X

Điểm tham quan du lịch tại Hội An

Hội An có khá nhiều điểm tham quan. Tạm thời chia Hội An thành hai khu vực tham quan: khu vực phố cổ Hội An, khu vực lân cận phố cổ Hội An.

Điểm tham quan ở phố cổ Hội An:
Trong phố cổ bạn có thể đi bộ, đi xe đạp để đến các địa điểm như Hội quán Phước Kiến (1757), Hải Nam, Quảng Triệu (1885), Triều Châu (1887), Chùa Cầu (Cầu Nhật Bản), Chùa Ông (miếu Quan Công), Làng nghề thu nhỏ, Bảo tàng văn hoá dân gian, Bảo tàng lịch sử văn hoá Hội An, Bảo tàng gốm sứ mậu dịch Hội An, Nhà cổ Quân Thắng, Nhà cổ Tấn Ký, Nhà thờ tộc họ Trần, nhà cổ Phùng Hưng, Bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh, khu vườn tượng – Nguyễn Phúc Chu (An Hội), khu du lịch làng quê Việt Nam (Cẩm Nam – mất vé vào cửa, đắt), Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ (ca nhạc cổ truyền 10h15-10h35, 15h15-15h35 trừ thứ hai)…

Chùa Ông
Chùa Ông, ở số 24 đường Trần Phú còn được gọi là Quan Công miếu, tên chữ là Trừng Hán Cung được người Minh Hương định cư tại Hội An và người Việt xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 17, thờ vị tướng tài ba thời Tam Quốc là Quan Vân Trường (Quan Vũ), nhằm kính ngưỡng, ca tụng, tán dương lòng nghĩa khí, tiết trung liệt của Ông.

Giếng Bá Lễ
Giếng Bá Lễ nằm trong kiệt cùng tên nối đường Phan Châu Trinh với đường Trần Hưng Đạo. Tương truyền giếng do người Chăm xây dựng và được người Việt kế thừa sử dụng. Vào đầu thế kỷ XX, giếng này do bà Bá Lễ tu bổ với số tiền là 100 đồng Đông Dương nên có tên gọi như hiện nay.

Giếng có kiến trúc hình vuông với cạnh giếng hướng tây bắc – đông nam. Giếng có chu vi 5,5m, sâu 6,15m, thành miệng cao 0,60m, thành giếng được xây hoàn toàn bằng gạch vồ cỡ lớn, dưới cùng là khung gỗ lim rộng bản. Nước giếng luôn dồi dào, ngọt mát và trong suốt quanh năm đã phản ánh trình độ cao về sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc với thuật phong thủy của người Hội An xưa.

Chùa Cầu
Chùa Cầu còn có tên gọi là Cầu Nhật Bản và Lai Viễn Kiều, tương truyền do người Nhật xây vào đầu thế kỷ XVII và đã qua ít nhất 6 lần trùng tu vào các năm 1653, 1763, 1817, 1865, 1915, 1917.

Cầu có mái che khá độc đáo, ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vồng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi bày hàng, nghỉ mát với 7 gian bằng gỗ bắc ngang qua một lạch nước nhỏ cùng các kết cấu, họa tiết trang trí thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật, và cả phương Tây.

Cùng với chức năng giao thông, cầu còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng có liên quan đến truyền thuyết về việc trấn yểm thủy quái, thủy tai giữ gìn sự yên bình cho phố xá và cộng đồng cư dân Hội An.

Hội quán Phúc Kiến
Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của Hoa Kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An.

Hội quán Triều Châu
Hội quán được Hoa Kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845 để thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện – vị thần giỏi chế ngự sóng gió giúp cho việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm xuôi gió, đắc lợi. Hội quán có giá trị đặc biệt về kết cấu kiến trúc với bộ khung gỗ trạm gỗ chạm trổ tinh xảo, cùng những hoạ tiết, hương án trang trí bằng gỗ và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp.

Hội quán Quảng Đông
Hội quán được Hoa Kiều bang Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền của bang.

Sự sử dụng hợp lý các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực, chi tiết trang trí đã đem lại cho Hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hàng năm vào ngày Nguyên Tiêu, vía Quan Công (24 tháng 6 ÂL) tại đây diễn ra lễ hội rất linh đình thu hút nhiều người tham gia

Nhà thờ tộc Trần
Do một vị quan họ Trần (một dòng họ lớn từ Trung Hoa di cư đến Hội An vào những năm 1700) xây dựng năm 1802 theo những nguyên tắc phong thuỷ truyền thống của người Trung Hoa và người Việt. Tạo lạc trên một khu đất rộng khoảng 1500 m2, có nhiều hạng mục: nhà thờ tự ông bà và trưng bày các di vật liên quan đến dòng họ, nhà ở … Đây là nơi tụ họp con cháu vào dịp lễ bái, tri ân tổ tiên và giải quyết những vấn đề trong dòng tộc.

Bảo tàng lịch sử, văn hóa
Được thành lập vào năm 1989, bảo tàng trưng bày 212 hiện vật gốc và tư liệu có giá trị bằng gốm, sứ, đồng sắt, giấy, gỗ…phản ánh các giai đoạn phát triển của đô thị- thương cảng Hội An từ thời kỳ văn hoá Sa Huỳnh (từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên) đến thời kỳ văn hoá Chăm (từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15) và văn hoá Đại Việt, Đại Nam (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19).

Bảo tàng cung cấp những thông tin về cư dân cổ thuộc hệ văn hóa Sa huỳnh ở Hội An – chủ nhân của cảng thị Hội An sơ khai từng có quan hệ giao lưu với Trung Quốc, Ấn Ðộ, các nước Nam Á, Ðông Á.

Nhà cổ Tấn Ký
Ðược xây dựng cách đây gần 200 năm, nhà Tấn Ký có kiểu kiến trúc đặc trưng của loại nhà phố Hội An với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng.

Mặt tiền nhà thông là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất nhập hàng hóa.
Nhà được xây dựng bởi những loại vật liệu truyền thống và được tạo tác bởi những thợ mộc, nề địa phương nên vừa mang dáng nét riêng, nhỏ nhắn, thanh thoát, ấm cúng, vừa thể hiện sự giao lưu với các phong cách kiến trúc trong khu vực.
Nội thất bài trí các vật dụng thể hiện sự sung túc của các thế hệ chủ nhân.

Ngày 17 tháng 2 năm 1990, nhà Tấn Ký đã được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia.

Nhà cổ Quân Thắng (Số 77 – Trần Phú)
Đây là một trong những ngôi nhà cổ nhất, đẹp nhất ở Hội An được chủ hiệu buôn người Hoa hiệu là Quân Thắng xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVII. Ngôi nhà là một điển hình của loại nhà trệt thông hai mặt đường, chứa đựng nhiều đặc trưng kiến trúc của Hội An như các vì kèo chồng rường giả thủ, cột trốn kẻ chuyền và vì vỏ cua, không những làm tăng giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cho ngôi nhà mà còn tạo được không gian thoáng đãng, mát mẻ.

Các đồ án trang trí trên tường, trên vách cùng với non bộ, cuốn thư,… đã tạo nơi đây thành một bức tranh tuyệt tác. Ngoài ra, với những di vật, cổ vật, lối sống, nếp sống truyền thống cũng đã góp phần quan trọng trong việc minh chứng cho sự thịnh vượng của thương cảng Hội An xưa nói chung, các gia tộc người Hoa ở Hội An nói riêng.

Nhà thờ tộc Trần (Số 21 – Lê Lợi)
Nhà thờ tộc Trần được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XIX, là một kiến trúc tiêu biểu cho loại hình nhà thờ tộc ở Hội An, tuy nằm trong khu vực phố nhưng lại được xây dựng theo lối kiến trúc nhà vườn. Nhà thờ có quy mô không lớn với không gian nội thất kiểu 3 gian, 2 nếp nhà. Các vì kèo “trính chồng – trụ đội”, vì “vỏ cua” và trên các đầu kèo đều được chạm trổ sắc sảo.

Đề tài trang trí rất sinh động, với những đường nét hoa văn giàu tính nghệ thuật. Mỗi bộ vì kèo, bàn ghế, hoành phi, liễn đối, khám thờ… đều là những tác phẩm chạm khắc sắc sảo. Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc và những hiện vật như gia phả, hoành phi, câu đối, khám thờ, đồ thờ, cổ vật… nơi đây còn bảo tồn lối sống, nếp sống truyền thống, góp phần minh chứng cho quá trình giao lưu về văn hóa, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Hoa trong những thế kỷ trước đây.

Chợ Hội An

Đây là địa điểm thu hút rất đông du khách ghé thăm và mua sắm, gần như  mọi mặt hàng của Hội An từ đồ ăn, đặc sản cho tới những đồ thủ công mĩ nghệ đều có thể dễ dàng tìm thấy tại chợ. Bên cạnh việc tham quan, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa qua đó có thể thiểu thêm về văn hóa của người Hội An.

Nhà cổ Đức An
Nhà cổ Đức An – một ngôi nhà đã 180 năm tuổi mà ở đó những nét cổ kính, trầm mặc vẫn đang hiện hữu trên từng đồ vật rất đỗi giản dị của gia đình, người ta cảm nhận rõ hơn cái sự trôi chậm của thời gian. Từ những đồ vật rất đỗi giản dị trong ngôi nhà như chiếc đèn dầu, chiếc giá để bút… đến những bộ bàn ghế, bộ tranh tứ bình cũng đã ngót nghét hàng trăm năm.

Mua vé tham quan phố cổ Hội An
Điểm số 1: Quầy bán vé số 05 Hoàng Diệu
Điểm số 2: Quầy bán vé số 12 Phan Châu Trinh (Ngã tư Phan Châu Trinh- Nguyễn Huệ)
Điểm số 3: Quầy bán vé ngã tư Trần Phú – Nguyễn Huệ (gần Giếng Mái chợ Hội An)
Điểm số 4: Quầy bán vé 87 Trần Phú (Ngã tư Lê Lợi – Trần Phú)
Điểm số 5: Quầy bán vé số 155B Trân Phú (Gần Chùa Cầu)
Điểm số 6: Quầy bán vé số 677 Hai Bà Trưng
Điểm số 7: Quầy bán vé tại đầu cầu An Hội (trên đường Châu Thượng Văn)
Giá vé: Đối với khách Việt Nam sẽ là 80.000 đồng cho một vé tham quan trên 03 công trình văn hóa và khách nước ngoài sẽ là 120.000 đồng cho một vé trên 06 công trình văn hóa.

Các điểm tham quan ven Hội An
Làng gốm Thanh Hà (từ thế kỷ 17 – 2km), rừng dừa Bảy Mẫu (3,5km – tour của Cty Eco-tour – ngắm chim, làm ngư dân), Làng rau Trà Quế (1,2km), Làng mộc Kim Bồng, làng chiếu hoa Bàn Thạch, làng đúc đồng Phước Kiều, Thánh địa Mỹ Sơn (55km, đi theo tour), Cù lao Chàm – lặn biển, nghỉ trên đảo (đi theo tour 1 hoặc 2 ngày, tàu chợ ra đảo là 20k/người) trên thuyền có phục vụ theo yêu cầu: ca nhạc cổ truyền, tiệc, tham quan sông nước…

Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
Xưởng quy tụ hầu hết các ngành nghề thủ công truyền thống của Hội An và Quảng Nam như dệt chiếu, dệt vãi, gốm, sơn mài…Xưởng toạ lạc tại ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 200 năm. Nơi đây trước kia vốn là nơi buôn bán thổ sản của hãng buôn Phi Yến của một người Hoa nỗi tiếng khắp miền Trung.

Vào thăm xưởng, du khách sẽ tìm thấy khung cảnh thanh bình êm ả của một hình ảnh làng quê Việt Nam; được tận mắt chứng kiến đôi bàn tay khéo léo và kỹ năng tuyệt vời của các nghệ nhân, tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo và đặc sắc. Du khách có thể tham gia một vài khâu trong quá trình sản xuất của các nghề và mua một vài sản phẩm về làm kỷ niệm.

Vào thăm xưởng, du khách còn có cơ hội xem chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian của Quảng Nam và các tỉnh miền Trung vào các thời điểm 10 giờ và 15 giờ hàng ngày, trừ chủ nhật trong tuần.

Làng gốm Thanh Hà
Có nguồn gốc Thanh Hoá, làng gốm Thanh Hà được hình thành từ cuối thế kỷ 15 và phát triển mạnh cùng với cảng thị Hội An trong các thế kỷ kế tiếp. Sảm phẩm gốm Thanh Hà được làm từ nguồn nguyên liệu chính là đất sét bởi những bàn tay điêu luyện của nghệ nhân và kỹ thuật truyền thống của làng nghề.

Sản phẩm chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống … mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác.

Cho đến nay, làng gốm Thanh Hà vẫn tồn tại và hoạt động sản xuất thủ công với phương tiện và kỹ thuật truyền thống. Chính vì thế làng gốm Thanh Hà trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghề gốm cổ truyền của Việt Nam nói riêng cũng như của vùng Đông Nam Á nói chung.

Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn xã Cẩm Hà – thị xã Hội An, cách khu phố cổ khoảng 2km về hướng Tây. Đến thăm làng, ngoài việc tho sức lựa chọn các sản phẩm lưu niệm bằng gốm, du khách còn được tận mắt chứng kiến những thao tác điêu luyện từ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề này.

Làng rau Trà Quế
Cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 2km về phía Đông Bắc, nằm giữa con sông Đế Võng và đầm rong Trà Quế (thuộc thôn Trà Quế – xã Cẩm Hà – thị xã Hội An), làng nghề này đã nổi tiếng từ rất lâu với những sản phẩm rau xà lách, diếp cá, răm, húng, quế, hành, ngò … thường có mặt trong các món ăn đặc sản Quảng Nam như cao lầu, mì Quảng, tôm hữu, thịt heo cuốn bánh tráng, bánh xèo, bê thui…

Với diện tích đất trồng rau chỉ khoảng vài chục hécta nhưng trồng rau đã trở thành một nghề chính của cư dân trong làng qua nhiều thế hệ. Kể từ khi du lịch Hội An bắt đầu khởi sắc, cũng là lúc làng rau phát triển thịnh vượng nhất. Ngoài việc trồng rau để phục cho các nhà hàng, khách sạn và các chợ đầu mối trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, người dân Trà Quế cũng tham gia vào các hoạt động du lịch.

Đến với làng quê thôn dân dã này, du khách sẽ được hướng dẫn cuốn đất, vun luống, bón phân, gieo hạt, trồng rau và học chế biến các món ăn từ sản phẩm rau tại làng nghề như những người nông dân thực sự.

Làng mộc Kim Bồng
Làng Kim Bồng (tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng), nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng, nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển.

Bãi tắm Cửa Đại
Bãi tắm nằm ở biển Cửa Đại, cách khu phố cổ Hội An khoảng 5km về phía Đông. Bãi tắm có chiều dài khoảng 3km, là một trong những bãi tắm đẹp và thơ mộng nhất miền Trung Việt Nam với làn nước xanh trong vắt, sóng biển êm đềm hiền hòa cùng bờ cát trắng phau mịn màng chạy dọc dài cạnh rừng dừa xanh mát.

Quang cảnh nơi đây càng thêm quyến rũ bởi xa xa qua những ngọn sóng bạc là đảo xanh Cù Lao Chàm như tấm bình phong sừng sững. Hằng ngày, từ tinh sương, làng chài ven biển hoạt động rất nhộn nhịp. Đêm về, vào những đêm không trăng, thuyền đánh cá đèn chi chít như sao sa. Từ bãi tắm nhìn ra có cảm giác như một thành phố lung linh hoa đăng. Có những đêm ánh trăng dát bạc mênh mông lấp lánh cả một vùng biển, trời và cát.

Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm là một cụm đảo cách bờ biển Cửa đại (Hội An) 18 Km về phía đông. Cù lao chàm là quần đão gồm 7 hòn đảo nhỏ là Hòn Lao, Hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Tai, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Lá, hòn Ông.

Cù Lao Chàm có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động, thực vật phong phú, đặc biệt là hải sản và một nguồn tài nguyên qúy giá là Yến Sào. Dải san hô ở vùng biển Cù Lao Chàm được đánh giá là một trong những dãi san hô quý của Việt Nam và khu vực.

Thiên nhiên cũng đã tạo nên ở Cù Lao Chàm nhiều cảnh đẹp thơ mộng, hiếm có như các dòng suối Tình, suối Ông, hòn Chồng, hòn Khô, hang Bà… Ven đảo là Bãi Ông, bãi Bìm, bãi Chồng, bãi Bấc những bãi tắm lý tưởng với bờ cát trắng phau và làn nước trong xanh, mát lạnh.

Tại Hòn Lao, đảo lớn nhất, có cư dân đang sinh sống đã tìm thấy các di chỉ khảo cổ học liên quan đến sự cư trú của cư dân cách đây trên 3000 năm, sự giao lưu buôn bán với các nước Trung Cận Ðông, Ấn Ðộ, Trung Hoa, Ðông Nam Á cách đây trên 1.000 năm. Hệ thủy lợi liên quan đến kỹ thuật trồng trọt, canh tác nông nghiệp của cư dân cổ tại vùng đảo này cũng đã được phát hiện.

Hơn 25 di tích kiến trúc – nghệ thuật có niên đại từ thế kỷ 18 đến đầu thắ kỷ 20 phân bố dọc các mũi ở sườn Tây Hòn Lao, ở Bãi Làng, Bãi Hương đã góp phần minh chứng cho bề dày lịch sử – văn hóa của vùng đảo Cù Lao Chàm.

Xem bình luận

  • Bài viết trên khá đầy đủ,nhưng khi đến Hội An thì các bạn nên tìm cho mình 1 khách sạn gần trung tâm phố cổ nhé,vì lúc trước mình đi lần đầu nên chưa biết.Vừa rồi thì mình có đến Hội An lần nữa,Hội An vẫn đẹp vô cùng,vào ngày Rằm thì lung linh lắm,rất nhiều đèn được thả xuống sông, còn có rất nhiều trò chơi.Vừa rồi thì mình đã rút kinh nghiệm,đã chọn được khách sạn khá ưng ý,khách sạn rất gần trung tâm,rất đẹp,phòng rộng và đỳ đủ tiện nghi nữa,nó nằm trên đường Hùng Vương,chỉ mất vài phút là đến phố cổ ak.Khách sạn đấy có tên Venus,bạn nào có ý định đi Hội An thì đến xem và ở lại thư nhé.