X

Du lịch bụi Hậu Giang

Tỉnh Hậu Giang nằm ở đồng bằng sông Cửu Long. Phía bắc giáp thành phố Cần Thơ; phía nam giáp tỉnh Sóc Trăng; phía đông giáp sông Hậu và tỉnh Vĩnh Long; phía tây giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu. Cách Thành phố Hồ Chí Minh 240 km, cách thành phố Cần Thơ 60km.

Mã vùng điện thoại: 0711

Biển số xe: 95

Tổ chức hành chính: Hậu Giang có 7 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố (Thành phố Vị Thanh), 1 thị xã (Thị xã Ngã Bảy) và 5 huyện (Huyện Châu Thành, Huyện Châu Thành A, Huyện Long Mỹ, Huyện Phụng Hiệp, Huyện Vị Thủy).

Khí hậu: Hậu Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành hai mùa rõ rệt. Mùa mưa có gió Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô có gió Đông Bắc từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm. Nhiệt độ trung bình là 270C không có sự trên lệch quá lớn qua các năm. Tháng có nhiệt độ cao nhất (350C) là tháng 4 và thấp nhất vào tháng 12 (20,30C).

Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, chiếm từ 92 – 97% lượng mưa cả năm. Lượng mưa ở Hậu Giang thuộc loại trung bình, khoảng 1800 mm/năm, lượng mưa cao nhất vào khoảng tháng 9 (250,1mm).
Ẩm độ tương đối trung bình trong năm phân hoá theo mùa một cách rõ rệt, chênh lệch độ ẩm trung bình giữa tháng ẩm nhất và tháng ít ẩm nhất khoảng 11%. Độ ẩm trung bình thấp nhất vào khoảng tháng 3 và 4 (77%) và giá trị độ ẩm trung bình trong năm là 82%.

Diện tích: 1.602,5 km²

Dân số: Dân số tỉnh Hậu Giang năm 2011 là 768.761 người, mật độ 480 ng/km2.

Thành phần dân tộc: Việt, Hoa, Chăm, Khmer

Lịch sử
Trước đây (1976-1991) tỉnh Hậu Giang cũ bao gồm 3 đơn vị hành chính hiện nay là thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang. Cuối năm 1991 tỉnh Hậu Giang được chia thành hai tỉnh: Cần Thơ và Sóc Trăng. Ngày 1 tháng 1 năm 2004 tỉnh Cần Thơ được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang ngày nay.

Sau thời Mạc Cửu đến thời Mạc Thiên Tứ (thế kỷ 18), đã có những bước chân đầu tiên dọc theo sông Cái Lớn, cái Bé – nhưng mãi đến những đợt khai thác sau này, thì một phần lớn vùng đất thuộc tỉnh Hậu Giang hôm nay mới thật sự chuyển mình. Nếu trước 1897, khu vực huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Long Mỹ (tỉnh Rạch Giá) mới chỉ có 2 tổng, không tới 10 thôn – thì đến năm 1939, riêng quận Long Mỹ có đến 3 tổng, 12 làng:

Tổng An Ninh gồm các làng: Hòa An, Hỏa Lựu, Long Bình, Vị Thủy, Vĩnh Thuận Đông và Vĩnh Tường. Tổng Thanh tuyên với các làng: Lương Tâm, Thuận Hưng, Vĩnh tuy, Vĩnh Viễn và Xà Phiên. Tổng Thanh Giang có các làng: An Lợi, Long Phú, Phương Bình, Phương Phú, Tân Long và Long Trị. Vùng đất thuộc huyện Vị Thủy ngày nay là xã Vị Đông, Vị Thanh (xưa thuộc quận Giồng Riềng).

Quận phụng hiệp, trước khi đào kênh chỉ ởphạm vi một vài làng, đến năm 1939, có đến 2 tổng, 14 làng. Tổng Định Hòa có các làng: Hòa Mỹ, Mỹ Phước, tân Bình, Tân Hưng, Tân Lập, Thạnh Hưng, Thạnh xuân, Trường Hưng. Tổng Định Phước có các làng: Đông Sơn, Như Lang, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Thường Phước, Trường Thạnh Sơn.

Như vậy, vùng đất xưa chủ yếu là quận Long Mỹ (tỉnh Rạch Giá) và quận Phụng Hiệp (tỉnh Cần Thơ), địa giới hành chính vẫn còn giữ cho đến suốt thời kỳ chống Pháp. Sau Hiệp định Geneve 1954, khi Pháp rút, Mỹ can thiệp ở miền Nam, lập chế độ Ngô Đình Diệm, thì vùng đất Long Mỹ – Phụng Hiệp lại có nhiều thay đổi.

Khoảng 1960, quận Long Mỹ được tách ra, thành lập 1 quận mới tên Đức Long. Hai quận đều trực thuộc tỉnh Phong Dinh, bao gồm các xã: Vị Thanh, Vị Thủy, Vĩnh Tường, Hỏa Lựu, Vị Đức, Hòa An (về sau bổ sung thêm 1 xã từ quận Giồng Riềng là Ngọc Hòa). Quận Đức Long đóng tại xã Hỏa Lựu, năm 1963 dời về xã Vị Thủy (chân cầu Nàng Mau), quá trình lập quận mới Đức Long – chính quyền Ngô Đình Diệm xây 2 khu trù mật: Vị Thanh – Hỏa Lựu, khánh thành ngày 1/3/1961.

Với ý đồ ngăn chặn lực lượng cách mạng từ cửa ngõ U Minh, siết chặt việc kiểm soát dân chúng, bảo vệ Cần Thơ và vùng 4 chiến thuật – Tổng thống chế độ ngụy Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập tỉnh Chương Thiện ngày 21/12/1961. Sau đó, lễ khánh thành tỉnh Chương Thiện được tổ chức trọng thể vào ngày 3/1/1962. Tỉnh Chương Thiện bao gồm 5 quận: Long Mỹ, Đức Long, Kiến Hưng (huyện Gò Quao, Kiên Giang ngày nay), quận Kiến Thiện (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu ngày nay), quận Kiến Long (huyện Vĩnh thuận, Kiên Giang ngày nay).

Thời chống Mỹ, về phía ta khu vực tỉnh Chương Thiện vẫn thuộc 2 tỉnh Cần Thơ, Rạch Giá chỉ đạo. Quận Long Mỹ, thị xã Vị Thanh thuộc Cần Thơ, Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận thuộc Kiên Giang. Sau ngày giải phóng, địa giới hành chính vùng đất Long Mỹ – Vị Thanh có sự điều chỉnh: Lúc đầu thị xã Vị Thanh trực thuộc tỉnh Hậu Giang cũ (1975-1977).

Đến 1/1/1978, thị xã Vị Thanh được ghép với quận Long Mỹ, phần nội ô và vùng ven thị xã trở thành thị trấn Vị Thanh. Từ 15/2/1982, huyện Long Mỹ lại tách ra thành 2 huyện: Vị Thanh, Long Mỹ. Ngày 1/7/1999, Chính phủ ký Nghị định số 45/CP thành lập thị xã Vị Thanh và đổi tên huyện Vị Thanh thành huyện Vị Thủy, tất cả đều thuộc tỉnh Cần Thơ. Ngày 1 tháng 1 năm 2004 tỉnh Cần Thơ được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang ngày nay.

Nếu kể từ thời Mạc Thiên Tứ thì dãy đất phía Tây sông Hậu được khai thác gần 300 năm. Nếu tính từ các đợt khai thác lớn, những thập niên cuối thế kỷ 19 thì một phần lớn vùng đất Hậu Giang hôm nay, có quá trình hình thành và phát triển trên 100 năm.

Điểm du lịch ở Hậu Giang

Chợ nổi Ngã Bảy

Đây là một trong những chợ nổi lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, chợ được xuất hiện trong bản vọng cổ nổi tiếng “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu. Chợ là nơi hội tụ của 7 con sông nhỏ như: Mang Cá, Kênh Xáng, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Còn, Xẻo Vông và Xẻo Môn.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Tọa lạc tại xã Phương Bình của huyện Phụng Hiệp, khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với diện tích gần 3.000ha là nơi đặc trưng của hệ sinh thái ngập nước với hàng trăm loài động thực vật khác nhau. Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm một thế giới thiên nhiên hoang dã và độc đáo.

Di tích Tầm Vu

Chiến thắng Tầm Vu ngày 19/4/1948 là một trong những trận đánh nổi tiếng của đồng bằng sông Cửu Long, ghi một dấu ấn đậm nét trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Ngày nay di tích nổi bật với tượng đài chiến thắng Tầm Vu với chiều cao 8m và hình ảnh trâu kéo pháo trên tấm phù điêu.

Ăn gì ở Hậu Giang

Cháo lòng Cái Tắc

Cháo lòng là món ăn rất phổ biến trong bữa sáng hàng ngày của người dân Nam Bộ, mỗi nơi sẽ có những bí quyết để tạo nên hương vị thơm ngon cho món ăn này và Cái Tắc Hậu Giang cũng không nằm ngoài quy luật đó, vẫn là cháo, tim gan phèo, phổi nhưng cháo lòng Cái Tắc lại chinh phục được thực khách bởi hương vị độc đáo và rất riêng của mình. Chỉ cần du khách ăn một lần thì sẽ nhớ mãi.

Chả cá thác lác

Món chả cá thác lác ở Hậu Giang cực kì nổi tiếng với du khách gần xa, món này ngon nhất là chiên sả ớt sau đó cắt thành từng miếng và ăn với tương ớt, rau sống thì không còn gì bằng.

Bún gỏi già

Bún gỏi già với nguyên liệu chính là mắm cá linh, ngoài ra còn thêm chút me để co vị chua chua ngọt ngọt không cho cảm giác ngán. Ngoài ra còn có những con tép, tôm luộc với màu đỏ bắt mắt và các loại rau sống ăn kèm càng làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn.