Tỉnh Quảng Ninh nằm ở khu vực đông bắc Việt Nam. Phía tây giáp tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang, phía đông giáp vịnh Bắc Bộ, phía tây nam giáp tỉnh Hải Dương và Thành phố Hải Phòng, phía bắc giáp quận Phòng Thành và thị xã Đông Hưng, thành phố Phòng Thành Cảng, (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) với cửa khẩu Móng Cái và Trinh Tường.
Mã vùng điện thoại: 033
Biển số xe: 14
Tổ chức hành chính: Tỉnh Quảng Ninh có 14 đơn vị hành chính gồm 4 thành phố (Thành phố Hạ Long, Thành phố Móng Cái, Thành phố Uông Bí, Thành phố Cẩm Phả), 1 thị xã (Thị xã Quảng Yên) và 9 huyện (Huyện Đông Triều, Huyện Tiên Yên, Huyện Hải Hà, Huyện Bình Liêu, Huyện Ba Chẽ, Huyện đảo Cô Tô, Huyện Đầm Hà, Huyện Hoành Bồ, Huyện Vân Đồn).
Khí hậu:
Khí hậu Quảng Ninh tiêu biểu cho khí hậu các tỉnh miền Bắc Việt Nam vừa có nét riêng của một tỉnh miền núi ven biển. Các quần đảo ở huyện Cô Tô và Vân Đồn … có đặc trưng của khí hậu đại dương.
Quảng Ninh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có một mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều; một mùa đông lạnh, ít mưa và tính nhiệt đới nóng ẩm là bao trùm nhất.
Do nằm trong vành đai nhiệt đới nên hàng năm có hai lần mặt trời qua thiên đỉnh, tiềm năng về bức xạ và nhiệt độ rất phong phú.
Ảnh hưởng bởi hoàn lưu gió mùa Đông Nam Á nên khí hậu bị phân hoá thành hai mùa: mùa hạ nóng ẩm với mùa mưa, mùa đông lạnh với mùa khô.
Về nhiệt độ: được xác định có mùa đông lạnh, nhiệt độ không khí trung bình ổn định dưới 20oC. Mùa nóng có nhiệt độ trung bình ổn định trên 25oC.
Về mưa: theo quy ước chung, thời kỳ có lượng mưa ổn định trên 100 mm là mùa mưa; còn mùa khô là mùa có lượng mưa tháng ổn định dưới 100 mm.
Theo số liệu quan trắc, mùa lạnh ở Quảng Ninh bắt đầu từ hạ tuần tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 3 năm sau, mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10.
Mùa ít mưa bắt đầu từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau, mùa mưa nhiều bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10.
Giữa hai mùa lạnh và mùa nóng, hai mùa khô và mùa mưa là hai thời kỳ chuyển tiếp khí hậu, mỗi thời kỳ khoảng một tháng (tháng 4 và tháng 10).
Sự chênh lệch về nhiệt độ trung bình của tháng tiêu biểu cho mùa đông (tháng 1) thấp hơn nhiệt độ trung bình của tháng tiêu biểu cho mùa hạ (tháng 7) là 120C và thấp hơn nhiệt độ trung bình của tháng 1 theo tiêu chuẩn nhiệt độ cùng vĩ tuyến là 5,10C.
Diện tích: 6.102,4 km²
Dân số: Dân số của tỉnh Quảng Ninh năm 2011 là: 1.163.700 người. Mật độ: 191 người/km²
Thành phần dân tộc: Quảng Ninh có 22 thành phần dân tộc, song chỉ có 6 dân tộc có hàng nghìn người trở lên, cư trú thành những cộng đồng và có ngôn ngữ, có bản sắc dân tộc rõ nét. Ðó là các dân tộc Việt (Kinh), Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa.
Lịch sử
Thời tiền sử và sơ sử
Quảng Ninh có người ở từ rất sớm, rất có thể là từ thời đồ đá cũ. Tháng 11 năm 1976, một kỹ sư địa chất đã phát hiện ở Tấn Mài – nay là xã Quảng Ðức, huyện Quảng Hà những hòn đá có dáng công cụ thô sơ thời tiền sử. Tiếp đó nhiều nhà khảo cổ đã về đây tìm kiếm và thấy thêm nhiều hòn đá đáng nghiên cứu. Có ý kiến đoán định đây không những là một nơi cư trú cổ mà còn là một “xưởng chế tác” công cụ. Nhưng, ngược lại, còn nhiều ý kiến băn khoăn vì chưa tìm ra được tầng văn hoá khảo cổ, rất có thể những hòn đá có hình công cụ đó chỉ có những hòn đá do va đập ngẫu nhiên trong tự nhiên. Nếu di chỉ đồ đá cũ còn chưa có kết luận cuối cùng thì hàng loạt di chỉ đồ đá mới được liên tiếp phát hiện đã khẳng định trên vùng đảo và ven biển Quảng Ninh đã có người thời tiền sử sinh sống ít nhất là từ non một vạn năm trở lại đây.
Trước hết là ở hang Soi Nhụ thuộc huyện Vân Ðồn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy (năm 1967) trong khối vỏ ốc kết thành tầng dầy đã hoá đá những mảnh sọ, răng người, xương chi lẫn với những mảnh gốm thô, non, bàn mài, rìu đá có vai và một xương chi bò rừng. Xếp những mảnh xương người có thể thấy đấy là di cốt của 5 người: 2 nam, 3 nữ. Phân tích độ cổ vỏ của các công cụ và chất lượng đồ gốm cùng quá trình kết tầng hoá thạch lớp vỏ ốc, các nhà khảo cổ đều thống nhất đoán định rằng chủ nhân nơi này sống trong kỳ đồ đá mới, cách ngày nay từ 5 – 6 nghìn năm đến trên một vạn năm.
Ngoài di chỉ Soi Nhụ, các nhà khảo cổ còn xếp các di chỉ sau đây: Mái Ðá – Ðồng Ðăng, hang Hà Lùng – xã Sơn Dương; Mái Ðá hang Dơi – xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ; hang Hà Giắt – xã Ðoàn Kết, huyện Vân Ðồn… cũng cùng thời kỳ đồ đá mới. Gần đây có ý kiến gọi tên nền văn hoá khảo cổ này là văn hoá Soi Nhụ, cũng có ý kiến gọi là “văn hoá Tiền Hạ Long”.
Nối tiếp văn hoá Soi Nhụ là một nền văn hoá thời kỳ hậu đồ đá mới hàng loạt di chỉ được các nhà khảo cổ Pháp và Thuỵ Ðiển phát hiện từ những năm 1938, 1939. Sau ngày hoà bình lập lại, trên vùng biển vịnh Hạ Long và ven bờ, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện nhiều di chỉ tương tự. Gần đây trong quá trình quản lý vịnh Hạ Long, lại phát hiện thêm nhiều hang động còn di tích cư trú của người tiền sử. Có người lấy tên di chỉ Ngọc Vừng gọi tên nền văn hoá này. Có người lấy loại công cụ đặc trưng là những chiến rìu có vai có nấc gọi tên là “nền văn hoá rìu có vai có nấc”. Sau đó tên nền văn hoá được mọi người thống nhất gọi là “Nền văn hoá Hạ Long”.
Trong nền văn hoá này, các nhà khảo cổ lại chia ra làm 2 giai đoạn sớm và muộn: Giai đoạn sớm cách nay chừng 5-6 nghìn năm, gồm các di chỉ tiêu biểu: thoi giếng, thôn Mam, Gò Mừng (xã Vạn Ninh), Gò Mả Tổ, Gò Bảo Quế (xã Hải Tiến), Gò Miếu Cả, Gò Quất Ðông Nam (xã Hải Ðông), đều ở huyện Hải Ninh (Móng Cái ngày nay)… Giai đoạn muộn cách nay chừng 3 – 4 nghìn năm, gồm các di chỉ tiêu biểu: Ngọc Vừng (huyện Vân Ðồn), Xích Thổ (xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ), Ðồng Mang (phường Giếng Ðáy), Giáp Khẩu (phường Hà Lầm), Cái Lân (phường Bãi Cháy), Cọc 8 (phường Hồng Hà)… thuộc thành phố Hạ Long.
Ðến thời đại kim khí, trước hết là đồ đồng, trên đất Quảng Ninh lại tìm ra nhiều chứng tích. Trên núi Ðầu Rằm thuộc xã Hoàng Tân, huyện Yên Hưng vừa phát hiện một di chỉ lớn (1998). Ở đây ngoài công cụ đồ đá tinh xảo và những đồ gốm nung bền chắc còn tìm thấy nhiều công cụ binh khí bằng đồng, trong đó có những mũi tên đồng, mũi dao đồng. Trên đồi chè hợp tác xã Quảng Lễ, xã Quảng Chính, năm 1965 phát hiện một trống đồng Ðông Sơn trong văn hoá thời đại Hùng Vương. Trên cánh đồng Cầu Nam thuộc xã Phương Nam, thị xã Uông Bí phát hiện 7 ngôi mộ thuyền (mỗi quan tài là một khúc gỗ lớn khoét rỗng như một chiếc thuyền độc mộc). Trong mộ có nhiều hiện vật bằng đồng, thạp đồng, rìu đồng cùng vải thô, chiếu cói và duy nhất một chiếc đục bằng sắt.
Như vậy trên vùng đất Quảng Ninh, thời tiền sử và sơ sử đã nối tiếp có người ở. Ngoại trừ di chỉ đồ đá cũ Tấn Mài còn chưa được nhất trí khẳng định thì ít nhất từ một vạn năm lại đây, với văn hoá Soi Nhụ, văn hoá Hạ Long và văn hoá thời đại kim khí (hoặc thời đại Hùng Vương), đã chứng minh một cách chắc chắn là con người đã cư trú ở vùng Ðông Bắc này liên tục và không ngừng phát triển. Từ đó có thể khẳng định đây là một trong những vùng đất cổ của dân tộc, sau nghề săn bắn và hái lượm, tổ tiên ta đã xuống biển đánh bắt hải sản, rồi nối tiếp với nền văn minh lúa nước, khai thác vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ về nghề trông lúa nước và chăn nuôi gia súc.
Thời phong kiến
Sau thời An Dương Vương và nước âu Lạc, Việt Nam bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ liên tiếp 10 thế kỷ. Chúng chia Việt Nam thành các quận, huyện, vùng. Quảng Ninh ngày nay trong 1000 năm mang các tên châu quận: An Ðịnh, châu Hoàng, châu Lục, Ninh Hải, Ngọc Sơn, Triều Dương… Ðây là vùng cửa ngõ vào Việt Nam bằng đường biển lại là vùng giàu sản vật quý. Vùng này cũng là cửa ngõ thông thương, nơi trao đổi buôn bán chủ yếu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vùng ven biển nhất là ở Vạn Ninh và cửa Vân Hải (Minh Châu, Quan Lạn ngày nay), hàng hoá trao đổi sầm uất. Nhân dân phải nai lưng cực nhọc không ngừng đấu tranh chống ách đô hộ, chống đồng hoá, vẫn giữ tiếng Việt và các phong tục của cội nguồn con Lạc cháu Hồng. Vào những năm 30 của thế kỷ I dưới ách cai trị tàn bạo của Thái thú Tô Ðịnh, một người Ðông Triều là Chu Sĩ đã tụ tập trai tráng trong làng nổi dậy. Các ngõ làng tích cực ủng hộ, giúp vũ khí lương thực. Nghĩa quân chiến đấu anh dũng, tiêu diệt được nhiều tên giặc. Tô Ðịnh cho quân đàn áp tàn bạo. Chu Sĩ chiến đấu quyết liệt nhưng không chống nổi phải nhảy xuống sông tự vẫn. Sau này vua Trần Dụ Tông phong ông là Chu Sĩ Ðại Vương.
Thời phong kiến độc lập – tự chủ (thế kỷ X-thế kỷ XIX)
Năm 905, cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ toàn thắng, chính quyền đô hộ nhà Ðường bị đập tan. Ðất nước độc lập, tự chủ. Sau thời họ Khúc, đến thời Ngô Quyền lập công giữ nước. Sau thời 12 sứ quân đến thời nhà Ðinh rồi Lê Hoàn lại lập công vang dội ở vùng này. Tiếp đến là các triều đại Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh, Nguyễn vùng Ðông Bắc này đều ghi dấu những biến động, những sự kiện lớn của lịch sử dân tộc.
Có thể tóm lược các sự kiện chính sau đây:
Ba lần đại thắng quân xâm lược trên sông Bạch Ðằng (Ngô Quyền thắng quân Nam Hán, Lê Ðại Hành thắng quân Tống, Trần Hưng Ðạo thắng quân Nguyên Mông). Thêm một lần dưới triều Lê, Lý Thường Kiệt tiến quân qua vùng Ðông Bắc này để đại phá quân Tống ngay sào huyệt của chúng.
Mở cửa thương Cảng Vân Ðồn. Cảng ngoại thương Vạn Ninh – Vân Ðồn thịnh vượng nhiều thế kỷ suốt các triều đại Lý – Trần. Thương cảng Vạn Ninh – Vân Ðồn, cửa ngõ buôn bán của quốc gia Ðại Việt. Theo sử sách, cửa ngõ buôn bán của vùng Ðông Bắc này đã hưng thịnh sôi động từ lâu, các thế kỷ thứ II, thứ III, hàng hoá từ Việt Nam đã đưa sang trao đổi ở cảng Hợp Phố (ngọc trai Việt Nam chuyển sang Hợp Phố đã thành thành ngữ “châu về Hợp Phố”). Di chỉ mộ Hán ở Ðá Bục (xã Minh Châu, huyện Vân Ðồn) cho thấy các mặt hàng phong phú qua đây. Ðến thời Ðường, cuối thế kỷ VIII, việc buôn bán tấp nập ở Minh Hải – Việt Nam ta đã vượt cả vùng cảng Quảng Châu. Ðến thời Lý – Trần, Việt Nam thịnh vượng, việc buôn bán cảng mở mang. Nhà Lý chính thức mở thương cảng Vân Ðồn để tập trung ngoại thương vào một cửa, thu thuế xuất nhập gọn đồng thời cũng để cảnh giác hạn chế người nước ngoài vào sâu trong nội địa, vừa khó giữ an ninh vừa làm cho tình trạng mua bán giá cả thất thường. Di tích thương cảng Vân Ðồn và cảng tiền tiêu là Vạn Ninh (nay thuộc Móng Cái) còn có những dãy tường thành của bến cũ và nhà ở bên bờ sông Mang, những bến Cống Cái, Cái Làng, Cống Ðông, Cống Tây mà ngày nay rất dễ tìm thấy các mảnh gốm cổ, và cả những đồng tiền cổ.
Như vậy là không chỉ thời đại Lý – Trần mà trước đó và sau đó, vùng đất, vùng biển Ðông Bắc này đã là một cửa mở giao lưu thương mại, góp phần làm cho đất nước phát triển kinh tế. Tuy nhiên ở một số triều đại, khi phải lo giữ nước đã có chính sách “ức thương”, nhất là ngoại thương, làm cho kinh tế thương nghiệp của ta không mạnh lên được.
Ra đời và hưng thịnh Thiền phái Trúc Lâm của đạo Phật trên vùng núi Yên Tử. Yên Tử – Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo của Việt Nam thời Trần. Ðạo Phật được truyền vào Việt Nam từ đầu thời Bắc thuộc, đến thế kỷ VIII-IX thì phát triển với hai dòng chính là Nam Phương và Quan Bích. Nước Ðại Cồ Việt ra đời, các nhà sư có vị thế lớn trong xã hội. Ðến thời Lý “nhân dân quá nửa làm sư, trong nước chỗ nào cũng có chùa”. Ðến thời Trần, vua quan, quý tộc nhiều người xuất gia hầu Phật. Vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) đã bỏ kinh thành trốn lên núi Yên Tử để tu hành, nhưng Trần Thủ Ðộ và nhà sư Phù Vân Quốc Sư khuyên giải nên lại quay về Thăng Long. Ðến cháu ông – vua Trần Nhân Tông, người vừa chủ trì lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng quân Nguyên Mông, đã nhường ngôi cho con vào năm 1293, theo đường cũ của ông nội, lên núi Yên Tử tu hành.
Trần Nhân Tông kế thừa tư tưởng tu hành của Trần Thái Tông và của Tuệ Trung Thượng Sĩ, ông cũng thừa hưởng giáo lý thiền thời Lý “lấy tâm truyền tâm, không dùng văn tự”, người tu hành giác ngộ được bản thân thì có thể thành Phật. Từ sự kế thừa đó và từ thực tiến gắn bó với nhân dân trong những năm tháng quyết liệt đánh giặc, ông đã phát triển thành một hệ tư tưởng Phật học đầy sức sống. Ông viết sách, giảng kinh, chủ trương tu hành trước hết là ở lòng mình, “xuất gia” hay “tại gia” đều được vì “Tâm từ Phật, Phật tức tâm” và bậc nhân chủ phải lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình, lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình. Như vậy là “đạo” gắn với “đời”, việc tu tâm là để thêm trách nhiệm với dân, với nước…Nối tiếp con đường tu hành và tư tưởng của Trần Nhân Tông là sư Pháp Loa và sư Huyền Quang. Ba vị tu hành này lập nên thiền phái Trúc Tâm và ngay từ đương thời đã được tôn là “Trúc Lâm Tam Tổ”. Từ khi nhà vua lên Yên Tử tu hành, ngôi chùa trên Yên tử được xây dựng ít nhất từ thời lý được mở mang, tôn tạo. Ðây là nơi tương truyền đạo sĩ Yên Kỳ Sinh (từ thời Tiền Hán hoặc thời Tần) đến luyện thuốc trường sinh bất tử. (Tên núi Yên Tử có nghĩa là núi Ông Yên). Núi Yên Tử có đỉnh cao 1.068 m, đứng đây nhìn bao quát đến cửa Bạch Ðằng, Núi có nhiều hoa thơm, cỏ lạ, có rừng trúc, rừng thông, suối chảy, mây bay. Hàng chục ngôi chùa (chùa Quỳnh Lâm, chùa Long Ðộng, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Bảo Sái, chùa Một Mái, chùa Ðồng…) và những âm, những lăng, những tháp…được xây dựng từ thời trần đã làm cho Yên Tử cùng những chùa lớn ở Ðông Triều như Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Ngoạ Vân, Ngọc Thanh, Bắc Mã..trở thành nơi lui tới thường xuyên của các vị sư cả nước.
Chùa Quỳnh Lâm có hàng trăm gian với những tượng Di Lặc đồ sộ và khánh đá, chuông đồng, lại là trung tâm in ấn kinh sách, nơi có thị xã Bích Ðộng quy tụ các thi nhân trí thức trong nước, nơi mở hội Thiên Phật đông hàng vạn người…đã cùng với Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo của cả nước. Ðông Triều lại là quê gốc nhà Trần, trần Liễu về đây lập ấp An Sinh và trên đất An Sinh lần lượt quy tụ lăng mộ tám vua Trần. Trần Nhân Tông cũng về am Ngoạ Vân trên đất An Sinh để qua đời. Cũng trên đất Ðông Triều thời Trần, văn hoá cực thịch. Trong một kỳ thi mà hai thí sinh Ðông Triều, một đỗ Thám hoa, một đỗ Bảng Nhãn (Trần Ðình Nhâm và Lê Hiến Phủ). Ngày nay, trên núi Yên Tử (nay thuộc thị xa Uông Bí) và trên đất Ðông Triều còn lại sâu đậm các di tích thời lý – Trần đã được liệt hạng. Ðó thật sự là chứng tích huy hoàng của lịch sử Phật giáo ở Việt Nam và lịch sử tư tưởng – lịch sử triết học của dân tộc ta. Ngoài các sự kiện kể trên, đáng chú ý là ở vùng Quảng Ninh có nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân khi các tập đoàn phong kiến đi ngược lại quyền lợi của nhân dân.
Giai đoạn 1883-1955
Từ năm 1883-1945
Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam được tính từ tiếng súng đại bác tấn công vào Ðà Nẵng, năm 1858. Sau đó chúng lần lượt chiếm các tỉnh Nam Kỳ rồi hai lần đánh thành Hà Nội. Ngày 12-3-1883, đích thân Henriviere, viên chỉ huy cuộc đánh ra Bắc Kỳ lần thứ 2 dẫn 2 tàu chiến vào sâu trong vịnh Hạ Long, đậu trên vùng Cửa Lục rồi đổ quân chiếm đồi cao Bãi Cháy. Vùng đất Quảng Ninh bị thực dân chiếm đóng từ đây. Trước đó Pháp đã chú ý đặc biệt đến than đá ở vùng này. Sau khi triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng (hiệp ước Harmand 25-8-1883) và hiệp ước với công nhận quyền bảo hộ (hiệp ước Patermotre 6-6-1884). Pháp đã lần lượt tước đoạt kho tài nguyên này. Ngày 26-8-1888, tại Huế, đại diện triều đình phải ký bán vùng mỏ Hòn Gai cho Pháp trong 100 năm. Năm 1888, Toàn quyền Ðông Dương ký quyết định nhường để thưởng công cho Jean Dupuis (một lái buôn có công do thám mở đường xâm lược) toàn bộ đảo Cái Bầu. Năm 1890, triều đình Huế nhượng bán vùng mỏ Ðông Triều (năm 1885, triều đình Huế ký công ước chấp nhận toàn quyền nhượng địa cho tư bản Pháp được Toàn quyền Pháp ký quyết định.
Cũng từ năm 1888, các công ty than của Pháp lần lượt ra đời. Lớn nhất là công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ – S.F.C.T (Societe Fracaricdeo Charbonnases du Tonken) độc quyền vùng mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả rộng lớn. Chính quyền thực dân Pháp chủ mỏ tuyển hàng vạn phu từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh-Nghệ-Tĩnh. Trên đất mỏ, Pháp đưa các thiết bị khai thác, vận chuyển sang, song việc đào than, xúc than, chuyển than ra đầu đường đều bằng lao động thủ công nặng nhọc. Khổ cực nhất là dưới hầm lò, người phu mỏ phải đội thúng than trên đầu, Bọn thực dân quản lý theo lối trung cổ, dùng roi vọt đánh đập và luôn cúp phạt. Người phu mỏ lao động quần quật từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày với đồng lương chỉ đủ sống cầm hơi. Tai nạn đổ tầng, sập lò, và bệnh tật chết chóc thường xuyên. ở một số mỏ chúng còn trả lương bằng loại tiền riêng để trói chặt cuộc sống phu mỏ. Chưa kể nhà tù và các hình thức đầu độc như rượu, thuốc phiện, mê tín, dị đoan… Với hệ thống mật thám, cảnh sát riêng, vùng mỏ với những bất công, tàn bạo thực sự trở thành một địa ngục trần gian. Trong 67 năm, bọn thực dân chủ mỏ đã thu lãi lớn từ hơn 30 triệu tấn than chở về nước và bán cho các nước khác.
Từ năm 1928, tổ chức cách mạng Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội – Tổ chức tiền thân của Ðảng Cộng sản đã cử nhiều hội viên về vùng mỏ vừa tuyên truyền vận động cách mạng vừa để tự vô sản hoá. Phong trào đấu tranh ở đây từ tự phát lẻ tẻ đến có tổ chức, tự giác. Liên tiếp các cuộc bãi công, đình công đòi quyền lợi nổ ra. Ngày 17-6-1929, Ðông Dương Cộng sản ra đời ở Bắc Kỳ. Các chi bộ Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội – trong đó có hai chi bộ được thành lập sớm nhất ở Cẩm Phả, Cửa Ông cũng nhanh chóng chuyển thành chi bộ Ðông Dương Cộng sản đảng. Một hoạt động có ảnh hưởng lớn do các chi bộ lãnh đạo là tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga.
Ngày 7-11-1929, cờ đỏ búa liềm tung bay trên pooc-tích số 1 cảng Cửa Ông, giữa phố Cẩm Phả, Cửa Ông, Mạo Khê, Uông Bí…
Ngày 3-2-1930, Ðảng cộng sản Việt Nam được thành lập. Cuối tháng 2-1930, chi bộ Ðảng cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập ở mỏ Mạo Khê. Tờ báo Than được xuất bản (Hồi còn là Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội, chi bộ Cẩm Phả – Cửa Ông cũng ra tờ báo than). Số đảng viên không ngừng tăng. Nhiều chi bộ được thành lập thêm và tháng 9 năm 1930, đã hình thành 3 đảng uỷ: Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí, Vàng Danh. Tháng 10-1930, Xứ uỷ Bắc Kỳ chỉ đạo hợp nhất 3 đảng uỷ thành một Ðảng bộ đặc khu Ðông Triều – Hòn Gai – Cẩm Phả và đồng chí Vũ Văn Hiếu được chỉ định làm bí thư Ðặc khu uỷ. Ði đôi với sự phát triển Ðảng là sự ra đời các tổ chức quần chúng trước hết là công hội đỏ. Các cuộc đấu tranh lại nổ ra với tổ chức chặt chẽ hơn, quy mô lớn hơn, tiêu biểu là ngày quốc tế Lao động đầu tiên ở nước ta. Ngày 1-5-1930 cờ đỏ búa liềm tung bay trên núi Bài Thơ làm nức lòng dân, bọn chủ mỏ thì khiếp sợ.
Từ đầu năm 1931, phong trào bị khủng bố dữ dội, hàng loạt đảng viên và quần chúng bị bắt và xử tù, nhiều người bị tra tấn đến chết, phong trào tạm lắng xuống và lại bùng lên mạnh mẽ hơn trong thời kỳ mặt trận bình dân những năm 1936-1939. Giữa năm 1936, nhiều đảng viên được thả từ các nhà tù đã trở lại vùng mỏ chỉ đạo và một cuộc tổng đình công nổ ra từ ngày 13-11-1936 từ Cẩm Phả đã nhanh chóng lan sang Hòn Gai rồi ảnh hưởng đến tất cả các hầm mỏ nhà máy trong tỉnh. Hơn 3 vạn thợ mỏ đã tham gia cuộc tổng bãi công với khẩu hiệu đòi tăng lương giảm giờ làm, chống đánh đập, cúp phạt và một số yêu cầu về đời sống. Sau 10 ngày đấu tranh quyết liệt, bọn chủ mỏ chịu khuất phục, chịu chấp nhận thực hiện các yêu sách, công nhân toàn thắng. ở một số mỏ khác như Cái Bầu, Vàng Danh, Mạo Khê chưa chính thức nổ ra bãi công nhưng bọn chủ mỏ đã phải nhượng bộ. Tháng 9-1939, đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ. Tháng 9-1940 phát xít Nhật xâm lược Ðông Dương, chiến tranh lan rộng, sản xuất than suy giảm. Dưới hai tầng áp bức Pháp và Nhật, phong trào cách mạng bị đàn áp.
Từ cuối năm 1940, một số chi bộ Ðảng ở Quảng Yên, ở Uông Bí được thành lập lại, năm 1941 bị khủng bố, nhưng lúc này Trung ương Ðảng sau tổn thất từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã được củng cố. Ðường lối cách mạng đã được hoạch định. Mặt trận Việt Minh được thành lập ở Quảng Yên, Uông Bí, Ðông Triều, Móng Cái, Hòn Gai. Từ giữa năm 1945, trên đất Ðông Triều, thanh niên công nhân Mỏ Mạo Khê và từ các xã được tập hợp, vũ khí được mua sắm và tự tạo, đội du kích quân ra đời. ở Móng Cái, quân Tưởng tràn vào lấy danh nghĩa quân Ðồng Minh đánh Nhật kéo theo bọn Việt Quốc, Việt Cách phản động, huyện bộ Việt Minh Móng Cái đã tổ chức biểu tình gây thanh thế, sau đó lập đội du kích quân đưa ra đảo Vĩnh Thực luyện tập.
Ngày 8-6-1945, du kích quân Ðông Triều tuyên bố thành lập chiến khu Ðông Triều Trần Hưng Ðạo và trong một ngày ra quân đã hạ bốn đồn binh Nhật ở Chí Linh, Ðông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch. Tiếp đó ngày 2-7-1945 tiến đánh hai đồn ở Uông Bí. Ngày 20-7-1945 chớp thời cơ chiếm tỉnh lỵ ở Quảng Yên. ở miền Ðông, đội du kích Móng Cái về Ba Chẽ lập căn cứ đã vô tình rơi vào tay bọn Việt Cách. Ðồng chí Ðào Lộc, người đảng viên đầu tiên của địa phương, người lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh Hải Ninh đã kịp can thiệp, khôn khéo đưa đội du kích thoát hiểm về nhập với du kích quân Ðông Triều và tham gia cướp chính quyền ở Quảng Yên
Từ 1946 – 1955
Như vậy là với việc thành lập Chiến khu Trần Hưng đạo ngày 8-6-1945 và việc giành chính quyền ở tỉnh lỵ Quảng Yên, Quảng Ninh đã là địa phương khởi nghĩa thắng lợi và giành chính quyền cấp tỉnh sớm nhất trong vùng. Sau đó du kích quân Ðông Triều đẫ chuyển thành giải phóng quân tiến về giải phóng Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hòn Gai, Cẩm Phả và tiến ra giải phóng Tiên Yên, Ðầm Hà, Móng Cái. Trên đất Quảng Ninh chỉ còn quần đảo Cô Tô, cảng Vạn Hoa và thị trấn Hà Cối là chưa được giải phóng thì quân đội Pháp đã từ chỗ tạm lánh ở vùng ven biển Quảng Ðông trở lại chiếm đóng Từ Cô Tô, Vạn Hoa, quân Pháp tiến vào Tiên Yên rồi tiến vào Hòn Gai, Cửa Ông, Cẩm Phả ngay từ giữa năm 1946. Chính quyền non trẻ Việt Nam vừa phải đối phó với quân đội Tưởng lại vừa phải đối phó với bọn Việt Quốc, Việt Cách nên kiên trì hoà hoãn với quân Pháp, theo tinh thần các hiệp định mà Hồ Chủ Tịch ký với Pháp. Nhưng quân Pháp không ngừng lấn tới, tháng 7/1946, chúng gây ra vụ thảm sát ở Lán Bè, Hòn Gai rồi sau đó bắt cả cán bộ chính quyền. Ðến ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ thì quân Pháp đã chiếm và làm chủ thị xã Hòn Gai.
Hòn Gai nhanh chóng tổ chức lực lượng chiến đấu, đại đội Hồ Chí Minh gồm toàn công nhân mỏ được thành lập. Ngày 24-12-1946, đánh úp cuộc họp mặt các sĩ quan Pháp ở Hà Lầm, lập chiến công mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, với Quảng Ninh là 9 năm có lẻ. Trong 9 năm này, chiến trường Quảng Ninh vô cùng ác liệt. ở miền Ðông, Pháp lập ra cái gọi là Xứ Nùng tự trị và hành lang Mán gây rất nhiều khó khăn cho Việt Minh. Việt Nam phải 2 lần “Ðông tiến” để gây dựng lại cơ sở. Phần lớn đất đai trong tỉnh dày đặc đồn bốt địch nhưng bộ đội địa phương và dân quân du kích đã đánh hàng ngàn trận và liên tiếp phá tề trừ gian.
Chiến dịch Biên Giới và giải phóng Bình Liêu năm 1950 và chiến dịch Ðường 18 năm 1951 đã chọc thủng các hành lang an toàn của địch. Lực lượng vũ trang cách mạng càng đánh càng mạnh và Quảng Yên, Hải Ninh cùng đặc khu Hòn Gai đã góp công sức to lớn vào chiến thắng chung của dân tộc. Sau chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, vùng trung tâm Quảng Ninh là nơi tập kết quân đội Pháp từ 100 đến 300 ngày. Ngày 24 tháng 4 năm 1955, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Quảng Ninh từ bến phà Bãi Cháy, Quảng Ninh hoàn toàn giải phóng.
Từ ngày hoà bình lập lại đến nay
Trước khi rút khỏi vùng mỏ, Pháp chủ trương di chuyển máy móc của mỏ, nhưng công nhân đã kiên quyết đấu tranh và sau đó nhanh chóng tổ chức lại sản xuất. Trong những năm đầu, nạn đói còn khá nghiêm trọng, thổ phỉ còn lén lút cướp của giết người, bọn biệt kích Mỹ Nguỵ, Mỹ Tưởng xâm nhập, quân và dân Việt Nam đã ra sức giữ vững an ninh, quốc phòng, tiến hành cải cách ruộng đất và cải cách dân chủ, kinh tế, xã hội ngày càng ổn định. Từ 1-1-1964, khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh (thực hiện Nghị quyết của Quốc hội từ cuối năm 1963), hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh.
Cuộc sống hoà bình chưa trọn 10 năm thì ngày 5-8-1964, máy bay Mỹ ném bom mở đầu thời kỳ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Quảng Ninh đã đánh thắng giặc Mỹ ngay trận đầu, bắn rơi 3 máy bay phản lực siêu âm, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên – Trung uý Anrareo.
Trải qua hai thời tổng thống Mỹ, Quảng Ninh có hai thời kỳ bị đánh phá ác liệt. Thị xã Hòn Gai không còn một ngôi nhà nguyên vẹn, Cửa Ông, Hà Tu gần như bị huỷ diệt. Nhưng nhân dân Quảng Ninh vừa sản xuất vừa chiến đấu đã cùng các lực lượng vũ trang đánh trả 7.417 lần chiếc máy bay vào giội bom xả đạn, bắn rơi trên 200 máy bay hiện đại của Mỹ.
Trong lúc kiên cường đánh trả máy bay Mỹ, ở tuyến đảo ngoài còn bắn trả cả tàu chiến Mỹ, Quảng Ninh vẫn không ngừng góp công, góp của, góp người cho miền Nam – tiền tuyến lớn. Hàng nghìn thanh niên Quảng Ninh lên đường trong đó có đợt lập thành “tiểu đoàn than” chi viện cho miền Nam và hàng nghìn người đã trở thành liệt sĩ, thương binh.
Sau cuộc chiến tranh biên giới và sau những năm khủng hoảng kinh tế, Ðại hội Ðảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 đã mở ra một thời kỳ đổi mới. Trong mười năm đổi mới, kinh tế, xã hội trên địa bàn Quảng Ninh cũng như cả nước đã có những đổi thay lớn. Trong tư duy đổi mới, cởi mở, dân chủ được phát huy, các tiềm năng được khơi dậy, sức năng động sáng tạo được thể hiện đã mang lại những thành quả rõ rệt.
Ðến nay, chính trị ổn định, quốc phòng được củng cố, an ninh được giữ vững, kinh tế phát triển toàn diện và đa dạng, đời sống văn hoá được nâng cao, dân trí được coi trọng, cái ăn, cái mặc, chỗ ở, sự đi lại, sức khoẻ, tuổi thọ và chữa bệnh đều hơn trước. Thu nhập bình quân đầu người ở mức khá so với các tỉnh trong toàn quốc.
Với tiềm năng phát triển còn rất lớn, Quảng Ninh được xác định là mũi nhọn, một chân kiềng trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Bắc – tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.