X
    Danh mục: Điểm thăm quan du lịch

XQ Đà Lạt Sử Quán

XQ Đà Lạt Sử Quán là một công trình nói về văn hóa của người phụ nữ Việt Nam làm nghề thêu truyền thống, được hình thành từ năm 2001, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 4km về phía Bắc, tọa lạc tại 258 Mai Anh Đào, Phường 8, Tp Đà Lạt.

XQ Sử Quán Đà Lạt

Lịch sử hình thành
Tên gọi XQ được hình thành từ tên của 2 người đồng sáng lập công ty Ông Võ Văn Quân và Bà Hoàng Lệ Xuân.
Bà Hoàng Lệ Xuân xuất thân trong 1 gia đình gốc Huế có truyền thống thêu cung đình và đã thừa hưởng những kỷ xảo tinh tế của nghề thêu truyền thống Việt Nam. Nghề thêu càng được thăng hoa khi bà kết hợp cùng chồng là một bác sỹ đồng thời là một họa sỹ – ông Võ Văn Quân. Sự kết hợp các đặc điểm của nghệ thuật hội họa với những tinh hoa của nghệ thuật thêu cổ truyền đã vạch hướng đi mới cho ngành nghề, tạo sắc màu mới cho tranh thêu Việt Nam.
• Những mốc phát triển quan trọng
o Từ 1990 – 1992 sáng tác những tác phẩm tranh thêu với chủ đề “Về một quê hương về một đời người” rất Việt Nam.
o Cuối năm 1992 lên Đà Lạt mở lớp dạy nghề và đào tạo nghệ nhân thêu, đưa nghệ thuật thêu mới mang tính phổ cập dân gian.
o Đầu 1994 thành lập tổ hợp tác thêu lụa XQ Đà Lạt với số nghệ nhân là 20 người.
o Ngày 30 tháng 01 năm 1996, chính thức thành lập công ty TNHH XQ Đà Lạt
o Ngày 20 tháng 04 năm 1994 thành lập Trung Tâm Tranh Thêu Lụa XQ Cố Đô, nay đổi thành XQ Cổ Độ.
o Đầu năm 1995 Tranh Thêu Trên Lụa XQ Sài Gòn được thành lập.
o Ngày 27 tháng 11 năm 1997 thành lập trung tâm Tranh Thêu Lụa XQ Đà Nẵng.
o Ngày 01 tháng 04 năm 1999 thành lập Trung Tâm Tranh Thêu Lụa XQ Nha Trang.
o Tháng 12 năm 2003 thành lập trung tâm tranh thêu lụa XQ Hà Nội.
o Đặc biệt ngày 29 tháng 12 năm 2001 XQ Đà Lạt Sử Quán chính thức khai trương, tạo một quảng trường cho Nghệ Sỹ, Nghệ Nhân XQ sáng tạo đồng thời gìn giữ, phát huy hơn nữa một ngành nghề, một bản sắc văn hóa dân tộc.

Logo

Logo XQ

Với hình ảnh cây thông, cây kim và dải lụa, logo XQ mang tên điệu múa về với thiên nhiên

Vài nét về công trình
Toàn bộ công trình XQ Đà Lạt Sử Quán có diện tích khoảng 2ha. Bằng lối kiến trúc độc đáo mang đậm kiểu dáng dân tộc với dấu ấn Huế cổ kính, các dãy nhà trong không gian XQ Sử Quán xây dựng liên hoàn theo phong cách Á đông, và phân chia bố cục không gian trưng bày nghệ thuật khá ấn tượng đã làm cho XQ Sử quán trở thành một nét chấm phá độc đáo nhằm tôn vinh nghề thêu. Không những thế, đây còn là một điểm du lịch lý tưởng khi khách tham quan được hòa mình vào thế giới của các nghệ nhân thêu truyền thống, được chiêm ngưỡng những tác phẩm thêu tay tinh tế, độc đáo. Theo ý tưởng của ông Võ Văn Quân, nghệ thuật thêu tay truyền thống là một phần trong phầm chất của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, vì vậy hình ảnh người phụ nữ trước khung thêu phải được đặt tại vị trí đẹp nhất trong không gian Sử quán.
Đây còn là nơi tham quan cho khách các tour du lịch, là nơi gặp gỡ giao lưu văn nghệ sĩ, tri kỷ hữu nơi thể nghiệm, trưng bày và biểu diễn nghệ thuật. Những hình thức nghệ thuật tao nhã như thư pháp, ngâm thơ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, ẩm thực con đường gia vị Việt Nam nhằm đề cao nét đẹp văn hóa của người Đà Lạt, đặc biệt là người phụ nữ : yêu cái đẹp, hiếu khách, dịu dàng …
• Những hạng mục tham quan tiêu biểu trong công trình XQSQ
– Học viện Hoàng triều
– Bảo tàng Nghề thêu
– Bảo tàng Chân dung
– Bảo tàng Hoa & căn nhà Ngọn lửa xanh
– Bảo tàng Ngàn năm
– Phòng tranh quê hương
– Phòng tranh phong cảnh
– Phố thời trang
– Phố nghệ thuật

Tranh thêu XQ
Chủ đề trong tranh thêu XQ rất đa dạng không bị bó hẹp nội dung như trong nghệ thuật tranh thêu truyền thống Việt Nam như: ngư – tiều – canh – độc..”, “tùng cúc trúc mai hay “lý ngư vọng nguyệt” mang tính tượng trưng, ước lệ, nghệ nhân, nghệ sỹ XQ đã tìm tòi, sáng tạo ra các mẫu thêu mới mang nhiều chủ đề như: tranh quê hương, tranh phong cảnh, tranh phong thủy, tranh chân dung, tranh một mặt, tranh hai mặt, kỹ thuật thêu mới….
Âm hưởng chung của tranh thêu XQ luôn hướng công chúng vào những đề tài quê hương, thiên nhiên, đất nước. Cùng một mẫu thêu, mỗi nghệ nhân với cảm xúc khác nhau sẽ có nhiều cách phối màu riêng biệt.
• Quy trình sáng tác và hoàn thiện tác phẩm tranh thêu
– Sáng tác mẫu: Mẫu thêu thường được họa sỹ sáng tác hoặc lấy từ tranh, ảnh của các họa sỹ, nhiếp ảnh nổi tiếng
– Đồ mẫu: chụp lại trên giấy can, đồ lại bằng kim có gắn đầu chì cacbon cho thêm đậm nét sau đó chuyển tải mẫu vẽ lên vải trắng bằng cách dùng kim thêu xâm những đường nét hoa văn, rắc bột màu, dầu hoa lên mẫu
– Thẫm mỹ học truyền thống: đây là sự giao cảm giữa người họa sĩ và người nghệ nhân để chọn kỹ thuật thêu, chỉ và màu sắc phù hợp
– Thêu: Công việc đòi hỏi sự khéo léo và nhẫn nại nhất của nghệ nhân thêu . Để hoàn thành một tác phầm tranh thêu, một nghệ nhân phải làm việc miệt mài cả tháng trời. Với những bức tranh lớn, nhiều chi tiết phức tạp phải mất 5 – 6 tháng mới xong. Thêu một bức tranh chân dung là phức tạp nhất, phải nhờ vào những nghệ nhân có đôi tay vàng. Trong quá trình ấy, người thợ luôn phải tiếp xúc với không ít hóa chất, bụi màu tương đối độc hại. Một tác phẩm hoàn thành, không chỉ có thợ tay nghề giỏi, mà ở đó còn chứa cả một tâm hồn, lòng nhiệt huyết của cả tập thể.
Những bức tranh thêu của XQ lung linh sống động nhờ sự kết hợp màu sắc hết sức hài hòa, tạo cho bức tranh một sức sống mạnh mẽ. Vì vậy, việc chọn màu chỉ cho tranh thêu là cả một nghệ thuật, được tích lũy bằng nhiều năm kinh nghiệm. Ngoài những loại chỉ màu công nghiệp, XQ còn sử dụng nhiều loại chỉ tơ tằm có độ óng mịn tự nhiên tạo cho bức tranh phong cảnh một sự gần gũi với cuộc sống. Việc sử dụng màu chỉ trong tranh thêu còn phụ thuộc vào kích thước, chi tiết của bức tranh, có khi chỉ vài ba màu, nhưng có khi người người thợ phải phối hợp đến hàng trăm màu chỉ khác nhau. Nét sinh động và diễm lệ mà tranh thêu XQ để lại trong lòng người là sự hòa sắc tinh tế ấy. Tất cả ngôn ngữ hội họa được hòa quyện trong nghệ thuật thêu cổ truyền
– Thẩm định màu sắc, độ xa gần: Mỗi tác phẩm tranh thêu XQ khi hoàn thành, trước khi lên khung đều được Hội đồng thẩm định theo những ý tưởng ban đầu
– Thiết kế lên khung
– Lý lịch cá tính tác phẩm: Mỗi tác phẩm tranh thêu XQ khi ra đời đều có hồ sơ lý lịch tác phẩm đi kèm
– Xếp đặt ý niệm tác phẩm
Tranh thêu không đơn thuần để trang trí mà trong từng đường kim mũi chỉ, từng gam màu dường như ẩn chứa số phận của mỗi con người qua mỗi tác phẩm, làm thổn thức không ít trái tim người thưởng ngoạn.
Bằng sự tài hoa, sáng tạo và khéo léo, những nghệ nhân XQ đã tạo nên nhiều tác phẩm tranh thêu độc đáo, trở nên nổi tiếng trong nước, ngoài nước. Công Ty XQ đã nhận được nhiều bằng khen, huy chương vàng cho tác phẩm của mình, đồng thời được cấp lãnh đạo trung ương đánh giá cao trong việc phục hồi một ngành nghề truyền thống. Với mong muốn phổ biến và phát triễn hơn nữa tranh thêu truyền thống.
Tranh thêu XQ đến nay đã vươn xa, là sản phẩm chinh phục nhiều người, nhiều giới ở nhiều vị trí xã hội, đến từ nhiều quốc gia, từ các chính khách, nhà quân sự, nhà nghiên cứu đến những tên tuổi trong các lĩnh vực nghệ thuật…Hành trình chinh phục ấy là chiều sâu văn hóa nghề thêu được làm nên từ những bàn tay tài hoa và tấm lòng gìn giữ những giá trị văn hóa của ngành nghề.

Những sự kiện được tổ chức tại XQ
– Nghi lễ rước sợi chỉ ước nguyện vào chiều thứ bảy & đêm nhạc ghitar “ Dế khóc trăng” được tổ chức vào tối thứ 7 hàng tuần
– Giỗ tổ nghể thêu 12.06 ÂL
– Hội thiếu nữ rước phấn về cho hoa nhân dịp Festival Hoa
– Tri kỹ hữu 13.12

Thông tin
XQ Đà Lạt Sử Quán
Địa chỉ: 258 Mai Anh Đào, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng
Điện thoại: (84). 63. 3831343
Website: www.tranhtheuxq.com
Giá vé
20.000 – tham quan tự do – thời gian tham quan tối thiểu: 45phút
50.000 – tham quan có hướng dẫn- thời gian tham quan tối thiểu: 1h30p
Sơ đồ tham quan: được cung cấp trực tiếp tại XQ Đà Lạt

Phương tiện đến XQ Đà Lạt Sử Quán từ trung tâm Hòa Bình
– Taxi :
Thắng Lợi: 0633.556655
Mai Linh : 063.38383838
– Xe buýt: Phương Trang (30 phút/ chuyến tại bến xe TTHB)
– Xe máy, xe đạp đôi: Thuê tại chợ Hòa Bình

Blogger Tùng Lâm: "Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."