X
    Danh mục: Tin tức du lịch

Lễ hội té nước đâu chỉ có mỗi ở Thái Lan

Dulichbui.org – Trong ngày Tết cổ truyền của mình (Tết Songkran) người Thái thường tổ chức nhiều hoạt động, trong đó lễ hội té nước là nổi bật hơn cả. Rất nhiều du khách đến Thái Lan vào dịp này chỉ đơn giản là để tham gia lễ hội té nước nhưng…. lễ hội té nước đâu chỉ có ở Thái Lan.

Thái Lan

Ở Thái Lan tết té nước truyền thống còn được gọi là Songkran, được diễn ra từ ngày 13 tới ngày 15 tháng 4 hàng năm. Với người Thái Lan, tết Songkran có xu hướng lan tỏa ra cộng đồng nhiều hơn, khác với tết cổ truyền ở Việt Nam hay Trung Quốc là hướng về gia đình. Trước những ngày đó, người dân bản địa đã nô nức chuẩn bị trong việc trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp các ngôi chùa, đường phố thật khang trang.

Ngoài những nghi lễ được thực hiện tại nhà riêng và trong các ngôi chùa thì các hoạt động lễ hội đi kèm với nó luôn nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân lẫn du khách, trong đó hấp dẫn nhất chính là tham gia việc té nước vào nhau trên đường phố với niềm tin nước sẽ gột rửa những điều không may trong năm cũ và mang đến điềm lành cho năm mới.

Tết Songkran được tổ chức ở nhiều địa điểm trên đất nước Thái Lan như thủ đô Bangkok, thành phố biển Pattaya hay đảo Phutket, nhưng đặc biệt nhất vẫn là Chiangmai, nơi được mệnh danh là thủ đô Songkran của Thái Lan.

Campuchia

Tết té nước ở Campuchia được gọi là Chol Chnam Thmay, là tết mừng năm mới của người dân bản địa. Người Khmer tin rằng mỗi năm sẽ có một vị thần trên trời (Tevoda) được gửi xuống trần gian để chăm lo cho cuộc sống của người dân sau đó trở về vào dịp cuối năm. Dịp này cũng là lúc để người Campuchia tiễn đưa vị thần của năm cũ và đón chào vị thần của năm mới.

Tết Chol Chnam Thmay được diễn ra trong vòng 3 ngày, trong những ngày này người dân Campuchia thường lên chùa để nghe các sư thầy giảng đạo và cầu nguyện cho một năm mới an lành, khỏe mạnh và hạnh phúc. Bên cạnh đó người Campuchia chào đón năm mới bằng nghi thức tạt nước vào nhau, người lớn, trẻ em, du khách đều tham dự rất nhiệt tình và sôi nổi.

Lào

Ở Lào tết té nước người ta gọi là Bunpimay gọi tắt là Bun, lễ hội với ý nghĩa mang đến sự phồn vinh, thanh khiết cho cuộc sống của con người và vạn vật. Bun còn có nghĩa là làm phước và được phước. Bun cũng được diễn ra trong vòng ba ngày. Ngày đầu tiên người Lào dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, vẩy nước thơm khắp nhà, buổi chiều sẽ lên chùa nghe giảng đạo, thực hiện nghi thức tắm tượng.

Ngày thứ hai sẽ là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới. Ngày thứ ba sẽ là ngày vui nhất với nhiều hoạt động náo nhiệt, đặc biệt nhất là việc té nước vào nhau, họ không chỉ té lên người mà còn té nước vào súc vật, nhà cửa, dụng cụ với niềm tin một năm mới sẽ có nhiều may mắn và hạnh phúc. Tết Bun được diễn ra khắp nơi ở Lào nhưng vui nhất vẫn là ở cố đô Luang Pha Băng và Vang Vieng.

Myanmar

Nếu như ở Thái Lan tết té nước gọi là Songkran, ở Campuchia là Chol Chnam Thmay, Lào là Bunnipay thì ở Myanmar được gọi là Thingyan. Thingyan ở đây diễn ra trong khoảng thời gian từ 4 tới 5 ngày, nhiều hơn so với thời gian 3 ngày ở các nước trên. Đây cũng là kì nghỉ dài và quan trọng nhất trong năm ở Myanmar, nơi những người đi học, đi làm sẽ trở về nhà sau 1 năm làm việc, học tập vất vả.

Đương nhiên một hoạt động không thể bỏ qua đó chính là việc té nước lẫn nhau, tại những thành phố lớn như Rangoon, Mandalay thì dọc theo các con đường chính sẽ để rất nhiều thùng nước để người dân, du khách mặc sức sử dụng té nước lẫn nhau. Một không khí vui vẻ, náo nhiệt lan tỏa ra khắp cộng đồng, ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái để chuẩn bị cho một năm mới bắt đầu.

Nguyễn Hải Vinh: Du lịch với tôi là đam mê, mê đi, mê chụp ảnh, mê tìm hiểu những phong tục tập quán, mê trải nghiệm những nét văn hóa khác lạ của mỗi vùng miền. Tôi thích nhất là được rong ruổi trên chiếc xe máy thân yêu của mình để mặc sức khám phá, hòa mình vào những chuyến đi. Nhưng điều tuyệt vời hơn là tôi muốn được chia sẻ, giới thiệu những hình ảnh đẹp, những trải nghiệm thú vị của mình với tất cả mọi người. Khi nào có dịp là đi, không chần chừ gì hết.