Dulichbui’s Blog – Những ngày qua câu chuyện vé tham quan Khu phố cổ Hội An như “lên cơn sốt” trên các diễn đàn của cư dân mạng cũng như trong các chương trình nghị sự của bộ máy công quyền và khắp nơi đầu làng cuối phố ở Hội An. Dù rất nhiều tâm trạng ở những cung bậc khác nhau, công kích và giận dữ, buồn bã và thất vọng, băn khoăn và lo âu… nhưng điều có thể cảm nhận ngay được đó là những tình cảm đáng trân trọng và sự quan tâm đặc biệt của tất thảy mọi người đối với Hội An. Vậy bản chất của vấn đề ở đâu?
Chuyện của ngày trước
Những năm đầu khi làm du lịch, vé tham quan phố cổ được thiết kế gồm 4 điểm di tích đều thuộc sở hữu tư nhân và tập thể, với giá 7.000 đồng/1 khách nước ngoài và 1.500 đồng/1 khách nội địa; 50% số tiền thu được thuộc phần các chủ di tích, 50% còn lại chi phí hành chính, ấn loát, điện nước, sửa chữa nhỏ các di tích trong ô vé tham quan… Giá vé đã quá thấp lại thêm rất nhiều đoàn du khách đến phố cổ nhưng không qua bộ phận bán vé nên khoản thu phí tham quan của nhà nước hầu như không đáng kể, thậm chí liên tục trong mấy năm, tiền thu được từ bán vé tham quan ít hơn các khoản chi phí, nhà nước phải bù lỗ. Từ cuối năm 1992, Thị ủy và HĐND thị xã chủ trương điều chỉnh giá vé 5.000 đồng/lượt đối với khách Việt Nam, 50.000 đồng tương đương 5 USD/lượt khách quốc tế và tổ chức thu phí trọn gói đối với khách tham quan khu vực I của phố cổ.
Ngay từ đầu đã có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có sự phản đối quyết liệt từ các doanh nghiệp du lịch, du khách và chưa được sự đồng thuận của các cơ quan nhà nước cấp trên. Nhưng bằng cơ sở khoa học chứng minh Khu phố cổ Hội An là cả một quần thể các loại hình kiến trúc có mối liên hệ hữu cơ với nhau chứ không phải ở từng di tích đơn lẻ; mặt khác Khu phố cổ Hội An là “khu di tích sống”, giá trị của nó thể hiện ở cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trong một không gian rộng lớn… Qua nhiều lần vận động, giải thích, thuyết phục, kiên trì đấu tranh; cuối cùng cơ quan nhà nước cấp trên thống nhất phê duyệt phương án, các doanh nghiệp cũng dần dần đồng thuận. Tháng 8/1995, “Quy chế quản lý khách tham quan du lịch phố cổ Hội An” ra đời và đến ngày 15/10/1995 chính thức bán vé trọn gói tham quan Khu vực I phố cổ với giá gấp 10 lần. Ngay trong ngày đầu tiên phát hành được 324 vé, trong đó có 199 dành cho du khách nước ngoài, doanh thu 11 triệu đồng. Năm 1995, tổng số tiền thu từ vé tham quan đạt 5,7 tỷ đồng. Trong khi trước đó, tiền bán vé một năm được 52 triệu trong khi chi phí hết 57 triệu.
Bài toán làm sao việc bán vé tham quan vừa giúp người dân được hưởng lợi từ chính di tích, vừa có thể đóng góp để tu bổ sửa chữa những ngôi nhà cổ đang xuống cấp đã có lời giải. Những nỗ lực không mệt mỏi trong quá trình tự thân vận động và mở rộng giao lưu, hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ và giúp đỡ từ nhiều phía đã làm cho các di sản văn hóa Hội An- đặc biệt là gía trị của khu phố cổ- ngày càng sáng tỏ. Năm 1999, Khu phố cổ Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới, từ đó khai mở tiềm năng và định hình một hướng đi đầy triển vọng cho ngành du lịch phát triển.
Chuyện của bây giờ
Từ năm 1995 đến nay, phương án phát hành vé tham quan chung cho cả “vùng lõi”- khu vực I của Khu phố cổ Hội An- Di sản văn hóa thế giới đã nhiều lần thay đổi, cải tiến phương thức tổ chức, nội dung chương trình. UNESCO châu Á – Thái Bình Dương đã đánh giá cao phương án này và cho đây là “mô hình mang nhiều ưu điểm” vì quản lý được nguồn vé, tránh những tiêu cực xảy ra tại điểm di tích, nhất là kiểm soát được số lượng khách tham quan. 85% tiền thu được từ vé tham quan dành cho việc đầu tư trùng tu các di tích, chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân, duy tu, bảo dưỡng các công trình công cộng phục vụ khách tham quan.
Cũng từ nguồn thu từ vé tham quan, Hội An mới đủ năng lực tài chính để kiên trì thực hiện các dự án “Đêm phố cổ”- tổ chức lần đầu tiên vào ngày 9/8/1998, “Phố cổ không có tiếng động cơ”- bắt đầu từ cuối tháng 7/2004, “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ”, “Thử nghiệm mở rộng thời gian và nội dung phục vụ khách tham quan khu phố cổ Hội An vào ban đêm”, “Giờ tắt điện”… Những sản phẩm này làm cho “vẻ đẹp không trùng lắp” của 9 loại hình kiến trúc với hơn 1.300 di tích trong khu phố cổ Hội An có hồn cốt, gắn quyện với nhau, lung linh và an lành trong một không gian tổng thể. Khi ta vào phố cổ dù chỉ để ăn một tô mì, cao lầu…sẽ được hòa tan cảm giác cùng không gian ấy.
Do chỉ số giá tiêu dùng ngày một tăng, từ ngày 1/11/2012, TP.Hội An đã quyết định điều chỉnh giá vé khách nước ngoài từ 90.000đ lên 120.000đ; khách Việt Nam từ 45.000đ điểm lên 80.000đ/người. Với giá vé này, mỗi khách tham quan sẽ có một ô vé chung để tham quan cảnh quan không gian khu phố cổ, được tham quan và trải nghiệm lối sống của người Hội An với những sinh hoạt hằng ngày, những trò chơi dân gian, xem biểu diễn nghệ thuật cổ truyền trên mỗi góc phố suốt từ 7h sáng đến 22h đêm… và tự chọn cho mình điểm đến thuộc nhiều loại hình di tích trong 22 điểm tham quan tiêu biểu. Đối với khách nước ngoài ô vé tự chọn từ 5 điểm tăng lên 6 điểm, khách Việt Nam từ 2 điểm tăng lên 3 điểm.
Bên cạnh đó, TP Hội An cũng có một số ưu đãi như đối với khách tham quan đi theo đoàn do các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp du lịch tổ chức, thành phố cũng đã có cơ chế giảm miễn: đủ 15 khách, miễn 1 vé và đoàn đủ 8 khách, miễn phí hướng dẫn viên, trẻ em dưới 16 tuổi được tham quan miễn phí. Một số ưu đãi “ngoại lệ” như với khách có chương trình tham quan và lưu trú tại Hội An vài ba ngày, tấm vé tham quan sẽ không chỉ có giá trị trong 24 giờ như đúng quy định mà có giá trị trong suốt thời gian khách lưu trú.
Cần tiếp thu và điều chỉnh cách làm
Như vậy, về bản chất chủ trương bán vé trọn gói và cơ cấu giá vé không thay đổi. Vấn đề ở chỗ, vé tham quan Hội An thường có trong giá tour chào bán của các hãng lữ hành. Lâu nay có tình trạng nhiều đơn vị tổ chức lữ hành không mua vé cho khách, đến Khu phố cổ Hội An thả du khách đi lang thang, không hướng dẫn chăm sóc chu đáo. Điều này sẽ tạo nên cảm giác hụt hẫng cho du khách vì không có vé đồng nghĩa với việc không được khám phá giá trị đích thực của không gian phố cổ Hội An mà lẽ ra quyền lợi đó họ được tận hưởng. Mặt khác, có một thực tế bất công bằng giữa những hãng lữ hành nghiêm túc mua vé cho khách thì bị thiệt thòi hơn những hãng lữ hành làm ăn không nghiêm túc, đi chui thì lại được lợi.
Việc triển khai các biện pháp chống thất thu, siết chặt việc bán và kiểm soát vé, quyết liệt xử lý đối với những trường hợp cố tình đưa khách đi chui được triển khai song hành với việc bồi dưỡng các nguồn thu từ vé tham quan với rất nhiều công việc để làm sao “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Tuy nhiên, trong thực tế việc triển khai những chốt chặn, kỹ năng và thái độ giao tiếp chưa tốt của người kiểm soát, người bán vé; sự giải thích chưa đầy đủ, thấu đáo đã gây nên sự bất bình, hiểu lầm trong du khách. Vấn đề này lãnh đạo TP đã tiếp thu và sẽ ngay lập tức chấn chỉnh với quyết tâm như ý kiến của Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự: “Không thể để hình ảnh Hội An xấu đi trong mắt du khách chỉ vì một tấm vé!”.
Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Hội An