Dulichbui.org – Đạo Phật và giáo lí nhà Phật đã ngấm sâu vào cuộc sống của người dân Việt Nam sau 2000 năm có mặt tại vùng đất này. Trên khắp đất nước, trải dài từ Bắc chí Nam, những ngôi chùa Phật giáo luôn là những công trình kiến trúc đẹp mắt vừa là địa điểm tâm linh vừa là điểm tham quan thu hút rất nhiều du khách trong những dịp lễ hội. Chùa Đồng, chùa Bái Đính, chùa Thiên Mụ, chùa Linh Ứng, chùa Giác Lâm…là những địa điểm tâm linh nổi tiếng mà du khách nên ghé thăm.
Chùa Đồng
Chùa Đồng trên núi Yên Tử thuộc địa phận thành phố Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh. Tương truyền chùa là nơi tu hành của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập ra phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngôi chùa được xây dựng trên một diện tích khoảng 20m2, được làm hoàn toàn bằng đồng trong đó có chiếc chuông đồng nặng tới 70 tấn. Kiến trúc chùa được xây dựng một cách hài hòa với không gian trên đỉnh núi nhưng vẫn giữ được vẻ uy nghi, trang trọng. Bên trong chùa là bức tượng Phật Thích Ca và ba pho tượng tam tổ Trúc Lâm. Hàng năm vào mùng 10 tháng 3 âm lịch, lễ hội Yên Tử bắt đầu với hàng trăm ngàn lượt du khách và phật tử hành hương về đây để chiêm bái Đức Phật và cầu mong một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc cho gia đình.
Chùa Bái Đính
Cố đô Hoa Lư của tỉnh Ninh Bình không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt, cảnh quan thơ mộng trữ tình mà đây còn là nơi tọa lạc của chùa Bái Đính, ngôi chùa có nhiều kỉ lục nhất của Việt Nam. Được xây dựng từ năm 2003 trên một diện tích rộng gần 600ha, chùa Bái Đính là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều công trình khác nhau như: khu vực chánh điện, tượng Phật Di Lặc, dãy hàng lang la hán, khu hồ Đàm Thị, công viên Phật giáo cùng những bức tượng uy nghi được đặt trong khuôn viên nhà chùa. Tựu chung lại của quần thể kiến trúc này là sự cầu kì, rộng lớn nhưng cũng không kém phần trang trọng và thiêng liêng. Chùa Bái Đính vinh dự là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn của Phật giáo như: đại lễ Phật đản 2008, 2014, lễ cung nghinh xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam…Và chùa Bái Đính hiện nay là điểm tham quan du lịch hàng đầu của tỉnh Ninh Bình, thu hút hàng triệu lượt du khách viếng thăm mỗi năm.
Chùa Thiên Mụ
Nằm cách trung tâm thành phố Huế chừng vài km, nép mình bên dòng sông Hương thơ mộng, chùa Thiên Mụ là điểm đến để du khách tìm cho mình cảm giác bình yên, tự tại. Chùa Thiên Mụ được xây dựng từ năm 1601 bởi chúa Nguyễn Hoàng, trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, chùa mang phong cách kiến trúc như hiện nay. Điều đặc biệt của chùa là cổng tam quan nằm dưới khu vực bến thuyền, bên cạnh là những hàng cây cổ thụ rợp bóng tạo nên vẻ đẹp cổ kính cho chùa, phía trước chùa là tháp Phước Duyên cao 7 tầng như một điểm nhấn cho vẻ đẹp về kiến trúc nơi đây. Khuôn viên của chùa trồng rất nhiều loài hoa, vừa tạo điểm nhấn vừa giúp cho du khách thư thái tản bộ, ngắm hoa. Ngoài ra bên trong chùa còn có trưng bày một hiện vật là chiếc xe chở hòa thượng Thích Quảng Đức trong ngày ông tự thiêu tại Sài Gòn. Nếu du khách ghé thăm chùa bằng đường sông thì sẽ chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của chùa toa lạc một cách trang trọng trên đồi Hà Khê, vị trí đẹp nhất của dòng sông Hương.
Chùa Linh Ứng
Có lẽ không có nơi nào trên đất nước Việt Nam có ba ngôi chùa đều cùng mang một tên như ở thành phố Đà Nẵng, đó chính là chùa Linh Ứng. Chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng ở núi Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng ở Bà Nà, không biết vô tình hay hữu ý mà ba ngôi chùa này tọa lạc tại những vị trí đắc địa của Đà Nẵng tạo nên một tam giác tâm linh vô cùng linh thiêng che chở cho cuộc sống của người dân nơi đây. Du khách ghé thăm Đà Nẵng nếu có điều kiện thì nên tham quan cả ba ngôi chùa Linh Ứng, vừa là thưởng ngoạn phong cảnh, vừa chiêm bái Đức Phật và cũng là dịp để du khách tự trải lòng mình, tìm về một không gian thanh bình, thanh tịnh sau những chuỗi ngày làm việc vất vả.
Chùa Minh Thành
Đây là ngôi chùa được xem là có kiến trúc đẹp và nổi tiếng nhất của Tây Nguyên, chùa tọa lạc tại thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai, tuy không phải là một ngôi chùa cổ nhưng chùa Minh Thành vẫn thu hút rất đông đảo du khách và người dân ghé thăm hàng năm. Chùa do đại đức Thích Tâm Mãn trụ trì, ông là người tu sĩ đầu tiên tốt nghiệp khoa cao học mĩ thuật học Phật giáo, cho nên ngôi chùa mang kiến trúc rất đẹp. Nhìn từ xa đã thấy bảo tháp xá lợi cao 9 tầng, phía bên trong khuôn viên chùa là tượng Phật Di Đà nặng tới 40 tấn và cao hơn 7m. Chánh điện chùa cao tới 16m, được làm bằng gỗ pơ mu rất bền và chắc. Bộ cửa làm bằng gỗ gõ càng ấn tượng hơn với đường nét chạm khắc bốn vị Tứ đại thiên vương. Sân chùa được trang trí bằng những tiểu cảnh, hồ nước, cây xanh tạo nên vẻ đẹp hài hòa, tươi mát cho không gian trang nghiêm của chùa.
Chùa Giác Lâm
Tổ đình Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất ở miền Nam. Chùa được xây dựng từ năm 1744 và trải qua nhiều giai đoạn trùng tu khác nhau. Khuôn viên chùa được chia thành nhiều khu vực khác nhau như: khu chánh điện, khu tháp mộ và khu Bảo tháp xá lợi. Chánh điện chùa được xây dựng theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, bên trong là 119 pho tượng trong đó có 113 pho tượng cổ, vẻ mặt toát lên sự uy nghiêm, trang trọng. Chùa Giác Lâm còn bảo tồn được rất nhiều hoành phi, câu đối cổ. Vào những dịp lễ hội lớn trong năm, chùa Giác Lâm là địa điểm hành hương thu hút rất đông Phật tử viếng thăm và đặc biệt là du khách quốc tế cũng rất thích thú khi khám phá vẻ đẹp của ngôi chùa này.