X

Du lịch bụi Pleiku

Thành phố Pleiku là đô thị phía bắc Tây Nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Đaklak, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Atopu của Lào và tỉnh Ranatakin của Campuchia.

Khoảng cách: nằm trên trục giao thông giữa quốc lộ 14, quốc lộ 19 nối thông suốt cả nước, gần ngã ba Đông Dương, nằm trên cung đường Hồ Chí Minh, và trong vùng tam giác tăng trưởng các tỉnh lân cận, cũng như các quốc gia láng giềng như Campuchia, Lào.

Tổ chức hành chính:
Thành phố pleiku được thành lập này 25/2/1999. Thành phố Pleiku có 14 phường: Hoa Lư, Yên Đỗ, Ia Kring­, Diên Hồng, Trà Bá, Hội Phú, Thống Nhất, Hội Thương, Thắng Lợi, Tây Sơn, Phù Đổng, Chi Lăng, Yên Thế, Đống Đa và 9 xã: Biển Hồ (xã), Chư HDrông, An Phú, Trà Đa, Gào, Diên Phú, Tân Sơn, Ia Kênh, Chư Á.

Khí hậu:

Diện tích: Tổng diện tích tự nhiên là 26.166,36 ha. Diện tích đất nội thành là 7.346,11 ha.

Dân số: Dân số trung bình 214.710 người (31/2/2010)

Dân tộc: Pleiku hiện có 24 dân tộc đang sinh sống; người Kinh chiếm đa số (87,9%), còn lại là các dân tộc khác, chủ yếu là các dân tộc Gia Rai và Ba Na (12,08%). Số người trong độ tuổi lao động khoảng 115.060 người chiếm 56,6% dân số.

Tên gọi, lịch sử
Địa danh Pleiku được viết nhiều cách khác nhau. Ngoài cách viết quen thuộc là Pleikunhư trong các văn bản từ thời thuộc Pháp, dưới chính quyền Sài Gòn (VNCH) và hiện địa phương vẫn sử dụng; còn có cách viết theo phiên âm tiếng Việt là Plây Cu; cũng có người đề nghị viết tách ra là Plei Ku với lý giải Plei là làng, Ku là cái đuôi. Trong logic lịch sử ngôn ngữ tộc người thì cách viết này không phù hợp. Vì plei / pơlei là danh từ chung chỉ làng của người Bahnar, mà bộ phận dân cư chủ yếu trên cao nguyên Pleiku lại là người Jrai, mà người Jrai thì lại gọi làng của mình là plơi chứ không phải là plei; có ý kiến đề nghị cách viết Plơi Aku nhưng không phổ biến.
Trong tài liệu thư tịch, tại Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905, Plei-Kou đã xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản, với nội dung: đem vùng miền núi phía tây tỉnh Bình Định thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei-Kou-Derr tỉnh lỵ đặt tại làng Jrai Pleikou.
Nhưng gần 2 năm sau đó, Nghị định Toàn quyền ngày 25-4-1907 đã xoá tỉnh Plei-Kou-Derr. Đất đai của tỉnh này được chia 2 phần, một phần nhập vào tỉnh Bình Định, một phần nhập vào tỉnh Phú Yên.
Theo Nghị định Toàn quyền ngày 24-5-1925, đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập. Từ đây, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Ngày 03-12-1929 theo Nghị định Khâm sứ Trung kỳ, thị xã Pleiku đã được thành lập. Gần 3 năm sau đó, ngày 24-5-1932 và ngày 4-03-1933 Nghị định Toàn quyền tiếp tục tách phần đất thuộc đại lý Pleiku cũ (thuộc tỉnh Kon Tum) để thành lập tỉnh Pleiku.
Ngày 27-7-1953 Nghị định số 495-Cab/Ml của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam(VNCH) đặt trung tâm các tỉnh thuộc Hoàng triều cương thổ phía Nam (các tỉnh thuộc Tây Nguyên hiện nay – TG chú thích) thành thị trấn. Pleiku cùng Dran, Djiring, Blao, Ban Mê Thuật, Kon Tum đều là thị trấn.
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954) chính quyền Sài Gòn vẫn lấy Pleiku làm tỉnh lỵ của tỉnh cùng tên.
Ngày 26-01-1957 Nghị định số 27-BNV/HC/NĐ của Bộ Nội vụ VNCH bãi bỏ nghị định số 495-Cab/Ml của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam, các thị trấn được đổi thành xã, thị xã Pleiku trở thành xã Pleiku .
Dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, Pleiku vẫn được gọi là thị xã, nhưng nằm trong xã Hội Thương – Hội Phú . Từ năm 1962, chính quyền Sài Gòn mới quy hoạch mở rộng thị xã này.
Như vậy: Từ năm 1932-1975, dưới thời thuộc Pháp cũng như chính quyền Sài Gòn, Pleiku là tên tỉnh, đồng thời có giai đoạn là tên thị trấn, thị xã nhưng trực thuộc xã (chứ không phải là cấp hành chính thị xã tương đương quận, huyện hiện nay) và luôn là tỉnh lỵ của tỉnh Pleiku.
Sau tháng 3 năm 1975, Pleiku là tên thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Gia Lai (trước và sau khi sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum), và tỉnh Gia Lai – Kon Tum (trong thời gian nhập tỉnh 1976-1991).
Ngày 24-4-1999 theo Nghị định số 29/NĐ của Chính phủ, thị xã Pleiku được nâng lên thành phố (đô thị loại III) thuộc tỉnh Gia Lai.
Theo Quyết định số: 249/QĐ-TTg, ngày 25-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Pleiku được công nhận là đô thị loại II. Đây là đô thị trung tâm của Bắc Tây Nguyên, có vị trí địa lý quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng với diện tích hơn 26.000 ha, dân số hơn 236.000 người thuộc 28 dân tộc.

Về nguồn gốc địa danh Pleiku, hiện có 2 truyền thuyết:
• Truyền thuyết thứ nhất do Rơmah Del sưu tầm và dịch:
Ngày xưa ở làng Brel có 2 gia đình gả con cho nhau. Theo đúng tục lệ của người Jrai, sau khi lấy vợ, người chồng phải về ở rể suốt đời nên khi làm lễ cưới cô dâu phải lo mọi lễ vật.
Cưới được mấy hôm, cô dâu phải làm lễ tạ ơn cha mẹ chồng. Nàng giết một con lợn rất to và một con trâu đực. Hơn một tháng sau, người chồng phải làm lễ tạ ơn cha mẹ vợ tại làng mình. Vì là gia đình giàu có lại rất có uy tín nên anh em họ hàng và lũ làng kéo đến chia vui rất đông. Rượu ghè nhiều không đếm xuể. Già làng phân công những người có kinh nghiệm giết bò, còn việc thui và mổ heo thì giao cho lũ thanh niên. Chúng hí hửng vừa đùa giỡn, vừa xẻ thịt nướng ăn và ăn luôn cả cái đuôi lợn. Khi bày lễ vật ra cúng, không có đuôi lợn, người nhà lật đật xuống dưới gọi lũ thanh niên giết lợn khác. Nhưng cũng như lần trước, lần này vì quá đói chúng lại ăn mất cái đuôi. Cứ như thế, lục đục mãi đến tối buổi lễ mới bắt đầu.
Để trừng phạt lũ thanh niên đã ăn vụng đuôi lợn, già làng đặt tên làng này là plei Ku nghĩa là “cái đuôi” với dụng ý mỗi khi gọi đến tên làng thì bọn thanh niên phải xấu hổ vì hành động của mình.
Từ làng gốc đó, sau này plei Ku còn tách ra nhiều làng nhỏ: plơi Ku Roh, plơi Ku Tong, plơi Ku Blang…

•  Truyền thuyết thứ hai (do Ty Thông tin tỉnh Pleiku (VNCH) sưu tầm và công bố vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX):
Nhân một ngày hội lớn, người Jrai quần tụ quanh nhà rông để tộc trưởng cúng yang. Giữa lúc dân làng đang vui mừng nhảy múa quanh con trâu cúng yang, thì xảy ra một cuộc xô xát giữa 2 con trai tộc trưởng. Họ tranh nhau cái đuôi trâu, bởi theo phong tục của người Jrai, nếu ai chiếm được đuôi trâu để tế Trời – Đất là một vinh dự lớn.
Cuối cùng, người chiếm được đuôi trâu được lưu lại vùng đất này và đặt tên làng là Aku (cái đuôi) với dụng ý đề cao chiến thắng của mình. Người không chiếm được đuôi trâu phải dạt đi, lập các làng mới.
Chúng tôi thiên về cách giải thích theo truyền thuyết thứ hai. Vì trên thực tế, các địa danh thường đề cao uy danh của cộng đồng, chứ không mấy khi gắn với những nguồn gốc bất lợi cho uy tín của bộ phân cư dân chủ thể.
Pleiku đã trở thành một địa danh tồn tại độc lập suốt gần một thế kỷ. Dù bắt đầu từ nghĩa gốc plơi Aku tức là làng đuôi, nhưng đến nay Pleiku đã được chấp nhận như một tên riêng và mang tải những giá trị riêng của nó. Lịch sử luôn vận động, mà lịch sử của các địa danh cũng không là ngoại lệ. Vậy hãy để cái tên Pleiku đã gắn với cả quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này được tồn tại như nó đã tồn tại với tư cách là một địa danh – một tên riêng, với những giá trị lịch sử – văn hóa riêng chứ không đơn thuần chỉ được hiểu với nghĩa “Làng Đuôi”.