Tỉnh Tiền Giang nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Đông giáp biển Đông, Phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp, Phía Nam giáp tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Long An. TP.Hồ Chí Minh.
Mã vùng điện thoại: 073
Biển số xe: 63
Tổ chức hành chính: Tiền Giang có 10 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố loại 2 (thành phố Mỹ Tho), 1 thị xã (Thị xã Gò Công) và 8 huyện (Huyện Cái Bè, Huyện Gò Công Đông, Huyện Gò Công Tây, Huyện Chợ Gạo, Huyện Châu Thành, Huyện Tân Phước, Huyện Cai Lậy, Huyện Tân Phú Đông).
Khí hậu
Khí hậu Tiền Giang mang tính chất nội chí tuyến – cận xích đạo và khí hậu nhiệt đới gió mùa nên nhiệt độ bình quân cao và nóng quanh năm. Nhiệt độ bình quân trong năm là 27 – 27,9oC; tổng tích ôn cả năm 10.183oC/năm. Có 2 mùa : Mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau ; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 (thường có hạn Bà chằng vào tháng 7, tháng 8).
Tiền Giang nằm trong dãy ít mưa, lượng mưa trung bình 1.210 – 1.424mm/năm và phân bố ít dần từ bắc xuống nam, từ tây sang đông; Độ ẩm trung bình 80 – 85%. Gió : có 2 hướng chính là Đông bắc (mùa khô) và Tây nam (mùa mưa); tốc độ trung bình 2,5 – 6m/s.
Lịch sử
Tổng quan về Tiền Giang xưa
Nằm ở Hạ lưu sông Tiền (một nhánh lớn của sông Cửu Long), tỉnh Tiền Giang có quá trình hình thành và phát triển về địa chất tương tự như khu vực Nam bộ, với 3 thời kỳ chính: Paleozoi muộn (Cổ sinh muộn), Mesozoi (Trung sinh) và Kainozoi (Tân sinh).
Vào cuối Kainozoi, do hoạt động Tân kiến tạo, vỏ đất ở khu vực bị nứt nẻ ở nhiều nơi, sụt lún làm chênh lệch các lớp đá. Hậu quả của chuyển động này là hai khối được nâng lên. Ở Việt Nam, có khối nâng Nam Trung bộ. Ở Campuchia, có khối nâng Đông Campuchia. Giữa hai khối nâng là khối sụt, gồm những trũng rộng lớn. Sông Cửu Long và những phụ lưu của nó chảy qua đây, mang theo các vật liệu bùn, sét, cát lấp đầy các trũng để hoàn thành lớp trầm tích Plio-Pleistoxen cách nay khoảng 700.000 năm.
Sau đó diễn ra các giai đoạn biển tiến và biển lùi. Cách ngày nay khoảng 6.000 năm, có đợt biển tiến, làm cô lập các giồng cao. Di tích còn lại là giồng Tân Hiệp (huyện Châu Thành). Cách nay khoảng 5.000 năm có hiện tượng biển lùi. Mực nước biển rút dần. Trong khoảng 4.000 năm đến 2.700 năm cách ngày nay, dao động biển khá rõ rệt, các cồn cát duyên hải lộ hẳn ra khỏi mặt nước, các thảm thực vật khá đa dạng và thế giới động vật giàu lượng loại. Do tác động của sóng và dòng hải lưu, các đống sò điệp tụ lại các cồn mới nổi lên. Khảo cổ học đã phát hiện tại huyện Cai Lậy các vỉa sò điệp, dấu vết của bờ biển xưa.
Từ khoảng 2.700 năm trước, vùng Tiền Giang đi vào thế ổn định.Vào khoảng trước hoặc đầu Công Nguyên (trên dưới 2.000 năm trước), những người đầu tiên đã đến vùng châu thổ sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang để sinh sống.Đây là các tộc người Indonésien, người Nam Á hải đảo, thuộc vùng châu Á gió mùa, có cùng nguồn gốc với một số tộc người ở Tây Nguyên – Việt Nam.Địa bàn cư trú chính của họ là vùng châu thổ sông Cửu Long, gồm một phần của miền Đông Nam bộ, một phần nhỏ Nam Campuchia, vùng đất ven vịnh Thái Lan và phía bắc bán đảo Mã Lai. Họ lập nên nhà nước cổ đại đầu tiên ở Đông Nam Á đất liền, đó là vương quốc Phù Nam.
Tỉnh Tiền Giang vào những thế kỷ đầu Công Nguyên thuộc vương quốc Phù Nam. Định chế chính trị ban đầu của Phù Nam còn mang nhiều tính chất thị tộc. Triều đại thứ nhất theo truyền thuyết là sự kết hợp giữa hai thị tộc: Mặt trăng của Liễu Diệp và Mặt trời của Hỗn Điền. Dần dần xã hội có sự phân cực giữa các tầng lớp nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Tầng lớp tăng lữ là chỗ dựa của triều đình Phù Nam.Theo Lương Thư, tộc người Phù Nam nguyên là “sống trần truồng, xăm mình, tóc buông xuống lưng, không biết đến y phục, cả trên lẫn phía dưới”. Cho đến đầu thế kỷ thứ III “họ vẫn trần truồng” trừ phụ nữ đã biết mặc áo đơn sơ, làm bằng một tấm vải có lỗ để chui đầu. Về sau, “đàn ông đóng khố, con nhà quyền quý làm khố bằng gấm”. Khi thiết triều, vua ngồi nghiêng một bên “chân phải co lên, chân trái buông xuống đất”.
Người Phù Nam chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và Phật giáo, hai tôn giáo được truyền bá dưới dạng tín ngưỡng dân gian và trong hình thức định chế hóa (đền thờ, stupa, cung đình…). Xã hội Phù Nam có các tầng lớp nông dân, thợ thủ công, thương nhân và giới tăng lữ.Người Phù Nam có chữ viết. Các minh văn ở Gò Xoài (ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) và minh văn ở Gò Thành (xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho thấy minh văn được viết bằng ngôn ngữ Pali lai (Hybrid-Pali), có dấu vết Sanskrit và bằng một thứ văn tự Deccan (Nam Ấn).
Phù Nam được coi là cường quốc thương nghiệp. Từ giữa thế kỷ thứ III, Phù Nam khống chế nền thương nghiệp hàng hải ở Đông Nam Á và bành trướng lãnh thổ, đem quân đi chinh phục hơn “10 vương quốc” làm phiên thuộc, trong đó có Lâm Ấp.Nền thương nghiệp phát triển và sự bành trướng nhanh chóng về lãnh thổ của Phù Nam đã dẫn đến việc các tiểu vương ở xa dựa vào các thương nhân giàu có để củng cố thế lực tạo ra nạn cát cứ, khiến cho Phù Nam bước vào thời kỳ suy thoái từ giữa thế kỷ thứ VI, hoàn toàn sụp đổ vào khoảng thế kỷ thứ VII. Vùng châu thổ sông Cửu Long thuộc Phù Nam khi đó trở nên hoang vu.
Người Chân Lạp trước sự bành trướng của đế quốc Khmer đã đến vùng Tiền Giang, vùng rìa của Thủy Chân Lạp, gần như hoang vu, dân cư rất thưa thớt. Một số di tích của người Phù Nam tại Tiền Giang được người Khmer sử dụng, nhưng hầu hết bị phá bỏ. Có lẽ do chiến tranh kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai vương quốc ở giai đoạn Phù Nam suy tàn, người Chân Lạp đã phá bỏ các vết tích văn hóa của người Phù Nam, vì thế nhiều kiến trúc lớn đã hoàn toàn sụp đổ.
Do dân số quá ít, kỹ thuật canh tác lạc hậu, lại sống trên một vùng đất khắc nghiệt “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”, người Chân Lạp chưa tạo được dấu ấn văn hóa đậm nét trên vùng đất ở phía Bắc sông Tiền. Vào đầu thế kỷ XVII, Jayajettha II lên ngôi ở Chân Lạp. Để chấm dứt việc thuần phục nước Xiêm, ông tìm đến chúa Nguyễn tạo ra một thế lực và liên minh mới đối trọng với nước Xiêm qua cuộc hôn nhân với công chúa Ngọc Vạn.
Nhờ sự hỗ trợ của chúa Nguyễn, Batom Reachea trở thành vua Chân Lạp. Trong lúc châu thổ sông Cửu Long gần như hoang vu, Batom Reachea cho người Việt định cư, được quyền sở hữu đất đai mà người Việt khai phá. Từ thế kỷ XVII, vùng Tiền Giang được người Việt, từ miền Trung và miền Bắc, trong đó phần lớn là từ vùng Ngũ Quảng, đến khai hoang và định cư.Lịch sử vùng Tiền Giang của 16 thế kỷ sau Công Nguyên vẫn còn ẩn giấu trong lòng đất Tiền Giang. Những cố gắng của ngành khảo cổ học trong việc khảo sát, khai quật một số di tích khảo cổ trong những năm 80, 90 của thế kỷ XX, mới cung cấp được một số tư liệu quí, nhưng còn ít ỏi về các nền văn hóa cổ tại Tiền Giang.
Một số dấu mốc
Vào năm 1679, một nhóm khoảng ba ngàn người Minh Hương do tướng Dương Ngạn Địch nhà Minh Trung quốc không thuần phục nhà Thanh được Chúa Nguyễn cho định cư vùng đất mới này. Về sau lưu dân miền Bắc (chủ yếu là người Thanh Hóa; Nghệ An) bắt đầu di dân vào đây lập nghiệp (như vậy là người Tiền Giang có nguồn gốc từ người Hoa và người miền Bắc Việt Nam đó).
Vào thế kỷ 17, Mỹ Tho đã trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ (cái kia là Gia Định – Sài gòn). Đến năm 1785, quân Xiêm đã tràn sang và biến nơi đây thành bãi chiến trường. Phố xá bị tàn phá, của cải bị cướp bóc nên Mỹ Tho đại phố trở nên tiêu điều. Cũng năm này Người anh Hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ đã dẫn quân đại phá quân Xiêm tại Trận đánh Rạch Rầm Xoài Mút.
Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) lập tỉnh Định Tường; một trong 6 tỉnh của Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh). Khi giặc Pháp xâm lược Nam Kỳ, những người con Định Tường kiên trung đã nhất tề đứng lên chống quân cướp nước, thà chết chứ không chịu cuối đầu làm nô lệ như anh hùng Trương Định, Thủ Khoa Huân, … Theo Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862, Định Tường cùng với Biên Hòa và Gia Định bị cắt nhượng cho Pháp. Năm 1876, tỉnh Định Tường bị Pháp giải thể và biến thành 2 tiểu khu và sau này trở thành 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công.
Nên đi Tiền Giang vào thời gian nào?
Tiền Giang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong các chuyến du lịch bụi miền tây, vùng đất này may măn được thiên nhiên ban tặng nhiều điều kiện thuận lợi, trong đó có khí hậu. Gần như các bạn có thể ghé thăm Tiền Giang vào bất kì thời điểm nào trong năm mà không cần phải e dè hay lo lắng điều gì. Tuy nhiên nếu đến Tiền Giang vào những dịp lễ hội như lễ hội Tứ Kiệt, lễ hội cá Ông Vàm Láng, lễ hội tưởng nhớ anh hùng Trương Định ở Gò Công…thì càng có nhiều trải nghiệm hơn nữa.
Các điểm du lịch bụi ở Tiền Giang
Chùa Vĩnh Tràng
Chùa nằm ở trung tâm của thành phố Mĩ Tho nên rất thuận tiện để du khách ghé thăm, đây được xem là một trong những ngôi chùa đẹp nhất của vùng Nam Bộ với kiến trúc hòa quyện giữa phương Đông và phương Tây. Trong khuôn viên của chùa là những bức tượng Phật rất lớn nhưng vẫn toát lên vẻ mềm mại, nhẹ nhàng và yên bình cho những ai đến đây.
Cồn Thới Sơn
Một trong bốn cồn lớn của Tiền Giang và Bến Tre trên dòng sông Tiền, Thới Sơn là miệt vườn cây ăn trái trù phú với hàng chục loại trái cây khác nhau, các bạn có thể dùng đò chèo để khám phá kênh rạch chằng chịt trên cồn, ghé thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa truyền thống hay tìm hiểu về nghề nuôi ong lấy mật, thưởng thức trà mật ong thơm lừng. Chốt lại một ngày tham quan cồn bằng các món ngon miệt vườn trong không gian sôi động của nghệ thuật đờn ca tài tử.
Trại rắn Đồng Tâm
Một bảo tàng thiên nhiên dành cho các loài rắn, du khách có thể tìm thấy hàng trăm loại rắn khác nhau tại Đồng Tâm, rắn ở đây được nuôi làm nghiên cứu khoa học, chiết xuất ra các loại thuốc trị rắn cắn. Bên cạnh đó trong khuôn viên của trại còn có gian trưng bày các tiêu bản nhiều giống rắn quý ở nước ta và trên thế giới.
Chợ nổi Cái Bè
Cùng với chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, chợ nổi ngã bảy ở Hậu Giang thì chợ nổi Cái Bè Tiền Giang là một trong những chợ nổi lâu đời và lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long. Bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên thuyền trong sương sớm, nghe tiếng rao lảnh lót của các ghe thuyền tụ tập tại đây. Không khí vui tươi, sôi nổi và nụ cười luôn thường trực trên môi của người dân chợ nổi.
Gò Công
Gò Công là thị xã ven biển của tỉnh Tiền Giang, nơi đây hoàn toàn phù hợp cho các bạn có một chuyến du lịch bụi trải nghiệm, vùng đất này có hải sản tươi ngon, có lăng Hoàng Gia, đền thờ Trương Định, món mắm tôm chà nức tiếng từ thời bà Từ Dũ, sơ ri Gò Công là đặc sản trái cây nổi tiếng của Tiền Giang.
Mĩ Tho
Đây là trung tâm của tỉnh Tiền Giang, Mĩ Tho nằm cặp một bên của con sông Tiền lộng gió. Vài trăm năm về trước Mĩ Tho đại phố là trung tâm buôn bán nức tiếng của Nam Bộ. Ngày nay du khách vẫn còn chiêm ngưỡng được nhiều công trình kiến trúc cổ của người Hoa, người Pháp. Đến Mĩ Tho nhất định phải thưởng thức hủ tíu Mĩ Tho, món ăn nổi tiếng nhất của tỉnh Tiền Giang.
Món ngon Tiền Giang
Hủ tíu Mĩ Tho
Món ngon số 1 của đất Tiền Giang, hầu như du khách nào đến đây cũng đều 1 lần thử qua. Hủ tíu Mĩ Tho được nấu từ nước dùng xương heo ninh nhừ nên có vị ngọt tự nhiên. Sợi hủ tíu phải là cọng nhỏ, khô, dai, giòn. Nguyên liệu đi kèm có thể kể đến như thịt heo bằm, mực, tôm tươi, hành phi, giò heo và các loại rau sống, giá…Tất cả những thứ trên cùng hòa quyện với nhau tạo nên tô hủ tíu Mĩ Tho ngon tuyệt và sẵn sàng chiều lòng bất kì du khách khó tính nào.
Bánh giá Gò Công
Món ăn chơi dân dã rất phù hợp với những ai thích đi bụi ở miền tây, bánh giá được làm từ bột gạo, gan heo, giá sống, thịt, tôm. Tất cả được nhúng trong chảo dầu sôi cho tới khi bánh có màu vàng là có thể dùng được. Cắn một miếng bánh giá, cảm giác giòn rụm beo béo lan tỏa khắp đầu lưỡi kết hơp với nước chấm chua ngọt, mặn đặc trưng thì càng hấp dẫn hơn nữa
Chả nướng chợ Gạo
Chợ Gạo là một huyện của tỉnh Tiền Giang, nằm sát bên thành phố Mĩ Tho, nơi đây nổi tiếng với món chả nướng độc đáo. Chả được làm tù thịt nạc vai heo luộc vừa chín tới, cắt lát mỏng xào với hành tím sau đó trộn chung với trứng vịt, hạt tiêu, nước mắm ngon và một số gia vị khác. Chả được cắt thành từng miếng sau đó cuộn với bánh tráng, rau sống và chấm nước mắm chua ngọt mới đúng điệu.
Ốc gạo Tân Phong
Vùng đất Tân Phong ngoài sự trù phú về cây trái còn mang đến cho du khách sự bất ngờ về những con ốc gạo nơi đây, ốc gạo Tân Phong vỏ ngoài xanh bóng, ruột chắc, cách chế biến ngon nhất là luộc lên sau đó chấm với nước mắm gừng. Bên cạnh đó có thể xào lên cuốn bánh tráng hoặc nấu cháo đều tuyệt vời.
Bún gỏi già
Bún gỏi già nhìn cũng giống như món bún mắm vì cùng sử dụng mắm cá làm nguyên liệu chính trong món ăn của mình. Nhưng khác biệt lớn nhất là bún gỏi già sử dụng me để cho ra thứ nước dùng chua chua ngọt ngọt rất độc đáo. Trong tô bún không thể thiếu tôm lột, thịt heo luộc xắt lát, rau sống, giá trụng và nước chấm làm từ nước cốt mắm cá linh.
Chuối quết dừa
Món ăn chơi rất quen thuộc của người dân Tiền Giang, chuối được chọn là chuối sứ xanh, già, cắt ra từng đoạn sau đó quết nhuyễn với dừa nạo. Cách ăn cũng rất đơn giản, chuối quết được cuốn với bánh tráng kèm theo với các loại rau sống và chấm với nước mắm chua ngọt.
Chơi gì ở Tiền Giang?
Chèo thuyền trên kênh rạch
Đến với Tiền Giang là đến với những miệt vườn cây ăn trái trù phú, những cồn màu mỡ nằm dọc theo con sông Tiền. Du khách có thể trải nghiệm cảm giác chèo đò trên kênh rạch chằng chịt, xuyên qua những rặng dừa nước tươi tốt, ngắm nhìn cuộc sống bình dị của người dân bản địa.
Tát mương bắt cá
Đây là hoạt động tái hiện lại hình ảnh của người nông dân Nam Bộ trong thời kì khẩn hoang, các bạn sẽ hóa thân thành nông dân và trải nghiệm cảm giác tát mương bắt cá. Những chú cá lóc nặng trịch tươi rói sẽ trở thành nguyên liệu chính cho các món ăn hấp dẫn như cá lóc nướng trui, canh chua cá lóc…
Khám phá nhà cổ
Tại khu vực huyện Cái Bè, các bạn có thể đến với nhà cổ Ba Đức, một trong những nhà cổ lâu đời và đẹp nhất của tỉnh Tiền Giang. Ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm tọa lạc trong một vườn cây yên tĩnh. Kiến trúc nhà pha trộn giữa truyền thống và kiểu châu Âu hiện đại. Không gian nơi đây cực kì yên tĩnh và trong lành.
Tham quan các làng nghề
Tiền Giang là nơi tập trung nhiều làng nghề thủ công truyền thống, nơi du khách có thể trở thành một nghệ nhân nuôi ong lấy mật hay thử làm kẹo dừa theo phương thức truyền thống, ngoài ra còn có nghề làm gạch, nghề làm bánh cốm rất hấp dẫn.