X

Du lịch bụi Tây Ninh

Tỉnh Tây Ninh nằm ở khu vực Đông Nam Bộ. Phía Tây và Tây Bắc giáp với Vương quốc Campuchia; phía Đông giáp với tỉnh Bình Dương và Bình Phước; phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.

Mã vùng điện thoại: 066

Biển số xe: 70

Tổ chức hành chính: Tỉnh Tây Ninh có 9 đơn vị hành chính gồm một thị xã (Thị xã Tây Ninh) và 8 huyện (Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Hòa Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng).

Khí hậu
Khí hậu Tây Ninh tương đối ôn hòa, chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau và tương phản rất rõ với mùa mưa (từ tháng 5 – tháng 11). Chế độ bức xạ dồi dào, nhiệt độ cao và ổn định. Mặt khác Tây Ninh nằm sâu trong lục địa, ít chịu ảnh hưởng của bão và những yếu tố bất lợi khác. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Tây Ninh là 27,40C, lượng ánh sáng quanh năm dồi dào, mỗi ngày trung bình có đến 6 giờ nắng. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.800 – 2.200 mm, độ ẩm trung bình trong năm vào khoảng 70-80%, tốc độ gió 1,7m/s và thổi điều hoà trong năm. Tây Ninh chịu ảnh hưởng của 2 loại gió chủ yếu là gió Tây – Tây Nam vào mùa mưa và gió Bắc – Đông Bắc vào mùa khô.

Diện tích: 4.039,7 km²

Dân số: Dân số của tỉnh Tây Ninh năm 2011 là 1.080.700 người. Mật độ: 268 người/km².

Thành phần dân tộc: Kinh (98%), còn lại là dân tộc thiểu số (chủ yếu là Khơme, Hoa, Chăm)

Lịch sử
Tây Ninh trước kia vốn là một vùng đất thuộc vùng Thủy Chân Lạp, có tên là Romdum Ray, tức Chuồng Voi vì nơi đây chỉ có rừng rậm với muôn thú dữ như cọp, voi, beo, rắn,… cư ngụ. Những người thổ dân ở đây sống rất thiếu thốn, cơ cực cho đến khi người Việt đến khai hoang thì vùng đất này mới trở nên trù phú.
Vùng đất cũ Tây Ninh – Vàm Cỏ một thời là trung tâm nông nghiệp phát triển do sự di chuyển dân cư và chuyển dịch kinh tế đã nhanh chóng trở nên hoang vắng kéo dài vài trăm năm. Phải đến thế kỷ VI – VII mới bắt đầu có sự hưng khởi trở lại do có sự di chuyển dân cư từ châu thổ sông Cửu Long lên các vùng đất cao để tránh thiên tai, địch họa và để vượt qua cuộc khủng hỏang kinh tế – chính trị của Phù Nam. Những cộng đồng cư dân có gốc bản địa xa xưa lại trở về “đất cũ” với hành trang truyền thống đã có nội dung mới tiến bộ hơn văn minh hơn. Trong khoảng thế kỷ thứ VII -VIII trên đất cũ Tây Ninh, họ đã dựng lên hàng trăm ngôi tháp bằng gạch mà đến nay chỉ còn lại hai địa điểm lưu tồn không toàn vẹn cấu trúc tháp thờ xưa là Chót Mạt. Ngoài việc xây tháp, cư dân Tây Ninh thời đó còn tạc nhiều tượng thần, vật thiêng bằng đá hoặc đúc bằng đồng để thờ.
Thời ấy “nơi nơi có đền tháp, chốn chốn có thần linh”, tôn giáo Bà la môn phát triển “thịnh vượng”. Tầng lớp tăng lữ, tu sĩ Ba la môn giữ vai trò rường cột trong xã hội. Với lao động theo niềm tin vào thần linh cao cả, dân chúng nô lệ lúc bấy giờ đã góp phần quan trọng nhất cho sự phát triển về kinh tế – văn hóa của quốc gia Thủy Chân Lạp tồn tại trong khoảng thế kỷ VII -VIII sau công nguyên.
Từ thế kỷ thứ IX về sau, với sự hình thành vương quốc Ăngco – Campuchia trên vùng trung lưu và biển hồ sông Mekong, vùng Nam Bộ biến thành vùng tranh giành ảnh hưởng của các thế lực chính trị các vương quốc lớn bấy giờ (Ăngco – Chămpa – Java ) cộng đồng cư dân nơi vùng đất một thời phát triển phồn vinh về kinh tế, đặc sắc và rực rỡ về văn hóa phải lưu tán đến vùng đất khác trong nội địa hoặc phải rời đến những hải đảo xa xôi.
Địa bàn Tây Ninh cũng là “vùng đệm” giữa các quốc gia cổ đại nên cư dân cũng phải lưu tán đến những vùng đất khác. Những di tích của những cư dân tại chỗ vào thời này trên đất Tây Ninh cho đến nay rất hiếm thấy. Một đứt đoạn thứ hai (đứt đoạn thứ nhất: sau thời đại đồ đá, dân cư Tây Ninh – Vàm Cỏ tràn xuống đồng bằng sông Cửu Long) của văn hóa lịch sử diễn ra ở đây và kéo dài nhiều thế kỷ cho đến khi xuất hiện các cộng đồng dân cư mới trên đất Tây Ninh ngày nay.
Đến thế kỷ thứ XVII, người dân ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi và Bình Thuận bị thất mùa, nạn đói đe dọa. Họ được khuyến khích di cư vào các tỉnh miền Nam. Những người Việt đến định cư khai khẩn đất đai từ Hóc Môn lên đếnTrảng Bàng rồi qua Gò Dầu lên tận núi Bà Đen. Họ đến mang theo ngôn ngữ, phong tục, tập quán và nền văn hóa khác với người Cambodia, nên khi người Việt đến đâu thì người Campuchia tự động lui về hướng tây tức vào sâu sang biên giới nước họ.
Thời gian này, Tây Ninh được triều đình Huế sát nhập vào tỉnh Gia Định (tức Phiên An trấn). Khi Chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn đánh đuổi bỏ chạy vào Nam, ông đã chạy lên Tây Ninh ẩn náu, tìm đường sang Campuchia, rồi bắt liên lạc cầu viện quân Xiêm trợ giúp đánh lại nhà Tây Sơn. Nhưng cuối cùng nhà Tây Sơn đã đánh bại quân Xiêm. Năm 1789 Chúa Nguyễn nhờ đến viện binh là quân Pháp sang giúp. Đến năm 1802, Chúa Nguyễn Phúc Ánh dẹp xong nhà Tây Sơn và lên ngôi lấy vương hiệu là Gia Long, quốc hiệu là Đại Nam quốc. Đến thời kỳ vua Thiệu Trị và Tự Đức quân lính ở vùng Thủy Chân Lạp sang đánh phá muốn chiếm lại đất đai vì Tây Ninh lúc bấy giờ thuộc vùng lãnh thổ tiếp giáp giữa hai nước. Nhưng cuối cùng quân Campuchia thua cuộc.
Theo các nguồn sử liệu phương Tây thì từ đầu thế kỷ XVII, người Việt đã đến định cư khai phá vùng Sài Gòn – Gia Định. Họ cùng với cư dân địa phương – người Khơ me khai phá các khu vực chợ Quán, Tân Định, Bà Chiểu, Gò Vấp… kéo dài đến Hóc Môn và dọc theo trục lộ đi về phía Tây Ninh. Thành phần chủ yếu là nông dân và thợ thủ công nghèo khổ ở các tỉnh phía ngoài bị cùng chủ yếu là nông dân và thợ thủ công nghèo khổ ở các tỉnh phía ngoài bị cùng cực, điêu đứng vì tai họa chiến tranh, bị giai cấp phong kiến áp bức, bóc lột tàn bạo không thể sống nổi, buộc phải rời bỏ làng xóm, quê hương đi một mình hoặc đem theo cả vợ con cùng bè bạn, xóm giềng vào vùng đất mới xa xôi tìm con đường sống. Chính con số đông đảo những người nông dân nghèo khổ phải xiêu tán đó là nguồn cung cấp cho làn sóng di cư vào đất Ðồng Nai – Gia Định, nơi họ nghe nói có đất đai rộng lớn phì nhiêu chưa được khai thác. Ngoài ra còn những người trốn binh dịch; tù nhân bị lưu đày; lính đảo, giải ngũ; thầy lang; thầy đồ nghèo… kể cả một số người vốn đã giàu có nhưng vẫn muốn tìm nơi đất mới để mở rộng làm ăn.
Cũng vào thế kỷ XVII có một số lớn người Hoa từ Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) đến vùng Ðồng Nai – Gia Định xin tị nạn và làm ăn sinh sống. Năm 1679 có khoảng 3.000 người, năm 1680 có 200 người do Mạc Cửu đưa đến vùng Hà Tiên.
Như vậy, cho đến những năm cuối thế kỷ XVII, cùng với người Hoa, người Khơ me, lưu dân người Việt đã đến định cư khai phá vùng Sài Gòn – Bến Nghé. Lúc này dân số tại đây đã lên tới 40.000 hộ với khoảng 200.000 người và chúa Nguyễn đã cho lập ra ở đây hai huyện (Phước Long và Tân Bình) với 2 dinh (Trấn Biên và Phiên Trấn) đều thuộc phủ Gia Định để tiến hành quản lý hành chính. Đất Tây Ninh lúc ấy là đạo Quang Phong thuộc phủ Gia Định với dân số ước khoảng 1.000 người.
Từ đây, công cuộc khai phá vùng đất Tây Ninh nói riêng và Nam Bộ nói chung bước sang thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn.
Trên cơ sơ hoạt động nông nghiệp phát triển nghề làm gốm được triển khai mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu bảo quản, cất trữ lương thực, nấu, đựng đồ ăn, thức uống.Trong các di tích của cư dân nơi đây, có nhiều loại đồ gốm được chế tác bằng bàn xoay từ đất sét có pha thêm cát mịn như: vò, nồi, bình, bát, mâm bồng, đĩa quả, bếp có 3 chân kiềng…
Theo địa sử học vào thời bấy giờ, vùng đầm lầy Duyên Hải bao gồm cả vùng châu thổ sông Cửu Long ngày nay. Vùng đầm lầy cùng với sông nước sông Vàm Cỏ Đông là địa bàn thuận tiện cho việc phát triển nghề đánh bắt thủy sản. Nhiều di cốt động vật, vỏ các loài nhuyễn thể, giáp xác được đánh bắt làm thực phẩm thời ấy còn bảo tồn khá lớn trong di tích.
Tây Ninh vẫn thuộc phần lãnh thổ của tỉnh Gia Định. Song, do tỉnh Gia Định thời bấy giờ rất rộng lớn, bao gồm cả vùng đất Tây Ninh, Tân Bình, Chợ Lớn, Tân An và Gò Công nên đến thời kì Pháp thuộc, vùng Trảng Bàng trở thành ranh giới phân chia hai tỉnh Tân An và Tây Ninh. Tỉnh Tây Ninh gồm hai vùng đất chính là Tây Ninh và Gò Dầu. Điểm đặc biệt của vùng đất Tây Ninh là có vô số cây bàng lác, là loại cây chuyên dùng làm bao xách hay làm đệm. Còn Gò Dầu là vùng đất cao có vô số cây dầu mà người dân dùng để đốt làm đèn.
Ngày nay, Tây Ninh đã trở thành một tỉnh có vị trí quan trọng vì nằm ngay trên trục giao thông nối liền hai nước Việt Nam và Camphuchia, thuận lợi cho các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa và du lịch phát triển.