X

Du lịch bụi Long An

Long An nằm ở đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc giáp tỉnh Tây Ninh và tỉnh Svay Rieng của Vương quốc Campuchia trên chiều dài biên giới 137,5 km; Phía Nam giáp tỉnh Tiền Giang; Phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp; Phía Đông giáp Thành phố Hồ Chí Minh.

Mã vùng điện thoại: 072

Biển số xe: 62

Tổ chức hành chính: Tỉnh Long An có 14 đơn vị hành chính gồm gồm 1 thành phố (Thành phố Tân An) và 13 huyện (Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Hưng, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Vĩnh Hưng).

Khí hậu
Long An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm. Do tiếp giáp giữa 2 vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cho nên vừa mang các đặc tính đặc trưng cho vùng ĐBSCL lại vừa mang những đặc tính riêng biệt của vùng miền Đông.
Nhiệt độ trung bình hàng tháng 27,2 -27,7 oC. Thường vào tháng 4 có nhiệt độ trung bình cao nhất 28,9 oC, tháng 1 có nhiệt độ trung bình thấp nhất là 25,2oC.

Lượng mưa hàng năm biến động từ 966 -1325 mm. Mùa mưa chiếm trên 70 – 82% tổng lượng mưa cả năm. Mưa phân bổ không đều, giảm dần từ khu vực giáp ranh thành phố Hồ Chí Minh xuống phía Tây và Tây Nam. Các huyện phía Đông Nam gần biển có lượng mưa ít nhất. Cường độ mưa lớn làm xói mòn ở vùng gò cao, đồng thời mưa kết hợp với cường triều, với lũ gây ra ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của dân cư.

Diện tích: 4492.4 km²

Dân số: Dân số của tỉnh Long An năm 2011 là 1.449.600 người. Mật độ: 323 người/km².

Thành phần dân tộc: Việt, Khmer, Hoa

Lịch sử
Long An là một trong những địa bàn của Nam Bộ từ lâu đã có cư dân sinh sống. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở An Sơn, đông bắc tỉnh các di chỉ hậu kỳ đồ đá mới cách đây 3.000 năm và Rạch Núi đông nam tỉnh di chỉ đồ sắt cách đây 2.700 năm. Đáng chú ý là trên địa bàn Long An có tới 100 di tích văn hóa Óc Eo với 12.000 hiện vật, đặc biệt là quần thể Cụm di tích Bình Tả.

Đây là quần thể di tích văn hóa Óc Eo – văn hóa Phù Nam có niên đại từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7. Quần thể di tích Bình Tả cho thấy vào thời cổ đại, vùng đất Long An ngày nay đã từng là trung tâm chính trị, văn hóa và tôn giáo của Nhà nước Phù Nam – Chân Lạp. Ngoài các khu di tích lịch sử văn hóa kể trên, Long An còn có 40 di tích lịch sử cách mạng và nhiều công trình kiến trúc cổ khác.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, nhân dân Long An đã tham gia các cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Võ Duy Dương, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực đánh các đồn bót của người Pháp. Nguyễn Đình Chiểu đã làm bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để biểu dương tinh thần của các nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Lễ hội

Các bạn có thể ghé thăm Long An vào bất kì thời gian nào trong năm, tuy nhiên nếu được có thể đi vào thời gian mùa nước nổi từ tháng 8 tới tháng 10 hàng năm hoặc đi vào lúc tổ chức các lễ hội thì sẽ càng tuyệt vời hơn nữa. Một số lễ hội lớn của Long An như:

  • Lễ hội làm chay: diễn ra vào rằm tháng giêng âm lịch tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành. Đây là lễ hội nhằm khôi phục các giá trị dân gian truyền thống, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
  • Lễ hội vía miếu bà ngũ hành: vào ngày 20/1 âm lịch tại thành phố Tân An. Tâm điểm là lễ kỳ yên và nghệ thuật diễn xướng dân gian như: chầu mời, thỉnh bà, dâng bông, hát chặp địa nàng…

Điểm tham quan ở Long An

Làng nổi Tân Lập

Làng nổi Tân Lập tọa lạc tại huyện Mộc Hóa, một nơi nằm sâu trong khu vực Đồng Tháp Mười nên địa danh này có hệ sinh thái ngập nước đặc trưng. Các bạn sẽ lên thuyền len lỏi trong những cánh rừng tràm mát rượi, leo lên tháp quan sát để ngắm nhìn toàn cảnh làng nổi. Đặc biệt con đường bê tông dài khoảng 5km đi xuyên qua rừng tràm sẽ giúp cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm tuyệt vời.

Nhà trăm cột

Ngôi nhà cổ trăm cột nằm tại huyện Cần Đước, nhà có lịch sử hơn 100 năm, được xây theo lối nhà rường xuyên trính của xứ  Huế. Tổng cộng nhà có có 120 cột lớn nhỏ với kiến trúc cầu kì, tinh tế được chạm khắc từ đội ngũ nghệ nhân xứ Huế. Nhà cổ được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1997.

Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười

Với diện tích hơn 800ha, du khách như lạc bước vào một khu rừng rộng lớn với những cánh rừng tràm mênh mông. Du khách sẽ lên xuồng đến với các đầm sen tuyệt đẹp. Những món ăn dân dã của người dân bản địa chắc chắn sẽ làm cho du khách không khỏi bất ngờ, thú vị.

Chùa Kim Cang

Ngôi chùa cổ được xây dựng từ giữa thế kỉ 19 tại huyện Thủ Thừa theo lối kiến trúc truyền thống với những mái ngói cong vút. Điểm nhấn của chùa là khu vườn tượng độc đáo mô tả lại cuộc đời đức Phật. Kiến trúc chùa là sự kết hợp hoàn hảo với khu vườn bên cạnh tạo nên một không gian nhẹ nhàng, thanh tịnh nhuốm màu Phật pháp.

Làng dệt chiếu Long Định

Long Định được xem là cái nôi của nghề dệt chiếu tại Long An, nơi không chỉ là làm ra các sản phẩm tuyệt đẹp mà còn là gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Nghề dệt chiếu được truyền theo kiểu cha truyền con nối với những bí quyết gia truyền. Ngày nay Long Định trở thành điểm tham quan nổi tiếng của tỉnh Long An.

Làng cổ Phước Lộc Thọ

Làng cổ Phước Lộc Thọ mang đậm nét văn hóa của ba vùng miền với những ngôi nhà cổ đặc trưng như nhà rường xứ Huế, nhà của người dân ở miền Tây Nam Bộ hay nhà sàn của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Một không gian bình yên, nhẹ nhàng lan tỏa mang đến cho du khách những trải nghiệm thật khác biệt.

Ăn gì khi đi du lịch bụi Long An?

Lẩu mắm

Món ăn rất phổ biến của người dân Nam Bộ và Long An là địa điểm tuyệt vời để thưởng thức món ăn dân dã này. Nguyên liệu chính là mắm và các gia vị kèm theo. Trong lẩu mắm gần như không thiếu cái gì từ tôm, cá hoặc thịt cho tới các loại rau ăn kèm như khế chua, chuối chát, điên điển, rau muống, rau cải…

Canh chua cá chốt

Những con cá chốt thường béo mập, bụng căng tròn vì có rất nhiều trứng, cá chốt kho cũng rất ngon nhưng đậm đà và đặc trưng thì phải là nấu canh chua. Nước canh nóng hổi, chua chua ăn kèm với miếng cá chốt béo ngậy thiệt hết sức sảng khoái và thú vị.

Lạp xưởng tươi

Món lạp xưởng tươi là một đặc sản độc đáo của đất Long An, lạp xưởng nơi đây có nhiều nạc, gần như không có mỡ nên không mang lại cảm giác ngán khi ăn. Lạp xưởng ngon nhất là chế biến theo kiểu chiên hoặc nướng trên bếp than.

Bánh tét Đức Hòa

Bánh tét là món ăn đặc trưng của vùng đất Nam Bộ và gần như tỉnh nào cũng có món ăn này, tuy nhiên bánh tét Đức Hòa Long An vẫn mang đến cho du khách nhiều hương vị mới lạ. Người dân Đức Hòa chọn nguyên liệu rất kĩ từ nếp, thịt ba rọi cho tới đậu xanh và cách nấu sao cho bánh tét vừa ngon vừa có hương vị độc đáo.