Phong Nha – Kẻ Bàng là một thắng cảnh thiên nhiên mà tạo hoá đã ban tặng cho người dân Quảng Bình, một mảnh đất gắn liền với những chiến tích anh hùng lịch sử. Nơi đây, sự giao hoà của rừng nguyên sinh và sông Son, cùng với động khô và động nước tạo nên một bức tranh thuỷ mặc làm say lòng người. Phong Nha – Kẻ Bàng đã được tổ chức văn hoá thế giới UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới ngày 5/7/2003.
Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có tổng diện tích 85.754 ha chia làm 3 phân khu chức năng:
– Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 64.894 ha;
– Phân khu phục hồi sinh thái 17.449 ha;
– Phân khu dịch vụ hành chính 3.411 ha.
Phần lớn diện tích của Vườn Quốc gia là núi đá vôi và liên kết với vùng núi đá vôi thuộc khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Nậm Nô của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tạo vùng núi đá vôi liên tục lớn nhất Đông Nam Á. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tiềm chứa nhiều giá trị của thiên nhiên, của con người. Đặc trưng của khu vườn quốc gia mênh mông này là những kiến tạo đá vôi dạng karst hàng triệu năm tuổi, các loại hang động, sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Với khối Karst rộng lớn chiếm 2/3 diện tích của Vườn, độ cao từ 300-1.100 m, nằm ở phía Tây Bắc Quảng Bình, kéo dài khoảng 100 km dọc biên giới Việt – Lào. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trên địa phận hành chính 10 xã, thuộc 3 huyện, gồm: huyện Bố Trạch (Sơn Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch, Hưng Trạch, Phú Định, Tân Trạch, Thượng Trạch), huyện Minh Hoá (Thượng Hoá, Trung Hoá), huyện Quảng Ninh (Trường Sơn). Có tọa độ địa lý:
– Từ 17021’12’’ đến 17039’44’’ Vĩ độ Bắc;
– Từ 105057’53’’ đến 106024’19’’ Kinh độ Đông.
Vị trí của Phong Nha rất thuận lợi cho du khách cả nước tham quan vì từ miền Bắc vào hay từ miền Nam ra đều phải đi qua huyện Bố Trạch. Từ thành phố Đồng Hới đến ngã ba Hoàn Lão, bạn rẽ theo đường tỉnh lộ số 2 chạy theo hướng Tây Bắc. Đi tiếp 16km sẽ tới bờ sông Son, bạn xuống thuyền để tới Phong Nha. Sóng dập dềnh, cảnh vật đôi bờ lặng ngắt như tờ, lác đác những nếp nhà đơn sơ của dân làng, vài con trâu tha thẩn gặm cỏ. Gió sông Son mơn man, mơn man. Cảnh quê đẹp như tranh vẽ. Giấu mình trong núi đá vôi được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới, Phong Nha giờ đây đã trở nên nổi tiếng bởi sự hào phóng của tạo hoá đã ban tặng cho vùng đất này một hệ thống hang động thật lộng lẫy với con sông ngầm được xác định là dài nhất thế giới.
Động Phong Nha, dài 7.729 mét, có 14 hang, có dòng sông ngầm dài 13.969 mét mới lung linh kỳ ảo và rực rỡ nhất. Cửa động cao khoảng 10 mét, rộng 25 mét. Từ phía trên, nhũ đá nhỏ xuống trông như những giọt sương khổng lồ đang tan chảy… Động Phong Nha có hai phần: động khô và động nước. Động khô nằm ở độ cao 200m, theo các nhà địa lý học, từ xa xưa dòng sông ngầm đã cạn nước, chỉ còn lại những vòm đá trắng và cột đá xanh ngọc bích. Các thạch nhũ trong động Phong Nha trải qua hàng triệu năm kiến tạo từ đá vôi dạng karst, bị nước mưa thẩm thấu, hoà tan và chảy xuống từ nóc hang tạo thành những nhũ đá vô cùng lạ mắt như sư tử, ngai vàng, Đức Phật… Nước mưa tiếp tục rơi xuống đáy hang, kết canxi tạo ra măng đá. Những phiến đá, măng đá, nhũ đá, sông ngầm muôn hình muôn vẻ lung linh kỳ vĩ. Dường như Phong Nha là nơi hội tụ tất cả vẻ đẹp hoàn mỹ nhất của thiên nhiên và là nơi trí tưởng tượng được thăng hoa nhất.
Tháng 4 – 1997, một cuộc hội thảo khoa học về di tích danh thắng Phong Nha – Xuân Sơn được tổ chức tại Quảng Bình. Kết quả nghiên cứu khảo sát cho biết Phong Nha có 7 cái nhất:
1. Hang nước dài nhất (Hang Vòm-28km)
2. Cửa hang cao và rộng nhất
3. Bãi cát và đá rộng đẹp nhất
4. Hồ ngầm đẹp nhất
5. Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất
6. Dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam (13.969 m)
7. Hang khô rộng và đẹp nhất.
Phong Nha không giống như những điểm du lịch khác ở Việt Nam, động nằm trong khu rừng nguyên sinh Kẻ Bàng dường như còn nguyên sơ và tinh khôi. Trong con mắt của những vị du khách du lịch, những cư dân bản địa nơi đây mang một phong cách rất riêng “Họ cư xử thân thiện và tình cảm mang tính cách của người nông dân thuần kiết hơn là nhìn nhân du khách như là một cơ hội để tìm kiếm nguồn tài chính. Ðiều này càng làm cho Phong Nha thêm hấp dẫn khách du lịch”.