Dulichbui.org – Có lẽ với nhiều người, được du ngoạn dọc ngang trên mảnh đất hình chữ S cùng 1 chiếc xe gắn máy là một mong ước nghe có vẻ xa xôi. Nhưng trong thời gian gần đây, khi điều kiện kinh tế khá dần lên, đường xá nối các tỉnh thành với nhau tốt dần lên, thì càng ngày càng có nhiều tua xuyên Việt được tổ chức bởi các nhóm thành viên yêu thích xe máy, yêu thích du lịch. Những chuyến đi như vậy đã góp phần khai phá những cung đường, những thắng cảnh xuyên suốt Việt Nam từ Nam chí Bắc. Nếu bạn chưa một lần được “Dọc Ngang – Ngang Dọc” những vùng đất quê hương mình, bạn còn chờ gì nữa?
Sức hút của những cung đường
Việt Nam chúng ta có 1 cấu trúc địa lý khá đa dạng với đầy đủ các vùng miền khác nhau từ đồng bằng duyên hải, đồng bằng châu thổ, trung du miền núi đến cao nguyên. Chính sự đa dạng về địa hình này đã hình thành nên những cung đường tuyệt đẹp mà xuyên suốt từ Nam chí Bắc, hầu như tỉnh thành nào cũng có. Những đoạn đường nổi tiếng trong giới yêu thích du lịch khám phá có thể kể ra như: Sài Gòn – Phan Thiêt – Nha Trang – Đà Lạt; đường mòn Hồ Chí Minh; vòng cung Tây Bắc – Đông Bắc; cung đường Hạnh Phúc xuyên cao nguyên đá Hà Giang. Mỗi cung đường đều có những đặc điểm thu hút riêng, nhưng điểm chung của tất cả đó là cảnh đẹp thiên nhiên hai bên đường tạo ra một cảnh tượng hùng vĩ khó tả nổi và khiến cho người ngồi trên ngựa sắt luôn ở trong tình trạng “lâng lâng vì hạnh phúc”. Ngoài ra, điều quan trọng không kém là những con đường kể trên đều đi qua những vùng đất có chiều sâu về văn hóa và dày về lịch sử. Hai yếu tố này kết hợp lại đã tạo nên một mãnh lực vô cùng lớn thu hút rất nhiều người đến với nó, chủ yếu là những người trẻ mang trong mình niềm đam mê khám phá, muốn hiểu rõ hơn đất nước mình, từ đó hiểu rõ hơn con người mình.
Sự đa dạng về địa hình cùng với lịch sử hơn 2000 năm dựng cõi và mở cõi của cha ông đã để lại cho đất nước hình chữ S một di sản văn hóa vô cùng đa dạng và đặc sắc. Nhưng có lẽ, chỉ đọc qua sách vở, xem qua hình ảnh thì chưa thể cảm nhận và thấy rõ sự dạng đó. Một chuyến du lịch bằng xe gắn máy xuyên qua các vùng miền của Việt Nam sẽ giúp cho người đi hiểu rõ hơn truyền thống và văn hóa của người Việt. Dọc theo quốc lộ 1A, qua vùng đồng bằng duyên hải miền Trung, người đi mới có thể cảm được cái nắng gió, cát ven biển và thấy được sự khoáng đạt của người dân nơi đây. Và cũng dọc theo con đường này, từ Bình Thuận cho tới Quảng Bình, con đường mà cha ông ta hàng trăm năm trước đã mở cõi về phía Nam, tồn tại vô số di tích của nền văn hóa Chăm Pa đã từng 1 thời rực rỡ. Thêm vào đó, đoạn đường này đi xuyên qua 4 vùng di sản thế giới được Unesco công nhận đó là Mỹ Sơn, Hội An, Huế và Phong Nha Kẻ Bàng. Ở phía cao nguyên, theo quốc lộ 14 qua vùng đất Tây nguyên, người đi có thể xuyên qua những vùng văn hóa của đồng bào dân tộc Gia Rai, Ê đê, với những nhà Rông, nhà sàn, với những cụ già em bé trong trang phục truyền thống với những gùi thóc gánh lúa trên lưng.
Qua đèo Ngang, từ vùng duyên hải Bắc Trung Bộ đến vùng đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi ngàn Năm đã tạo nên đất nước hình chữ S, lữ khách có thể thấm thía được nét văn hóa đặc trưng của người Việt với mái đình bến nước, cây đa đầu làng. Tính thuần nông vẫn còn vẫn còn in đậm nơi đây với những lễ hội dân gian, với những tín ngưỡng mang dấu vết phồn thực, với một nét Phật giáo đã được nền văn minh làng xã cuộn vào lòng và tạo ra một dấu ấn rất riêng. Ở phía trên kia của dãy Trường Sơn, nếu có điều kiện du ngoạn, du khách có thể trải nghiệm được sự hào hùng của núi rừng khi chiếc xe lăn bánh trên những con đường khúc khuỷu, dọc 2 bên là những dòng suối xanh trong vắt và tiếng chim hót rộn ràng. Và chính trên con đường này, cách đây gần 60 năm, cha ông ta đã xẻ dọc để tạo nên một trang hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm.
Vùng núi và trung du Bắc Bộ, với vòng cung Tây Bắc-Đông Bắc với những dãy núi chập chùng cao chót vót, với vùng Trung du bát ngát vườn cọ đồi chè, với sự đa dạng về tộc người và các vùng tiểu văn hóa, với những hình thức sinh hoạt đã tồn tại cả ngàn năm, người đi sẽ cảm nhận được cái nôi văn minh của người Việt-Mường cổ. Qua những con đường ấy, bao trùm lên tất cả là cái không khí trong lành, yên bình và điềm nhiên đến lạ. Con người và thiên nhiên ở nơi đây hòa vào làm một, nương tựa vào nhau mà tồn tại. Từng tấc đất, từng mảnh vườn đều là những tài sản vô giá và cư dân nơi đây đều cố giữ gìn. Ở vùng cao cực Bắc, khi đặt chân đến đó, du khách ngỡ ngàng như lạc vào xứ thần tiên và khi về rồi, cái cảm giác lâng lâng nó vẫn còn theo mãi. Ở cái nơi núi đá mèo chập chùng, người Hmong, người Dao sống ở trên những triền núi cao chót vót, sự khoáng đạt hào sảng dường như được đẩy lên tận cùng. Cái cảm xúc ấy khiến người đi dường như muốn thét lên trong sung sướng giữa đại ngàn thiên nhiên hùng vĩ rằng địa đàng đâu có phải hư vô?
Sự trải nghiệm nên có 1 lần trong đời
Ừ thì, giang hồ thì có nhiều kiểu, giang hồ xe hơi, giang hồ xe lửa, giang hồ tàu bay, thậm chí là giang hồ xe đạp. Nhưng có lẽ khó có phương tiện nào có thể đem lại cho bạn cái cảm giác tự do tự tại, thế gian này là của ta, con đường này là của ta, trải nghiệm này chỉ có mình ta biết! Cuộc đời này vốn ngắn ngủn, bạn cứ xách ba lô lên đi, kiếm 1 con xe đàng hoàng 1 tẹo, rồi vứt hết mọi thứ sau lưng, cứ thế mà rong ruổi, bạn sẽ nhận ra rằng: Cuộc đời này đáng sống biết bao!
Theo Psychotramps13