X
    Danh mục: Điểm thăm quan du lịch

Ghé thăm Chùa Vĩnh Tràng – ngôi chùa cổ độc đáo nhất miền Tây

Nếu có dịp ghé qua tỉnh Tiền Giang thì bạn nhất định nên một lần ghé thăm chùa Vĩnh Tràng, một ngôi chùa độc đáo có nét giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây cùng hội tụ. Không chỉ có kiến trúc độc đáo, chùa cũng có quy mô cực lớn và cảnh quan bên ngoài tuyệt đẹp. Cùng với đó, chùa có nhiều góc nhỏ trở thành chỗ check in sống ảo vô cùng lý tưởng.

Chùa Vĩnh Tràng – ngôi chùa cổ độc đáo của Tiền Giang

Một trong những niềm tự hào của người Tiền Giang chính là ngôi chùa Vĩnh Tràng với quy mô bề thế và kiến trúc tuyệt đẹp. Chùa nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Phong, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) khoảng 3km về hướng Đông Bắc. Chùa tọa lạc trên một mảnh vườn cây ăn trái rộng gần 2 ha. Đây là ngôi chùa vào hạng cổ nhất miền Tây Nam Bộ và là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Chùa Vĩnh Tràng được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia

Về lịch sử hình thành, được biết chùa do ông bà Tri huyện Bùi Công Đạt xây dựng từ đầu thế kỷ 19. Ban đầu chùa chỉ là một thảo am để làm nơi tu tập những ngày về hưu của ông bà Tri huyện.

Năm 1894, hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) được mời về trụ trì. Về sau ông đã tổ chức xây dựng lại ngôi chùa tự mình gánh đất đắp nền với nhiều sự giúp đỡ của các đạo hữu. Cuối cùng nơi đây đã thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường. Dân gian thường gọi là chùa Vĩnh Tràng.

Năm 1895, chùa đã được Hòa thượng Quảng Ân – Chánh Hậu (đương kim trụ trì) tổ chức xây dựng lại.

Năm 1904, chùa bị ảnh hưởng bởi cơn lũ lịch sử nên hư hỏng nặng. Từ năm 1907 – 1911 là quãng thời gian chùa kêu gọi mọi người đóng góp công của để đại trùng tu ngôi chùa.

Chùa gây ấn tượng với du khách gần xa đầu tiên là bởi quy mô bề thế và kiến trúc cùng lối trang trí tinh xảo của nó. Bên ngoài chùa là khu khuôn viên với rất nhiều cây kiểng được cắt tỉa cẩn thận cùng một hồ nước tuyệt đẹp. Nhìn từ xa, nơi đây như một dinh thự của một vị quan ngày xưa.

Một góc nhỏ trong chùa

Tháng 5-2007, chùa Vĩnh Tràng được Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có phong cách kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây.

Trong một lần ghé ngôi chùa, nhà thơ Xuân Thủy đã có một đôi câu cảm tác:

“Đức Phật giàu tình thương

Nên chùa tên Vĩnh Tràng

Nhà sư vốn yêu nước

Lòng như dòng Tiền Giang”.

Địa chỉ: đường Nguyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Chùa Vĩnh Tràng có gì đặc biệt?

Chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa nổi tiếng với cảnh quan bên ngoài tuyệt đẹp và có kiến trúc độc đáo nhất nhì miền Tây. Đây cũng là điểm giao thoa văn hóa Phương Đông và Phương Tây, nơi có những bức tượng Phật khổng lồ và có những điểm check in sống ảo mới đầy hấp dẫn.

Trong khuôn viên chùa Vĩnh Tràng

Kiến trúc cổ độc đáo

Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo chữ “Quốc” và kiểu kiến trúc “cổ lầu” (có một tòa lầu tháp phía sau chùa) vô cùng tuyệt đẹp. Chùa cũng gây ấn tượng với nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ tạo nên những bức tranh hài hòa màu sắc. Đó là những tác phẩm minh họa sự tích nhà Phật, những câu chuyện dân gian và những đề tài tứ quý, tứ linh, hoa lá…độc đáo. Được biết những tác phẩm này là do nghệ nhân Huế thực hiện năm 1933.

Kiến trúc kiểu cổ lầu ở chùa Vĩnh Tràng

Ban đầu, khi xây dựng lại ngôi chùa từ thảo am, chùa Vĩnh Tràng được xây theo theo lối kiến trúc của chùa Giác Lâm ở Gia Định, nhưng lớn hơn với tổng cộng 178 cây cột, 2 sân thiên tỉnh.

Ngày nay, sau nhiều lần tu sửa, chùa có diện tích 14.000m², dài 70m, rộng 20m. Kiến trúc chùa có 4 hạng mục, bao gồm tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu. Chùa có nền đúc cao 1 m, tường vững chắc, các vật liệu xây chùa là xi măng và gỗ quý.

Các chi tiết của chùa được chạm trổ công phu

Ở chính điện của chùa có bao lam được chạm trổ công phu, trong đó có bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú được tạo tác trong giai đoạn 1907-1908. Bên trong chùa là đôi long trụ to bằng gỗ quý được dựng theo kiểu “thượng thu hạ cách”. Cùng với đó là vô số các bức tượng phật được sơn một màu vàng óng. Hai bên tường trong chánh điện thì có bàn thờ Thập Điện Minh Vương Bồ Tát. Bên cạnh đó là nhiều bức tượng như tượng Phật A Di Đà, Phật Thích Ca…

Điểm giao thoa văn hóa Phương Đông và Phương Tây

Tìm hiểu về kiến trúc của Chùa Vĩnh Tràng, bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi tại đây có sự kết hợp,  giao thoa giữa nền kiến trúc Á – Âu: Pháp, La Mã, Nhật, Thái, Miên, Chàm… Những cây cột trụ và dọc hành lang phía bên tay trái chùa sẽ cho bạn cảm giác và khung cảnh như đang ở một hành lang ở Châu Âu.

Kiến trúc giao thoa văn hóa Đông – Tây, tạo cho chùa một không gian vừa cổ kính vừa hiện đại

Riêng tại phần trước bên ngoài chánh điện, du khách sẽ thấy có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng hay vòm cửa theo kiểu La Mã. Đây là bông sắt của Pháp, kia là gạch men của Nhật Bản. Bạn cũng sẽ thấy những nét quen thuộc là chữ Hán viết theo lối chữ triện cổ kính, chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gô-tích. Hoa văn trước cổng chùa  thì được ghép từ các mảnh sành sứ từ các bình, lọ, chén quyên góp được.

Hoa văn trước cổng chùa được ghép từ các mảnh sành sứ

Tất cả những hoa văn kiến trúc này kết hợp với nhau 1 cách hài hòa, tạo nên một tác phẩm tuyệt đẹp chứ không tạo sự lố lăng, lai căng.

Mặc dù bên ngoài thì có dáng dấp phương Tây nhưng bên trong thì đậm nét Việt Nam truyền thống.

Do những nét Phương Tây hòa lẫn với phương Đông như vậy nên cho đến nay, ngôi chùa tuy đã có nhiều năm tuổi nhưng vẫn có nét hiện đại xen lẫn cổ kính. Điều này tạo nên một sự hấp dẫn đặc biệt của riêng nó mà không ngôi chùa nào ở miền Tây bước qua.

Chùa Vĩnh Tràng – nơi bảo tồn các báu vật quý giá

Chùa Vĩnh Tràng cũng là nơi lưu giữ bảo tồn rất nhiều tượng quý. Có tổng cộng 60 tượng được tạc bằng, gỗ, đồng, đất nung… sơn thếp vàng. Trong số đó, độc đáo nhất phải nhắc đến bộ tượng mười tám vị La hán được tạc từ gỗ mít từ đầu thế kỷ 20. Mỗi vị đều cưỡi trên mình một con mãnh thú, tay cầm bửu bối, tượng trưng cho các giác quan mà giáo lý nhà phật gọi là “lục căn”. Mỗi tượng cao khoảng 80 cm, bề ngang khoảng 58 cm.

Tượng phật Di Lặc nhìn từ xa

Các báu vật khác của chùa còn là 3 tượng đồng (Phật Di Đà, Phật Quan Âm và Thế Chí) ra đời từ giữa thế kỷ 19. Một chiếc đại hồng chung của chùa nặng đến 150kg, chiều cao 1,2m sau nhiều năm thất lạc cũng đã quay về đây.

Tượng phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ

Điểm check in sống ảo mới đầy hấp dẫn

Đến chùa Vĩnh Tràng, ngoài ngạc nhiên với kiến trúc pha trộn giữa 2 nền văn hóa Đông Tây cùng những bức tượng Phật khổng lồ, du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên vì khung cảnh tuyệt đẹp quanh chùa.

Check – in sống ảo ở chùa Vĩnh Tràng

Bạn hoàn toàn sẽ bị mê hoặc khi đứng ngắm toàn cảnh ngôi chùa từ phía chính diện. Ngay bên cạnh đó, phía bên tay trái là một hồ nước thơm ngát hương sen cùng những hàng hoa cỏ được cắt tỉa cẩn thận. Phía trước đối diện với chánh điện là những cây kiểng to nhỏ xếp hàng. Bên hông hay nhiều vị trí khác trong chùa có nhiều cây cổ thụ…

Một hành lang rất lãng mạn kiểu Châu Âu

Đi dạo về con đường phía sau để tới tòa tháp, du khách sẽ nhìn thấy một hành lang có những cây dây leo lòa xòa vươn xuống với góc chụp ảnh rất Tây.

Các lưu ý cần biết khi đi Chùa Vĩnh Tràng

  • Đi nhẹ, nói khẽ, không cười nói to nơi tôn nghiêm.
  • Đây cũng là không gian sống và sinh hoạt của các vị sư nên bạn cần tôn trọng không gian riêng tư và không làm xáo trộn nếp sinh hoạt trong chùa.
  • Mặc trang phục lịch sự, không sặc sỡ lố lăng, không mặc áo ba lỗ, váy ngắn khi vào chùa.
  • Có thể mặc những bộ trang phục kín đáo nhưng vẫn “sống ảo” được
  • Hiện tại chùa mở cửa hai bên tả hữu để du khách vào tham quan (không mở cửa chánh điện như trước).
  • Bạn có thể tranh thủ mua các món đồ lưu niệm được bán ngay tại chùa, nằm ở hông chùa phía bên phải. Các món đồ đặc sản, nước uống thì có thể mua ở bên trái ở hông chùa.
Có thể tranh thủ mua các món đồ lưu niệm được bán ngay tại chùa
Văn phòng Tịnh Hội chùa Vĩnh Tràng nằm ngay bên hông phải của chùa

Cách đi chùa Vĩnh Tràng

Hiện nay, để đến chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) tham quan ngoạn cảnh, du khách từ TP. Hồ Chí Minh có thể đến chùa Vĩnh Tràng bằng 2 đường sau: Đường cao tốc Trung Lương (nếu đi xe ô tô) và QL1A (xe máy).

Đường QL 1A ( nếu đi xe máy): Từ TP Hồ Chí Minh, bạn cứ theo QL 1 A cho đến khi gặp QL 50 phía bên tay trái thì rẽ vào đường này.  Đi tiếp và rẽ phải vào DT 879. Bạn cứ tiếp tục đi theo DT 879 cho tới khi gặp đường Nguyễn Trung Trực thì rẽ trái và đi thẳng là tới. Trên đường đi dọc DT 879 sẽ đi qua cống Gò Cát.
Nếu đi cao tốc Trung Lương thì từ TP Hồ Chí Minh, bạn đi theo QL 1A, đến vòng xoay Nguyễn Văn Linh thì đi vào cao tốc Trung Lương (CT01). Bạn đi hết CT01 thì gặp DT878 đường này sẽ đưa bạn đi sang QL1A. Đi một đoạn ở QL1A thì bạn sẽ gặp QL50 phía bên tay trái. Từ đây thì bạn đi theo hướng dẫn như đường đi xe máy ở phía trên.
Để gửi xe máy thì du khách có thể đi thẳng từ cổng vào bên phải hông chùa, đi qua mấy sạp hàng đồ lưu niệm sẽ tới điểm gửi xe. Riêng xe ô tô thì có khu vực đậu ngay ngoài cổng.

Khu vực đậu xe ở chùa Vĩnh Tràng

Trong trường hợp bạn muốn kết hợp tham quan chùa Vĩnh Tràng và các điểm khác gần đó, là những điểm nổi bật của miền Tây thì có thể tham gia Tour du lịch miền Tây 1 ngày (Mỹ Tho – Bến Tre), Tour miền Tây 2 ngày 1 đêm (Mỹ Tho – Bến Tre – Cần Thơ) hoặc Tour du lịch miền Tây 3 ngày 2 đêm (Mỹ Tho – Bến Tre – Cần Thơ – Châu Đốc). Tất cả các tour này đều dừng chân tại chùa Vĩnh Tràng cho du khách tham quan, chiêm bái.

Thùy Liên: