X

Du lịch bụi Tuyên Quang

Tỉnh Tuyên Quang nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, phía Đông Bắc giáp Cao Bằng, phía Đông giáp Bắc Kạn và Thái Nguyên, phía Nam giáp Vĩnh Phúc, phía Tây-Nam giáp Phú Thọ, phía Tây giáp Yên Bái.

Mã vùng điện thoại: 027

Biển số xe: 22

Tổ chức hành chính: Tuyên Quang có 7 đơn vị hành chính gồm 1 Thành phố (thành phố Tuyên Quang) và 6 huyện (Huyện Chiêm Hóa, Huyện Hàm Yên, Huyện Na Hang, Huyện Sơn Dương, Huyện Yên Sơn, Huyện Lâm Bình).

Khí hậu
Mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa Bắc Á Trung Hoa có 2 mùa rõ rệt: Mùa đông lạnh – khô hạn và mùa hè nóng ẩm mưa nhiều; mưa bão tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 và thường gây ra lũ lụt, lũ quét. Các hiện tượng như mưa đá, gió lốc thường xảy ra trong mùa mưa bão với lượng mưa trung bình hàng năm đạt từ 1.500 – 1.700 mm. Nhiệt độ trung bình hàng năm đạt 220 – 240 C. Cao nhất trung bình 330 – 350 C, thấp nhất trung bình từ 120 – 130 C; tháng lạnh nhất là tháng 11 và 12 (âm lịch), hay có sương muối.

Diện tích: 5.867,3 km²

Dân số: Dân số tỉnh Tuyên Quang năm 2011 là 730.800 người. Mật độ: 125 người/km².

Thành phần dân tộc: Ðông nhất là dân tộc Kinh có 326.033 người, chiếm 48,21%; các dân tộc thiểu số như dân tộc Tầy có 172.136 người, chiếm 25,45%; dân tộc Dao có 77.015 người, chiếm 11,38%; dân tộc Sán Chay có 54.095 người, chiếm 8,0%; dân tộc Mông có 14.658 người, chiếm 2,16%; dân tộc Nùng có 12.891 người, chiếm 1,90%; dân tộc Sán Dìu có 11.007 người, chiếm 1,62%; các dân tộc khác chiếm 1,28%.

Lịch sử
Trong cách mạng Tháng Tám, Tuyên Quang vinh dự là Thủ đô Khu giải phóng, được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm của cách mạng cả nước. Tại Tân Trào-Sơn Dương – Tuyên Quang đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với vận mệnh dân tộc: Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc; Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch.
Trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang là Thủ đô Kháng chiến, nơi đồng bào cả nước ” trông về Việt bắc mà nuôi chí bền”; nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã luôn luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: Xây dựng, bảo vệ An toàn khu (ATK); bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận cùng nhiều bộ, ban, ngành Trung ương; bảo vệ các cơ quan đầu não của Cách mạng Lào. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đóng góp phần quan trọng, to lớn vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, lập nhiều chiến công vang dội trên chiến trường, đập tan các cuộc tấn công lên Việt Bắc của giặc Pháp. Bình Ca, Cầu Cả, Khe Lau…, là những địa danh lịch sử làm rạng rỡ tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo của quân, dân Tuyên Quang trong chiến dịch Việt Bắc (Thu – Đông 1947).
Tại Tuyên Quang, nhiều hội nghị quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ được triệu tập. Đặc biệt, Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II (họp tại Kim Bình, Chiêm Hoá từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 2 năm 1951), là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước. Đại hội đã bổ sung, hoàn chỉnh đường lối kháng chiến, kiến quốc, đề ra nhiệm vụ xây dựng Đảng Lao động Việt Nam vững mạnh, quyết định những chủ trương, biện pháp đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, oanh liệt của dân tộc ta đến thắng lợi. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tiếp tục xây dựng hậu phương vững mạnh, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Truyền thống yêu nước, đoàn kết, cách mạng, tinh thần đấu tranh anh dũng của lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã để lại những bài học quý giá, những tấm gương sáng ngời cho các thế hệ mai sau học tập, noi theo.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của địa phương, chủ động hội nhập kinh tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, tranh thủ sự đóng góp, giúp đỡ của Trung ương và các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước và các tổ chức quốc tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành một tỉnh phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.