Thành phố Đà Nẵng nằm ở miền Trung Việt Nam với khoảng cách gần như chia đều giữa thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Phía Bắc giáp Thừa Thiên Huế, Nam và Tây giáp Quảng Nam. Phía Đông giáp biển Đông.
Mã vùng điện thoại: 0511
Biển số xe: 43
Tổ chức hành chính: Thành phố Đà Nẵng – đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương – bao gồm 6 quận nội thành, 1 huyện ngoại thành và 1 huyện đảo.
Quận Hải Châu là quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng, là trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ của thành phố, tập trung đông dân cư và là nơi đặt các cơ quan Nhà nước, văn phòng các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; quận Hải Châu có một tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển của thành phố Đà Nẵng về tất cả mọi mặt.
Quận Thanh Khê, với mật độ dân số 17.126 người/km2 là quận có diện tích nhỏ nhất của thành phố. Hiện tại là đầu mối giao thông liên vùng và quốc tế của thành phố Đà Nẵng. Đây là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển thương mại, dịch vụ, giao thông vận tải và kinh tế biển.
Quận Sơn Trà, với vị trí khá đặc biệt, phía Đông là bờ biển dài, đẹp với nhiều bãi san hô lớn; phía Tây giáp với Sông Hàn; phía Bắc là Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Cảng biển Tiên Sa đã mang lại cho quận một lợi thế rất lớn trong phát triển du lịch dựa trên du lịch sinh thái và du lịch biển. Là điểm cuối cùng ra biển của hành lang kinh tế Đông Tây, quận Sơn Trà có lợi thế rất lớn trong phát triển thương mại và du lịch.
Quận Ngũ Hành Sơn, nằm trên 2 tuyến đường giao thông chính giữa thành phố Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An (đường Ngũ Hành Sơn – Lê Văn Hiến và đường Sơn Trà – Điện Ngọc) với danh thắng Ngũ Hành Sơn và các bãi biển tuyệt đẹp, đây là nơi lý tưởng để xây dựng các khu du lịch, các khách sạn cao cấp. Trong tương lai, Làng Đại học Đà Nẵng sẽ được xây dựng trên địa bàn quận với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Quận Liên Chiểu, ngăn cách với tỉnh Thừa Thiên – Huế bởi Đèo Hải Vân – nơi được mệnh danh là Thiên hạ Đệ nhất hùng quan. Nằm ven theo vịnh Đà Nẵng, với quốc lộ 1A đi ngang qua và đặc biệt là đầu cửa phía Nam của hầm đường bộ qua đèo Hải Vân; đây là địa phương có điều kiện thuận lợi nhất về giao thông vận tải của thành phố trong tương lai khi Bến xe trung tâm, Nhà ga xe lửa, cảng biển Liên Chiểu và các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ đều nằm trên địa bàn quận. Đây còn là nơi có các khu công nghiệp tập trung lớn của thành phố Đà Nẵng như Khu Công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Liên Chiểu.
Quận Cẩm Lệ là một quận mới trên địa bàn thành phố, được thành lập vào ngày 29/8/2005 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa Phát, Hòa An, Hòa Xuân thuộc huyện Hòa Vang, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Khuê Trung thuộc quận Hải Châu với tổng diện tích tự nhiên là 3.330ha và 71.429 nhân khẩu.
Huyện Hòa Vang, là huyện ngoại thành duy nhất của thành phố Đà Nẵng. Các tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Quốc lộ 14B đều chạy qua địa bàn huyện, tạo điều kiện rất tốt để cho huyện phát triển. Với quỹ đất ngày càng khan hiếm, các xã giáp với các quận của huyện Hòa Vang là nơi thích hợp nhất để hình thành nên các đô thị mới.
Nền nông nghiệp đang chuyển dần sang sản xuất hàng hóa với các sản phẩm có chất lượng cao, giá trị thương mại lớn. Với các làng đồng bào dân tộc Cơtu, các khu du lịch nổi tiếng như Bà Nà – Suối Mơ, các hồ Hòa trung, Đồng Nghệ, các dòng sông đẹp… huyện Hòa Vang còn có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển du lịch sinh thái và văn hóa. Đặc biệt, với trên 60% diện tích là rừng núi, ngoài nhiệm vụ là lá phổi của thành phố Đà Nẵng, Hòa Vang còn là bức bình phong bảo vệ thành phố Đà Nẵng khỏi sự tàn phá của thiên nhiên.
Huyện đảo Hoàng Sa là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km), bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đảo Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, Đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, Cồn Bông Bay, Cồn Quan Sát, Cồn Cát Tây, Đá Chim Yến, Đá Tháp.
Diện tích: 1.285,4 km²
Dân số: Dân số Đà Nẵng năm 2011 là 951.700 người. Mật độ: 740 người/km².
Khí hậu
Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 25,90C; cao nhất vào các tháng 6, 7, 8, trung bình từ 28-300C; thấp nhất vào các tháng 12, 1, 2, trung bình từ 18-230C. Riêng vùng rừng núi Bà Nà ở độ cao gần 1.500m, nhiệt độ trung bình khoảng 200C.
Độ ẩm không khí trung bình là 83,4%; cao nhất vào các tháng 10, 11, trung bình từ 85,67 – 87,67%; thấp nhất vào các tháng 6, 7, trung bình từ 76,67 – 77,33%.
Lượng mưa trung bình hàng năm là 2.504,57 mm/năm; lượng mưa cao nhất vào các tháng 10, 11, trung bình từ 550 – 1.000 mm/tháng; thấp nhất vào các tháng 1, 2, 3, 4, trung bình từ 23-40 mm/tháng.
Số giờ nắng bình quân trong năm là 2.156,2 giờ; nhiều nhất là vào tháng 5, 6, trung bình từ 234 đến 277 giờ/tháng; ít nhất là vào tháng 11, 12, trung bình từ 69 đến 165 giờ/tháng.
Tên gọi
Đà Nẵng trong lịch sử có những tên gọi khác. Vì nằm ở cửa sông Hàn nên còn được gọi là Cửa Hàn. Người Pháp gọi Đà Nẵng là Tourane vì đọc nhầm thôn Thạc Gián thành Tu Gián và Tu Gián được phiên âm ra “Tourane”.
Nguồn gốc từ “Đà Nẵng” là biến dạng của từ Chăm cổ “DAKNAN”, nghĩa là vùng nước rộng lớn. Trong đó, chữ DAK có nghĩa là nước, NAN là rộng, lớn, hoặc già. Địa danh DAKNAN hàm ý chỉ vùng sông nước rộng mênh mông (sông lớn hoặc sông già – cửa sông Hàn bây giờ).
Người Việt phiên âm ra thành Đà Nẵng. Vào thời Pháp thuộc (và trước đó), địa danh Đà Nẵng thường được gọi là Tourane. vì chữ DAKNAN của dân tộc Chăm mà người Trung Hoa gốc Hải Nam đọc là TOUNAN, do đó mà phiên âm thành Tourane.
Lịch sử
Năm 1306, Huyền Trân công chúa (nước Đại Việt) kết duyên cùng Chế Mân (nước Chiêm Thành), cuộc hôn nhân này đã dâng về cho Đại Việt một lãnh thổ rộng lớn là Thuận Châu và Hóa Châu (Châu Ô và Châu Lý). Đà Nẵng bấy giờ là phần đất Hóa Châu.
Sau khi sáp nhập vào Đại Việt (1306-1471), từ phía nam Hải Vân trở vào vẫn là miền biên viễn, luôn bị quấy nhiễu và cướp phá. Chỉ sau cuộc xuất chinh vĩ đại bình Chiêm của Lê Thánh Tôn (1470) vùng đất này mới được bình ổn, biên cương Đại Việt được mở rộng đến Mũi Nạy (giữa Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay) và bắt đầu có những cuộc khai phá mở mang. Tháng 6 năm 1471, Lê Thánh Tôn lập thêm đạo Thừa Tuyên Quảng Nam, Đà Nẵng lúc này vẫn thuộc Thừa Tuyên Thuận Hóa.
Năm 1602, Nguyễn Hoàng sai lập dinh ở xã Cần Húc (nay là huyện Duy Xuyên – Quảng Nam), cử Nguyễn Phúc Nguyên – Chúa Sãi vào trấn giữ. Năm 1604 Điện Bàn được nhập vào Quảng Nam và nâng lên thành phủ Điện Bàn quản 05 huyện gồm: Tân Phú, Yến Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú châu. Đà Nẵng lúc này thuộc huyện Hòa Vang. Thời các Chúa Nguyễn, vùng đất này đã được khai phá và trở nên trù phú thịnh vượng; các thương nhân cùng tàu thuyền nước ngoài thường xuyên ra vào mua bán, trao đổi hàng hóa. Vào giữa thế kỷ XVI, Hội An đã là thương cảng, trung tâm buôn bán sầm uất, trong khi Đà Nẵng chỉ mới giữ vai trò là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa và tu sửa tàu thuyền.
Năm 1945 Cách mạng tháng Tám thành công, thành phố được mang tên nhà yêu nước Thái Phiên. Năm 1950 Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại. Tháng 6-1965 các đơn vị thủyquân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và thiết lập tại đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Mỹ cho xây dựng sân bay, bến cảng, đường sá nhằm phục vụ cho ý đồ xâm lược.
Vào lúc 14 giờ ngày 29-3-1975 thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng. Ngày 04-10-1975, UBND cách mạng khu trung trung bộ đã ra Quyết địnhsố 119/QĐ hợp nhất tỉnh Quảng Nam và đặc khu Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngày 30-8-1977 Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 228-CP hợp nhất các Quận I,II,III thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính thống nhất lấy tên là thành phố Đà Nẵng.
Ngày 06-11-1996 tại kỳ họp thứ X Quốc hội khóa IX đã thông qua nghị quyết tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 15-7-2003 Đà Nẵng được Chính phủ công nhận là đô thị loại 1 cấp quốc gia đã mở ra cơ hội mới cho thành phố phát triển trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn của miền Trung.
Leave a Reply