X

Du lịch bụi Buôn Ma Thuột

Buôn Ma Thuột (hay Ban Mê Thuột, tiếng Ê Đê: Buon Ama Thuot) là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk. Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là “bản hoặc làng của Cha Thuột”, nó xuất phát từ tên gọi buôn của A ma Thuột (A ma là Cha; Thuột là tên Con; người Ê Đê khi có con trai, thì họ gọi nhau bằng tên của con trai mình, ở đây A ma Thuột nghĩa là Cha của Thuột và thường gọi là Cha Thuột) – tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng; để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay.

Vị trí
Buôn Ma Thuột từ thị xã nhỏ bé 1975 đã phát triển lên thành phố năm 1995 ( đô thị loại 3) và sau 10 năm xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại 2 (2005), hiện nay đang xây dựng đề án nâng cấp lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Đắk Lắk.
Buôn Ma Thuột không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Lắk mà còn là thành phố trung tâm cấp vùng tây nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng của vùng và cả nước.
Về mặt địa lý, diện tích tự nhiên của thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay có 377,18Km2 chiếm khoảng 2,87% diện tích tự nhiên tỉnh Đắk Lắk.
Phía Bắc giáp huyện CưM’gar.
Phía Nam giáp huyện Krông Ana, CưKuin.
Phía Đông giáp huyện Krông Pắc.
Phía Tây giáp huyện Buôn Đôn và Cư Jút ( tỉnh Đắk Nông).

Tổ chức hành chính
Hiện nay thành phố Buôn Ma Thuột có 13 phường, 08 xã với dân số trung bình năm 2008 là 329.292 người với 31 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó 85,04% người kinh, 14,96% đồng bào dân tộc thiểu số, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 10,91% chủ yếu là đồng bào dân tộc Êđê.

Tôn giáo
Đồng bào theo các tôn giáo có 111.510 tín đồ, chiếm 33,86% dân số với 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài.

Khi hậu
Thành phố Buôn Ma Thuột nằm trên Cao Nguyên Đắk Lắk rộng lớn ở phía Tây dãy trường sơn, có địa hình dốc thoải từ 0,5 – 10, độ cao trung bình 500m so với mặt biển. Thời tiết khí hậu mát mẻ, vừa được chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên, trong năm có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa ( tháng 5 đến tháng 10), mùa khô ( tháng 10 đến tháng 4 năm sau), nhiệt độ trung bình hàng năm là 230C.

Lịch sử
Lịch sử hình thành

Buôn Ma Thuột (hay Ban Mê Thuột) là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk Lắk và là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên Việt Nam. Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là “bản hoặc làng của Ama Thuột”, nó xuất phát từ tên gọi buôn của Ama Thuột – tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng, để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay.
Thuở xưa, đây là vùng đất của người Ê Đê Kpă với khoảng 50 nhà dài Ê Đê nằm dọc theo suối Ea Tam do tù trưởng Ama Thuột cai quản. Khi đó, thủ phủ của vùng đất cao nguyên Đắk Lắk được đặt tại Bản Đôn (huyện Buôn Đôn bây giờ). Năm 1890, Bourgeois – một tên thực dân nổi tiếng nham hiểm, sau khi thu phục được Khumjunop, một tù trưởng, một vua săn voi nổi tiếng ở Bản Đôn đã tiếp tục tìm mọi cách để mua chuộc tù trưởng Ama Thuột nhằm đặt tiền đề cho việc xây dựng một thủ phủ mới ở đây. Với lợi thế là trung tâm của Đắk Lắk cũng như toàn Tây Nguyên, một vị trí có tầm chiến lược về quân sự và kinh tế của cả vùng, lại nằm gọn trên một cao nguyên đất đỏ màu mỡ và bằng phẳng, 14 năm sau, tức ngày 22 tháng 11 năm 1904, theo đề nghị của Hội đồng tối cao Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập Đại lý hành chính Buôn Ma Thuột, thuộc quyền giám sát và quản trị của Khâm sứ Trung Kỳ và Buôn Ma Thuột được chọn làm cơ quan hành chính của tỉnh Đarlac (tên gọi tỉnh Đắk Lắk bây giờ) thay cho Bản Đôn.
Các công sứ người Pháp, đặc biệt là Sabatier muốn duy trì việc biệt lập Tây Nguyên, nhưng do nhu cầu thiết lập cơ sở chính trị, hành chính xã hội đòi hỏi sự có mặt của các công chức, vì thế bên cạnh người Pháp, người Êđê, người Kinh đã dần có mặt ngày càng đông, nhất là sau khi có Nghị định ngày 02-07-1923 của toàn quyền Đông Dương về việc thành lập tỉnh Đắk Lắk.
Sau đó, thực dân Pháp đẩy mạnh việc xây dựng Buôn Ma Thuột để thực hiện chính sách thống trị lâu dài. Trong nội thị đã xây cất các công sở của Pháp, bệnh viện, nhà tù, trường học, cửa hàng, khách sạn, chợ, nhà máy, rạp hát, sân vận động, bể bơi, nhà kho, nhà để xe. Khu dân cư của người Việt và người Âu xen kẽ với với một số buôn làng của người Ê Đê. Đường sá đã có ngã tư, ngã sáu. Các đường nội tỉnh và ngoại tỉnh được hình thành, sân bay Monfleur được xây dựng. Ngày 05 tháng 6 năm 1930, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột tọa lạc trên các làng Buôn Ma Thuột và Buôn Sô. Vì chính sách hạn chế của thực dân Pháp, chỉ có ít người Kinh sinh sống tại BMT, trong làng Lạc Giao. Người dân hàng năm phải đi “xâu người” và “xâu voi”, đàn ông 18 – 60 tuổi phải xâu 20 ngày, mỗi voi cũng chịu 20 ngày xâu trong một năm.
Ngày 28/8/1945, tổng khởi nghĩa diễn ra ở Đắk Lắk, Uỷ ban Cách mạng lâm thời tỉnh đã ra mắt và tuyên bố xoá bỏ chế độ thống trị của Nhật, Pháp; hệ thống chính quyền cách mạng được thành lập. Liên hoan đoàn kết các dân tộc Dak Lak được tổ chức tại Biệt điện Bảo Đại bàn về vấn đề đoàn kết các dân tộc anh em trong xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.
Ngày 10 tháng 3 năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến đánh bất ngờ vào Thành phố Buôn Ma Thuột, giải phóng Thành phố và cũng là thời khắc mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, thị xã Buôn Ma Thuột được Nhà nước quyết định nâng lên Thành phố Buôn Ma Thuột (theo Nghị định 08-NĐ/CP ngày 21/01/1995).
Đến năm 2005, Thành phố Buôn Ma Thuột lại tự hào được nâng cấp thành đô thị loại II (Quyết định 38/2005/QĐ-TTg ngày 28/02/2005) và ngày 07/9/2006 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1181/QĐ-TTg, theo đó Buôn Ma Thuột sẽ:
“- Là đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng; là trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao cấp vùng;
– Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đắk Lắk;
– Là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện phát triển giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội giữa Tây nguyên với các vùng trong cả nước và quốc tế;
– Có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng.”
(Trích Quyết định số 1181/QĐ-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ)
Như vậy, qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, mặc dù có nhiều lần thay đổi về cấp hành chính nhưng Buôn Ma Thuột vẫn luôn là thủ phủ, lỵ sở của tỉnh Đắk Lắk. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của Thành phố. Buôn Ma Thuột xưa cũng như nay vẫn luôn là trung tâm kinh tế, chính trị xã hội không những của tỉnh Đắk Lắk mà còn cả khu vực Tây Nguyên.