Tỉnh Sóc Trăng năm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Phía bắc và tây bắc giáp Hậu Giang, phía nam và tây nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía đông bắc giáp Vĩnh Long và Trà Vinh, phía đông và đông nam giáp biển 72 km. Tỉnh lỵ của Sóc Trăng hiện nay là thành phố Sóc Trăng, cách Thành phố Hồ Chí Minh 240 km.
Mã vùng điện thoại: 079
Biển số xe: 83
Tổ chức hành chính: Tỉnh Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính gồm 1 Thành phố (Thành phố Sóc Trăng), 1 thị xã (Thị xã Vĩnh Châu), 09 huyện (Huyện Ngã Năm, Huyện Long Phú, Huyện Kế Sách, Huyện Mỹ Tú, Huyện Mỹ Xuyên, Huyện Trần Đề, Huyện Thạnh Trị, Huyện Châu Thành, Huyện Cù Lao Dung).
Khí hậu
Sóc Trăng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới chịu ảnh hưởng gió mùa, hàng năm có mùa khô và mùa mưa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,80C, ít khi bị bão lũ. Lượng mưa trung bình trong năm là 1.864 mm, tập trung nhất từ tháng 8,9,10, độ ẩm trung bình là 83%, thuận lợi cho cây lúa và các loại hoa màu phát triển.
Diện tích: 3.311,6 km²
Dân số: Dân số tỉnh Sóc Trăng năm 2011 là 1.303.700 người. Mật độ: 394 người/km².
Thành phần dân tộc: Trên địa bàn tỉnh Sóc Trắng có nhiều dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Kinh, người Khmer và người Hoa. Sóc Trăng có khoảng 350.000 người Khmer, đông nhất trong số các địa phương có người Khmer sinh sống, chiếm 28,9% dân số toàn tỉnh và chiếm 32,1% tổng số người Khmer của cả nước.
Tên gọi
Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh’leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là “xứ”, “cõi”, Kh’leang là “kho”, “vựa”, “chỗ chứa bạc”. Srok Kh’leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là “Sốc-Kha-Lang” rồi sau đó thành Sóc Trăng. Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng bị đổi là Nguyệt Giang tỉnh (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi bị đổi thành Nguyệt Giang).
Lịch sử
Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu, trên trục lộ giao thông thủy bộ nối liền thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Có bờ biển dài 72 km và 03 cửa sông lớn Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh đổ ra Biển Đông.
Địa lý hành chính của Sóc Trăng nhiều lần thay đổi theo sự biến thiên của lịch sử. Vào năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đàng trong (Nam bộ) và tiến hành xác lập địa giới hành chính vùng đất này, lập thành phủ Gia Định. Lấy đất Đồng Nai (Nông Nại) làm huyện Phước Long và đặt dinh Trấn Biên, lưu mộ dân từ Quảng Bình trở vào đến ở, chia đặt thôn, ấp.
Năm 1732, chúa Nguyễn lập dinh Long Hồ tại Cái Bè (lúc đó là Cái Bè Dinh), năm 1780 được đặt tại vùng chợ Vĩnh Long và đổi tên là Vĩnh Trấn Dinh, sau đó đổi thành trấn Vĩnh Thanh. Lúc này Sóc Trăng thuộc vùng Ba Thắc (nằm trong trấn Vĩnh Thanh, phủ Gia Định).
Năm 1832, vua Minh Mạng chia Nam kỳ thành 06 tỉnh, 03 tỉnh miền Đông là: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường; 03 tỉnh miền Tây gồm: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Vùng đất Sóc Trăng thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1835 lại lấy đất Ba Thắc (tức vùng đất Sóc Trăng) nhập vào tỉnh An Giang, lập thêm phủ Ba Xuyên, gồm 03 huyện: Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Định. Đây là điểm mốc có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng về địa danh hành chính tỉnh Sóc Trăng sau này.
Năm 1867, thực dân Pháp chiếm 03 tỉnh miền Tây trong đó có Sóc Trăng, sau đó Pháp chia Nam kỳ lục tỉnh thành nhiều hạt. Đến năm 1876, thực dân Pháp chia toàn Nam kỳ thành 04 khu vực hành chính gồm: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Sắc (Bassac), mỗi khu vực hành chính lớn lại chia nhỏ thành nhiều tiểu khu, tiểu khu Sóc Trăng thuộc khu vực Bát Sắc.
Năm 1882, Pháp tách 02 tổng của tiểu khu Sóc Trăng và 03 tổng của tiểu khu Rạch Giá thành lập thêm tiểu khu Bạc Liêu. Tiếp theo một vài thay đổi (tách, nhập, xóa bỏ), nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 27/12/1892 quy định Nam kỳ có 02 thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn và 20 khu xếp theo thứ tự A, B, C như sau: Bạc Liêu, Bà Rịa, Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Hà Tiên, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Đến tháng 5/1895, lập thêm thành phố Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Nghị định ngày 20/12/1899 của toàn quyền Đông Dương quy định: Kể từ ngày 01/01/1900, tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Đông Dương (trong đó có cả các khu ở Nam kỳ) đều thống nhất gọi là tỉnh (Province).
Đứng đầu mỗi tỉnh ở Nam kỳ là một chủ tỉnh, cũng gọi là Chánh Tham biện (Administrateur de la). Cho đến cuối thời kỳ Pháp thuộc, 20 tỉnh vẫn giữ nguyên tên cũ. Tỉnh Sóc Trăng thuộc miền Tây Nam kỳ, gồm 03 quận: Châu Thành, Kế Sách, Bang Long (nay là Long Phú).
Năm 1926 thực dân Pháp chia tỉnh Sóc Trăng thành 04 quận: Châu Thành, Kế Sách, Long Phú và Phú Lộc. Năm 1932, Thống đốc Nam kỳ quyết định giải tán một số quận trong các tỉnh Nam kỳ, nhưng đến năm 1941, Thống đốc Nam kỳ quyết định thành lập lại quận Phú Lộc.
Về phía ta, sau Cách mạng tháng 8/1945, quận Phú Lộc được gọi là quận Thạnh Trị. Trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh Sóc Trăng có thêm quận Vĩnh Châu của tỉnh Bạc Liêu giao qua. Sau đó, ta nhập huyện Vĩnh Châu vào huyện Thạnh Trị lấy tên là Thạnh Trị. Cũng trong thời kỳ này, Sóc Trăng có thêm một số xã của tỉnh Rạch Giá và Cần Thơ giao qua.
Năm 1955, thực hiện sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy, tỉnh Sóc Trăng giao huyện Vĩnh Châu cho tỉnh Bạc Liêu. Cuối năm 1957 tỉnh Sóc Trăng nhận thêm thị xã Bạc Liêu và các huyện: Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai của tỉnh Bạc Liêu và huyện Hồng Dân của tỉnh Rạch Giá.
Cũng trong năm này, tỉnh Sóc Trăng sáp nhập 02 huyện Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu thành một huyện lấy tên là Vĩnh Lợi – Vĩnh Châu (năm 1962 lại tách 02 huyện ra như cũ). Đầu năm 1958 huyện Kế Sách sáp nhập về tỉnh Cần Thơ. Như vậy, vào thời gian này tỉnh Sóc Trăng có 02 thị xã (thị xã Sóc Trăng, thị xã Bạc Liêu) và 07 huyện (Châu Thành, Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai).
Tháng 11/1973, theo quyết định của Khu ủy Tây Nam bộ, Sóc Trăng giao các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu cho tỉnh Bạc Liêu (riêng huyện Giá Rai giao lại cho tỉnh Cà Mau từ năm 1961). Nghị định số 31/NĐ, ngày 21/2/1976 của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quy định giải thể cấp khu, hợp nhất một số tỉnh. Tỉnh Sóc Trăng hợp nhất với tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang.
Trong kỳ hợp lần thứ 10 (khóa VIII) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 26 tháng 12 năm 1991, quyết định tách tỉnh Hậu Giang thành 02 tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ. Tỉnh Sóc Trăng chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 4/1992 gồm các huyện: Mỹ Tú, Kế Sách, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu và thị xã Sóc Trăng.
Điểm du lịch ở Sóc Trăng
Chùa Dơi
Chùa Dơi hay còn có tên gọi khác là chùa Mã Tộc, Mahatup được xem là một trong những ngôi chùa Khmer đẹp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, chùa mang dáng dấp của những đường nét kiến trúc Khmer truyền thống. Bên cạnh đó trong khuôn viên chùa là hàng ngàn con dơi đang trú ngụ. Phía sau chùa là mộ của cô Năm Hợi với các câu chuyện li kì, bí ẩn.
Chùa chén kiểu
Chùa chén kiểu nằm trên QL1 nối từ thành phố Sóc Trăng tới tỉnh Bạc Liêu, sở dĩ có tên gọi này là chùa được trang trí bởi những mảnh chén, đĩa gốm sứ ốp lên trông rất lạ mắt và độc đáo. Bên trong chùa còn có những kỉ vật của đại gia đình công tử Bạc Liêu như chiếc giường gỗ rất đẹp được chạm khắc cầu kì và tinh tế.
Chùa đất sét
Ngôi chùa được xây dựng từ đầu thế kỉ XX bởi gia đình họ Ngô nhưng chỉ đến đời thứ tư của ông Ngô Kim Tòng chùa mới được trùng tu, xây dựng khang trang. Điều đặc biệt là các bức tượng, đồ thờ bên trong chùa được làm từ đất sét. Trong đó có cặp nến với chiều cao hơn 2m có thể cháy cả trăm năm.
Chợ nổi ngã Năm
Cũng giống như các chợ nổi khác của Nam Bộ, chợ nổi ngã Năm là nơi buôn bán nhộn nhịp, sầm uất của người dân Sóc Trăng nói riêng và người dân các tỉnh lân cận nói chung. Chợ họp từ sáng sớm lúc trời còn tờ mò, mỗi ghe sẽ bán nhiều mặt hàng khác nhau nhưng chủ yếu là các nông sản, trái cây và đồ ăn.
Món ngon Sóc Trăng
Bún nước lèo Sóc Trăng
Bún nước lèo thì rất nhiều tỉnh ở miền tây có như Trà Vinh, Cà Mau, An Giang nhưng ngon nhất vẫn là ở Sóc Trăng. Nước dùng nấu từ mắm bò hóc có thêm cây ngải cứu để khử mùi tanh của mắm và làm ngọt nước hơn. Bún được làm từ gạo dẻo nên rất đặc biệt, nguyên liệu dùng kèm còn có thịt heo quay, cá lóc, rau muống bào, hoa chuối xắt mỏng và nước mắm ngon.
Bánh ống
Món quà quê quen thuộc của những đứa trẻ Khmer và cũng là món ăn lót dạ cho người lớn sau những giờ làm việc vất vả. Bánh ống được làm từ bột gạo xay nhuyễn trộn với màu của lá dứa, đường và nước cốt dừa sau đó được hấp trong ống tre hoặc ống nhôm. Món bánh ống ăn nóng là ngon nhất, khi ăn rắc chút đậu phộng lên phía trên làm cho món ăn có vị bùi, béo rất thích.
Bánh pía
Đây là loại bánh nổi tiếng nhất của Sóc Trăng và có thể là nổi tiếng nhất của vùng đất Nam Bộ. Bánh có vỏ làm từ bột mì gồm nhiều lớp mỏng, nhân bên trong là đậu xanh, sầu riêng và trứng muối. Khi ăn vị béo của đậu xanh sầu riêng hòa trộn với vị mặn của trứng muối tạo nên hương vị rất hấp dẫn.
Cháo cá lóc rau đắng
Cháo cá lóc rau đắng là món ăn quen thuộc trong bữa sáng hoặc bữa tối của người dân Sóc Trăng. Cá lóc chắc nịch, thịt trắng ngần được làm chín, bên cạnh đó là nồi cháo được ninh kĩ. Cháo được múc ra tô, cho thịt cá và rau đắng vào. Ban đầu bạn sẽ cảm thấy vị đắng của rau rất khó chịu nhưng khi đã quen rồi cảm giác rất đã, rau giòn tan với thịt cá mềm, ngọt cùng với sự đà của chút nước mắm càng làm cho món ăn trở nên thăng hoa.
Bún gỏi già
Bún gỏi già là món ăn được biến tấu từ gỏi cuốn với các nguyên liệu chính như thịt ba rọi, tôm luộc bóc vỏ, bún tươi, rau sống, đậu phộng, tương xay. Chỉ khác với gỏi cuốn là nó có thêm phần nước dùng được ninh từ xương heo và thêm chút mắm me. Món ăn có vị ngọt thanh cùng với nguyên liệu bắt mắt đi kèm sẵn sàng chinh phục những thực khách khó tính nhất.
Hủ tíu cà ri Vĩnh Châu
Hủ tíu cà ri Vĩnh Châu là món ăn khá độc đáo trong bản đồ ẩm thực miền tây, hủ tíu không sử dụng các loại thịt thông thường như thịt gà, heo hay bò mà sử dụng thịt vịt xiêm trưởng thành, nước cà ri với mùi thơm dễ chịu, không quá cay nồng.
Khô trâu Thạnh Trị
Trước giờ dân đi du lịch bụi đã quá quen thuộc với các loại khô bò, khô nai chứ món khô trâu thì thật là mới mẻ. Thịt trâu được chọn làm khô phải là thịt đùi, bỏ hết gân sau đó ướp với các loại gia vị và đem phơi nắng hoặc sấy. Khi ăn thì nướng trên than hồng cho đều hai mặt, lúc thịt trâu bốc mùi thơm lừng là có thể dùng được.
Cá bống sao kho tiêu cù lao Dung
Cù lao Dung là một cồn lớn nằm trên dòng sông Hậu, nơi được thiên nhiên ban tặng cho nhiều sản vật tươi ngon, trong đó có con cá bống sao. Thịt cá bống sao có màu đỏ, chắc nịch, ngon nhất vẫn là kho tiêu sền sệt ăn với cơm trằng nóng hổi là ngon nhất.
Canh chua cá ngát
Canh chua cá ngát là món ăn nổi tiếng của cồn Mỹ Phước, tỉnh Sóc Trăng. Cá ngát được làm sạch, cắt thành từng khoanh sau đó bỏ vào nồi nước dùng đã được nêm nếm kĩ, vị chua của canh đến từ những quả bần mọc rất nhiều ở khu vực này. Vị chua của bần, ngọt thanh của cá, nước dùng với vị mặn của nước mắm tạo nên một món ăn cực kì hấp dẫn.