Tỉnh Thái Bình nằm ở đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam. Phía Bắc giáp Hải Dương, Phía Tây Bắc giáp Hưng Yên, Phía Đông Bắc giáp Hải Phòng, Phía Tây giáp Hà Nam, Phía Tây và Tây Nam giáp Nam Định. Phía đông là biển Đông (vịnh Bắc Bộ). Trung tâm tỉnh là thành phố Thái Bình cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía đông nam, cách thành phố Hải Phòng 70 km về phía tây nam.
Mã vùng điện thoại: 036
Biển số xe: 17
Tổ chức hành chính: Tỉnh Thái Bình có 8 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố (Thành phố Thái Bình) và 7 huyện (Huyện Đông Hưng, Huyện Hưng Hà, Huyện Kiến Xương, Huyện Quỳnh Phụ, Huyện Thái Thụy, Huyện Tiền Hải, Huyện Vũ Thư).
Khí hậu
Khí hậu Thái Bình mang tính chất cơ bản là nhiệt đới ẩm gió mùa. Thái Bình có nhiệt độ trung bình 23º-24ºC, tổng nhiệt độ hoạt động trong năm đạt 8400-8500ºC, số giờ nắng từ 1600-1800h, tổng lượng mưa trong năm 1700-2200mm, độ ẩm không khí từ 80-90%. Gió mùa mang đến Thái Bình một mùa đông lạnh mưa ít, một mùa hạ nóng mưa nhiều và hai thời kỳ chuyển tiếp ngắn.
Diện tích: 1.570,0 km²
Dân số: Dân số tỉnh Thái Bình năm 2011 là 1.786.000 người. Mật độ: 1.138 người/km².
Thành phần dân tộc: Việt, Tày, Mường, Hoa
Lịch sử
Việc tìm thấy các hiện vật như công cụ sản xuất, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt trong các phế tích mộ và khu vực cư trú ở Thái Bình có niên đại khoảng 2700 năm cho thấy vào cuối thời đại đồ đồng, đầu thời đại đồ sắt, nhiều nơi trên đất này đã có những khu dân cư sống tập trung đông đúc, đánh dấu sự quần tụ của văn hóa Đông Sơn.
Thế kỷ thứ I: Thái Bình là căn cứ chống quân xâm lược Hán, chống quân Lương (thế kỷ VI). Trên các triền sông Hồng, sông Trà Lý, cửa biển hiện vẫn còn nhiều đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng và Lý Bí.
Thế kỷ thứ X, kinh tế nông nghiệp khá phát triển, việc thông thương buôn bán qua đường sông và biển đã hình thành; Trần Lãm dựa vào vùng đất này giúp Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập nên quốc gia Đại Cồ Việt sau khi dẹp loạn 12 sứ quân.
Thế kỷ XI, với chính sách khuyến nông của nhà Lý, đồng ruộng Thái Bình bốn mùa xanh tốt; năm 1038 và 1065, vua Lý đã về Bố Hải Khẩu (thuộc Thị xã và huyện Vũ Thư ngày nay) cày ruộng tịch điền. Kinh tế phát triển, việc học hành cũng được mở mang; Đặng Nghiêm, người hương Mần Để ( nay thuộc Hiệp Hòa, Vũ Thư) đã đỗ khoa thi Minh Kính bác học năm 1185 đời vua Lý Cao Tông, mở đầu cho trên 100 vị đỗ đại khoa của Thái Bình trong lịch sử.
Thời nhà Trần (thế kỷ XII-XIII): làng xã ổn định, cư dân đông đúc, kinh tế dồi dào, tạo điều kiện để nhà Trần dựng nghiệp, củng cố vương triều. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông, đây là hậu phương vững chắc, điểm tựa kiên cường làm nên thắng lợi.
Thế kỷ thứ XV: sau chiến thắng quân Minh, trong sự nghiệp phục hưng dân tộc, Thái Bình đã đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài kiệt xuất, trong số 92 tiến sỹ có 2 Trạng Nguyên; nhiều người nổi tiếng tài giỏi như Thám hoa Quách Đình Bảo ( quê ở Thái Phúc, Thái Thụy) – một trong những tác giả của bộ sách “Thiên Nam dư hạ tập” gồm 100 quyển,..Đặc biệt, Lê Quí Đôn với hơn 50 bộ sách viết về mọi lĩnh vực, là nhà bác học lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Thế kỷ XVIII: Hoàng Công Chất, người làng Hoàng Xá-Vũ Thư đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân dài nhất trong lịch sử (từ năm 1739 đến 1796) với quy mô hoạt động rộng nhất (Thái Bình-Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh-Tây Bắc).
Khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn lớn nhất là cuộc khởi nghĩa do Phan Bá Vành lãnh đạo kéo dài 17 năm, ông người làng Minh Giám-Kiến Xương. Cuộc khởi nghĩa này đã tạo tiền đề kinh tế chính trị cho cuộc khẩn hoang của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ lập hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải năm 1828.
Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, hàng trăm con em Thái Bình theo Phạm Văn Nghị vào Nam giết giặc. Pháp đánh ra Bắc kỳ, các sĩ phu yêu nước Thái Bình cùng toàn dân một lòng đánh giặc. Bất chấp lệnh bãi binh của triều đình nhà Nguyễn, Hoàng Giáp Nguyễn Quang Bích đã kiên trì chống Pháp, trở thành thủ lĩnh Cần Vương số 1 ở Bắc Kỳ. Bùi Viện (1814-1878), người làng Trình Phố – Kiến Xương hai lần vượt biển gặp Tổng thống Mỹ thương thuyết về việc đánh Pháp. Trong cuộc đấu tranh chống Pháp, “tiếng trống năm ba mươi” – cuộc biểu tình của nông dân Duyên Hà và Tiên Hưng năm 1930 là một dấu son sáng chói.
Trong tiến trình lịch sử, mảnh đất Thái Bình để lại nhiều di tích, hầu hết các di tích thuộc loại đình chùa đền miếu.. đều được thiết kế xây dựng công phu, mang sắc thái dân tộc tiêu biểu của từng thời đại. Nghệ thuật chèo và múa rối nước của Thái Bình nổi tiếng trong nước và quốc tế. Ngoài các loại hình nghệ thuật truyền thống, Thái Bình còn có các làng nghề truyền thống: chạm bạc Đồng Xâm, chiếu Hới, dệt Phương La…