X

Du lịch bụi Kiên Giang

Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu; phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang; phía Tây giáp Vịnh Thái Lan.

Mã vùng điện thoại: 077

Biển số xe: 68

Tổ chức hành chính: Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính được chia thành 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện: Thành phố Rạch Giá (tỉnh lỵ), thị xã Hà Tiên, huyện An Biên, huyện An Minh, huyện Châu Thành, huyện Giồng Riềng, huyện Gò Quao , huyện Hòn Đất , huyện Kiên Hải (huyện đảo), huyện Kiên Lương, huyện Phú Quốc (huyện đảo), huyện Tân Hiệp, huyện Vĩnh Thuận, huyện U Minh Thượng, huyện Giang Thành.

Khí hậu:
Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm. Mưa, bão tập trung vào từ tháng 8 đến tháng 10 với lượng mưa trung bình hàng năm là 2.146,8 mm. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26.4oC đến 280C, tháng lạnh nhất là tháng 12; không có hiện tượng sương muối xảy ra.

Kiên Giang không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng nước mưa do bão chiếm một tỷ trọng đáng kể, nhất là vào cuối mùa mưa. Ðiều kiện khí hậu thời tiết của Kiên Giang có những thuận lợi cơ bản mà các tỉnh khác ở phía Bắc không có được: Ít thiên tai, không rét, không có bão đổ bộ trực tiếp, ánh sáng và nhiệt lượng dồi dào, nên rất thuận lợi cho nhiều loại cây trồng và vật nuôi sinh trưởng.

Diện tích: 6.348,5 km²

Dân số: 1.714.100 người (năm 2011). Mật độ: 270 người/km².

Dân tộc: Trên địa bàn tỉnh có trên 10 dân tộc, đông nhất là dân tộc Kinh có 1.281.592 người, chiếm 85,57%; Các dân tộc thiểu số như dân tộc Khơ-me có 182.058 người, chiếm 12,16%; dân tộc Hoa có 32.693 người, chiếm 2,18%; dân tộc Tày có 204 người, chiếm 0,01%; dân tộc Chăm có 362 người, chiếm 0,02%; các dân tộc khác: dân tộc Nùng có 40 người, dân tộc Ngái có 88 người, dân tộc Mông, Gia rai, Ê-đê, Mnông, Phù Lá, La Hủ, … có 730 người, chiếm 0,05%.

Lịch sử
Kiên Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm tận cùng phía Tây-Nam của Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Kiên Giang có quá trình hình từ khá lâu, qua tài liệu lưu trữ lịch sử, xin giới thiệu quá trình hình thành, tách và sáp nhập tỉnh Kiên Giang.Từ những năm 1757, Kiên Giang là một đạo ở vùng Rạch Giá thuộc Trấn Hà Tiên do mạc Thiên Tích lập.

Đến năm 1808 (Gia Long năm thứ 7), đạo Kiên Giang được đổi thành huyện Kiên Giang. Triều Minh Mạng, Kiên Giang thuộc phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên. Từ ngày 15/6/1867, đổi thành hạt Thanh tra Kiên Giang. Ngày 16/8/1967 đổi tên thành hạt Kiên Giang, thuộc tỉnh Rạch Giá.

Năm 1956, theo Sắc lệnh số 143-NV, tỉnh Hà Tiên bị bãi bỏ và 4 quận (gồm Châu Thành, Hòn Chông, Giang Thành, Phú Quốc) được sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá để thành lập tỉnh Kiên Giang. Đến tháng 5/1965, tỉnh Hà Tiên được tái lập lại.

Năm 1957, theo Nghị định số 281-BNV/HC/NĐ ấn định các đơn vị hành chính tỉnh Kiên Giang gồm 6 quận (Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Hà Tiên, Phú Quốc); có 7 tổng; 58 xã.Theo Nghị định số 368-BNV/HC/NĐ ngày 27/12/1957 bổ túc Nghị định số 281-BNV/HC/NĐ ấn định các đơn vị hành chánh tỉnh Kiên Giang. Điều 1 của Nghị định này nêu rõ, quận Kiên An gồm thêm xã Vĩnh Tuy.

Ngày 13/6/1958, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành ban hành Nghị định 314-BNV/HC/NĐ về việc sửa đổi đơn vị hành chính tỉnh Kiên Giang. Tại điều 1 của Nghị định này quy định tách quận Kiên Bình thành 2 quận: Kiên Bình và Kiên Hưng.

Như vậy vào thời điểm năm 1958, tỉnh Kiên Giang có 7 quận và 7 tổng, theo niên giám Hành chính 1971 của Việt nam Cộng hòa thì tỉnh Kiên Giang gồm 7 quận: Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Kiên Lu7ung, Hà Tiên, Phú Quốc; 42 xã; 247 ấp. Năm 1973, tỉnh Kiên Giang có 8 quận (Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc, Hiếu Lễ).

Ngày nay, tỉnh Kiên Giang có 15 huyện, thị xã, thành phố (thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, các huyện An Biên, An Minh, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Hải, Kiên Lương, Phú Quốc, Tân Hiệp, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng) và 145 xã, phường, thị trấn.

Điểm du lịch ở Kiên Giang

Đảo Phú Quốc

Phú Quốc được mệnh danh là thiên đường trên biển của Việt Nam bởi hòn đảo này sỡ hữu những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, về hệ sinh thái đa dạng độc đáo với hàng trăm loài động thực vật. Cơ sở hạ tầng dịch vụ nơi đây sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của du khách. Ẩm thực Phú Quốc với các món ăn chủ yếu từ hải sản cùng với nước mắm Phú Quốc trứ danh đủ sức chinh phục bất kì thực khách nào.

Hà Tiên

Nằm ở biên giới tây nam của nước ta, trong quá khứ Hà Tiên là một vùng đất trù phú, là nơi thuyền bè qua lại nhộn nhịp và tấp nập, Hà Tiên khi ấy được cai quản bởi dòng họ Mạc mà tiêu biểu nhất chính là Mạc Cửu, công thần của vùng đất này. Ngày nay du khách đến Hà Tiên sẽ được chiêm ngưỡng những dấu tích còn sót lại của một quá khứ huy hoàng như lăng Mạc Cửu, chùa Phù Dung, Thạch Động, mũi Nai…

Hòn Phụ Tử

Hòn Phụ Tử là thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Kiên Giang thuộc địa phận huyện Kiên Lương, tuy nhiên hiện nay chỉ còn hòn Tử, hòn Phụ bị sụp xuống biển cách đây vài năm. Gần đó là danh thắng chùa Hang, ngôi chùa nằm sâu trong một hang động, toát lên vẻ thiêng liêng kì bí và mỗi năm có rất đông tín đồ và du khách viếng thăm chùa.

Rạch Giá

Thành phố Rạch Giá là trung tâm của tỉnh Kiên Giang, là điểm trung chuyển của du khách khi muốn đến với đảo Phú Quốc, đảo Nam Du. Tại Rạch Giá còn có đền thờ người anh hùng Nguyễn Trung Trực với những chiến công đánh Pháp lẫy lừng, lễ hội tưởng nhớ vị danh nhân này được tổ chức hàng năm thu hút hàng chục ngàn người tham gia.

Đảo Nam Du

Nằm cách thành phố Rạch Giá khoảng 2h di chuyển bằng tàu cao tốc, đảo Nam Du là quần đảo bao gồm hàng chục hòn đảo lớn nhỏ khác nhau. Nơi đây chinh phục du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp cùng với những bãi tắm trong vắt, cát trắng mịn màng. Người dân trên đảo với sự hồn hậu, chân tình và những loại hải sản tươi ngon cũng là điểm nhấn tuyệt vời của Nam Du.

Đảo hải tặc

Chỉ mới nghe cái tên thôi cũng đủ để những ai yêu thích du lịch bụi cũng muốn chộn rộn lên đường, nếu từ Hà Tiên du khách sẽ mất khoảng hơn 1h di chuyển bằng thuyền để đến với đảo. Do đảo chưa phát triển du lịch nên dịch vụ rất hạn chế, bù lại thiên nhiên và các bãi biển nơi đây gần như là nguyên vẹn, chưa bị tác động nhiều bởi du lịch và du khách.

 Kiên Giang ăn gì ngon?

Bún cá Rạch Giá

Bún cá là món ăn rất quen thuộc trong thực đơn sáng của người dân miền tây, tuy mỗi địa phương đều có điểm đặc biệt riêng nhưng món bún cá Rạch Giá vẫn để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách bởi hương vị độc đáo, hợp khẩu vị. Bún cá ở đây ngoài cá là nguyên liệu chính còn có tép tươi ăn kèm nên cảm giác món ăn còn đậm đà và tinh tế hơn.

Cơm tấm chợ Tân Hiệp

Món ăn không thể quen thuộc hơn với du khách vì gần như bất kì góc nào ở miền Nam cũng dễ dàng tìm thấy chỗ bán. Ở Kiên Giang thì thị trấn Tân Hiệp là nơi bán cơm tấm ngon nhất, ngoài các nguyên liệu phổ biến như sườn bì chả thì sườn cây, dưa chua, nước chấm ăn kèm cũng độc đáo không kém. Chính điều đó đã làm cho danh tiếng của cơm tấm Tân Hiệp bay xa.

Bún kèn Hà Tiên

Món ăn đặc trưng của vùng đất Hà Tiên, người bán món ăn này ngay từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đã rất cẩn trọng và khi nấu thì càng chăm chút hơn từ nước lèo cùng gia vị ăn kèm. Món bún kèn trông rất bắt mắt với một lớp tôm khô giã nhuyễn được rắc ở phía trên, phía dưới là rau sống các loại.

Xôi xiêm

Xôi xiêm là món ăn đặc trưng của Kiên Giang, xôi xiêm có thể là xôi mặn hoặc là xôi ngọt. Nếu là xôi ngọt thì chan thêm lớp nước dừa béo ngậy lên phía trên, còn xôi mặn thì có kèm theo tôm khô, trứng gà.

Bánh canh ghẹ chả

Bánh canh ghẹ là món ăn nức tiếng của Nam Bộ bởi hương vị thơm ngon và chất lượng tuyệt vời, tuy nhiên ở Hà Tiên người dân nơi đây còn bán cả chả cá trong món bánh canh ghẹ. Chả cá là chả cá thu được làm từ những con cái tươi ngon nhất vừa được ngư dân đánh bắt về. Ghẹ chắc nịch, bổ dưỡng, nước dùng được nấu từ tôm khô, xương heo và thậm chí là đầu cá thu cho ngọt nước.

Gỏi cá trích

Món ăn được nhiều du khách lựa chọn khi đến với đảo ngọc Phú Quốc, con cá trích tươi ngon được làm sạch rồi cắt thành từng miếng nhỏ, khi ăn cuốn với bánh tráng, rau sống thêm chút đậu phộng cho bùi rồi chấm với nước mắm ngon thì không gì tả được.

Nấm tràm Phú Quốc

Nấm tràm mọc nhiều ở những cánh rừng già trên đảo Phú Quốc, nấm tràm rửa sạch rồi được dùng làm nguyên liệu để nấu thành món lẩu nấm tràm với hải sản hoặc canh gà nấm tràm. Vị ngọt giòn của nấm tràm càng làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn.

Chơi gì khi tới Kiên Giang?

Khám phá đảo

Kiên Giang là tỉnh duy nhất ở miền tây sở hữu những quần đảo với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, có thể kể đến như quần đảo Nam Du, An Thới, Hải tặc. Tại đây các bạn có thể thỏa thích hòa mình vào thiên nhiên, lặn biển khám phá thế giới đại dương kì bí.

Chinh phục vườn quốc gia

Kiên Giang có hai vườn quốc gia là Phú Quốc và U Minh Thượng, nếu như ở U Minh Thượng với hệ sinh thái ngập nước với những cánh rừng đước, rừng tràm thì ở VQG Phú Quốc nổi trội với các cánh rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi, hệ sinh thái biển đảo độc đáo.

Tận hưởng những bãi biển đẹp

Những bãi biển đẹp nhất ở Kiên Giang có thể kể đến như biển mũi Nai ở Hà Tiên, bãi Sao, bãi Dài, bãi Kem, bãi Gành Dầu, bãi Móng tay…ở Nam Du thì có bãi Mến, bãi Ngự, bãi Chệt, hòn Nồm, hòn Mấu…

Tìm hiểu về văn hóa bản địa

Kiên Giang nói chung và vùng đất Hà Tiên nói riêng là nơi có lịch sử lâu đời, gắn liền với sự phát triển của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có nhiều dấu tích của dòng họ Mạc với Tao Đàn Chiêu Anh Các, với Hà Tiên Thập Vịnh.