X

Du lịch bụi Mỹ Tho

Thành phố Mỹ Tho là đô thị loại II, là trung tâm của tỉnh Tiền Giang. Phía Đông và phía Bắc giáp huyện Chợ Gạo, phía nam giáp sông Tiền và tỉnh Bến Tre, phía Tây giáp huyện Châu Thành.

Thành phố Mỹ Tho có 17 đơn vị hành chính cơ sở (gồm 11 phường, 6 xã). Dân số có 242.000 người, có 4 nhóm tộc người chính: Kinh, Hoa, Ấn và Khơme. Có 4 tôn giáo chính: Công giáo, Tin lành, Phật giáo và Cao đài.

Lịch sử
Thành phố Mỹ Tho là một trong những vùng đất được khai phá sớm và là một trong hai đại phố hình thành đầu tiên của các tỉnh Nam Bộ, với lịch sử hơn 330 năm hình thành và phát triển.

Từ năm 1623, một bộ phận người Việt từ Miền Bắc và Miền Trung vào lập nghiệp ở vùng tả ngạn sông Bảo Định (Phường 2, 3, 8 và xã Mỹ Phong, Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh, hiện nay còn di tích lưu lại), chủ yếu sống bằng nghề nông và buôn bán. Vào cuối thế kỷ 17, Nam Bộ có hai trung tâm mua bán lớn là Mỹ Tho và Biên Hòa. Thế mạnh của phố chợ Mỹ Tho là mua bán, đặc biệt là hàng nông thủy sản rất dồi dào, chiếm ưu thế cả vùng. Từ đó đến nay, Mỹ Tho đã không ngừng phát triển, mặc dù đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nhất là đối với ngành thương mại, đã hơn 300 năm giữ vai trò chợ đầu mối điều phối hàng hóa cho các nơi trong tỉnh cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh.

Trong chiến tranh, để bảo đảm cho sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương với chiến trường trọng điểm Mỹ Tho ngày càng ác liệt, theo đề nghị của Khu 8, năm 1967 – Trung ương Cục Miền Nam đã chuẩn y nâng thị xã Mỹ Tho lên cấp thành phố ngang với cấp tỉnh và trực thuộc Khu 8. Về phía địch, Mỹ Tho cũng là thành phố.

Từ ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Mỹ Tho trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Tiền Giang (được nhập lại từ tỉnh Mỹ Tho – tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho).

Do có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, sau ngày giải phóng, Nhà nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng cho nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Mỹ Tho.

Ngày nay thành phố Mỹ Tho là đô thị loại II trực thuộc tỉnh tiền Giang (được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào ngày 07 tháng 10 năm 2005), giữ vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh, đồng thời là trung tâm giao lưu kinh tế với các huyện, thị trong tỉnh và khu vực Bắc sông Tiền, là một trong những đô thị đặc trưng vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.