Tỉnh Đồng Tháp nằm ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Phía bắc giáp tỉnh Prây Veng (Campuchia), phía nam giáp Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, phía tây giáp An Giang, phía đông giáp Long An và Tiền Giang. Tỉnh lỵ của Đồng Tháp hiện nay là thành phố Cao Lãnh, cách thành phố Hồ Chí Minh 162 km.
Mã vùng điện thoại: 067
Biển số xe: 66
Tổ chức hành chính: Tỉnh Đồng Tháp có 12 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố (thành phố Cao Lãnh), 2 thị xã (thị xã Sa Đéc và thị xã Hồng Ngự) và 9 huyện (Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình, Tháp Mười).
Diện tích: 3.377,0 km²
Dân số: Dân số tỉnh Đồng Tháp năm 2011 là 1.673.200 người. Mật độ: 495 người/km².
Thành phần dân tộc: Việt, Khmer, Hoa, Ngái
Khí hậu: Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Đồng Tháp có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 27 độ C, lượng mưa từ 1240 – 1450 mm.
Lịch sử
Do đặc điểm hình thành, tỉnh Đồng Tháp là sự hợp nhất của 2 vùng Nam và Bắc Sông Tiền, tương ứng với 2 địa danh Sa Đéc và Cao Lãnh. Dù mỗi vùng đều có những nét đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội nhưng tựu trung vẫn là một quá khứ đầy chứng tích oai hùng.
Theo nhà văn Sơn Nam, người được mệnh danh là Nhà Nam bộ học thì vùng đất phía Nam của tỉnh Đồng Tháp mà trung tâm là Sađéc có một vị trí cực kỳ quan trọng. Ông viết, ” Bản lề giữa sông Tiền và Sông Hậu, giữa vùng đồng bằng và cảng Sài Gòn, giữa đồng bằng và nước Campuchia, lần hồi hình thành một vùng đất mà mãi đến nay người dân địa phương vẫn tự hào”.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ít nhất từ đầu thế kỷ XVII hay cuối thế kỷ XVI đã có lưu dân Việt đến vùng Sa Đéc khẩn hoang, lập ấp. Sa Đéc là từ tiếng Khơme, có nghĩa là “chợ Sắt”. Bán dụng cụ nông nghiệp rèn bằng Sắt hay nhà lồng chợ bằng sắt? Chưa có cách lý giải nào được cho là thuyết phục nhất về địa danh này nhưng có thể nói vùng Sa Đéc là phần đất mới nhất trên đường mở nước dứt điểm vào năm 1757 của Nguyễn Cư Trinh, một vị quan từng lập thành tích an dân ở Quảng Ngãi, ông vào Nam khi mới 37 tuổi.
Việc khẩn hoang tiến hành ở Sađéc bấy giờ còn thô sơ, nhân công ít ỏi. Người dân đất mới an cư lạc nghiệp chưa được bao lâu thì lại phải đối phó với cuộc nội chiến giữa Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn. Gần 10 năm, quân sĩ hai bên truy nã nhau ờ vùng Sa Đéc mà di tích quan trọng nhất vào thời này ta còn tìm thấy là Bảo Tiền, Bảo Hậu ở Long Thắng và đập Đá Hàn ở Long Hậu (Lai Vung).
Sau thời nội chiến, Sa Đéc đi vào ổn định. Gia Long lên ngôi, vùng Sa Đéc là một phần của huyện Vĩnh An. Với vị trí địa lý thuận lợi, khu vực bên sông Tiền là Tân Châu, Hồng Ngự xuống Sađéc được Gia Long quy hoạch là trung tâm kinh tế. Suốt một thời gian dài sau đó, Sa Đéc trở thành chợ sung túc nhất ở đồng bằng Sông Cửu Long chỉ thua Sài Gòn, Chợ Lớn, mãi cho đến khi Cần Thơ hình thành. Có thể nói, suốt thời Gia Long – Minh Mạng, Sa Đéc phát triển hết sức mạnh mẽ nhờ kinh tế thị trường, giao lưu hàng hoá với các khu vực trong vùng và cả Campuchia.
Đến khi Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây, năm 1889 Sa Đéc đã trở thành tỉnh lỵ được đô thị hoá theo mô hình áp dụng cho toàn Nam kỳ thuộc địa. Kể từ đó, Sa Đéc tự trói mình trong phạm vi tỉnh lẽ trong bộ máy cùm kẹp của thực dân. Thời này, Nam Kỳ chia thành 20 tỉnh đến Chính quyền Sài Gòn lại cắt Nam Bộ thành 26 tỉnh. Tỉnh Sa Đéc cắt phần đất nằm ở tả ngạn sông Tiền để lập tỉnh Kiến Phong mới.
Còn vùng Cao Lãnh nằm ở phía Bắc sông Tiền cũng có một quá khứ không kém hào hùng. Sử sách còn ghi, vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, một số lưu dân thôn Bả Canh (nay thuộc xã Đập Đá, thị trấn Đập Đá, tỉnh Bình Định) vào khai hoang, định cư ven bờ con sạch Cái Sao Thượng hình thành nên xóm Bả Canh. Người có công lớn trong việc quy dân khai phá lập nên thôn ấp là Nguyễn Tú, ông được tôn làm Tiền Hiền của làng, nay bia Tiền Hiền còn tìm thấy ở gần khu vực cầu Đình Trung, phường II, thành phố Cao Lãnh.
Trong buổi đầu khai hoang, lập ấp, khu vực này thuộc quyền quản lý của Khố trường Bả Canh. Khố trường lúc bấy giờ chưa phải là phân hạt hành chính mà là một nơi thu thuế bằng hiện vật do các chúa Nguyễn thiết lập ở những nơi thôn, ấp còn rời rạc chưa liền ranh để có thể thành lập các cấp hành chính khác. Khố trường đặt nơi nào thì lấy tên thôn xóm đó làm tên. Từ năm 1732, khố trường Bả Canh thuộc châu Định Viễn (dinh Long Hồ).
Cuộc đo đạc địa chính năm 1836 cho thấy trên địa bàn thành phố Cao Lãnh ngày nay có 8 thôn nhưng 3 thôn Mỹ Trà, Mỹ Nghĩa, Tân An thuộc tổng Phong Thạnh, phân huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường còn 5 thôn thuộc tổng An Tịnh, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang là Phú An Đông, Tân Tịch, Tịnh Thới, Tân Thuận và Hoà An. Đến năm 1838 lập huyện Kiến Phong và Phủ Kiến Tường, huyện lỵ Kiến Phong và Phủ lỵ Kiến Tường đều đặt tại thôn Mỹ Trà.
Hoà ước 1862, công nhận sự chiếm đóng của thực dân Pháp trên 3 tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, chúng chia các tỉnh thành các tham biện. Khu tham biện Cần Lố quản lý cả huyện Kiến Phong, chúng dời Phủ Kiến Tường từ Mỹ Trà về vàm Cần Lố và sáp nhập tham biện Cần Lố vào khu tham biện Tân Thành (Sa Đéc).
Đến đầu thế kỷ, bằng Nghị định toàn quyền, thực dân Pháp quy định kể từ ngày 1/1/1900 các tham biện ở Nam Kỳ thống nhất gọi là tỉnh. Theo đó, địa bàn Cao Lãnh thuộc tỉnh Sađéc. Đến đầu năm 1914, quận Cao Lãnh đựơc thành lập. Đây là lần đầu tiên Cao Lãnh, một tên chợ được chọn làm tên cho một quận. Khu hành chánh nằm ở bờ sông Cao Lãnh, phía Hoà An, bên kia sông là khu thương mại với nhà lồng chợ khá sầm uất, kề bên là bến tàu ngày đêm tấp nập.
Đến thời chính quyền Sài Gòn, tỉnh Kiến Phong được thành lập vào ngày 22/10/1956, Cao Lãnh trở thành tỉnh lỵ.
Nếu xét về quy mô, Cao Lãnh là một tỉnh lỵ nhỏ nhưng do vị trí đặc biệt và điều kiện khách quan, mỗi giai đoạn lịch sử quan trọng của Nam bộ đều ghi dậm dấu ấn nơi đây. Đầu tiên là sự xuất hiện của Khố trường Bả Canh đánh dấu thành công bước đầu của công cuộc khai hoang ở thế kỷ XVII, XVIII.
Bước sang thế kỷ XIX, trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Mỹ Trà đã là chiến trường ác liệt của nghĩa quân Thiên Hộ. Trong vài thập niên đầu của thế kỷ XX, Cao lãnh là một trong những địa phương có phong trào Đông Du rầm rộ ở Nam Kỳ mà nổi bật là nhà cách mạng Nguyễn Quang Diêu, được coi là một lãnh đạo của phong trào Đông Du. Cao Lãnh còn là nơi dừng chân của các nhà yêu nước như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Sinh Sắc v.v.
Phát huy truyền thống đó, nhiều thanh niên vùng Hoà An, Cao Lãnh sớm giác ngộ gia nhập tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội rồi trở thành những Đảng viên Đảng cộng sản đầu tiên. Chi bộ đầu tiên đã được thành lập tại làng Hoà An vào cuối năm 1929. Từ ấy, dưới ánh sáng của Đảng soi đường, người dân Cao Lãnh đã kiên cường đấu tranh, góp phần cùng cả miền Nam giành thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước và cũng kể từ ngày 30/4/1975, vùng Cao Lãnh được sát nhập với Sa Đéc thành tỉnh Đồng Tháp ngày nay.
Trong giai đoạn đầu, Sa Đéc được chọn là thị xã Tỉnh lỵ. Đến năm 1989, nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển vùng Đồng Tháp Mười đầy tiềm năng, trung tâm tỉnh lỵ được dời về Cao Lãnh. Được sự đầu tư của Trung ương, nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương cùng chung tay góp sức, Cao Lãnh không ngừng phát triển và đã được công nhận là thành phố vào năm 2006 vừa qua. Người dân Đồng Tháp hôm nay không khỏi tự hào với một thành phố trẻ, bên dòng sông Tiền đang từng ngày, từng giờ vươn mình đi lên cùng đất nước.
Nên đi Đồng Tháp thời gian nào?
Hầu như các bạn có thể đến với Đồng Tháp vào lúc nào trong năm cũng được, tuy nhiên nếu được chọn thì nên đi vào các thời điểm sau:
- Mùa nước nổi: từ tháng 8 tới tháng 10 hàng năm.
- Mùa sếu đầu đỏ: dao động từ tháng 4 tới tháng 9.
- Mùa lễ hội: lễ hội ở Tràm Chim, lễ hội Gò Tháp, lễ hội bà chúa xứ Đồng Tháp.
Các điểm tham quan ở Đồng Tháp
Khu du lịch Xẻo Quýt
Xẻo Quýt trong quá khứ là căn cứ kháng chiến của tỉnh ủy Kiến Phong và quân dân nơi đây, Xẻo Quýt với lợi thế là những cánh rừng tràm dày đặc và hệ thống sông ngòi chằng chịt tạo nên bức tường phòng thủ vững chắc. Ngày nay khu du lịch sinh thái Xẻo Quýt là điểm dừng chân cho những du khách yêu thích thiên nhiên, muốn trải nghiệm văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa.
Vườn quốc gia Tràm Chim
VQG Tràm Chim thuộc địa phận huyện Tam Nông, là một trong 4 VQG ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Tràm Chim với hệ sinh thái ngập nước vô cùng độc đáo với hàng trăm loài động thực vật khác nhau, trong đó nổi bật nhất là sếu đầu đỏ. Đồng cỏ hoàng đầu ấn tại đây sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thật mới mẻ.
Khu du lịch Gáo Giồng
Trong quá khứ Gáo Giồng là vùng đất ngập nước, nhiễm phèn nặng của vùng Đồng Tháp Mười. Với quyết tâm của quân dân Đồng Tháp đã biến Gáo Giồng trở thành khu du lịch sinh thái hàng đầu của Nam Bộ. Nơi đây có hệ thống rừng tràm dày đặc, hệ sinh thái phong phú, phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng với không gian thanh bình nhẹ nhàng.
Sa Đéc
Sa Đéc là điểm dừng chân không thể bỏ qua trong các chuyến du lịch bụi miền tây, nơi đây từng là trung tâm mua bán, trung chuyển hàng hóa cực kì sầm uất và nhộn nhịp. Ngày nay Sa Đéc vẫn giữ được cho riêng mình các công trình kiến trúc cổ như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Kiến An Cung. Ngoài ra du khách có thể ghé thăm làng hoa Tân Quy Đông, vựa hoa lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long.
Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc
Cụ là thân sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, rời làng quê Nghệ An cụ đến với vùng đất Nam Bộ để bốc thuốc và dạy học. Tại đây cụ rất được người dân yêu quý và kính trọng. Khi cụ mất đi người dân Đồng Tháp lập mộ và sau này trở thành một khu di tích nổi tiếng, thu hút nhiều du khách viếng thăm. Bên trong khu lăng mộ còn có bảo tàng với những hình ảnh, tư liệu về cuộc đời cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Gò Tháp
Gò Tháp được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt tọa lạc tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Gò Tháp bao gồm 5 cụm di tích: gò Tháp Mười, Tháp cổ tự, mộ và đền thờ cụ Đốc Binh Kiều, gò Minh Sư, miếu bà chúa xứ. Khu di tích này có giá trị lịch sử, văn hóa và khảo cổ rất lớn.
Lai Vung
Đồng Tháp được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho các hoạt động nông nghiệp. Lai Vung là nơi mà các bạn có thể trải nghiệm điều đó với những vườn quýt trĩu quả, quýt nơi đây vỏ căng bóng, vàng tươi, vị ngọt thanh rất ngon. Lai Vung còn nổi tiếng với nghề làm nem nức tiếng khắp Nam Kì Lục Tỉnh.
Ăn gì khi đi du lịch bụi Đồng Tháp?
Lẩu cá linh bông điên điển
Thời điểm từ tháng 9 tới tháng 11 khi những con nước từ bên kia biên giới đổ về thì người dân Đồng Tháp lại chuẩn bị cho mùa thu hoạch cá linh mới trong năm. Con cá bé xíu này mang đến cho du khách nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó đặc sắc nhất phải kể đến món lẩu cá linh nấu với bông điên điển. Món ăn dân dã này chinh phục thực khách bởi vị ngọt bùi béo của cá hòa quyện với nước mắm nguyên chất và nước lẩu thơm lừng.
Hủ tíu Sa Đéc
Cùng với hủ tíu Mĩ Tho thì hủ tíu Sa Đéc là một trong những món hủ tíu được yêu thích nhất của người dân Nam Bộ. Món hủ tíu ngon thì trước mắt nước lèo phải ngon, nấu từ xương heo ninh nhừ để cho vị ngọt đậm đà và tự nhiên. Sợi hủ tíu mềm, không quá dai, đi kèm với nó là tôm bóc vỏ, thịt bằm, miếng gan tươi ngon và dĩa rau, giá sống bắt mắt.
Chuột quay Cao Lãnh
Khi mùa nước nổi về là lúc mà người dân nơi đây bân rộn với mùa săn chuột đồng, những chú chuột béo núc, căng tròn vì ăn đầy lúa non sẽ là nguyên liệu chính cho món chuột đồng nướng lu ngon tuyệt. Cắn miếng chuột đồng với lớp da giòn tanăn kèm với rau sống, tí ớt hiểm và muối tiêu chanh thì không có gì có thể diễn tả được.
Bông súng mắm kho
Món ăn bình dị, dân dã của người dân Đồng Tháp, bông súng mắm kho dường như có mặt ở bất kì ngôi nhà nào tại đây. Bông súng được chọn phải là bông súng trắng, cọng nhỏ, mềm ngọt chấm với mắm kho đậm đà ăn kèm với cơm trắng là hết ý.
Lẩu riêu cua đồng
Món riêu cua đồng quan trọng nhất vẫn là khâu chọn cua, mà phải là cua đồng chắc nịch, kích thước đều nhau, gạch nhiều để làm ngọt nước dùng và có vị đậm đà đặc trưng. Chan bát canh cua đồng với chén bún trắng ngần, kèm theo là rau súng, rau muống bào, tí giá, xà lách sẽ làm thực khách không muốn buông đũa
Cơm gói lá sen
Tại khu du lịch Gáo Giồng có 1 món ăn mà du khách không thể bỏ qua chính là món cơm gói lá sen, cơm được nấu từ gạo huyết rồng sau đó được hấp chín cùng với hạt sen, muối mè và gói trong lá sen. Khi ăn kèm theo chút lạp xưởng, trứng cắt mỏng và chan chút nước mắm ngon.
Nem Lai Vung
Ngoài trá quýt đã quá nổi tiếng thì vùng đất Lai Vung còn thu hút du khách bởi món nem trứ danh của mình, trước đây người dân Lai Vung làm nem theo cách thủ công nhưng giờ đây với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, nem Lai Vung đã được sản xuất nhiều hơn trước nhưng đặc biệt là vẫn giữ được chất lượng thơm ngon và độc đáo của mình.
Chơi gì ở Đồng Tháp?
Khám phá làng hoa Tân Quy Đông
Nằm ở thị xã Sa Đéc, làng hoa Tân Quy Đông được xem là trung tâm hoa của cả vùng Nam Bộ với hàng trăm hộ gia đình trồng và kinh doanh hoa. Vào những ngày cuối năm, nơi đây như một khu vườn rực rỡ với hàng trăm loài hoa khoe sắc tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp. Du khách có thể ghé thăm bất kì vườn hoa nào, xin phép chủ nhà được chụp hình và tìm hiểu về nghề trồng hoa nơi đây.
Chèo thuyền trong rừng tràm
Trên chiếc xuồng ba lá tuy mỏng manh nhưng lại cực kì vững chãi, các bạn sẽ nhẹ nhàng len lỏi vào những cánh rừng tràm xanh mát ở Xẻo Quýt, Gáo Giồng hay Tràm Chim. Không gian mát mẻ, yên tĩnh cùng với việc tìm hiểu nhiều loài động thực vật sẽ giúp cho du khách có thêm những trải nghiệm đáng nhớ.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sếu đầu đỏ
VQG Tràm Chim là một trong những nơi hiếm hoi của Việt Nam có sự xuất hiện của sếu đầu đỏ, loài chim cực kì quý hiếm trên thế giới. Muốn thấy được sếu đầu đỏ du khách phải đi tới những cánh đồng cỏ năn, chịu khó chờ đợi, quan sát nhưng đôi khi cũng có thể đi về tay không.