X

Bến Tre

Tỉnh Bến Tre nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phía bắc giáp Tiền Giang, phía tây và tây nam giáp Vĩnh Long, phía nam giáp Trà Vinh. Thành phố Bến Tre cách Thành phố Hồ Chí Minh 85 km.

Mã vùng điện thoại: 075

Biển số xe: 71

Tổ chức hành chính: Bến Tre có 9 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố (thành phố Bên Tre) và 8 huyện (Huyện Ba Tri, Huyện Bình Đại, Huyện Châu Thành, Huyện Chợ Lách, Huyện Giồng Trôm, Huyện Mỏ Cày Bắ, Huyện Mỏ Cày Nam, Huyện Thạnh Phú).

Diện tích: 2360,6 km²

Dân số: Dân số tỉnh Bến Tre năm 2011 là 1.257.800 người. Mật độ: 533 người/km².

Thành phần dân tộc: Việt, Hoa, Khmer, Tày

Khí hậu
Bến Tre nằm trong miền khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhưng lại nằm ngoài ảnh hưởng của gió mùa cực đới, nên nhiệt độ cao, ít biến đổi trong năm, nhiệt độ trung bình hằng năm từ 26oC – 27oC. Với vị trí nằm tiếp giáp với biển Đông, nhưng Bến Tre ít chịu ảnh hưởng của bão, vì nằm ngoài vĩ độ thấp (bão thường xảy ra từ vĩ độ 15o bắc trở lên). Ngoài ra, nhờ có gió đất liền, nên biên độ dao động ngày đêm giữa các khu vực bị giảm bớt.
Tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau và gió mùa tây nam từ tháng 5 đến tháng 11, giữa 2 mùa gió tây nam và đông bắc là 2 thời kỳ chuyển tiếp có hướng gió thay đổi vào các tháng 11 và tháng 4 tạo nên 2 mùa rõ rệt. Mùa gió đông bắc là thời kỳ khô hạn, mùa gió tây nam là thời kỳ mưa ẩm. Lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.250 mm – 1.500 mm. Trong mùa khô, lượng mưa vào khoảng 2 đến 6% tổng lượng mưa cả năm.

Lịch sử

Nguồn gốc dân cư Bến Tre

Đất Bến tre do phù sa sông Cửu Long bồi đáp. Đến đầu thế kỉ XVIII, phần lớn đất đai còn hoang vu, lầy lội, là nơi nhiều loài dã thú như cọp, heo rừng, cá sấu… sinh sống.

Trong sách “Phủ biên tạp lục” viết về xứ Đàng Trong giữa thế kỉ XVIII, Lê Quý Đôn ghi: “Từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, cửa Đại, cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”

Nhưng đó chỉ là nhìn từ bên ngoài, còn bên trong đã có các “lõm” dân cư vào khai phá sinh sống. Đó là những lưu dân người Việt từ miền Bắc và miền Trung vào, chủ yếu là miền Trung, đa số là những nông dân nghèo khổ vào Nam tìm đất sống, nhất là và thời gian quân Trinh lợi dụng chúa Nguyễn đang lúng túng trước phong trào Khởi nghĩa Tây Sơn đánh chiếm Thuận Hóa, Quảng Nam (1774). Ngoài ra còn có các thành phần khác như binh lính, trốn lính, tù nhân bị lưu đày, người có tội với triều đình, người Minh Hương

Sự khai phá và định cư của người Việt trên đất Bến Tre

Khi đặt chân lên đất Bến Tre, những lưu dân người Việt chọn những giồng đất cao ráo để sinh sống. Vùng đất Ba Tri được khai phá sớm nhất vì nơi đây là địa điểm dừng chân của các lưu dân theo đường biển. Lần hồi, dân cư ngày càng đông đúc, lập nên thôn, trại, làng.

Nhờ những kinh nghiệm trong sản xuất ở quê nhà, khi đến vùng đất mới mênh mông, những người dân đã tạo nên những cánh đồng bao la, những vườn dừa bạt ngàn, những vườn cây ăn trái tươi tốt.

Chỉ trong hai thế kỉ, những vùng đất hoang vu đầy dã thú, các cù lao nằm ở cuối vùng sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên đã trở thành vùng trồng dừa trồng lúa nổi tiếng.

Quá trình hình thành về mặt hành chính

Từ năm 1757, Bến Tre được gọi là Tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ.

Đời vua Minh Mạng, Nam Bộ được chia làm sáu tỉnh Vĩnh Long, Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. Đất Bến Tre bây giờ là phủ Hoàng Trị gồm các huyện Tân Ninh, Bảo An, Bảo Hậu và trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh Bến Tre vốn là một phần của dinh Hoằng Trấn lập ra năm 1803, năm sau đổi là dinh Vĩnh Trấn. Năm 1808 dinh này lại đổi là trấn Vĩnh Thanh.

Năm 1832, cù Lao An Hóa với hai tổng Hòa Quới và Hòa Minh nằm trong huyện Kiến Hòa. Năm 1844 vua Minh Mạng bỏ trấn lập tỉnh, đất Bến Tre là hai phủ Hoằng An và Hoằng Trị, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Thời Pháp thuộc, Ngày 15/7 / 1867 thành lập hạt (Sở tham biện) Bến Tre. Ngày 4/12/1867, tách hai huyện Tân Minh và Duy Minh của hạt Bến Tre thành lập hạt Mỏ Cày, lỵ sở đặt tại chợ Mỏ Cày. Ngày 5/6/1871, hạt Bến Tre bị giải thể, nhập địa bàn vào hạt Mỏ Cày.

Ngày 2/11/1871, dời lỵ sở từ chợ Mỏ Cày về chợ Bến Tre nên đổi tên thành hạt Bến Tre. Ngày 16/3/1872, hạt Bến Tre nhận thêm 2 tổng Minh Chánh và Minh Lý từ hạt Vĩnh Long. Ngày 25/7/1877, tổng Minh Chánh bị giải thể, nhập phần đất phía Tây kinh Giằng Xây của tổng này vào tổng Minh Thuận cùng hạt. Hạt (sở tham biện) Bến Tre vào thời gian này có 21 tổng.

Theo Nghị định ngày 22/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương Paul Domeur đổi tên tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1/1/1900 hạt (Sở tham biện) Bến Tre trở thành tỉnh Bến Tre (chỉ gồm có cù lao Bảo và cù lao Minh, có bốn quận: Châu Thành, Ba Tri, Mỏ Cày và Thạnh Phú; đến năm 1948 cù lao An Hóa thuộc Mĩ Tho mới được chính quyền cách mạng nhập vào phần đất Bến Tre.)

Năm 1912, tỉnh thành lập 4 quận là Ba Tri, Sóc Sải, Mỏ Cày, Thạnh Phú. Từ ngày 1/1/1927, quận Sóc Sải được đổi tên thànhquận Châu Thành. Từ ngày 22/10/1956, tỉnh Bến Tre đổi tên thành tỉnh Kiến Hòa và gồm 9 quận là Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Đôn Nhơn, Giồng Trôm, Hàm Long, Hương Mỹ, Thạnh Phú, Trúc Giang. Tỉnh lị tỉnh Kiến Hòa đổi tên là Trúc Giang.

Tuy nhiên, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Kiến Hòa mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Bến Tre.

Sau 30/4/1975, tỉnh Kiến Hòa đổi thành tỉnh Bến Tre. Cuối năm 2004, tỉnh Bến Tre bao gồm thị xã Bến Tre và 7 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Thạnh Phú.

Ngày 9/2/2009, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 08/NĐ – CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường để thành lập xã, phường thuộc huyện Mỏ Cày, huyện Chợ Lách, thị xã Bến Tre. Theo đó, Thành lập xã Tân Hội thuộc huyện Mỏ Cày. Thành lập xã Hưng Khánh Trung A thuộc huyện Chợ Lách. Thành lập xã Phú Mỹ thuộc huyện Chợ Lách. Thành lập phường Phú Tân thuộc thị xã Bến Tre. Chia huyện Mỏ Cày thành 2 huyện: Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam

Ngày 11/8/2009, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP, thành phố Bến Tre thuộc tỉnh Bến Tre được thành lập, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Bến Tre.

Các điểm tham quan ở Bến Tre

Cồn Phụng

Là một trong bốn cồn lớn nằm trên dòng sông Tiền lộng gió, cồn Phụng là nơi ghi nhiều dấu ấn của đạo dừa của ông Nguyễn Thành Nam, hiện nay trên cồn vẫn còn khu vực thờ phụng, các đài tháp mà ông hay ngồi tu luyện. Nghề làm kẹo dừa và thủ công mĩ nghệ từ dừa rất phát triển trên cồn.

Cồn Tiên

Thuộc địa phận xã Tiên Long, huyện Châu Thành, nơi đây thu hút du khách bởi có bãi cát rất đẹp là nơi thích hợp cho các hoạt động tắm sông, vui chơi trên sông. Ngày nay cồn Tiên còn được biết đến là khu nông trại với số lượng cá da trơn rất lớn.

Cồn Quy

Nơi đây hấp dẫn du khách bởi những vườn trái cây chín mọng, gần như trái cây có quanh năm, người dân trên cồn còn nuôi ong lấy mật với đặc sản trà mật ong. Dưới những khu vườn mát mẻ du khách còn được thưởng thức những câu hát trữ tình của nghệ thuật đờn ca tài tử.

Sân chim Vàm Hồ

Là một trong những sân chim lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long, sân chim Vàm Hồ thuộc địa bàn huyện Ba Tri, đây là ngôi nhà lớn của hàng trăm ngàn con cò và vạc cùng nhiều loài chim khác. Hệ thực vật nơi đây cũng rất đa dạng với so đũa, đậu ván, dừa nước, chà là, ô rô, rau muống…

Làng hoa kiểng Cái Mơn

Làng hoa kiểng Cái Mơn là một vựa hóa lớn của miền Tây Nam Bộ, hàng năm nơi đây cung cấp hàng trăm ngàn giỏ hoa đi khắp các vùng miền của tổ quốc. Cái Mơn còn là vùng cây ăn trái chủ lực của tỉnh Bến Tre với trái sầu riêng Cái Mơn nức tiếng xa gần. Nhà thờ Cái Mơn cũng là một công trình kiến trúc tôn giáo tuyệt đẹp với lịch sử hàng trăm năm.

Khu di tích cụ Nguyễn Đình Chiểu

Cụ đồ Chiểu là danh nhân văn hóa nổi tiếng bậc nhất của vùng đất Nam Bộ với những tác phẩm văn học nói về đề tài đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Khi cụ mất đi người dân nơi đây lập đền thờ và trải qua nhiều đợt trùng tu khu di tích cụ Nguyễn Đình Chiểu đã trở nên khang trang và đẹp mắt hơn rất nhiều, đây trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách khi đến với Bến Tre.

Ba Tri

Ba Tri là một huyện miền biển cách trung tâm thành phố Bến Tre chừng 40km về phía Đông, nơi đây là vùng đất của nhiều chứng nhân lịch sử và các công trình kiến trúc nghệ thuật như: di tích mộ Võ Trường Toản, di tích nhà ông Nguyễn Văn Cung, mộ cụ đồ Chiểu, khu lưu niệm đốc binh Phan Ngọc Tòng, làng nghề bánh phồng Phú Ngãi, làng cá khô An Thủy…

Ăn gì khi đến Bến Tre?

Bánh canh bột xắt

Nguyên liệu chính của món ăn này chính là bột gạo nhưng bột được cán rồi xắt thàng từng cọng, thông thường bánh canh bột xắt được nấu với thịt vịt chấm nước mắm gừng. Nước dùng của món ăn này có màu trắng đục nên rất dễ phân biệt với các món ăn khác của Bến Tre.

Cháo cua đồng

Món ăn dân dã có từ thời khẩn hoang Nam Bộ, vùng đất màu mỡ này cua đồng không bao giờ thiếu, món cháo cua đồng phải nấu trong nồi gạch thì mới phát huy hết được hương vị của món ăn độc đáo này. Ngoài ra đi kèm với nó còn có cá, thịt, nấm, trưng vịt, tôm khô để nước ngọt và đậm đà hơn.

Bánh xèo ốc gạo

Cồn Phú Đa của huyện Chợ Lách là nơi nổi tiếng với con gốc gạo chắc nịch, thơm ngon, trong đó thời điểm tháng 4-5 âm lịch là lúc con ốc gạo xuất hiện dày đặc nhất. Ốc gạo có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như luộc, nấu cháo, xào ốc xúc bánh đa trong đó bánh xèo là món tiêu biểu nhất. Thịt ốc được dùng làm phần nhân, cuốn bánh xèo ốc gạo với các loại rau sống chấm với nước mắm chua ngọt thì còn gì bằng.

Đuông dừa

Đuông dừa chính là con sâu dừa, chuyên ăn phần củ hủ dừa ngon ngọt ở trên ngọn cây, con đuông dừa béo múp là nguồn nguyên liệu bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn như đuông dừa chiên bột hoặc chiên giòn. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là đuông dừa chấm nước mắm.

Báng tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc

Đây chính là hai đặc sản hàng đầu của vùng đất Bến Tre, bánh tráng Mỹ Lồng là loại bánh tráng dừa béo ngậy, khi ăn nướng lên tỏa mùi thơm phức. Còn bánh phồng Sơn Đốc được làm từ gạo nếp, thoang thoảng hương dừa thơm nhẹ, khi nướng bánh sẽ phồng to lên nhìn rất bắt mắt.

Chuột dừa

Khác với loài chuột đồng chuyên ăn lúa thì chuột dừa Bến Tre thức ăn chính của chúng là những trái dừa tươi vì thế thịt chuột nơi đây có vị ngọt, thơm nhẹ mùi dừa. Chuột dừa được chế biến thành nhiều món như nướng trên than hồng, nấu cà ri nhưng ngon nhất vẫn là chuột dừa hấp trong nồi cơm sau đó xé thịt ra chấm với muối tiêu chanh.