X

Bạc Liêu

Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phía bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía đông bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, tây bắc giáp Kiên Giang, tây và tây nam giáp Cà Mau, đông và đông nam giáp biển với 56 km bờ biển.

Mã vùng điện thoại: 0781

Biển số xe: 94

Tổ chức hành chính: Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính, bao gồm 1 thành phố (thành phố Bạc Liệu) và 6 huyện (Hồng Dân, Hòa Bình, Giá Rai, Phước Long, Vĩnh Lợi, Đông Hải).

Khí hậu:Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô (mùa nắng) bắt đầu từ tháng 10-11 năm trước đến tháng 4 – 5 năm sau; mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 – 5 đến tháng 10 – 11. Nhiệt độ trung bình năm 28,50C, nhiệt độ thấp nhất trong năm là 210C (vào mùa mưa), nhiệt độ cao nhất trong năm là 360C (vào mùa nắng).

Diện tích: 2.468,7 km²

Dân số: Dân số tỉnh Bạc Liêu năm 2011 là 873.300 người. Mật độ: 354 người/km².

Thành phần dân tộc: Việt, Hoa, Chăm, Khmer.

Tên gọi Danh xưng “Bạc Liêu”, đọc theo tiếng Trung, giọng Triều Châu là Pô Léo, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Pô phát âm theo tiếng Hán Việt là “Bạc” và Léo phát âm là “Liêu”. Một giả thuyết khác cho rằng: Pô là bót, đồn. Liêu là Lào (Ai Lao) theo tiếng Khơme, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào. Còn người Pháp, họ căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu nên gọi vùng đất này là Phêcheri – chaume (đánh cá và cỏ tranh). Ngoài ra còn một số giả thuyết khác.

Lịch sử

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bạc Liêu vẫn ngày càng trù phú do phù sa bồi lấn ra biển và hơn hết là nhờ sự “chung sức, đồng lòng” dựng xây quê hương của ba dân tộc Kinh, Khơme và Hoa. Năm 1680, Mạc Cửu, một di thần nhà Minh ở Trung Quốc đến vùng Mang Khảm chiêu tập một số lưu dân người Việt, người Hoa cư trú ở Mang Khảm, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Luống Cày (Lũng Kỳ), Hưng úc (tức Vũng Thơm hay Kompong som), Cần Bột (Campốt) lập ra những thôn xóm đầu tiên trên vùng đất Bạc Liêu.

Năm 1708, Mạc Cửu dâng vùng đất Mang Khảm cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên toàn bộ thôn xóm vùng này là trấn Hà Tiên, phong Mạc Cửu là Tổng binh trấn Hà Tiên, với tước Cửu Ngọc Hầu. Mạc Cửu lập dinh trại đồn trú tại Phương Thành, nhân dân quy tụ ngày càng đông.

Năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát thu nhập thêm vùng đất Ba Thắc, lập ra Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Sóc Trăng, Bạc Liêu). Toàn bộ vùng đất phương Nam thuộc về chúa Nguyễn. Đến năm 1777, Trấn Giang, Trấn Di được bãi bỏ. Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi.

Năm 1808, trấn Gia Định đổi là thành Gia Định cai quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Thanh (tức Vĩnh Long), Hà Tiên. Năm 1832, vua Minh Mạng bỏ thành Gia Định, chia Nam Kỳ thành lục tỉnh: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, bao gồm đất từ Hà Tiên đến Cà Mau. Phần đất tỉnh An Giang, tính từ Châu Đốc đến Sóc Trăng và Bạc Liêu tính đến cửa biển Gành Hào.

Ngày 5-1-1867, thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ. Đến ngày 5-6-1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 24 khu tham biện (inspection – có người dịch là khu thanh tra) do các viên thanh tra hành chính (inspecteur) đảm nhiệm. Năm 1877, Pháp điều chỉnh Nam Kỳ còn 20 khu tham biện. Đến ngày 18-12-1882, Pháp cắt 3 tổng: Quảng Long, Quảng Xuyên, Long Thuỷ của đại lý (Dlégation) Cà Mau thuộc địa hạt Rạch Giá (Arrondissement de Rach Gia) và hai tổng Thạnh Hoà, Thạnh Hưng của đại lý Châu Thành thuộc địa hạt Sóc Trăng và thành lập địa hạt Bạc Liêu (Arrondissement de Bạc Liêu).

Địa hạt Bạc Liêu là địa hạt thứ 21 của Nam Kỳ, lúc đầu có 2 đại lý: Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu. Ngày 20-12-1899, toàn quyền Đông Dương ký sắc lệnh bỏ xưng danh địa hạt, đổi thành tỉnh, đại lý đổi thành quận. Ngày 1-1-1900, sắc lệnh trên được áp dụng cho toàn Nam Kỳ. Năm 1904, quận Vĩnh Lợi cắt một phần đất phía bắc nhập thêm vào quận Vĩnh Châu. Diện tích của tỉnh Bạc Liêu lúc này là 740 nghìn ha.

Năm 1918, chính quyền thực dân Pháp cắt một phần đất phía nam quận Vĩnh Lợi và một phần đất phía bắc quận Cà Mau thành lập quận Giá Rai. Ngày 25-10-1955, Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh số 143/NV phân định lại địa phận hành chính các tỉnh miền Nam, sáp nhập các quận Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu vào Sóc Trăng, thành lập tỉnh Ba Xuyên. Toàn bộ vùng đất quận Cà Mau lập thành tỉnh An Xuyên.

Ngày 8-9-1964, Ngụy quyền Sài Gòn ký Sắc lệnh số 254/NV tái lập tỉnh Bạc Liêu gồm các quận: Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu và Phước Long (Rạch Giá). Địa phận này tồn tại cho đến ngày 30-4-1975. Về phía chính quyền cách mạng: việc phân chia địa giới hành chính tỉnh Bạc Liêu trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ khác hẳn chính quyền Sài Gòn.

Năm 1947, quận Hồng Dân thuộc tỉnh Rạch Giá giao hai làng Vĩnh Hưng, Vĩnh Phú về quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Năm 1948, tỉnh Bạc Liêu giao quận Vĩnh Châu và làng Hưng Hội về tỉnh Sóc Trăng, đồng thời thành lập thêm quận mới lấy tên là quận Ngọc Hiển. Ngày 13-11-1948, cắt 2 làng Vĩnh Trạch, Vĩnh Lợi để thành lập thị xã Bạc Liêu. Cùng thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng giao làng Châu Thới về Bạc Liêu. Làng Châu Thới hợp nhất với làng Long Thạnh thành làng Thạnh Thới.

Năm 1951, thành lập thêm huyện Trần Văn Thời, gồm các xã: Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Trần Hợi, Hưng Mỹ, Khánh An, Khánh Lâm. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận hai huyện An Biên, Hồng Dân của tỉnh Rạch Giá. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1955, huyện Vĩnh Châu được đưa về tỉnh Bạc Liêu, huyện An Biên và huyện Hồng Dân đưa về tỉnh Rạch Giá. Huyện Vĩnh Lợi và thị xã Bạc Liêu được tái lập.

Năm 1957, Liên Tỉnh uỷ miền Tây chia các huyện Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu về tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định hợp nhất huyện Vĩnh Châu và huyện Vĩnh Lợi, thành huyện Vĩnh Lợi – Vĩnh Châu. Năm 1962, huyện Giá Rai sáp nhập vào tỉnh Cà Mau. Năm 1963, Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định tách huyện Vĩnh Châu khỏi huyện Vĩnh Lợi – Vĩnh Châu, thành lập huyện Vĩnh Châu.

Tháng 11-1973, Khu uỷ Tây Nam Bộ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu, gồm 4 đơn vị hành chính cấp huyện: Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân và thị xã Bạc Liêu. Vào đầu năm 1976, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam hợp nhất hai tỉnh Bạc Liêu – Cà Mau thành tỉnh Bạc Liêu – Cà Mau, đến gần giữa năm 1976 tỉnh Bạc Liêu – Cà Mau đổi tên thành tỉnh Minh Hải. Ngày 1-1-1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ hai và giữ nguyên cho đến ngày nay. (Nguồn: Bạc Liêu Thế và Lực trong thế kỷ XXI).

Điểm du lịch ở Bạc Liêu

Nhà công tử Bạc Liêu

Công tử Bạc Liêu có lẽ là một trong những con người huyền thoại nhất của vùng đất Nam Bộ với hàng trăm ngàn câu chuyện được thêu dệt nên. Sự giàu có xa hoa của gia tộc này có thể nhận biết phần nào đó thông qua ngôi biệt thự của họ ở trung tâm thành phố Bạc Liêu. Nhà được xây theo kiểu biệt thự Pháp, đường nét cổ kính, cầu kì và rất sang trọng. Ngày nay nó được bảo tồn và trở thành khách sạn Công tử Bạc Liêu thu hút hàng chục ngàn du khách mỗi năm.

Chùa Phật Bà Nam Hải

Nằm tại phường Nhà Mát của tỉnh Bạc Liêu, chùa Phật Bà Nam Hải là một công trình kiến trúc tâm linh rất đẹp và trang nghiêm. Sừng sững trong khuôn viên rộng lớn là tượng Phật Bà với chiều cao 11m, mặt hướng về biển Đông với niềm tin bà sẽ là người che chở, phù hộ cho ngư dân Bạc Liêu trong những chuyến hải trình trên biển.

Nhà thờ Tắc Sậy

Đây là nơi yên nghỉ của cha Trương Bửu Diệp, người được rất nhiều tín đồ công giáo ở miền Nam yêu quý và kính trọng. Nhiều người dân và du khách cũng đã tìm đến đây để tìm lấy sự bình an, yên lành từ phép mầu của đức cha.

Chùa Xiêm Cán

Đây là một trong những ngôi chùa Khmer đẹp nhất của đồng bằng sông Cửu Long tọa lạc trên diện tích gần 50.000m2. Chùa được xây dựng từ thế kỉ XIX với màu vàng đặc trưng của kiến trúc Khmer. Những hình ảnh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Khmer như rắn thần Naga, chim thần Garuda được khắc họa rất chi tiết và chân thực. Không gian của chùa cực kì yên tĩnh và trang nghiêm.

Ẩm thực Bạc Liêu có gì hấp dẫn?

Bánh tằm ngan dừa

Đây là món ăn chơi nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Bạc Liêu, bánh tằm được làm từ bột gạo khuấy chín sau đó sẽ thành sợi rồi đem hấp, bánh được ăn kèm với xíu mại, nước dừa, bì xắt nhỏ, đậu phộng, rau sống và món bánh tằm ngon nhất là ở thị trấn Ngan Dừa.

Bún bò cay

Tuy là món ăn được du nhập từ vùng đất miền Trung nhưng bún bò đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân miền tây, món bún bò cay được nấu với sa tế ở Bạc Liêu mang một hương vị rất khác biệt, chắc chắn nó sẽ làm du khách thích thú khi dùng thử.

Bánh canh tôm nước dừa

Món bánh canh tôm tươi nước dừa với những nguyên liệu quen thuộc như bánh canh, tôm bóc vỏ, nước cốt dừa. Nước dùng được ninh từ sườn non với nước dừa tươi nên có vị ngọt đậm đà, tôm bóc vỏ xào với gia vị cho chín tới sau đó cho bánh canh vào. Món ăn càng đẹp mắt hơn nữa khi có chút hành ngò ở phía trên.

Bánh củ cải

Món bánh củ cải được làm từ bột mì pha với bột củ cải trắng và khâu pha bột đóng vai trò quan trọng để khi bánh chín và nguội không quá mềm hoặc nhão. Nhân bánh là gồm có tôm đập giập, thịt heo trộn đậu xanh đã được làm chín. Ăn kèm với nó là nước tương chua ngọt và các loại rau sống.

 Bồn bồn 

Đây là một trong những đặc sản nức tiếng nhất của tỉnh Bạc Liêu, và Giá Rai là nơi có món bồn bồn ngon nhất trong tỉnh. Bồn bồn thường dùng để trộn gỏi tôm thịt hoặc xào lên, nấu canh làm lẩu đều rất ngon.

Ba khía

Ba khía nhìn sơ qua có vẻ giống với họ nhà cua nhưng kích thước nhỏ hơn rất nhiều và sống ở vùng nước lợ. Ba khía làm mắm là món ăn độc đáo của người dân miền tây thường ăn kèm với cơm cháy. Món bá khía luộc chấm với muối tiêu chanh cũng ngon không kém.