi trên bán đảo Hòn Gốm huyện Vạn Ninh, là điểm cực Ðông trên đất liền của nước ta.

Mã vùng điện thoại: 058

Biển số xe: 79

Tổ chức hành chính: Khánh Hòa hiện nay bao gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Nha Trang và Cam Ranh), 1 thị xã (Ninh Hòa) và 6 huyện (Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm và huyện đảo Trường Sa).

Khí hậu
Khánh Hòa là một tỉnh ở vùng duyên hải cực Nam Trung Bộ, nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới xavan. Song khí hậu Khánh Hòa có những nét biến dạng độc đáo với các đặc điểm riêng biệt. So với các tỉnh, thành phía Bắc từ đèo Cả trở ra và phía Nam từ Ghềnh Đá Bạc trở vào, khí hậu ở Khánh Hòa tương đối ôn hòa hơn do mang tính chất của khí hậu đại dương. Thường chỉ có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa ngắn, từ khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 12 dương lịch, tập trung vào 2 tháng 10 và tháng 11, lượng mưa thường chiếm trên 50% lượng mưa trong năm. Những tháng còn lại là mùa nắng, trung bình hàng năm có tới 2.600 giờ nắng. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Khánh Hòa cao khoảng 26,7 °C.
Khánh Hòa là vùng ít gió bão, tần số bão đổ bộ vào Khánh Hòa thấp chỉ có khoảng 0,82 cơn bão/năm so với 3,74 cơn bão/năm đổ bộ vào bờ biển Việt Nam.

Diện tích
Diện tích tự nhiên của Khánh Hòa, cả trên đất liền và hơn 200 đảo và quần đảo là 5.197 km2. Bờ biển dài 385 km với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, nhiều đảo và vùng biển rộng lớn. Ðặc biệt, Khánh Hòa có Trường Sa là huyện đảo, nơi có vị trí kinh tế, an ninh quốc phòng trọng yếu.

Dân số: Dân số Khánh Hòa (theo số liệu đến ngày 1-4-2011) là 1.174.848 người.

Dân tộc: Khánh Hòa là nơi tập trung sinh sống của 32 dân tộc anh em (Kinh, Raglai, Hoa, Ê-đê, Cơ-ho, một nhóm nhỏ dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, Chăm, Khmer, Thổ…).

Lịch sử
Khánh Hòa là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, tại đây đã từng tồn tại một nền văn hóa Xóm Cồn, có niên đại lâu trước cả văn minh Sa Huỳnh. Những di tích văn hóa – lịch sử, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng… góp phần vẽ nên bức tranh văn hóa vật thể hoành tráng trên vùng đất Khánh Hòa xinh đẹp, hùng vĩ, thơ mộng và giàu tiềm năng này.
• Thời tiền sử và Vương quốc Chăm Pa
Các tư liệu khảo cổ học khẳng định rằng ngay từ thời tiền sử, con người đã sinh sống ở Khánh Hòa. Ở Hòn Tre trong vịnh Nha Trang các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều công cụ bằng đá của một nền nông nghiệp dùng cuốc. Với việc phát hiện ra bộ đàn đá Khánh Sơn vào tháng 2 năm 1979 tại huyện Khánh Sơn, cho thấy chủ nhân của bộ đàn đá này đã sinh sống ở đây khoảng giữa thiên niên kỷ 1 trước công nguyên.
Các di chỉ đã phát hiện của nền văn hóa Xóm Cồn (Ba Ngòi, Cam Ranh) cho phép khẳng định nền văn hóa thời đại đồ sắt ở Khánh Hòa có niên đại khoảng gần 4000 năm và phát triển sớm hơn văn hóa Sa Huỳnh. Nằm trong địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh, Khánh Hòa có nhiều di chỉ khảo cổ học về nền văn hóa này như: Diên Sơn, Bình Tân, Hòn Tre, Ninh Thân.
Vào đầu Công Nguyên, một bộ phận trong bộ tộc Cau (Kranukavamsa) – một trong hai bộ tộc lớn của người Chăm Pa thời bấy giờ – đã thành lập nên một tiểu quốc và được đặt tên là Tiểu quốc Nam Chăm (bia ký ghi là Panrăn hay Panduranga). Tiểu quốc này gồm hai xứ là Panrăn (khu vực ngày nay là Phan Rang, Phan Thiết) và Kauthara (khu vực Khánh Hòa ngày nay). Đối địch với Tiểu quốc Nam Chăm là Tiểu quốc Bắc Chăm ở khu vực thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay.
Sau đó, trải qua nhiều thế kỷ nội chiến liên miên, vương quốc Chăm Pa được thành lập trên cơ sở sự thống nhất của hai xứ Nam Chăm và Bắc Chăm. Đến thế kỷ 8, Nam Chăm chiếm ưu thế dẫn đến sự ra đời của vương triều Panduranga (Hoàn Vương Quốc), vùng Kauthara từ đó phát triển đến mức cực thịnh với những khu đền tháp to lớn và linh thiêng mà tiêu biểu là ngôi đền Po Nagar thờ vị nữ thần mẹ xứ sở Yang Pô Y Na Gar. Đến nay, vẫn còn tồn tại nhiều bia ký ghi bằng tiếng Phạn và tiếng Chăm cổ rải rác trên khắp Khánh Hòa.
• Sự hình thành vùng đất Khánh Hòa từ năm 1653 đến tháng 8 năm 1945
Theo các nguồn tài liệu trong các bộ sử nước ta, vào mùa xuân năm Quý Tỵ 1653, trong tiến trình mở rộng cương giới tổ quốc Đại Việt (nay là Việt Nam), theo lệnh Chúa Nguyễn Phúc Tần, quan cai cơ Hùng Lộc đã lấy vùng đất từ bờ bắc sông Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận ngày nay) ra đến núi Đá Bia – Đèo Cả (ranh giới giữ hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa ngày nay).
Chúa Nguyễn Phúc Tần đã đặt dinh Thái Khang gồm hai phủ là phủ Thái Khang gồm các huyện Tân Định, Quảng Phước ở phía Bắc (thị xã Ninh Hòa và Vạn Ninh ngày nay) và phủ Diên Ninh gồm các huyện Phước Diên, Hoa Châu, Vĩnh Xương ở phía Nam (các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, thành phố Cam Ranh, thành phố Nha Trang và một phần phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận ngày nay), giao cho Hùng Lộc làm thái thú.
Như vậy, với việc đặt dinh Thái Khang và phân chia các đơn vị hành chính, chúa Nguyễn đã đưa vùng đất Khánh Hòa ngày nay hội nhập vào lãnh thổ Ðại Việt. Sự kiện lịch sử này được coi là mốc thời gian mở đầu cho sự hình thành địa phận hành chính tỉnh Khánh Hòa ngày nay.
Từ đó, công cuộc khai khẩn lập làng của người Việt ngày càng được đẩy mạnh. Dân cư sống tập trung tại các hạ lưu sông Dinh và sông Cái.
Đến năm Canh Ngọ 1690, thuộc đời chúa Nguyễn Phúc Trăn, phủ Thái Khang được đổi tên thành phủ Bình Khang và lấy luốn tên gọi dinh Bình Khang.
Năm Nhâm Tuất 1742, thuộc đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, phủ Diên Ninh đổi thành phủ Diên Khánh.
Năm Giáp Tý 1744, nền tổ chức hành chính nhà Nguyễn ở đàng Trong được sắp xếp lại, đúc ấn quốc vương, phủ chúa gọi là điện, truy tôn vương hiệu các đời chúa, đổi các cơ quan trực thuộc phủ chúa làm lục bộ, chia lãnh thổ đàng Trong (Từ sông Gianh ở Quảng Bình đến Cà Mau) làm 12 dinh, trong đó có dinh Bình Khang bao gồm hai phủ Bình Khang và Diên Khánh trông coi 5 huyện Quảng Phước, Tân Định, Phước Điền, Vĩnh Xương, Hoa Châu.
Vào năm 1771, ba anh em nhà Tây Sơn dấy binh đánh Chúa Nguyễn. Chỉ ba năm sau, Quân Tây Sơn đã kiểm soát vùng đất kéo dài từ Quy Nhơn đến Bình Thuận. Sau đó, tướng nhà Nguyễn là Tống Phúc Hạp kéo quân ra đánh lấy lại được Dinh Bình Thuận và Phủ Diên Khánh nhưng rồi lại bị Nguyễn Huệ đem quân đánh lấy lại được hai vùng trên.
Tháng 7 năm 1793, Định Vương Nguyễn Phúc Ánh thân chinh thống lĩnh đại binh thủy, bộ từ Gia Định kéo ra Nha Trang. Từ Nha Trang tấn công lên Diên Khánh. Quân Tây Sơn không cầm cự nổi phải bỏ Diên Khánh và Bình Khang. Nguyễn Ánh sai người xây thành Diên Khánh, lập xưởng đóng thuyền. Sau đó, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu còn hai lần đem quân vào đánh nữa vào các năm 1794, 1795 nhưng đều không thành.
Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Năm 1803, Dinh Bình Khang được đổi tên thành Dinh Bình Hòa, phủ Bình Khang cũng được đổi tên thành phủ Bình Hòa nhưng sở lỵ đã được chuyển từ đây sang phủ Diên Khánh (Thành Diên Khánh ngày nay).
Năm Gia Long thứ 7 (1808), triều Nguyễn tiến hành một cuộc cải cách hành chính lần đầu trên quy mô toàn quốc. Các dinh được đổi thành trấn. Đến năm 1831 (năm Minh Mạng thứ 12), trấn Bình Hòa được đổi tên thành tỉnh Khánh Hòa, còn phủ Bình Hòa trở thành phủ Ninh Hòa. Vào thời điểm đó, tỉnh Khánh Hòa gồm 2 phủ, 4 huyện là: Phủ Diên Khánh gồm 2 huyện: Phước Ðiền, Vĩnh Xương; Phủ Ninh Hòa gồm 2 huyện: Quảng Phước và Tân Ðịnh, tỉnh lỵ là Phủ Diên Khánh.
Trong các đời vua Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848 – 1883) nền tổ chức hành chính Khánh Hòa không có gì thay đổi lớn.
• Khánh Hòa từ năm 1885 đến tháng 8 năm 1945
Mùa thu Ất Dậu 1885, thực dân Pháp đánh chiếm Khánh Hòa. Từ đây cho đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới chính quyền thực dân và phong kiến, địa giới và tổ chức hành chính có những thay đổi.
Năm Mậu Tý 1888, vua Đồng Khánh nhập vùng đất huyện An Phước, phủ Ninh Thuận của tỉnh Bình Thuận và 7 xã của huyện Tuy Phong, 2 tổng của huyện Hòa Đa sáp nhập vào huyện Vĩnh Xương. Địa giới tỉnh Khánh Hòa được mở rộng thêm.
Năm 1901, khi phủ Ninh Thuận được đặt thành đạo Ninh Thuận thì các phần đất cắt nói trên đây được trả về Ninh Thuận. Từ đây, tỉnh Khánh Hòa có 2 phủ và 4 huyện. Phủ Diên Khánh gồm 2 huyện Phước Điền quản lý 5 tổng với 38 xã, thôn; huyện Vĩnh Xương quản lý 4 tổng với 45 xã thôn. Phủ Ninh Hòa gồm 2 huyện: Quảng Phước quản lý 6 tổng với 83 xã thôn và huyện Tân Định quản lý 3 tổng với 73 xã thôn.
Dưới thời vua Duy Tân (1907 – 1916) cắt một phần đất huyện Vĩnh Xương thành lập huyện Cam Lâm và bỏ huyện Phước Điền giao cho phủ Diên Khánh quản lý, bỏ huyện Quảng Phước giao cho phủ Ninh Hòa quản lý. Như vậy, tỉnh Khánh Hòa còn 2 phủ, 3 huyện là Cam Lâm, Vĩnh Xương và Tân Định.
Ngày 19-01-1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định giải thể Trung tâm hành chính Củng Sơn của tỉnh Phú Yên được thành lập bởi nghị định ngày 15-2-1900. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số này cùng với vùng M’Deak (tỉnh Đắc Lắc) được nhập vào tỉnh Khánh Hòa. Đến năm 1923, tỉnh Đắc Lắc được thành lập, phần đất vừa nói lại được tách ra khỏi tỉnh Khánh Hòa, giao cho tỉnh Đắc Lắc quản lý.
Năm 1924, nhận thấy vị trí Nha Trang ngày càng trở nên quan trọng, nhiều dân cư tập trung buôn bán. Trong tương lai có thể phát triển thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, vua Khải Định ban hành dụ ngày 11-6-1924 được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y bằng Nghị định ngày 30-6-1924, thiết lập thị trấn Nha Trang. Lúc mới hình thành thị trấn, Nha Trang có 4 làng: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài. Tại đây có đóng các cơ quan cai trị của thực dân Pháp như: tòa công sứ, tòa giám binh và một số cơ quan khác. Riêng cơ quan cai trị Nam triều như: tuần vũ, án sát, lãnh binh vẫn đóng tại Thành Diên Khánh.
Tháng 10 năm 1931, sau khi quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) hoàn thành nối liền huyện Tân Định với Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), huyện Tân Định trở nên phồn thịnh, có vị trí quan trọng, chính quyền thực dân Pháp quyết định đổi tên huyện Tân Định thành phủ Ninh Hòa (tức thị xã Ninh Hòa ngày nay), phần đất còn lại đổi thành huyện Vạn Ninh. Tên địa danh Vạn Ninh có từ đây.
Ngày 8-6-1939, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định thành lập Địa lý hành chính Ba Ngòi.
Ngày 15-3-1944, vua Bảo Đại ban hành dụ số 9 được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y bởi Nghị định ngày 22-6-1944 chuyển thị trấn Nha Trang lên thị xã. Thị xã Nha Trang có 5 phường: Xương Huân (phường đệ nhất), Phương Câu (phường đệ nhị), Vạn Thạnh (phường đệ tam), Phương Sài (phường đệ tứ), Phước Hải (phường đệ ngũ).
• Khánh Hòa từ 1945 đến nay
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, giao tỉnh Khánh Hòa cho các quan Nam triều quản lý, cơ quan hành chính của tỉnh dời xuống Nha Trang. Từ đó, Nha Trang chính thức trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa.
Mùa thu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Khánh Hòa thuộc về chính quyền cách mạng của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, hết thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ trở lại đánh chiếm Khánh Hòa. Nhân dân Khánh Hòa đứng lên chống Pháp, chống Mỹ ròng rã hơn 30 năm. Trong suốt chặng đường đó, địa lý hành chính tỉnh Khánh Hòa có những thay đổi để phù hợp với tình hình…
Năm 1955, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, tỉnh Khánh Hòa cũng được tổ chức lại trên mọi phương diện. Các phủ huyện đổi thành quận. Các làng đổi thành xã. Tháng 5 năm 1959, hai tổng Krang Ying và Krang Hinh thuộc tỉnh Đắk Lắk được sáp nhập vào tỉnh Khánh Hòa và lập thành quận Khánh Dương. Tháng 4 năm 1960, 12 thôn Thượng thuộc quận Cam Lâm được trích ra khỏi Khánh Hòa để nhập vào quận Du Long, tỉnh Ninh Thuận. Tháng 10 năm 1965, một phần đất quận Cam Lâm ở phía Nam bị cắt để thiết lập thị xã Cam Ranh trực thuộc Trung ương (khu đặc biệt Cam Ranh).
Ngày 1,2,3 tháng 4 năm 1975, quân giải phóng miền Nam Việt Nam lần lượt tiếp quản Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Việc chuyển giao chính quyền diễn ra trong hòa bình vì hầu hết quân đội Việt Nam Cộng hòa đã rút hết về phòng tuyến Phan Rang.
Sau đại thắng mùa xuân 1975, tháng 11-1975, hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh. Vào năm 1977, thị xã Nha Trang được nâng cấp thành thành phố Nha Trang, thị xã Cam Ranh nhập lại vào huyện Cam Lâm trở thành huyện Cam Ranh.
Ngày 28-12-1982, Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ 4 đã quyết định sáp nhập huyện đảo Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh. Vào ngày 30 tháng 6 năm 1989, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII (kỳ họp thứ năm) lại chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Ngày 22-4-1999, thành phố Nha Trang được công nhận là đô thị loại II thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 7-7-2000, huyện Cam Ranh được nâng lên thành thị xã Cam Ranh.
Ngày 11-4-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số huyện, thị xã, xã, phường thuộc tỉnh Khánh Hòa để thành lập huyện mới Cam Lâm và một số xã, thị trấn mới. Tại huyện Trường Sa, thành lập thị trấn Trường Sa trên cơ sở đảo Trường Sa Lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận; thành lập xã Song Tử Tây trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo, đá, bãi phụ cận; thành lập xã Sinh Tồn trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ cận.
Ngày 22-4-2009, thành phố Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 26-10-2010, Chính phủ ra quyết định thành lập thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở toàn bộ 119.777 ha diện tích tự nhiên và 233.558 nhân khẩu của huyện Ninh Hòa cũ.
Ngày 23-12-2010, thị xã Cam Ranh được chính thức công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Về tổ chức hành chính hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có 2 thành phố là Nha Trang, Cam Ranh, 1 thị xã Ninh Hòa và 6 huyện: Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm, Vạn Ninh và huyện đảo Trường Sa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *