Tỉnh Phú Yên năm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Bình Định, phía nam giáp Khánh Hòa, phía tây giáp Đăk Lăk và Gia Lai, phía đông giáp biển Đông. Phú Yên nằm cách Hà Nội 1.160 km về phía bắc , cách tp. Hồ chí Minh 561 km về phía nam theo tuyến quốc lộ 1A.
Mã vùng điện thoại: 057
Biển số xe: 78
Tổ chức hành chính: Phú Yên có 09 đơn vị hành chính gồm các huyện: Đồng Xuân, Đông Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa. Thành phố Tuy Hòa là tỉnh lỵ của Tỉnh.
Khí hậu
Phú Yên nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, đồng thời chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương, trong năm chia thành 2 mùa rõ rệt: Mùa khô kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8, mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12. Nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 23 – 270C. Lượng mưa trung bình các năm ở tỉnh Phú Yên vào khoảng 1.200 – 2.300mm. Độ ẩm tương đối của không khí trung bình 80 – 85%.
Diện tích: 5.060,6 km²
Dân số: Dân số của tỉnh Phú Yên năm 2011 là 871.900 người. Mật độ: 172 người/km².
Thành phần dân tộc: Phú Yên có gần 30 dân tộc thiểu số, chủ yếu sống tập trung ở các huyện miền núi phía Tây. Nhiều dân tộc có từ lâu đời như: Chăm, Êđê, BaNa, Hrê, Hoa, Mnong, Raglai, ….
Lịch sử
Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng mở xứ Đàng Trong, lập riêng bộ máy cai trị, đối địch với họ Trịnh ở Đàng Ngoài, con cháu kế tiếp nối ngôi Chúa kéo dài 219 năm trong lịch sử Việt Nam.
Năm 1578, Nguyễn Hoàng bổ Lương Văn Chánh làm trấn biên quan. Lương Văn Chánh đem quân đánh quân Chiêm Thành ở Tuy Hòa (Thành Hồ), chiêu tập lưu dân vùng Thuận Quảng vào khẩn hoang, lập ấp từ Cù Mông đến Đèo Cả.
Năm 1611, nhân sự quấy phá của Chiêm Thành, Nguyễn Hoàng cử chủ sự Văn Phong đánh vào, chiếm đất, đặt thành phủ Phú Yên, lập 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Tên Phú Yên có từ đó.
Năm 1653, đời Chúa Nguyễn Phúc Tần, Vua Chiêm Thành là Bà Tấm đem quân xâm lấn Phú Yên, Chúa sai cai cơ Hùng Lộc làm thống binh đem 3.000 quân đi đánh, quân Chúa Nguyễn tiến thẳng đến sông Phan Rang, Bà Tấm xin hàng. Chúa Nguyễn lấy đất mới lập ra phủ Thái Khang (Diên Khánh và Ninh Hòa ngày nay), từ đây Phú Yên hết vai trò trấn biên.
Chúa Nguyễn đã cho tổ chức các “thuộc”; phủ Phú Yên có 38 thuộc; đốc thu các thuế thường tân, sai dư, cước mễ, tiết liệu trong dân, nhanh chóng xác lập chủ quyền trên miền đất mới (sai dư: thuế thân, tiền cước mễ: tiền gạo nước, tiền thường tân: tiền cơm mới, tiền tiết liệu: tiền lễ tết).
Năm 1771, anh em Tây Sơn khởi nghiệp ở vùng Tây Sơn thượng đạo, sau đó mở rộng vùng làm chủ ra Quảng Nam, Phú Yên, Thái Khang, …
Từ năm 1773 đến 1801, quân Tây Sơn và quân Chúa Nguyễn nhiều lần giao tranh trên đất Phú Yên. Từ năm 1801 quân Nguyễn Ánh làm chủ Phú Yên. Nguyễn Ánh đã đặt dinh Phú Yên, lập công đường và cử quan cai trị. Từ năm 1808 đến 1826, dinh Phú Yên đổi thành trấn Phú Yên. Suốt 2 năm 1815-1816, toàn trấn Phú Yên đo đạc xong ruộng đất và lập địa bạ cho từng thôn ấp.Trấn Phú Yên có 2 huyện là Đồng Xuân, Tuy Hòa và thuộc Hà Bạc. Huyện Tuy Hòa cai quản 80 xã, thôn, giáp, phường. Huyện Đồng Xuân cai quản 63 xã, thôn, phường, châu; thuộc Hà Bạc cai quản 28 thôn, ấp, phường. Năm 1826 lại đặt làm phủ Phú Yên, đặt chức Tri phủ. Năm 1831 đổi làm phủ Tuy An cho thuộc vào Bình Định. Năm 1832 thăng làm tỉnh Phú Yên do Tổng đốc Bình Phú thống hạt. Năm 1853 đổi làm đạo Phú Yên, đặt một Quản đạo, giấy tờ phải đặt ba chữ tỉnh Bình Định ở trên. Năm 1876 đặt làm tỉnh Phú Yên nhưng vẫn do Tổng Đốc Bình Phú thống quản.
Từ năm 1884 đến 1945, triều Nguyễn để cho Pháp cai trị, Phú Yên có chức đầu tỉnh là Tuần Vũ nhưng Công sứ Pháp nắm hết quyền hành. Năm 1899, Phú Yên chia ra 2 phủ và 2 huyện . Phủ Tuy An quản 5 tổng: An Sơn, An Hải, An Vinh, An Đức, An Phú. Huyện Đồng Xuân lãnh 3 tổng: Xuân Đài, Xuân Bình, Xuân Phong và 47 xã, thôn, phường, ấp. Phủ Tuy Hoà quản 6 tổng: Hòa Đa, Hòa Bình, Hòa Mỹ, Hòa Lạc, Hòa Lộc, Hòa Tường với 109 xã, thôn, phường, ấp. Huyện Sơn Hòa lãnh coi 4 tổng: Sơn Lạc, Sơn Xuân, Sơn Tường, Sơn Bình với 43 xã, thôn, phường, ấp; tỉnh lỵ đặt tại Sông Cầu.
Trong những năm Thực dân Pháp trực tiếp cai trị Phú Yên, các phong trào chống Pháp do Lê Thành Phương, Nguyễn Hào Sự, Võ Trứ, Trần Cao Vân, … khởi xướng, lãnh đạo đã chứng minh tinh thần quật khởi, lòng yêu nước của nhân dân Phú Yên khi quê hương bị kẻ thù chiếm cứ, thống trị. Như các nơi khác trong nước, các phong trào, các cuộc khởi nghĩa trước khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo trong đó có các cuộc khởi nghĩa tại Phú Yên đều thất bại do chưa có giai cấp lãnh đạo tiên phong và chưa có đường lối, phương pháp cách mạng đúng.
Ngày 05/10/1930 tại thôn Đồng Bé, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Phú Yên thành lập. Đến tháng 1-1931 Tỉnh uỷ lâm thời thành lập, đồng chí Phan Lưu Thanh được cử giữ chức Bí Thư Tỉnh Ủy. Từ đó phong trào cách mạng Phú Yên đã có tổ chức tiên phong lãnh đạo. Tháng 8-1945 khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở tỉnh lỵ Sông Cầu và các địa phương trong tỉnh. Chính quyền về tay nhân dân, nhân dân Phú Yên cởi bỏ ách thực dân, phong kiến, làm chủ vận mệnh của mình.
Sau khi giành được chính quyền, Tỉnh Ủy lâm thời chỉ đạo việc xây dựng và củng cố chính quyền các cấp. Ngày 6/1/1946, cử tri Phú Yên tham gia bầu cử Quốc hội. Tháng 3/1946, cử tri bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa đầu tiên. Chính quyền cách mạng mới thành lập, công việc rất mới mẻ nhưng nhờ có chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng nên được nhân dân hưởng ứng thực hiện. Sản xuất lương thực được đẩy mạnh đảm bảo dân đủ ăn và cung cấp cho bộ đội, các phong trào “tuần lễ vàng”, “tuần lễ đồng”, “quỹ độc lập”, “xóa mù chữ”, … được toàn dân ra sức vận động, thực thi nên có kết quả cao.
Thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa. Ngày 13/01/1947 quân Pháp từ Khánh Hòa tiến công ra Đèo Cả, mở đầu cho các đợt tiến công đánh chiếm Phú Yên. Tháng 06/1947 ta đánh bại cuộc hành quân đánh chiếm chiến khu I (huyện Tuy Hòa); tháng 01/1948 ta đánh bại cuộc tiến công nhằm chiếm Củng Sơn và miền Tây Đồng Xuân; tháng 08/1949 ta đánh bại cuộc hành quân xuống sông Ba – Trường Lạc nhằm phá đập Đồng Cam; các tháng đầu năm 1954 ta đánh bại chiến dịch At-lăng của địch trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Quân dân Phú Yên đã đẩy lùi các cuộc tiến công đánh chiếm của giặc Pháp tạo điều kiện hình thành vùng tự do liên khu V; chống chiến tranh phá hoại kinh tế của địch; lao động sáng tạo, cần cù với tinh thần tự giác cao bảo vệ và xây dựng vùng tự do vững mạnh, xây dựng chế độ mới làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, dựa vào sức mình là chính; đóng góp sức người, sức của, vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí vào chiến trường Tây Nguyên, Khánh Hòa.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhân dân Phú Yên lại phải đối đầu với một kẻ thù xâm lược mới: đế quốc Mỹ.
Vượt qua thời kỳ đen tối những năm 1954-1959, Đảng bộ Phú Yên đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vùng dậy giải phóng miền núi, đồng khởi ở đồng bằng, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, giải phóng toàn bộ vùng nông thôn rộng lớn, dồn địch trong 8 cụm cứ điểm: Thị xã Tuy Hòa, Phú Lâm, Sông Cầu, La Hai, Xuân Phước, Phú Tân, Củng Sơn, Phú Đức tạo nên thời kỳ nhân dân làm chủ có chính quyền 2 năm (1964-1965).
Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang gây “chiến tranh cục bộ”, quân dân Phú Yên đã đánh bại một trong năm mũi tên của cuộc phản công chiến lược mùa khô thứ nhất, diệt nhiều giặc Mỹ ở địa đạo Gò Thì Thùng, nhiều Mỹ – Ngụy ở thị xã Tuy Hòa và nhiều lính đánh thuê Nam Triều Tiên trong và sau Tết Mậu Thân.
Trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” quân và dân Phú Yên đã đánh bại chiến lược “bình định nông thôn” của địch, mở rộng vùng giải phóng trong thời điểm trước khi ký hiệp định Pari. Sau đó đánh bại Mỹ – Ngụy trên địa bàn Tỉnh, phối hợp kịp thời và có hiệu quả với quân chủ lực làm tan rã, bắt sống trên 2 vạn quân ngụy từ Tây Nguyên rút xuống, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng làm thất bại hoàn toàn âm mưu co cụm lực lượng về giữ đồng bằng để tổ chức phản công chiếm lại Tây Nguyên của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên vào ngày 01-04-1975.