Tỉnh Ninh Bình nằm ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Phía bắc giáp với tỉnh Hòa Bình, tỉnh Hà Nam, phía đông giáp tỉnh Nam Định, phía tây giáp tỉnh Thanh Hóa, phía đông nam giáp biển (vịnh Bắc Bộ). Trung tâm của tỉnh là thành phố Ninh Bình cách thủ đô Hà Nội 93 km về phía nam.
Mã vùng điện thoại: 030
Biển số xe: 35
Tổ chức hành chính: Tỉnh Ninh Bình có 8 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố (Ninh Bình), 1 thị xã (Tam Điệp) và 6 huyện
Khí hậu
Ninh Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Thời tiết hàng năm chia thành 4 mùa rõ rệt là xuân, hạ, thu, đông. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 230c. Số lượng giờ nắng trong năm trung bình trên 1100 giờ. Lượng mưa trung bình/năm đạt 1.800mm.
Diện tích: 1.390,3 km²
Dân số: Dân số của tỉnh Ninh Bình năm 2011 là 906.900 người. Mật độ: 652 người/km².
Thành phần dân tộc: Kinh và Mường
Lịch sử
Ninh Bình là một tỉnh ven biển cực Nam của châu thổ sông Hồng, phía Bắc giáp Hà Nam, đông và đông bắc giáp Nam Định, đông nam giáp vịnh Bắc bộ, tây bắc giáp Hòa Bình và phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa.
Đất này đời Tần (255-207 trước công nguyên) thuộc Tượng quận. Trong giai đoạn Bắc thuộc lần thứ hai (207TCN-542 TCN), đưới đời nhà Hán thuộc quận Giao Chỉ, đời Ngô (266-280) và đời Tấn (280- 420) thuộc Giao Châu, đến cuối đời lương (502-542) là châu Trường Yên. Khi Lý Nam Đế đánh đuổi quân Lương, lập nên nhà Tiền Lý (542-602) thì vẫn là châu Trường Yên của nước vạn Xuân. Trong giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 3 (603-905) đưới đời nhà Tùy và nhà Đường đất này vẫn là châu Trường Yên.
Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong 12 sứ quân thống nhất đất nước lập nên triều Đinh (968-980) đóng đô ở Hoa Lư thì đất này gọi là châu Đại Hoàng của nước Đại Cồ Việt. Đến đời Tiền Lê (981-1009) gọi là châu Trường Yên. Đời nhà Lý (1010-1225) gọi là phủ Trường Yên, sau gọi là châu Đại Hoàng nước đại cồ Việt. Đầu đời Trần gọi là lộ, sau đổi là trấn Trường Yên. Năm Quang Thái thứ 10 (1398) đời Trần Thuận tông đổi thành trấn Thiên Quan.
Thời kỳ thuộc Minh (1407-1428) lại gọi là châu Trường Yên. Theo Đại Thanh nhất thống trí (của Trung Quốc) thì: Phủ Kiến Bình lãnh một châu là Trường Yên và 6 huyện là Ý Yên, Đại Loan, Yên Bản, Vọng Doanh, Yên Ninh và Lê Bình, nghĩa là cả một số huyện thuộc tỉnh Nam Định ngày nay. Còn theo Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư thì năm Vĩnh Lạc thứ 5 đời Minh (1407), châu Trường Yên nhập vào phủ Kiến Bình gồm 4 huyện Yên Mô, Uy Viễn, Yên Ninh và Lê Bình. Năm Vĩnh Lạc 6 (1408) nhập huyện Uy Viễn vào châu Trường Yên, năm 1415 nhập huyện Yên Mô vào huyện Yên Ninh, năm 1419 nhập huyện Lê Bình vào châu Trường Yên.
Đến triều Lê vẫn theo như đời Trần trước. Đời Thiệu Bình (1434-1440) dưới triều Lê Thái Tông (1433-1442) chia làm 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan thuộc về trấn Thanh Hoa (Thanh Hoá ngày nay) gồm 6 huyện. Phủ Trường Yên có 3 huyện Gia Viễn, Yên Khang và Yên Mô; phủ Thiên Quan quản 3 huyện Phụng Hoá, Ninh Hoá và Lạc Thổ. Đời Hồng Đức (1470-1498), Lê Thánh Tông cho nhập 2 phủ ấy vào Sơn Nam thừa tuyên. Đời Nhà Mạc (1527-1592) gọi hai phủ này là Thanh Hoa ngoại trấn, ngăn cách với Thanh Hoa nội trấn bởi dãy núi Tam Điệp. Nhà Lê Trung hưng đóng đô ở Thanh Hoa. Từ phủ Trường Yên trở ra ngoài bắc do nhà Mạc cai quản; trừ Trường Yên trở vào, bắt đầu từ 1533 do nhà Lê Trung hưng quản. Hai địa danh Thanh Hoa nội trấn và Thanh Hoa ngoại trấn bắt đầu có từ đấy. Sau khi nhà Mạc bị diệt (1592), nhà Lê lại đem 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan nhập vào Thanh Hoa gọi là Thanh Hoa ngoại trấn. Thời Tây Sơn cũng gọi là Thanh Hoa ngoại trấn thuộc Bắc thành.
Dưới triều Nguyễn vẫn theo như cũ: Thanh Hoa ngoại trấn gồm 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan, có 6 huyện là Yên Mô, Yên Khang, Gia Viễn, Yên Hoá, Phụng Hoá và Lạc Thổ.
Năm Gia Long thứ 5 (1806) đổi thanh Hoa ngoại trấn gọi là đạo Thanh Bình vẫn thuộc trấn Thanh Hoa. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi tên phủ Trường Yên làm phủ Yên Khánh. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi tên đạo Thanh Bình làm đạo Ninh Bình. Địa danh Ninh Bình có từ đó, nhưng vẫn là một đạo thuộc trấn Thanh Hoa. Đến năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) mới chính thứ đổi làm trấn Ninh Bình, đặt các quan cai trị là Trấn thủ, Hiệp trấn Ninh Bình, đặt các quan cai trị là Trấn thủ, Hiệp trấn và Tham hiệp như các trấn khác năm trong Bắc Thành. Cũng trong năm 1829 thành lập huyện Kim Sơn, do Dinh diền sứ Nguyễn Công Trứ khai khẩn đất hoang, đất bồi ven biển lập nên.
Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình và bỏ Tổng trấn Bắc thành theo chương trình cải cách hành chính của Minh Mệnh. Tỉnh Ninh Bình dưới triều Nguyễn có 2 phủ gồm 7 huyện. Phủ Yên Khánh gồm 4 huyện Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn (khi ấy gồm cả 2 huyện Gia VIễn Hoa Lư ngày ngay và Kim Sơn. Phủ Thiên Quan (đến đời Tự Đức 15, tức năm 1862 đổi là phủ Nho Quan), Yên Hoà (đời Lê gọi là Ninh Hoá, gồm một phần huyên Nho Quan và một phần huyện Gia Viễn ngày nay) và huyện Yên Lạc (trước là Lạc Thổ, sau là Lạc Yên, ngày nay là huyện Lạc Sơn tỉnh Hoà Bình).
Thời thuộc Pháp có một số thay đổi, như cắt huyện Yên Lạc nhập vào tỉnh Hoà Bình, đổi tên huyện Phụng Hoá thành huyện Nho Quan và thành lapạ huyện Gia Khánh gồm một phần huyện Gia Viễn và một phần huyện Yên Khánh.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Ninh Bình là một trong những tỉnh sớm có cơ sở Đảng và phong trào cách mạng. Khu căn cứ Quỳnh Lưu là một trong ba trung tâm của Chiến khu Quang Trung thời tiền khởi nghĩa. Khu du kích Khánh Trung, Khánh Thiện là những cơ sở chống Pháp kiên cường. Thời kỳ chống Mỹ, Ninh Bình đã giữ vững mạch giao thông Bắc – Nam. Quân dân Ninh Bình đã bắn rơi 90 máy bay Mỹ. Tỉnh Ninh Bình đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…
Trước Cách mạng Tháng 8 (1945), Ninh Bình có 6 phủ huyện độc lập với nhau (phủ không quản huyện gồm hai phủ Nho Quan, Yên Khánh, các huyện Gia Viễn, Gia Khánh, Kim Sơn và Yên Mô cùng với thị xã Ninh Bình.
Sau Cách mạng Tháng 8 (1945), một số tỉnh thành mang tên các danh nhân hay địa danh lịch sư thì Ninh Bình mang tên các danh nhân hay địa danh lịch sử thì Ninh Bình mang tên là tỉnh Hoa Lư trong một thời gian ngắn. Các phủ huyện đều được gọi chung là huyện, gồm 6 huyện và một thị xã. Nhưng ngày 9.10.1945, Hội đồng Chính phủ quyết định các tỉnh lấy lại tên cũ thì Hoa Lư lại được gọi là tỉnh Ninh Bình thuộc Bắc Kỳ, sau gọi là Bắc Bộ.
Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), tỉnh Ninh Bình thuộc khu 3. Ngày 25.1.1948, hợp nhất các khu 2, khu 3 và khu 11 thành Liên khu thì Ninh Bình thuộc Liên khu 3.
Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976 Ninh Bình hợp với tỉnh Hà Nam (gồm Nam Định và Hà Nam) thành tỉnh Hà Nam Ninh và năm 1977 sau đó hợp nhất 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn thành huyện hoàng Long, hợp nhất huyện Yên Mô và 10 xã huyện Yên Khánh thành huyện Tam Điệp, hợp nhất huyện Kim Sơn và 9 xã huyện Yên Khánh thành huyện Kiem Sơn, hợp nhất huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình thành huyện Hoa Lư. Thời gian này đất Ninh Bình cũ chỉ còn 4 huyện năm trong tỉnh Hà Nam Ninh, thị xã Ninh Bình hạ xuống thành thị trấn thuộc Huyện Hoa Lư.\
Ngày 9.4.1981 lại tách huyện Hoàng Long thành 2 huyện: Hoàng Long và Gia Viễn. Tháng 12.1991, Quốc Hội khoá VIII kỳ họp thứ 10 quyết định tách tỉnh Ninh Bình ra khỏi tỉnh Hà Nam Ninh. Ninh Bình trở lại tỉnh cũ khi này gồm 7 đơn vị hành chính là thị xã Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và 5 huyện là Hoàng Long, Hoa Lư, Gia Viễn, Tam Điệp, Kim Sơn.
Tháng 11.1993 đổi tên huyện Hoàng Long thành huyện Nho Quan. Tháng 7.1994, đổi tên huyện Tam Điệp trở về tên cũ Yên Mô và thành lập lại huyện Yên Khánh.
Đến ngày nay, Ninh Bình là một tỉnh có diện tích 1387,5 km2 với dân số 93 vạn người, bao gồm 8 đơn vị hành chính ( 1 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện): Thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn, huyện Hoa Lư, huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn.
(Theo danh nhân đất Ninh Bình)