Di tích chùa Hang (Di tích cấp quốc gia)
Chùa Hang hay còn gọi là Thiên Khổng Thạch Tự nằm ở phía Đông Bắc đảo, dưới chân núi Thới Lới. Chùa Hang là một di tích thắng cảnh do thiên nhiên và con người tạo nên, chùa có giá trị về nhiều mặt, là bằng chứng cụ thể về quá trình khai phá và xây dựng đảo của cư dân Đại Việt, được lập ra cách đây khoảng 400 năm, chùa có nhiều ngóc ngách kỳ thú (có đường lên trời, đường xuống địa ngục) Bên cạnh đó do nằm ở vị trí, dưới chân núi Thới Lới và sát mép biển tạo cho nơi đây cảnh quan nên thơ và hùng vĩ, nên chùa Hang là nơi cho du khách nghỉ ngơi, giải trí thú vị.
Cụm di tích Đình làng An Hải (Di tích cấp quốc gia)
Nằm ở thôn Đông xã An Hải huyện Lý Sơn. Được xây dựng vào năm Minh Mạng nguyên niên (1820). Đình xây dựng theo hình chử tam gồm: Đình Thượng, đình Trung và đình Hạ. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật mang phong cách thời Nguyễn, được phản ảnh qua nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo: ở án thờ, bề mặt các vi kèo, cột chống, đỉnh cửa. Đồng thời đình còn có kỷ thuật đắp nổi, tạc tượng hết sức tinh xảo, sống động.
Đình An Hải còn gắn liền với quần thể nhà thờ thất tộc, miếu Bùi Ta Hán, miếu Thành Hoàng, miếu Thủy Long và NghĩaTự. Đình Làng An Hải là công trình kiến trúc nghệ thuật lâu đời nhất còn lưu lại trên đảo Lý Sơn. Bên trong đình thờ bà thiên Y-A- Na ( Pô Inu Nagar) chúa Ngu Mang Nương, tiền hiền, hậu hiền và tiền vãng, hậu vãng, cách phối thờ như vậy chính là sự dung hòa các mảnh vở của nền văn hóa Chăm vào trong lòng văn hóa Đại Việt để hình thành nên văn hóa đặc trưng của đình làng ở Lý Sơn.
Di tích Âm Linh Tự và mộ lính Hoàng Sa (Di tích cấp quốc gia)
Âm Linh Tự tọa lạc tại thôn Tây xã An Vĩnh huyện Lý Sơn, Là nơi thờ tự đội hùng binh Hoàng Sa, được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII, là di tích lịch sử quan trọng trong vấn đề chứng minh và phản ánh một cách trung thực chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ những chuyến hải trình gian nan bằng phương tiện ghe bầu thô sơ đã khiến cho rất nhiều lính Hoàng Sa bỏ mình trên biển.
Tưởng nhớ đến họ người dân trên đảo Lý Sơn xây dựng nên đền Âm Linh Tự để thờ phụng. Từ đó cho thấy dưới thời vương triều Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa là bộ phận không tách rời đối với đất liền và triều đình đã giao trọng trách khai thác và bảo vệ cho đội Hoàng Sa ở Lý Sơn.
Nhà thờ Phạm Quang Ảnh ( Di tích cấp tỉnh)
Nhà thờ Pham Quang Ảnh là nơi thờ tự Phạm Quang Ảnh đội trưởng đội Hoàng Sa hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII. Bố cục phối thờ với dòng họ tổ tiên. Di tích nhà thờ Phạm Quang Ảnh là di tích có giá trị giáo dục to lớn cho thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước, yêu quê hương, dân tộc và chủ quyền vẻ vang của đất nước Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Nhà Thờ Võ Văn Khiết (Di tích cấp tỉnh)
Là nơi thờ tự đội trưởng đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cha Võ Văn Khiết là ông Võ văn Thắm vốn là lý trưởng làng An Vĩnh đã xin triều đình cho lập đền thờ Võ Văn Khiết tại xóm Vĩnh Thành xã An Vĩnh huyện Lý Sơn. Ngôi đền thờ nằm trong khu đất của dòng họ Võ, dân gian quen gọi là miếu ông Thắm. Theo những người già trong tộc họ Võ thì đền thờ được xây dựng cuối triều Gia Long.
Di tích đền thờ cá ông Lăng Chánh (Di tích cấp tỉnh)
Nằm ở thôn Đông xã An Vĩnh huyện Lý Sơn, nằm sát bờ biển. Di tích được xây dựng vào thời Minh Mạng, đây là di tích tín ngưỡng quan trọng của vạn chài Lý Sơn. .Người Việt có truyền thuyết xem cá ông là hóa thân của mảnh áo Cà Sa của phật bà Quan Âm. Phật bà Quan Âm xé áo Cà Sa thành muôn mảnh thả xuống biển hóa phép thành Cá ông, lấy bộ xương Voi ban cho để cá Ông có thân hình to lớn, lại ban phép thâu đường bơi lội thật mau để cứu những ngư dân lâm nạn. hiện nay nơi đây và nhiều lăng cá ông trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều bộ xương cá ông rất lớn.
Di tích dinh bà Thiên Y-A-Na (Di tích cấp tỉnh)
Là loại kiến trúc nghệ thuật tôn giáo tín ngưỡng. Nằm ở thôn tây xã An Hải huyện Lý Sơn có diện tích khoảng 150m. Mặt hướng về phía Nam và có lối kiến trúc hình chữ tam, chia làm 3 tòa: Tiền đường, chính diện và hậu cung, nơi đây còn lưu giữ những mảng chạm khắc gỗ rất đẹp và tinh tế, sống động. Trong nội và ngoại thất di tích còn lưu giữ những bảng liễn, câu đối, các pho tượng bằng gỗ, đá – là những tác phẩm có giá trị mỹ thuật cao. Di tích dinh bà Thiên Y-A-Na là bằng chứng của sự dung hòa văn hóa Việt – Chăm. Do vậy là nơi có giá trị trong nghiên cứu khoa học và tham quan du lịch.
Di tích dinh Tam Tòa (Di tích cấp tỉnh)
Là loại kiến trúc nghệ thuật tôn giáo tín ngưỡng. Nằm ở thôn tây xã An Hải huyện Lý Sơn. Di tích được xây dựng dưới thời Gia Long, cảnh quan rất đẹp, bên trong chính thờ là nữ thần Thủy Long( truyền thuyết là con Long Vương) cùng thờ với Bạch Mã Thái Giám và chư vị ngủ đức. Đây cũng là di tích tín ngưỡng quan trọng của người dân trên đảo Lý Sơn.
Nhà trưng bày lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Nhà trưng bày lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải nhằm mục đích bảo tồn, gìn giữ và phát huy tác dụng những di sản văn hóa liên quan đến hoạt động của đội Hoàng Sa vào việc giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao của các vị tiền nhân đối với dân, với nước mà còn góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trong việc tiếp nối cha anh giữ vững chủ quyền biển đảo.
Nhà trưng bày có gồm 3 phòng, với tổng diện tích là 180m2. Nội thất nhà trưng bày bao gồm gần 200 nguồn tư liệu, hơn 100 hiện vật có giá trị khoa học còn góp phần minh chứng một sự thật lịch sử là quần đảo Hoàng sa, Trường Sa vốn từ lâu là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Di tích Lăng cá Ông (Đông Hải) (Di tích cấp tỉnh – Thôn đông, An Hải)
Ngoài các di tích đặc biệt đó Lý Sơn còn có hàng chục ngôi nhà rường cổ đắp đất, có kiến trúc độc đáo, chạm trổ khắc gỗ điễn tích còn giữ nguyên. Nhà đắp có tác dụng. chống cháy nhà, cách nhiệt( mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông). Kiến trúc loại này điều chia làm 3 gian, 2 chái , có 1 đến 2 lớp cửa bàn khoa, trên mái hiên điều có cham trổ thủng hoặc chạm nổi theo các điển tích hướng đến Nhân –Nghĩa- Lễ -Trí- Tín và Phước- Lộc – Thọ.