Núi Nhạn – Tháp Nhạn
Địa điểm: đường Lê Trung Kiên, phường 1, thành phố Tuy Hòa.
Vé tham quan: miễn phí.
Giờ mở cửa: mở cửa tự do các ngày trong tuần.
Núi Nhạn cao 64m so với mực nước biển, chu vi khoảng 1km2 . Tên gọi núi Nhạn có nhiều cách lí giải, phổ biến nhất: Ngày xưa, trên núi thường có chim Hạc đến đậu, người dân đọc chệch thành Nhạn; một cách giải thích khác là nhìn từ trên cao, núi trông như con chim Nhạn xòe cánh. Núi Nhạn – Tháp Nhạn nằm cạnh sông Đà Rằng, bắc qua sông là cầu đường sắt và cầu đường bộ Đà Rằng chạy song song với nhau. Núi Nhạn – Tháp Nhạn, sông và cầu Đà Rằng được xem là một trong những biểu tượng của thành phố Tuy Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung.
Tháp Nhạn, ngọn tháp Chăm duy nhất tại tỉnh Phú Yên. Tháp được xây dựng từ cuối thế kỉ XI, cao 25m, xây dựng theo tầng thu nhỏ dần khi lên cao với 4 tầng theo biểu tượng Linga của văn hóa Champa. Tháp tuy có cùng phương thức xây dựng như tháp Ponagar ở Nha Trang, tháp Poshanu ở Phan Thiết, … nhưng có điểm khác biệt như không có những hoa văn hay họa tiết trang trí, bên trong tháp không có bệ thờ. Hiện nay trên Núi Nhạn – Tháp Nhạn, người dân thờ Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi trong tháp, gần bên tháp là nơi thờ Quán Thế Âm Bồ Tát. Nơi đây không chỉ là di tích văn hóa mà còn là di tích lịch sử qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Thời Pháp thuộc, khi tàu Pháp đi ngang qua vùng biển Tuy Hòa ngày nay, nhìn thấy tháp Chăm tưởng rằng đây là nơi phòng thủ của dân ta nên đã bắn đại bác làm hư hại một phần của tháp. Hiện nay trên núi Nhạn còn những lô cốt của giặc Mĩ khi xưa chiếm đóng để quan sát toàn bộ đồng bằng phía dưới.
Ngày nay, núi Nhạn – tháp Nhạn là nơi tham quan, nơi thờ cúng cũng là địa điểm nghỉ ngơi, hóng mát của người dân Tuy Hòa.
Đầm Ô Loan
Địa điểm: thuộc huyện Tuy An. Cách trung tâm thành phố Tuy Hòa 22km về hướng Bắc.
Giới thiệu: Đầm Ô Loan là một đầm nước lợ nằm về phía Đông ven quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau. Đầm nằm về phía Nam thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú yên. Đầm rộng hơn 1200 ha với độ sâu trung bình 1,2 đến 1,4 mét; mùa mưa có thể sâu tới 3 mét. Sông Cái và một số sông nhỏ cấp nước ngọt cho đầm. Một lạch nhỏ nối đầm với biển. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải.
Trong đầm có nhiều loại hản sản quý như cá mú, sò huyết, ghẹ, …
Tên gọi Ô Loan: Ngày xưa, có nàng tiên trên trời rất xinh đẹp tên nàng Loan, nhưng tính tình hay tinh nghịch. Một ngày nọ nàng Loan mượn con chim Ô thước bay xuống trần gian dạo chơi khắp nơi mà không hề để ý chim đã mỏi cánh, đói và khát, nên khi ngang qua Tuy An, chim không còn đủ sức để bay, nên hạ cánh xuống dãy núi Từ Bi, sau này mượn tên chim Ô thước của nàng Loan ghép chung với tên nàng, gọi tắt là Ô Loan để đặt tên cho đầm.
Nhà thờ Mằng Lăng
Địa điểm: Xã An Thạch, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa 35km về phía Bắc.
Vé tham quan: Miễn phí.
Giờ mở cửa: Các ngày trong tuần.
Giới thiệu: Nhà thờ Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ tại Việt Nam, nhà thờ được xây dựng từ năm 1892, do linh mục Joseph De Lassagne (người Pháp, người dân thường gọi là Cổ Xuân) phụ trách việc xây dựng. Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic như các nhà thờ ở Pháp, Ý với hai tháp chuông hai bên, chính giữa là thập tự giá. Bên trong là nơi đặt tượng Chúa và hai dãy ghế để giáo dân hành lễ và cầu nguyện. Hai bên là cửa sổ kính màu đặc trưng.
Trong khuôn viên rộng 5000m2 của nhà thờ, có phòng truyền thống. Là nơi trưng bày về thánh tích của Á Thánh Andre Phú Yên, người tử vì đạo năm 19 tuổi và là người tử vì đạo đầu tiên trong số 117 người tử vì đạo được phong thánh (Ngài được phong tước Á Thánh tại Vatican vào tháng 3năm 2000). Bên cạnh đó, nơi đây còn lưu giữ Cuốn sách được in bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước Việt Nam. Sách “ Phép giảng tám ngày” được in tại Rome vào năm 1651 do giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người Việt hay gọi Cha Đắc Lộ) cùng các cộng sự tổng hợp mà viết thành.
Khi đến nhà thờ Mằng Lăng, sau khi tham quan nhà thờ, nếu bạn đi với nhóm đông từ 5 người trở lên, bạn nên vòng ra sau nhà thờ, xin phép Cha để xem thánh tích về Andre Phú Yên và cuốn sách. Vì phòng lưu trữ luôn đóng cửa để bảo đảm thánh tích và cuốn sách cổ được an toàn. Vào cùng với Cha, bạn sẽ được Cha giới thiệu rõ nét nhất về nhà thờ cũng như là những thánh tích liên quan đến Á thánh Andre Phú Yên.
Ghềnh Đá Dĩa
Địa điểm: Xã An Ninh Đông, Huyện Tuy An. Theo đường đi tới nhà thờ Mằng Lăng, bạn đi tiếp 11km nữa, theo bảng chỉ dẫn sẽ đến Ghềnh Đá Dĩa.
Vé tham quan: Miễn phí. Nếu đi xe máy, bạn chỉ tốn tiền gửi xe.
Giờ mở cửa: tất cả các ngày trong tuần.
Giới thiệu: Ghềnh Đá Dĩa là một trong những cảnh quan thiên nhiên độc đáo về đại chất ở nước ta. Những cột đá hình ngũ giác, lục giác dựng lên khít vào nhau, rất đều trải dài 200m sát bờ biển. Theo các nhà khoa học, đây là đá bazan, hình thành từ những đợt phun trào núi lửa cách đây hơn 200 triệu năm. Những trụ đá đứng, nằm, bày thạch trận với biển khơi. Nhìn từ xa cả khối đá như tổ ong, nhìn gần giống như những chồng chén dĩa ở các lò sành sứ. Đây là một trong những xuất xứ của tên gọi Đá Dĩa. Ghềnh Đá Đĩa được sóng biển vỗ quanh năm, có lúc sóng vỗ tạo nên bọt sóng trắng xóa bay cao, trông rất ấn tượng.
Từ Ghềnh Đá Đĩa, có thể nhìn thấy Bãi Bàng, một bãi tắm đẹp được bọc lại bởi một nhánh núi nhô ra biển. Đây là địa điểm du lịch thú vị với cảnh đá và bãi biển, thích hợp cho những buổi cắm trại ngoài trời.
Hải đăng Mũi Điện – Đại Lãnh
Địa điểm: Thôn Phước Tân, Xã Hòa Tâm, Huyện Đông Hòa. Có hai đường đến hải đăng Mũi Điện – Đại Lãnh. Từ trung tâm thành phố Tuy Hòa, theo quốc lộ 1A theo hướng về thành phố Hồ Chí Minh, đến ngã tư Cây Bảng, rẽ trái theo đường Phước Tân – Bãi Ngà sẽ đến nơi. Quãng đường này có độ dài: 35km. Đường thứ hai đến Mũi Điện – Đại Lãnh, theo quốc lộ 1A hướng về thành phố Hồ Chí Minh, lên Đèo Cả, gặp ngã 3 rẽ trái vào Vũng Rô, theo đường lớn để đến nơi. Quãng đường này có độ dài hơn 40km.
Vé tham quan: 10.000đ/người. Gửi xe máy: 5.000đ/người. Ở lại đêm: 80.000đ/người.
Giờ mở cửa: tất cả các ngày trong tuần.
Giới thiệu: Hải đăng Mũi Điện – Đại Lãnh được xây dựng năm 1890. Khu hải đăng bao gồm ngọn hải đăng cao khoảng 26m so với nền và cao 110m so với mực nước biển; phòng họp và phòng nghỉ, sinh hoạt của các chiến sĩ giữ trạm. Trên nóc nhà, là nơi để các tấm pin mặt trời để cung cấp điện. Hải đăng từ khi được xây dựng có hai lần ngừng hoạt động vì chiến tranh, lần đầu tiên là năm 1945, lần thứ hai là năm 1961. Khoảng thời gian năm 1961, trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, Vũng Rô – Đại Lãnh là nơi tiếp nhận vũ khí, đạn dược từ những con tàu không số chi viện từ miền Bắc. Khi đó đây là vùng trọng điểm nên giặc Mĩ dừng hoạt động của hải đăng nhằm gây khó khăn cho lực lượng tiếp viện của quân ta. Sau ngày giải phóng đến năm 1997, hải đăng hoạt động trở lại. Ngày nay, hải đăng Mũi Điện – Đại Lãnh là một trong 45 hải đăng cấp một của quốc gia.
Phía dưới hải đăng Mũi Điện – Đại Lãnh là bãi biển tuyệt đẹp mang tên gọi Bãi Môn. Đây là bãi tắm lí tưởng với hai rìa núi bọc hai bên, làm sóng biển rất êm, nước trong vắt. Một điều thú vị mà ít bãi tắm nào có được, tại Bãi Môn có một suối nước ngọt chảy từ trong núi chảy ra biển quanh năm. Bạn có thể ngâm mình để không còn cảm giác rít rít người sau khi tắm nước biển.
Nơi đây thích hợp với các buổi cắm trại qua đêm, ngoài tắm biển, tham quan hải đăng, sinh hoạt vui đùa về đêm với bạn bè, bạn còn có thể chờ đón, ngắm nhìn ánh mặt trời đầu tiên trong ngày.
Lưu ý: Hiện nay, rặng núi nhô ra biển từ hải đăng Mũi Điện – Đại Lãnh có một bảng nói rằng nơi đây, Mũi Điện – Đại Lãnh, là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên trên đất liền Việt Nam. Thực tế, điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam là Mũi Đôi tại bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam. Tọa độ của Mũi Điện – Đại Lãnh: 109°27’28” kinh độ Đông, tọa độ của Mũi Đôi: 109°27’39” kinh độ Đông. Có nhiều lí do khi bảng khẳng định Mũi Điện – Đại Lãnh là điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam. Có thể vì khoảng cách chênh lệch giữa hai điểm không nhiều, nhưng đường đến Mũi Điện – Đại Lãnh dễ dàng hơn vì đường nhựa đã hoàn thành; trong khi đó, đến Mũi Đôi lại khó khăn hơn vì khi thủy triều lên, nước biển làm ngập lối đi ra. Khi đó muốn ra Mũi Đôi phải dùng thuyền.
Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển cách Mũi Điện – Mũi Đại Lãnh khoảng 6km về hướng Tây, cách Quốc lộ 1A khoảng 5km về hướng Đông. Nơi đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997 và được tu bổ, hoàn thành vào năm 2011.
Trước yêu cầu của cách mạng miền Nam, cùng với tuyến đường 559 chạy dọc theo dãy Trường Sơn, ngày 23/10/1961, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải thủy mang tên Đoàn 759, Đoàn tàu không số, tiền thân của Lữ đoàn 125 tàu vận tải quân sự ngày nay.
Qua 15 năm kể từ ngày thành lập (1961 – 1975), cán bộ chiến sĩ Đoàn tàu không số đã trải qua biết bao gian nan, thử thách, đi hàng trăm hải lý trong điều kiện sóng to gió lớn, vượt qua hàng trăm cuộc vây ráp tinh vi, xảo quyệt của kẻ thù, vận chuyển được hàng chục nghìn tấn vũ khí và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Bến Vũng Rô là nơi đón nhận chuyến tàu không số đầu tiên vào lúc 22 giờ ngày 28/11/1964.
Nhưng khi chuyến tàu thứ 4 cập bến ngày 15/1/1965 thì ngày hôm sau bị địch phát hiện. Sau 2 ngày chiến đấu với địch, các chiến sỹ đã cho nổ tàu để tàu không rơi vào tay giặc.
Sau sự kiện Vũng Rô chấn động, địch tăng cường bố phòng chặt chẽ, huy động hạm đội 7 vào cuộc tuần tiễu ven biển nhưng các chuyến tàu của ta vẫn mưu trí đưa được hàng trăm tấn vũ khí vào miền Nam, góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển vừa thể hiện sự tri ân đối với một di tích cách mạng, mặt khác là điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên.
Nơi đây nổi bật với hình tượng một phần mũi tàu của những chiếc tàu Không số anh hùng của cha anh ta ngày trước. Phía trong là nhà truyền thống, có trưng bày ảnh được chụp từ thời chiến, sơ đồ di chuyển của các chuyến tàu Không số. Bên trái, ven rìa đá là đường dẫn đến nơi con tàu Không số cuối cùng đến Vũng Rô bị đánh chìm. Ở đây, có các lư hương nhỏ để khách tham quan có thể thắp nén nhang viếng các anh hùng dân tộc đã chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước Việt Nam.
Núi Đá Bia
Địa điểm: xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Cách trung tâm thành phố Tuy Hòa 29km về hướng Nam.
Thời gian mở cửa: các ngày trong tuần.
Vé tham quan: không có vé tham quan, khách tham quan chỉ tốn phí giữ xe.
Giới thiệu: Núi Đá Bia, Thạch Bi Sơn, nhân gian còn gọi là Núi Ông vì đây là ngọn núi cao nhất thuộc dãy núi Đèo Cả; người dân còn gọi đây là Hòn Vọng Phu, núi Mẹ Bồng Con. Núi Đá Bia có độ cao 706m so với mực nước biển. Nơi đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2008. Đây cũng được xem là một trong những biểu tượng của tỉnh Phú Yên. Nổi bật trên núi đó là tảng đá khổng lồ cao 76m, có thể nhìn thấy từ thành phố Tuy Hòa. Xưa kia, núi Đá Bia là ranh giới tự nhiên phân cách giữa Đại Việt và Chăm Pa. Tương truyền, vào năm 1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh cầm quân mở rộng bờ cõi về phía Nam. Khi đánh đuổi quân Chăm Pa ra khỏi vùng đất Phú Yên ngày nay (năm 1471), vua Lê Thánh Tông đã cho người lên núi, khắc chữ để đánh dấu cương vực Đại Việt tại nơi đây. Đây cũng là lí giải cho tên gọi Đá Bia. Nhiều sách địa chí ngày xưa như Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn, Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Nam nhất thống chí,… cũng đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, sau khi các cuộc khảo sát núi Đá Bia, chữ khắc khi xưa đã không còn. Và gây phân vân cho các nhà sử học: liệu vua Lê Thánh Tông có cho người lên khắc chữ trên núi để phân định lãnh thổ hay không?
Điều này đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử hình thành của đất Phú Yên, càng làm cho danh thắng núi Đá Bia trở nên thú vị hơn với khách tham quan. Đường lên đỉnh Đá Bia chỉ 2,5km nhưng đường đi với dốc dựng đứng, khách tham quan phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Dù đi đường vất vả nhưng quá trình lên tới đỉnh Đá Bia, người muốn chinh phục ngọn núi sẽ thấy được những loại cây hiếm thấy và hơn cả là cảm giác khi được chạm tay vào tảng đá lớn. Tảng đá mà ngoài tên gọi Đá Bia còn có những tên khác như Ngón tay của Chúa, vì những tàu Pháp đi ngang vùng biển này, thấy tảng đá như ngón tay chỉ lên trời cao; một tên gọi khác nữa là chiếc Linga vĩ đại, theo cách gọi của người Chăm Pa xưa kia sinh sống ở vùng đất này. Những cơn gió mát lạnh xua đi cái mệt mỏi, để khách tham quan có thể ngắm nhìn toàn cảnh cánh đồng lúa Tuy Hòa, hay vịnh Vũng Rô trong xanh, Đèo Cả uốn cong cùng với những ngôi nhà nhỏ như những món đồ chơi.
Khi lên núi Đá Bia, bạn cần trang bị thức ăn, nhiều nước và cần thêm chiếc gậy chống để việc leo núi của bạn đỡ mệt hơn. Vì ngoài việc đến thăm một danh thắng đẹp của tỉnh Phú Yên, đây cũng là dịp để bạn “thử tài” và kiểm nghiệm sức khỏe của mình.