X
    Danh mục: Blog

Nên đi làng Chăm Châu Giang hay nên đi làng Chăm Đa Phước?

Về An Giang, ngoài ghé thăm rừng Tràm Trà Sư, búng Bình Thiên, đi miếu Bà Châu Đốc… thì bạn chắc chắn nên tranh thủ ghé qua làng người Chăm ở Châu Đốc An Giang. Đặc biệt là 2 trong hơn 10 làng người Chăm có mặt tại đây, làng Chăm Đa Phước và làng Chăm Châu Giang. Vậy nếu không có nhiều thời gian, nên đi làng Chăm Châu Giang hay đi làng Chăm Đa Phước?

Tại làng chăm Đa Phước

Xem thêm: Tour Làng bè nổi và làng Chăm Châu Đốc nửa ngày

Đôi nét về người Chăm ở An Giang

Nếu có dịp về Châu Đốc An Giang, bạn sẽ gặp ngay rất nhiều làng người Chăm tọa lạc tại các huyện An Phú, Phú Tân, Tân Châu… gần ngay thành phố Châu Đốc với rất nhiều thánh đường Hồi Giáo. Điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt của cộng đồng người Chăm ở An Giang với cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận là bởi lẽ những người Chăm ở đây theo hẳn tôn giáo này.

Trên đường đến thánh đường Masjid Al-Ehsan ở làng Chăm Đa Phước

Xét về các làng người Chăm ở An Giang thì tính đến nay có khoảng 11 làng, nằm rải rác quanh khu vực 2 bên bờ sông Châu Giang (sông Hậu Giang và sông Khánh Bình). Đó là làng Châu Giang, làng Đa Phước, làng Châu Phong, Vĩnh Trường, Nhơn Hội, Khánh Bình, Quốc Thái, v.v…

Về nguồn gốc của những người Chăm ở đây, có ý kiến chia sẻ: “Người Chăm tại Châu Giang không xuất phát cùng một gốc tích. Cộng đồng chúng tôi gồm nhiều tộc người: Malaysia, Indonesia và Campuchia”. “Chúng tôi nói tiếng Mã Lai, nhóm khác nói tiếng Campuchia. Nếu không hiểu nhau thì có thể sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ phổ thông để trao đổi.” (theo lời của ông Mouhamach, Giáo cả Thánh đường Mubarak tại ấp Châu Giang).

Một ý kiến khác, theo sách xưa, người Chăm An Giang có nguồn gốc từ vương quốc Chămpa – Ninh Thuận. Khi chiến tranh xảy ra, họ di cư lánh nạn tới Kampong Chàm của Campuchia. Về sau từ đó lại di cư về Việt Nam và định cư ở An Giang ngày nay. Hiện vẫn còn một bộ phận người Chăm ở Campuchia là những xóm làng xung quanh Biển Hồ.

Lại có người nói rằng, với danh hiệu “Chàm chiến thắng” người Chăm từ duyên hải miền Trung, (Tà Kiệu – Mỹ Sơn) đã có mặt tại đây từ hồi chinh chiến cùng quân đội chúa Nguyễn Phúc Chu năm 1699.

Tập tục của người Chăm ở An Giang

Do theo đạo Hồi (Islam giáo) nên tập tục của người Chăm ở đây cũng gắn liền với các quy tắc trong đạo Hồi. Đàn ông mặc xà rông – gọi là chăn. Đàn bà mặc xà rông gọi là váy. Đàn ông đội mũ, già thì mũ trắng, trẻ thì mũ đen. Phụ nữ thì đội khăn Mat’ra. Đàn ông ở đây không uống rượu. Phụ nữ Chăm Islam ở đây thường không được ra ngoài mà chỉ quanh quẩn trong nhà làm nội trợ, dệt vải. Họ không ăn thịt heo; không được đeo vàng.

Nhà cửa: Nhà của người Chăm (và cả người Việt) ở An Giang, do đặc trưng miền sông nước nên thường xây nhà sàn để tránh mực nước dâng lên mỗi năm. Các hộ dân ở đây sống dọc theo 2 bên bờ kênh Vĩnh An hay 2 bờ sông Hậu… Nhìn chung bởi vậy nên nhà của họ mặt trước thì giáp đường lớn mặt sau thường giáp kênh hoặc sông.

Thánh đường: Do theo Hồi Giáo nên các làng đều có thánh đường để cầu nguyện. Thánh đường có quy mô lớn hay nhỏ là tùy theo quy mô mỗi làng.  Về kiến trúc thánh đường thì luôn có biểu tượng mặt trời và vầng trăng khuyết, cửa và nóc đều có hình vòm. Tông màu chủ đạo của thánh đường nổi lên luôn là màu trắng.

Nghề chính: Trong quá khứ, dệt thổ cẩm dường như là nghề chính của người Chăm ở An Giang. Tuy vậy hiện nay nghề này đang dần mai một. Hiện tỉnh đang có những biện pháp hỗ trợ, khuyến khích duy trì nghề này.

Ngoài dệt thổ cẩm, người Chăm tại đây còn buôn bán, đánh bắt thuỷ sản và số ít còn lại thì  làm ruộng. Riêng làng Chăm Đa Phước khá phát triển về du lịch nên có 2 bến thuyền phục vụ khách tham quan. Nhiều hộ dân ở đây sinh sống bằng nghề đưa rước khách du lịch.

Nên đi làng Chăm Châu Giang hay nên đi làng Chăm Đa Phước?

Đến An Giang thì du khách sẽ được giới thiệu ngay tới làng Chăm Châu Giang hoặc làng Chăm Đa Phước. Đây là 2 ngôi làng Chăm nổi tiếng nhất mà khách du lịch thường xuyên tìm đến tham quan.

Cảm tác về vùng đất này, nhạc sĩ Trần Tiến khi đến đây đã viết nên bài hát “Tiếng trống Paranưng” với lời ca âm vang, ngọt ngào:

Tôi yêu chiếc khăn Mat’ra
Vương trên trán em dịu êm
Tôi yêu tiếng ca Atidza
Mênh mang mênh mang biển sóng
Tôi yêu đóa hoa sớm mai
Vương trên trên áo em nhẹ rơi

Những chiếc khăn Mat’ra của các cô gái Chăm

Vậy nên đi làng Chăm Châu Giang hay nên đi làng Chăm Đa Phước, 1 trong 2 làng Chăm nổi tiếng nhất An Giang? Hãy theo chân trải nghiệm của chúng tôi để có được sự lựa chọn cho chính mình.

Làng Chăm Châu Giang

Là nơi giáp ranh giữa huyện Châu Đốc và Tân Châu của tỉnh An Giang. Đến làng Chăm Châu Giang, chúng tôi bước lên từ phà Châu Giang và lạc mình ngay giữa ngôi làng Hồi Giáo yên tĩnh, trầm mặc. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được ngắm một thánh đường Hồi Giáo tận mắt. Thánh đường Mubarak được xem là một thánh đường tiêu biểu có lối kiến trúc hết sức độc đáo của cộng đồng người Chăm ở Châu Giang.

Trên đường đi đến thánh đường để tham quan, chúng tôi bắt gặp những người con trai, con gái Chăm mang trên mình những bộ quần áo truyền thống của người Hồi Giáo. Những chiếc khăn Mat’ra bí ẩn càng làm nụ cười bẽn lẽn và dịu dàng của cô gái Chăm trở nên nổi bật hơn.

Tại làng Chăm Châu Giang, bạn có thể tranh thủ mua một chiếc khăn Mat’ra với những đường dệt tinh tế bởi bàn tay của những người phụ nữ Chăm. Bạn cũng có thể mua thêm vài món đồ lưu niệm xinh xắn như túi xách…

Các món đồ thủ công được bán trong làng Chăm Châu Giang

Và làng Chăm Đa Phước

Sáng hôm đó, để tới làng Đa Phước, chúng tôi phải ngồi tàu ngược dòng sông Hậu, qua làng cá bè Châu Đốc. Ngay sau đó chúng tôi lên bờ và đi thẳng vào một ngôi nhà dân rồi mới đi xuyên ra đường lớn để vào làng.

Điểm đặc biệt là con đường để lên ngôi nhà từ dưới mặt sông hoặc đường nối nhà này với nhà kia đều làm bằng những thanh gỗ rào nhau, tạo những chiếc cầu gỗ lắc lẻo đặc trưng thú vị, không thể lẫn vào đâu.

Chiếc cầu gỗ đặc trưng từ bến sông để đi lên một ngôi nhà sàn

Bước lên nhà của một người Chăm, chúng tôi ngạc nhiên vì trong nhà của họ hông có bàn ghế. Người Chăm thường ngồi hẳn dưới sàn nhà trong các sinh hoạt thường ngày.

Qua ngôi nhà đầu tiên là nơi trưng bày các khung dệt thổ cẩm. Có 2 điểm bán hàng lưu niệm là những sản phẩm truyền thống mang bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc.

Các món đồ thủ công tinh tế được bày bán trong làng Đa Phước

Về thánh đường thì làng Đa Phước có 2 nơi làm chỗ sinh hoạt tôn giáo mỗi ngày với kiến trúc cũng khang trang, hoành tráng không kém  – Thánh đường EHSAN và Thánh đường SUNNAH.

Masjid Al-Ehsan ở Đa Phước

Sự khác nhau giữa làng Chăm Châu Giang và làng Chăm Đa Phước

Di chuyển:

Cách đi làng Chăm Châu Giang:

Làng Châu Giang (nằm ngay đối diện tp Châu Đốc) bạn chỉ cần đi qua phà là tới.

Cách đi làng chăm Đa Phước:

Làng Chăm Đa Phước có vị trí gần như đối diện làng Chăm Châu Giang. Muốn đi làng Chăm Đa Phước, từ chợ Châu Đốc, bạn cần xuống 1 bến tàu nhỏ để đi tàu. Như đã thông tin ở trên, trên đường đi, bạn có thể kết hợp ghé thăm làng bè nổi Châu Đốc – một thời từng là vựa cá basa của Việt Nam.

Thông thường người Việt đi tự túc thì thường thích đi làng Chăm Châu Giang hơn vì đường vào làng rất dễ, chỉ cần xuống bến phà Châu Đốc, đi qua phà là tới.

Tuy nhiên nếu đi làng Chăm Đa Phước thì làng này nằm trên cung đường di chuyển đến làng Cá Bè Châu Đốc và cung đường bộ đi Búng Bình Thiên. Như vậy là rất tiện nếu kết hợp tham quan 2 điểm này.

Trải nghiệm:

Một số ý kiến của người đã đi tham quan 2 làng cho rằng làng Chăm Đa Phước thì có vẻ thú vị hơn vì đường lên làng là đi qua một con đường nhỏ xuyên qua từ phía sau những ngôi nhà để vào làng, khung cảnh hoang sơ tự nhiên hơn.

Cây cầu lên làng Chăm Đa Phước

Bên cạnh đó, do tiếp cận từ phía sau, bạn cũng sẽ thấy được cách xây dựng/ bố trí một ngôi nhà sàn của người dân ở đây như thế nào. Đặc biệt bạn có thể thấy cả cây cột báo mực nước hàng năm vào mùa nước nổi ở đây. Như vậy, nếu muốn tiếp cận làng Chăm một cách gần gũi hơn, rõ ràng hơn, bạn có thể đi làng Chăm Đa Phước.

Như vậy, tùy lịch trình và sở thích của mình mà bạn có lựa chọn một trong 2 làng trên để tham quan. Về cơ bản thì mỗi làng có những điểm thuận lợi và đặc sắc riêng nhưng nhìn chung bạn sẽ thấy được nét văn hóa phổ biến của cộng đồng người Chăm Hồi Giáo ở Châu Đốc.

Hướng dẫn đi làng Chăm Châu Giang và làng Chăm Đa Phước từ TP. HCM

Để tới làng Chăm Châu Giang và làng Chăm Đa Phước thì đầu tiên bạn phải ghé thành phố Châu Đốc. Nếu bạn kết hợp tham quan các điểm khác xung quanh địa phận Châu Đốc hoặc trong TP Châu Đốc thì có thể lưu trú ngay gần chợ Châu Đốc cho tiện đi lại tham quan.

Để di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đi Châu Đốc, bạn có thể di chuyển như sau:

Đi theo QL1A, đến TP Tân An thì rẽ qua QL62 > QL N2 (qua chợ Tháp Mười), tiếp tục đi thẳng và rẽ trái vào QL30 > DT 848 > tiếp tục rẽ trái qua QL 54 > QL80 > vào QL91 và đi thẳng cho tới khi gặp QL 91C để đến TP. Châu Đốc. Bạn có thể nghỉ ngơi tại khách sạn gần chợ Châu Đốc.

Từ đây, nếu quyết định đi làng Chăm Châu Giang hay làng Chăm Đa Phước thì bạn có thể di chuyển như thông tin cụ thể ở phía trên.

Một chiếc xuồng của cô gái Chăm trên đường vào làng Chăm Đa Phước

Một số địa điểm bạn có thể kết hợp tham quan trong hành trình du hí của mình là rừng Tràm Trà Sư, làng cá bè Châu Đốc, Búng Bình Thiên, làng nghề lụa Tân Châu, chợ Châu Đốc…

Trong trường hợp bạn chưa có kinh nghiệm đi du lịch tự túc, hoặc chưa có nhiều thông tin về khu vực này, bạn có thể đăng ký tour du lịch miền Tây 3 ngày 2 đêm để trải nghiệm và khám phá được đầy đủ hơn. Đặc biệt nếu bạn dẫn gia đình đi chơi thì một chuyến đi trọn gói khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh, có hướng dẫn viên, xe đưa đón, khách sạn, ăn uống… sẽ vô cùng tiện lợi và tiết kiệm thời gian, giảm bớt các khâu chuẩn bị cho bạn.

Hạ Khương

 

Ha Nguyen: