Tỉnh Phú Thọ nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái, phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía Đông giáp huyện Ba Vì – thành phố Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình.
Mã vùng điện thoại: 0210
Biển số xe: 19
Tổ chức hành chính: Tỉnh Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố (thành phố Việt Trì), 1 thị xã (thị xã Phú Thọ) và 11 huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Sông Thao, Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Thanh Ba, Đoan Hùng, Lâm Thao, Phù Ninh).
Khí hậu
Phú Thọ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có một mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 230C, lượng mưa trung bình trong năm khoảng 1.600 đến 1.800 mm. Độ ẩm trung bình trong năm tương đối lớn, khoảng 85 – 87%.
Diện tích: 3.533,4 km²
Dân số: Dân số tỉnh Phú Thọ năm 2011 là 1.326.000 người. Mật độ: 375 người/km².
Thành phần dân tộc: Tỉnh Phú Thọ có 21 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người Kinh chiếm đa số (gần 1,1 triệu người), người Mường hơn 10 vạn, người Dao hơn 6.000 người, Cao Lan hơn 2.000…
Lịch sử
Tỉnh Phú Thọ là một trong những chiếc nôi của loài người. Hàng nghìn năm qua, từ khi vua Hùng dựng nước Văn Lang cho đến ngày nay, địa bàn Phú Thọ đã trải qua biết bao đổi thay về địa danh và địa giới hành chính.
Thời Hùng Vương, địa bàn Phú Thọ nằm trong bộ Văn Lang, trung tâm của nước Văn Lang. Thời Thục An Dương Vương với Nhà nước Âu Lạc, Phú Thọ nằm trong huyện Mê Linh.
Dưới thời Bắc thuộc (từ năm 111 trước Công nguyên đến thế kỷ X), Phú Thọ nằm trong địa bàn quận Mê Linh, Tân Xương, Phong Châu.
Đến thời kỳ phong kiến độc lập, đơn vị hành chính là các đạo (lộ, trấn, xứ, tỉnh), dưới là các phủ, châu, huyện, thay thế cho chế độ quận huyện thời Bắc thuộc, Phú Thọ thuộc lộ Tam Giang. Đầu triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, địa bàn Phú Thọ nằm trong hai tỉnh Hưng Hóa và Sơn Tây.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), nhà vua đã tiến hành cải cách hành chính, đổi tất cả các trấn trong cả nước là tỉnh, điều chuyển một số huyện từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, chia tách một số huyện lớn… Ở phạm vi hai tỉnh Hưng Hóa và Sơn Tây năm 1831 chuyển huyện Tam Nông thuộc tỉnh Sơn Tây về tỉnh Hưng Hóa, tách huyện Thanh Xuyên phủ Gia Hưng của tỉnh Hưng Hóa thành hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thuỷ (1833).
Sau khi đánh chiếm Bắc Kỳ, hoàn thành việc xâm lược toàn bộ Việt Nam, thực dân Pháp thi hành chính sách chia để trị, lập ra các tỉnh mới.
Điều I của Nghị định toàn quyền Đông Dương ngày 8 tháng 9 năm 1891 về việc thành lập tỉnh Hưng Hóa ghi “Địa phận tỉnh Hưng Hóa sẽ được thành lập gồm:
1. Các huyện Tam Nông, Thanh Thuỷ. Huyện Thanh Thuỷ bỏ tổng Cự Thắng nhưng tăng thêm tổng Tinh Nhuệ của huyện Thanh Sơn.
2. Các huyện Sơn Vi, Thanh Ba và Phù Ninh của phủ Lâm Thao tỉnh Sơn Tây. Như vậy tỉnh Hưng Hóa mới thành lập chỉ có 5 huyện, trong đó hai huyện Tam Nông và Thanh Thuỷ là thuộc tỉnh Hưng Hóa cũ còn lại ba huyện Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh là chuyển từ tỉnh Sơn Tây sang.
Ngày 9 tháng 12 năm 1892, toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển huyện Cẩm Khê nằm trong địa bàn tiểu quân khu Yên Bái về tỉnh Hưng Hóa.
Ngày 5 tháng 6 năm 1893, huyện Hạ Hòa tách khỏi tiểu quân khu Yên Bái về nhập vào tỉnh Hưng Hóa.
Ngày 17 tháng 7 năm 1895, hai châu Thanh Sơn và Yên Lập thuộc khu quân sự Đồn Vàng chuyển về tỉnh Hưng Hóa. Ngày 24 tháng 8 năm 1895, hai huyện Hùng Quan và Ngọc Quan của phủ Đoan Hùng tách khỏi tiểu quân khu Tuyên Quang thuộc đạo quan binh 3 Yên Bái nhập vào tỉnh Hưng Hóa. Năm 1900 thành lập thêm huyện Hạc Trì.
Ngày 5 tháng 5 năm 1903, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định chuyển tỉnh lỵ của tỉnh Hưng Hóa lên làng Phú Thọ thuộc tổng Yên Phú huyện Sơn Vi và từ đây tỉnh Hưng Hóa đổi tên thành tỉnh Phú Thọ. Tỉnh Phú Thọ năm 1903 có 10 huyện: Tam Nông, Thanh Thuỷ, Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Hạc Trì, Hùng Quan, Ngọc Quan và hai châu là Thanh Sơn và Yên Lập.
Từ năm 1903 (năm tỉnh có tên là Phú Thọ) đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, về cơ bản đơn vị hành chính trong tỉnh không có những thay đổi lớn, chỉ có thay đổi tên gọi một số phủ huyện và thêm một số làng xã mới… Ngày 22-10-1907 thành lập thị xã Phú Thọ và thị xã Việt Trì. Năm 1919 bỏ tên huyện Sơn Vi đổi gọi là phủ Lâm Thao. Cũng năm này, hai huyện Hùng Quan và Ngọc Quan hợp nhất thành phủ Đoan Hùng.
Năm 1939, phủ Đoan Hùng chuyển gọi là châu Đoan Hùng vì là huyện miền núi. Cũng năm này, huyện Thanh Ba đưa lên thành phủ Thanh Ba.
Đến năm 1940, tỉnh Phú Thọ bao gồm hai phủ: Lâm Thao, Thanh Ba; sáu huyện: Hạ Hòa, Cẩm Khê, Hạc Trì, Thanh Thuỷ, Tam Nông, Phù Ninh; ba châu: Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng; hai thị xã: Phú Thọ, Việt Trì và một số thị trấn Hưng Hóa. Toàn tỉnh có 66 tổng, 467 làng xã, 22 phố.
Cách mạng tháng Tám thành công, về mặt hành chính, Nhà nước ta thống nhất gọi các phủ, châu, huyện là huyện, bỏ cấp tổng và tiến hành hợp nhất các làng nhỏ thành xã lớn. Đợt liên xã đầu tiên, thực hiện năm 1946, tỉnh Phú Thọ từ 467 làng cũ hợp nhất thành 106 xã mới. Nhưng vì xã mới quá lớn nên giữa năm 1947 lại điều chỉnh từ 106 lên 150 xã.
Cũng năm 1947, 5 huyện hữu ngạn sông Thao là Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn và Yên Lập sáp nhập vào khu 14, không thuộc tỉnh Phú Thọ. Đến tháng 2 năm 1948, khu 14 hợp nhất với khu X thành Liên khu X, 5 huyện hữu ngạn sông Thao lại trở về tỉnh Phú Thọ.
Thời kỳ cải cách ruộng đất và sửa sai (1955-1957), các xã lại có sự điều chỉnh, chia tách, từ 150 xã lên 271 xã. Từ năm 1957 trở đi, đơn vị xã cơ bản ổn định đến ngày nay, chỉ có thay đổi tên gọi một số xã vào cuối năm 1964.
Thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Bộ nội vụ ra quyết định thành lập 3 thị trấn là thị trấn nông trường Vân Hùng thuộc huyện Đoan Hùng, thị trấn nông trường Vân Lĩnh thuộc huyện Thanh Ba và thị trấn nông trường Phú Sơn thuộc huyện Thanh Sơn. Ngày 4 tháng 6 năm 1962, Hội dồng Chính phủ ra Quyết định số 65 thành lập thành phố Việt Trì.
Ngày 26 tháng 1 năm 1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết 504, quyết định hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Thành phố Việt Trì là tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Phú.
Trong thời gian là tỉnh Vĩnh Phú, ngày 5 tháng 7 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 178 “Về việc hợp nhất các huyện trong tỉnh Vĩnh Phú”. Ở địa bàn Phú Thọ, chỉ có huyện Thanh Sơn là giữ nguyên, còn các huyện khác đều hợp nhất: Tam Nông hợp nhất với Thanh Thủy thành huyện Tam Thanh bao gồm 34 xã; Lâm Thao hợp nhất với Phù Ninh thành huyện Phong Châu gồm 34 xã; Cẩm Khê, Yên Lập và 10 xã hữu ngạn sông Thao của Hạ Hòa hợp nhất thành huyện Sông Thao gồm 58 xã; Thanh Ba, Đoan Hùng và các xã còn lại của Hạ Hòa cùng với 7 xã của Phù Ninh, hợp nhất thành huyện Sông Lô gồm 82 xã. Việc hợp nhất huyện này quá rộng gây ra nhiều khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, không sát đối với cơ sở, nên chỉ hai năm sau, ngày 22 tháng 12 năm 1980, Hội đồng Chính phủ ra tiếp Quyết định số 377 “Về việc sửa đổi một số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phú”. Theo quyết định, Sông Thao tách thành Sông Thao và Yên Lập; Sông Lô chia thành Thanh Hòa và Đoan Hùng.
Năm 1979, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập thị trấn Phong Châu thuộc huyện Phong Châu.
Tháng 10 năm 1995, 2 huyện Thanh Ba và Hạ Hòa tái lập; một tháng sau (11-1995), Chính phủ ra nghị định thành lập thị trấn Thanh Ba là huyện lỵ của huyện Thanh Ba và thị trấn Đoan Hùng.
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Nghị quyết “về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh”, trong đó có việc tái lập tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Phú Thọ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-1997.
Sau khi tái lập, ngày 28-5-1997, Chính phủ ra Nghị định số 55 về việc thành lập 6 thị trấn: Thị trấn Yên Lập (Yên Lập); thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa); thị trấn Hưng Hóa (Tam Thanh); thị trấn Lâm Thao và Phú Hộ (Phong Châu); thị trấn Thanh Sơn (Thanh Sơn).
Tiếp đến ngày 24-7-1999, Chính phủ ra Nghị định số 59 chia tách nốt hai huyện cuối cùng của tỉnh Phú Thọ là Phong Châu và Tam Thanh để tái lập lại các huyện cũ là Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông và Thanh Thủy.
Ngày 09/4/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới huyện Thanh Sơn để thành lập huyện Tân Sơn.
Tỉnh Phú Thọ tái lập (1997) có diện tích tự nhiên 3.465km2, dân số 1.261.900 người, mật độ dân số trung bình 373 người/km2, gồm 21 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người Kinh chiếm đa số (gần 1,1 triệu người), người Mường hơn 10 vạn, người Dao hơn 6.000 người, Cao Lan hơn 2.000…