Dulichbui.org – Những ngôi nhà thờ công giáo luôn mang đến cho du khách những bất ngờ thú vị không chỉ về phong cách kiến trúc, quy mô mà còn là những câu chuyện đằng sau việc hình thành nó. Đây không chỉ là một cơ sở tôn giáo mà còn là những điểm du lịch nổi tiếng thu hút sự ghé thăm của rất nhiều du khách mỗi năm. Từ Bắc xuống Nam nước ta có rất nhiều nhà thờ nổi tiếng như: nhà thờ đá Sapa, nhà thờ Phủ Nhai, nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ Phát diệm, nhà thờ Đức Bà….
Nhà thờ đá Sapa
Nhà thờ đá Sapa là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất của thị trấn phố núi này. Đây là công trình kiến trúc toàn vẹn nhất của người Pháp được xây dựng từ năm 1895 tại đây. Toàn bộ kiến trúc nhà thờ được xây dựng theo lối Gothic La Mã. Từ mái vòm, tháp chuông cho tới mái nhà đều tạo cho nhà thờ nét bay bổng, thanh thoát. Với diện tích hơn 6.000m2 nhà thờ đá Sapa có đầy đủ các công trình phụ trợ như: nhà ở, nhà chăn nuôi, khu nhà xứ. Toàn bộ tường của nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá được liên kết bởi những hỗn hợp cát, vôi và mật mía. Cùng với chợ Sapa, núi Hàm Rồng, nhà thờ đá là điểm nhấn đặc biệt của không gian nơi đây.
Nhà thờ lớn Hà Nội
Nhà thờ lớn Hà Nội có tên gọi chính thức là nhà thờ Saint Joseph được xây dựng từ cuối thế kỉ thứ 19. Nhà thờ ban đầu được xây dựng bằng gỗ sau đó chuyển qua xây bằng gạch theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ Châu Âu, rất thịnh hành ở thế kỉ 12. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m. Trên đỉnh có cắm cây thánh giá bằng đá. Phía trước khuôn viên của nhà thờ là quảng trường trung tâm với tượng đài đức Mẹ bằng kim loại, bên hông có đường hoa và phía sau nhà thờ có hang đá. Nhà thờ lớn Hà Nội là trung tâm của các hoạt động công giáo tại Hà Nội và các vùng lân cận.
Nhà thờ Phú Nhai
Nhà thờ Phú Nhai tọa lạc tại giáo phận Bùi Chu thuộc xã Xuân Phượng, huyện Xuân Trường của tỉnh Nam Định. Nhà thờ Phú Nhai vinh dự là một trong bốn tiểu Vương Cung Thánh Đường ở Việt Nam. Ban đầu nhà thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic mang đậm dấu ấn Tây Ban Nha, sau đó được xây dựng lại theo phong cách kiến trúc Gothic nước Pháp. Vói kích thước rộng lớn của mình thì nhà thờ Phú Nhai được xem là nhà thờ lớn nhất ở Việt Nam và của cả Đông Nam Á. Phía trước nhà thờ có tượng thánh Đa Minh cao 17m, bên trái nhà thờ có lăng lưu trữ hài cốt của 83 người tử vì đạo thuộc họ đạo xứ Phú Nhai.
Nhà thờ đá Phát Diệm
Nhà thờ đá Phát Diệm là một công trình kiến trúc độc đáo của nước ta. Nhà thờ tọa lạc tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn của tỉnh Ninh Bình. Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá và gỗ với sự hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và Phương Tây. Kiến trúc truyền thống của dân tộc được nhận thấy rõ trên những mái ngói cong vút của nhà thờ tạo nên điểm nhấn hết sức đẹp mắt và bình dị. Bên trong khuôn viên nhà thờ còn rất nhiều công trình phụ trợ như: phương đình, ao hồ, nhà nguyện kinh thánh Rô Cô, nhà nguyện kinh thánh Phê Rô, nhà nguyện kinh thánh Giuse. Nhà thờ đá Phát Diệm thực sự là một công trình kiến trúc tuyệt mĩ mà du khách nên ghé thăm.
Nhà thờ La Vang
Thánh địa La Vang hay Tiểu Vương cung thánh đường La Vang là những tên gọi khác của nhà thờ La Vang. Nhà thờ tọa lạc tại xã Hải Phú, huyện Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng giáo phận Huế. Đây cũng là địa điểm hành hương nổi tiếng của cộng đồng thiên chúa giáo tại Việt Nam. Hiện nay khuôn viên nhà thờ La Vang đã được trùng tu lại khang trang và sạch sẽ hơn. Nơi tập trung nhiều tín đồ hành hương nhất là tại tòa tháp chuông và tượng Đức Mẹ. Những truyền thuyết xoay quanh về câu chuyện Đức Mẹ hiển linh càng làm cho nhà thờ La Vang thu hút thêm đông đảo du khách ghé thăm hàng năm.
Nhà thờ Phủ Cam
Nhà thờ Phủ Cam là một trong những nhà thờ lâu đời và có kiến trúc đẹp nhất tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà thờ thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Nhà thờ được xây dựng bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ với kĩ thuật xây dựng hiện đại nhưng phần trang trí vẫn theo nghệ thuật cổ điển phương Tây. Bên trong lòng nhà thờ có sức chứa khoảng 2500 người với những dãy gương màu ở phía bên trên nhà thờ cung cấp ánh sáng cho phần nội thất bên trong. Bên trong nhà thờ có ngôi mộ của Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền và thánh tử đạo Tống Viết Bường. Phía trước nhà thờ Phủ Cam là tượng thánh Phaolo và Phê Rô.
Nhà thờ gỗ Kon Tum
Nhà thờ gỗ Kon Tum là một trong những nhà thờ đẹp nhất của Việt Nam, là niềm tự hào không chỉ riêng tỉnh Kon Tum mà còn của cả người dân Tây Nguyên. Nhà thờ được xây dựng từ đầu thế kỉ 20 với chất liệu chính là gỗ cà chít với sự pha trộn giữa phong cách kiến trúc Roman Châu Âu và nhà sàn của người Bana tạo nên nét đẹp độc đáo và cũng minh chứng cho sự giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Mặt tiền nhà thờ được chia làm 4 tầng với chiều cao 24m. Bên hông nhà thờ là những hành lang nhỏ với lan can được làm bằng gỗ, những họa tiết trang trí nơi đây rất đơn giản nhưng mang đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng của các dân tộc Tây Nguyên. Hàng năm nhà thờ gỗ Kon Tum đón hàng ngàn lượt khách du lịch và các tín đồ đến hành hương.
Nhà thờ Domain
Nhà thờ Domain còn có tên gọi khác là nhà thờ Mai Anh Đào nằm trên một ngọn đồi cao ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nhà thờ Domain mang kiểu kiến trúc vùng Normandie (miền Bắc nước Pháp). Hệ thống mái nhà thờ hình dáng tựa như nhà rông Tây Nguyên. Trên các cửa sổ có gắn những tấm kính màu tạo nên không gian lung linh, huyền ảo cho khuôn viên bên trong nhà thờ. Phía sau nhà thờ có một vườn hoa rất đẹp và ngôi mộ của bà Decox, vợ của toàn quyền Đông Dương Jean Decox thời bấy giờ, người có công trong việc giúp đỡ xây dựng nhà thờ.
Nhà thờ Đức Bà
Tọa lạc tại trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh, nhà thờ Đức Bà không chỉ là một địa chỉ tôn giáo mà còn là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, là điểm tham quan hàng đầu của du khách kho tới TP Hồ Chí Minh. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1880 mang phong cách kiến trúc Roma cải biên xen lẫn Gothic. Trải qua nhiều lần thay đổi và trùng tu, nhà thờ Đức Bà đã mang diện mạo đẹp đẽ như ngày nay. Hai tháp chuông hai bên với chiều cao 57,6m là tháp chuông cao nhất Việt Nam. Với kiến trúc độc đáo, nhà thờ Đức Bà đã tận dụng được ánh sáng tự nhiên trong nội thất tạo nên những hiệu ứng bất ngờ, thú vị mang đến một không gian trang nghiêm, thánh thiện. Phía trước nhà thờ Đức Bà có tượng Đức Mẹ hòa bình và vườn hoa được trang trí rất đẹp mắt.
Nhà thờ Cái Bè
Nhà thờ Cái Bè có một vị trí rất đẹp, nằm ngay bên dòng sông Tiền, mặt hướng thẳng ra chợ nổi Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang Nhà thờ được xây dựng đầu thế kỉ 20 theo phong cách kiến trúc Roman bằng bê tông cốt thép, khuôn viên rộng mát. Tháp chuông có 4 trái được đúc tại Pháp theo công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ. Bên dưới nhà thờ có hầm nước để phóng đại âm thanh của chuông. Bên trong khuôn viên nhà thờ còn có một ngôi mộ chôn đứng của Trần Bá Lộc, thời Pháp là chủ quận Cái Bè. Nhiều người cho rằng nhà thờ Cái Bè là nhà thờ đẹp nhất của miền Tây Nam Bộ.
Nhà thờ cha Diệp
Nhà thờ cha Diệp là điểm đến quen thuộc của du khách tại tỉnh Bạc Liêu trong các Tour miền Tây. Còn có tên gọi khác là nhà thờ Tắc Sậy, sự nổi tiếng của nhà thờ gắn liền với sự linh thiêng của cha Trương Bửu Diệp, người dân thập phương và du khách đến đây để tìm thấy sự che chở và ban phước lành từ ân đức của cha. Từ một nhà thờ nhỏ, hẻo lánh, nhà thờ Tắc Sậy đã thay da đổi thịt thành một nhà thờ lớn, đẹp đẽ nhưng cũng không kém phần tôn nghiêm do sự ủng hộ của các giáo dân, du khách thập phương quý mến cha mà ủng hộ tiền bạc xây dựng nhà thờ.