Dulichbui.org – Có những chuyến đi từ sự ngẫu hứng bất chợt nhưng lại thu được nhiều trải nghiệm thú vị. Chuyến du lịch bụi sang Phnôm Pênh ba ngày của chúng tôi là một trong những chuyến đi như thế. Ban đầu chúng tôi chỉ định đi Củ Chi, lên Mộc Bài (Tây Ninh) và quay về trong ngày thôi, nhưng rồi sự hấp dẫn của đất nước Chùa Tháp đã khiến chúng tôi thay đổi ý định, đi Phnôm Pênh trong ba ngày bằng xe máy.
Sau khi tìm hiểu thông tin về các điểm đến ở Phnôm Pênh và các thủ tục khi đi xe máy từ Việt Nam sang Campuchia, chúng tôi an tâm lên đường. Sau khoảng một giờ đồng hồ chạy xe máy chúng tôi đã có mặt tại cửa khẩu Mộc Bài.
Làm thủ tục xuất cảnh tại Mộc Bài xong, tôi tranh thủ hỏi thăm một anh hải quan về việc đi xe máy từ Việt Nam sang Campuchia thì được biết, hải quan tại Mộc Bài không cấm xe máy Việt Nam chạy sang Campuchia nhưng không biết phía hải quan Campuchia thì thế nào. Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được trước khi đi thì hải quan Campuchia cũng không quá khó trong việc này, chỉ cần mình khai báo và xin một giấy thông hành là được.
Đi Phnôm Pênh bằng… taxi
Nhưng rồi mọi việc diễn ra khác hẳn với những gì chúng tôi được nghe trước đó. Khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Bavet (Campuchia) tôi khai báo với anh nhân viên hải quan Campuchia về chuyện chiếc xe, anh hải quan kia hỏi lại tôi bằng tiếng Việt: Xe gì? – Dạ, xe máy. Tôi trả lời – Đâu? – Dạ, ở ngoài kia ạ. Tôi chỉ tay ra hướng cửa nơi anh bạn đồng hành của tôi đang đứng chờ. – Đi xem.
Anh hải quan Campuchia khoát tay rồi bước ra cửa. Tôi dẫn anh ta đến chỗ chiếc xe máy của tôi thì nhận được cái lắc đầu. – Không được đâu. Hải quan Campuchia không cho đâu.
– Dạ, thế có cách nào không anh? Tôi hỏi lại.
– Hỏi hải quan ấy.
– Hải quan nào ạ? Tôi hỏi lại vì chính anh ta là nhân viên hải quan,không biết còn hải quan nào nữa.
– Kìa. Tôi nhìn theo cái chỉ tay của anh nhân viên hải quan hướng về khu làm thủ tục nhập cảnh cho các xe du lịch lớn.
Tôi vội cảm ơn và chạy đến chỗ mấy anh hải quan kia. Sau vài lời chào hỏi tôi đưa ra vấn đề của mình thì nhận được cái gật đầu đồng ý: – Được, mang xe đến đây.
Tôi mừng rơn vội gọi điện cho anh bạn đồng hành của tôi dắt xe tới. Tưởng mọi chuyện đã xong xuôi ai dè… Tôi lại nhận được một cái lắc đầu nữa. – Không được, xe này là Honda không qua được. Chạy vào Nam Vang (Phnôm Pênh) là bị bắt đó.
– Sao hồi nãy anh nói xe máy được ạ?
– Xe máy là xe máy còn xe này là Honda.
Vất vả nói qua, nói lại mãi, một lúc sau tôi mới biết cái mà tôi gọi là xe máy thì được mấy anh hải quan kia hiểu là… xe đạp (?!).
Thất vọng. Chúng tôi định dắt xe về thì được một chị người Việt Nam gợi ý: Sao em không gửi xe ở sòng bài rồi “bắt” xe đi Nam Vang? Thế là nhờ sự hướng dẫn của chị, chúng tôi dễ dàng gửi được xe tại một sòng bài, rồi sau đó ra bến xe Bavet để bắt xe đi Phnôm Pênh.
Bến xe nằm ngay cổng ra vào của cửa khẩu Bavet, nơi đây tập trung nhiều xe du lịch và xe taxi loại 4 chỗ. Tìm hiểu, chúng tôi được biết xe du lịch đỗ tại bến xe để đón các đoàn khách từ Việt Nam sang Campuchia theo dạng đi tour trọn gói, còn taxi thì phục vụ hành khách từ Phnôm Pênh xuống Bavet và ngược lại.
Chúng tôi lên một chiếc Camry 4 chỗ màu trắng, nhưng bác tài cho biết tuy xe 4 chỗ nhưng phải đủ 6 người mới chạy (té ra taxi chạy kiểu… xe đò!!!), giá vé cho hai người từ Bavet đi Phnôm Pênh là 15 đô la Mỹ hoặc 300.000 đồng.
Mãi đến 13 giờ, chiếc Camry mới chuyển bánh. Người ta nói “trong cái rủi cũng có cái may” câu nói này chắc đúng với trường hợp với chúng tôi.
Phnôm Pênh về đêm
Mất khoảng 4 tiếng đi xe chúng tôi đã có mặt tại Phnom Pênh, thủ đô của đất nước Campuchia. Bác tài dừng xe cho chúng tôi xuống tại khu Sisowath Quay, nằm dọc bờ sông Tonle Sap, nơi đây được biết đến như là khu phố Tây mới tại Phnôm Pênh (để phân biệt với khu phố Tây cũ Boeng Kak Lake).
Lang thang một vòng tại Sisowath Quay, chúng tôi tìm được một khách sạn có giá tương đối mềm; 7 đô la Mỹ cho một phòng hai giường, gắn quạt máy. Tắm rửa xong thì trời vừa tối, chúng tôi tìm nơi ăn tối rồi đi bộ khám phá Phnompen.
Phnôm Pênh về đêm không thật ồn ào nhưng cũng không yên tĩnh. Tại khu phố Tây các nhà hàng, quán bar đã bắt đầu sáng đèn, tiếng nhạc rộn vang. Công viên dọc bờ sông Tonle Sap và khu quảng trường trước cung điện hoàng gia (Royal Palace) tối nay tập trung rất đông người, mọi người cùng nhau ca hát, nhảy múa.
Chúng tôi dừng chân tại một quán cóc nằm trên đại lộ Sihanouk. Khác với quán cóc tại Việt Nam, quán cóc tại Phnôm Pênh thật đặc biệt: khách đến quán không ngồi ghế, bàn mà lại ngồi… chiếu. Chiếu được trải dọc trên lối đi dành cho người đi bộ, cứ một nhóm khách là một chiếc chiếu. Trên chiếu bày sẵn các loại đồ uống như bia, Coca Cola, Red Bulls,… khách muốn ăn gì cứ việc gọi chủ quán sẽ mang ra tận… chiếu.
Tôi gọi bốn hột vịt lộn, ít xâu cá viên chiên và vài lon bia Angkor. Ở Campuchia, hột vịt lộn là một trong những món ăn rất phổ biến. Người Campuchia gọi món này là Pong Tea Khon. Không chỉ ở Việt Nam và Campuchia mà tại nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Thái, Philippine… hột vịt lộn là món ăn chơi rất phổ biến.
Trên đường trở về khách sạn, chúng tôi ghé mua ít đồ tại khu chợ đêm Phsa Reatrey. Chợ đêm được nhóm trong một khuôn viên tương đối rộng, nằm liền kề khu phố Tây mới. Người ta bố trí một sân khấu lớn nằm chính giữa, là nơi biểu diễn văn nghệ phục vụ khách tham quan. Khu vực trước và hai bên sân khấu là các gian hàng nằm liền kề nhau, bày bán đủ thứ áo quần, đồ lưu niệm, giày dép, điện thoại… Sau lưng sân khấu là khu vực ăn uống.
Dạo quanh một vòng chợ, chúng tôi chọn mua được mấy chiếc khăn lụa (giá 2 đô la một chiếc) và vài chiếc karma (một loại khăn rằn của người Campuchia, giá mỗi chiếc 1 đô) đem về làm quà cho bạn bè.
“Walking tour” ở Phnom Pênh
Thành phố Phnôm Pênh có diện tích khoảng 678,46 km2 nhưng do hầu hết các điểm du lịch phổ biến tại đây đều tập trung chủ yếu ở khu trung tâm nên việc tham quan khá thuận tiện.
Có nhiều cách để bạn khám phá Phnôm Pênh: đăng ký citytour, đi taxi hay xe tuk-tuk nhưng thoải mái nhất là thuê xe máy để vi vu… Riêng chúng tôi chọn cho mình cách thú vị nhất và tiết kiệm nhất là đi bộ.
Sau khi tìm hiểu về các điểm tham quan tại Phnôm Pênh, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ, thực hiện “walking tour” của mình. Điểm đến đầu tiên là chùa bà Pênh (tiếng Campuchia là Wat Phnom), giá vé tham quan 1 đô la Mỹ. Chùa Bà Pênh là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất ở Phnom Penh, tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ cạnh giao lộ của đường 96 và đường Norodom. Kiểu dáng kiến trúc và nội thất chùa Bà Pênh cũng giống như những ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa khác tại Phnom Penh.
Người Campuchia cho rằng sự ra đời của chùa bà Pênh gắn liền với sự hình thành của Phnom Penh ngày nay. Chuyện kể rằng vào năm 1372 bà Pênh (Yea Penh) vớt được một cây gỗ bên trong có 4 bức tượng Phật trôi dạt trên sông. Bà đã cho đắp một ngọn đồi (phnom có nghĩa là đồi) và xây một ngôi chùa nhỏ (wat) ở trên đó mà ngày nay gọi là Wat Phnom. Sau này, khu vực xung quanh được gọi theo ngọn đồi (Phnom) và người tạo ra nó (Penh), vì thế mà có cái tên Phnom Penh cho thành phố thủ đô này.
Rời chùa bà Pênh, chúng tôi đi dọc con đường Sisowath Quay đến bảo tàng quốc gia Campuchia (giá vé tham quan 2 đô la). Bảo tàng này được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống của người Khmer, nếu nhìn từ xa chưa chắc bạn cho rằng đây là một bảo tàng. Bảo tàng quốc gia Campuchia lưu giữ rất nhiều hiện vật khảo cổ liên quan đến lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật của người Khmer từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13. Đây thực sự là một điểm tham quan bạn nên ghé nếu muốn tìm hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của đất nước Chùa Tháp.
Nằm cạnh bảo tàng quốc gia Campuchia là khu cung điện hoàng gia – chùa Bạc. Người Campuchia nói rằng, muốn biết nhà vua Campuchia giàu như thế nào thì hãy ghé cung điện của ngài một lần bạn sẽ thấy rõ. Quả đúng như vậy.
Cung điện hoàng gia (tên đầy đủ là Preah Barom Reachea Vaeng Chaktomuk) là nơi ở và làm việc của quốc vương và hoàng tộc. Đây còn là nơi diễn ra các cuộc thiết triều, các nghi thức ngoại giao và lễ nghi hoàng gia. Những vị khách quý của hoàng gia Campuchia như nhà vua, quốc trưởng, lãnh tụ các quốc gia khác đến Phnom Penh cũng sẽ nghỉ lại trong khu vực hoàng cung. Với người Campuchia, hoàng cung còn là biểu tượng của cả vương quốc.
Ghé vào cung điện hoàng gia chúng tôi thực sự choáng ngợp trước… vàng và bạc. Phòng khánh tiết là điểm gây ấn tượng hơn cả. Trước đây tòa sảnh này là nơi nhà vua cùng nội các thiết triều, còn nay nhà khánh tiết được sử dụng để cử hành nghi lễ hoàng gia và tôn giáo như đăng quang, kết hôn hoàng gia và nơi nhà vua tiếp khách.
Bạn có tin được không khi hầu hết bên trong tòa nhà đều được làm bằng vàng; từ ngai vàng, ghế ngồi, gương… Ngoài nhà khánh tiết, cung điện hoàng gia Campuchia còn có nhiều công trình kiến trúc khác như sân khấu Chanchhaya, khu cung điện nghỉ ngơi của nhà vua, khu làm việc của hoàng cung,… và chùa Bạc.
Toàn bộ nền chùa Bạc được lát bởi hơn 5.000 thỏi bạc, mỗi thỏi nặng 1 ký. Đó là chưa kể đến hàng chục, hàng trăm bức tượng Phật bằng bạc được bố trí khắp trong chùa. Chùa Bạc là nơi thờ cúng linh thiêng cũng là “bảo tàng” cống phẩm của hoàng gia Campuchia.
Rời hoàng cung và chùa Bạc, chúng tôi ghé thăm tượng đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Tượng đài đặt trong một công viên rộng và gần đó là tượng đài Độc lập Campuchia (khu vực hai tượng đài đều miễn phí tham quan). Nằm trên một quảng trường lớn, giao lộ giữa đường Norodom và đường Sihanouk, tượng đài Độc lập Campuchia được xây dựng vào năm 1958.
Đến trưa, chúng tôi trở về khách sạn để nghỉ ngơi. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi tiếp tục tham quan bảo tàng Toul Sleng và chợ Mới, nhưng không đi bộ mà dùng xe tuk tuk. Buổi tối trở về khách sạn nghỉ ngơi với cảm giác thỏa mãn sau một ngày tham quan đầy thú vị.
Sáng hôm sau chúng tôi bắt xe taxi về lại Bavet rồi lấy xe máy chạy về Sài Gòn. Chuyến đi bụi Phnôm Pênh kéo dài 3 ngày đã đọng lại trong chúng tôi những ấn tượng khó phai. Hẹn sẽ quay lại Phnom Penh trong một ngày gần nhất.