Dulichbui.org – Không ồn ào như Hà Nội, Sài Gòn cũng không không yên bình như Huế hay Hội An, Vũng Tàu vẫn luôn có sự hấp dẫn riêng để thu hút du khách gần xa.
Tôi không nhớ mình đã đến Vũng Tàu lần đầu tiên vào khi nào và sau đó đã đến lại đây bao nhiêu lần nhưng cứ mỗi lần đến tôi luôn có cảm giác lạ mà quen.
Như một thói quen, cứ về Vũng Tàu là tôi lại lặn lội đi…ngắm cái thành phố này cho bằng được. Hai địa điểm mà theo tôi là lý tưởng nhất để ngắm toàn cảnh Vũng Tàu là ngọn hải đăng và tượng chúa giang tay (cả hai đều nằm trên núi Nhỏ).
Men theo con đường nhỏ và dốc ven triền núi Nhỏ, tôi đã có mặt tại ngọn hải đăng có tuổi thọ lâu đời nhất tại Việt Nam.
Ngọn hải đăng này được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1870, nhưng do lúc đầu xây dựng đơn giản, ít kiên cố và độ sáng kém nên người Pháp đã cho xây dựng mới từ vị trí cũ vào năm 1913.
Ngọn hải đăng có hình dạng một tháp trụ cao 18m với đường kính 3m. Đèn ở đỉnh tháp có công suất 500W, có thể chiếu xa đến 30 hải lý (khoảng 55km). Tán đèn có hai lỗ lớn nằm gần nhau, quay đều với tốc độ 5 vòng/phút.
Tạo lạc tại một vị trí có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, ngọn hải đăng là một trong những địa chỉ tham quan hấp dẫn du khách khi đến Vũng Tàu. Đứng từ đây, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh thành phố Vũng Tàu: biển và bờ biển, trung tâm thành phố,…
Từ ngọn hải đăng, di chuyển trở lại theo lối đi lên, xuống đường Hạ Long tôi đi qua khu vực tượng chúa giang tay (tượng chúa Kitô) cách đó không xa.
Tượng chúa Kitô cao 32m, có sải tay dài 18,4m nằm trên đỉnh núi Tao Phùng (núi Nhỏ) với độ cao 170m so với mực nước biển. Tượng quay mặt về hướng nam nhìn ra biển Đông, đôi tay dang rộng như đang che chở, bao bọc chúng sinh.
Lên hết 133 bậc tam cấp từ cầu thang xoắn ốc đi từ chân tượng lên tới đỉnh tượng (trong lòng tượng) bạn sẽ ra đến bên vai và tay áo tượng. Đứng tại đây ta mới thấy được sự bao la của đại dương, sự mênh mông của đất trời. Con người quả là quá nhỏ bé.