Dulichbui.org – Nhắc đến Tây Nguyên hầu như ai cũng nghĩ ngay tới thành phố Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng, nhưng vùng đất này còn chứa đựng nhiều điều bất ngờ hơn thế nếu bạn đến với Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum… Dulichbui.org gợi ý với các bạn lịch trình xuyên Tây Nguyên 5 ngày 4 đêm và đương nhiên là di chuyển bằng xe máy.
Ngày 1: Sài Gòn – Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc)
Ngày đầu tiên cũng là ngày có cự li di chuyển dài nhất trong suốt hành trình, quãng đường từ Sài Gòn tới thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắc Lắc dài khoảng 320km, cung đường này rất đẹp với nhựa phẳng lì, băng qua những địa danh du lịch nổi tiếng của các tỉnh Bình Phước, Đắc Nông và Đắc Lắc. Từ trung tâm Sài Gòn các bạn đi theo hướng QL13 về phía Bình Dương, tới khu du lịch Đại Nam sẽ gặp một ngã tư lớn gọi là ngã tư Sở Sao, nếu đi thẳng theo QL13 bạn sẽ tới Lộc Ninh, cửa khẩu Hoa Lư của tỉnh Bình Phước.
Tại ngã tư này các bạn rẽ phải theo đường ĐT 741 băng qua các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, dừng chân ăn sáng tại thị xã Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước. Nếu đi sớm tầm 5h sáng ở Sài Gòn thì khoảng 7h bạn sẽ đến Đồng Xoài. Tiếp tục theo QL14 hướng về Đắc Lắc, cung đường này đã được nâng cấp chỉnh trang rất đẹp, đi qua huyện Bù Đăng, huyện Đắc R’Lap và nghỉ ăn trưa tại Gia Nghĩa.
Các bạn lưu ý là ở thị trấn Đắc R’Lap sẽ có một con đường chạy dọc biên giới Campuchia tên là QL14C, đi hết đường này sẽ tới thị trấn Dakmil luôn mà bỏ qua Gia Nghĩa, đường này tuy không đẹp nhưng được cái vắng vẻ, cảnh rất đẹp hai bên đường.
Tại thị trấn Dakmil các bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi, làm một tách cafe thơm ngon tại bất kì quán nào đó khu vực hồ Tây, đảm bảo sẽ rất tuyệt vời. Từ Dakmil tới Buôn Ma Thuột chỉ còn 60km. Trên đoạn đường này sẽ có các địa danh du lịch nổi tiếng như thác Dray Sap, Dray Nur nằm ngay địa giới giữa Đắc Nông và Đắc Lắc, khi tới huyện Cư Jut bên tay phải sẽ có bảng chỉ dẫn vào thác, rất dễ kiếm. Buổi tối tới Buôn Ma Thuột về khách sạn nghỉ ngơi, ăn tối. Tối có thể tới cafe Trung Nguyên thưởng thức cafe hoặc lấy xe dạo vòng vòng thành phố cũng rất thú vị.
Ngày 2: Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn
Buôn Đôn là một khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Đắc Lắc, nơi này cách trung tâm thành phố chừng 70km, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc bản địa với lễ hội đua voi và đâm trâu rất nổi tiếng. Các bạn có thể trải nghiệm cảm giác băng rừng vượt suối trên lưng voi, thưởng thức rượu cần trong những ngôi nhà sàn, ghé thăm nhà của vua voi A Ma Công với nhiều hiện vật quý về nghề săn voi năm xưa. Gần đó là khu mộ của những vua săn voi nổi tiếng trong quá khứ, tiêu biểu nhất là Guru Ythuknul.
Dùng cơm trưa tại khu du lịch, sau đó tham quan cầu treo sông Serepok, nơi đây như một mê cung với những chiếc cầu treo bắc ngang qua các ngọn cây, phía dưới là con sông Serepok hùng vĩ bậc nhất của núi rừng Tây Nguyên. Chiều về lại Buôn Ma Thuột tham quan bảo tàng Tây Nguyên… Nếu bạn nào đã đi Buôn Đôn rồi thì có thể thay đổi lich trình bằng hồ Lak nằm ở huyện Lak, một điểm đến tuyệt vời cho những ai yêu thích du lịch sinh thái, thích tìm hiểu về văn hóa người dân tộc bản địa, gần đó có biệt thự Bảo Đại. Tối vẫn nghỉ đêm ở Buôn Ma Thuột.
Ngày 3: Buôn Ma Thuột – Pleiku
Ngày thứ ba của chuyến đi, buổi sáng có thể ghé thăm buôn Ako Dhong nằm ở ngay trung tâm thành phố, đây là buôn làng của người Ede với nghề nghiệp chính là trồng cafe, đây được xem là một trong những buôn làng văn minh và giàu có bậc nhất của Tây Nguyên. Họ tuy có đời sống vật chất rất tốt nhưng vẫn gìn giữ được những phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc mình. Sau đó các bạn tiếp tục theo QL14 đến với thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai, nhận phòng khách sạn nghỉ ngơi.
Buổi chiều các bạn ghé thăm các điểm tham quan ở khu vực trung tâm thành phố như biển hồ Tơ Nưng, đây là thắng cảnh nổi tiếng nhất của Gia Lai với cảnh đẹp của hồ nước và những cánh rừng thông bao bọc xung quanh hồ. Sau đó hãy ghé thăm chùa Minh Thành, ngôi chùa đẹp nhất của Tây Nguyên với kiến trúc truyền thống độc đáo nhưng cũng rất hiện đại. Buổi chiều các bạn nhớ thưởng thức món phở khô Gia Lai trứ danh nhé, chưa ăn món này xem như là chưa biết gì về Gia Lai.
Ngày 4: Gia Lai – Kon Tum
Đoạn đường từ Gia Lai đi Kon Tum cũng không quá xa nên buổi sáng cứ ngủ một giấc cho đã, dậy ăn sáng uống cafe thư thả rồi bắt đầu đi Kon Tum, trên đoạn đường này có nhà máy thủy điện Yaly có thể ghé vào tham quan. Thủy điện nằm giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum cung cấp một nguồn điện năng rất lớn cho khu vực Tây Nguyên. Trưa là tới Kon Tum nhận phòng nghỉ ngơi.
Chiều ghé tham quan nhà thờ gỗ Kon Tum, nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ xây từ thời Pháp thuộc với kiến trúc rất đẹp nằm trong một khuôn viên rộng lớn, gần đó là những ngôi nhà rông của đồng bào dân tộc thiểu số, là cây cầu treo Kon Klor ấn tượng, chưa hết bạn nên ghé chủng viện thừa sai Kon Tum. Tối thì kiếm quán cafe nào đó sát bờ sông ngay trung tâm thành phố mà ngắm cảnh, tận hưởng những cơn gió mát lạnh từ sông thổi vào.
Ngày 5: Kon Tum – Sài Gòn
Buổi sáng chạy xe máy về hướng thị trấn Măng Đen, cách trung tâm Kon Tum chừng 50km, nơi đây được ví như một Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên với khí hậu mát lạnh, rừng thông dày đặc và những hồ nước, con thác cực kì ấn tượng. Tới Măng Đen thì phải tham quan bảy hồ: Toong Ly Leng, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Pô, Toong Đam và Dak Ke. Ba thác là: Pa Sỹ, Dak ke, Dak Pne. Trưa dùng cơm với những món ăn hấp dẫn như cơm lam, cá tầm, heo quay và thưởng thức chút rượu cần của đồng bào dân tộc nơi đây.
Chiều tối về lại Kon Tum, sau đó lên xe khách và gửi xe máy để về lại Sài Gòn, ngủ một giấc trên xe thì sáng hôm sau là tới. Kết thúc chuyến đi.
Xuyên Tây Nguyên mà không ghé Ngã Ba Đông Dương là một thất bại!