Bắc Kạn là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía nam giáp tỉnh Thái Nguyên và phía tây giáp tỉnh Tuyên Quang.
Mã vùng điện thoại: 281
Biển số xe: 97
Tổ chức hành chính: Tỉnh Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính gồm 1 thị xã (Thị xã Bắc Kạn) và 7 huyện (Huyện Ba Bể, Huyện Bạch Thông, Huyện Chợ Đồn, Huyện Chợ Mới, Huyện Na Rì, Huyện Ngân Sơn, Huyện Pác Nặm).
Khí hậu: Bắc Kạn có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nhưng có sự phân hoá theo độ cao của địa hình và hướng núi. Với chế độ nhiệt đới gió mùa, một năm ở Bắc Kạn có hai mùa rõ rệt: mùa mưa nóng ẩm từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 70 – 80% lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 20 – 25% tổng lượng mưa trong năm, tháng mưa ít nhất là tháng 12.
Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20 – 220C. Khí hậu Bắc Kạn có sự phân hoá theo mùa. Mùa hạ nhiệt độ cao, mưa nhiều. Mùa đông nhiệt độ thấp, mưa ít và chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc.
Diện tích: 4.859,4 km²
Dân số: Dân số năm 2011 là 298.700 người. Mật độ dân số: 61 người/km².
Thành phần dân tộc: Tày, Kinh, H’Mông, Dao.
Lịch sử:
Bắc Kạn, dưới chế độ phong kiến, thực dân
Theo các nguồn sử liệu, Bắc Kạn thời thượng cổ là phần đất của nước Xích Quỷ, sau được tách ra thành vương quốc Thụy Đến. Khi Nhà nước Văn Lang ra đời, các Vua Hùng chia nước thành 15 bộ, vùng đất Bắc Kạn thuộc bộ Vũ Định. Dưới thời Bắc thuộc, đời Hán, đất Bắc Kạn thuộc huyện Long Biên. Đến đời Đường, Bắc Kạn thuộc huyện Tân Xương, Châu Phong.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt một ngàn năm Bắc thuộc, tập đoàn phong kiến Việt Nam ra đời. Phát huy tính tiên phong trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng bước hoàn chỉnh bộ máy quản lý nhà nước, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước Đại Việt. Đời nhà Lý chia nước thành 24 lộ, địa giới Bắc Kạn thuộc các lộ Cảm Hoá, Vĩnh Thông, Hạ Nông. Đến đời nhà Trần chia nước làm 12 lộ, 4 trấn và 14 huyện, Bắc Kạn nằm trong trấn Thái Nguyên. Khi nhà Minh xâm lược Việt Nam, chúng chia nước ta làm 15 phủ, 31 châu, 31 huyện, trấn Thái Nguyên đổi thành phủ Thái Nguyên gồm 11 huyện, Bắc Kạn nằm trong địa phận 3 huyện Cảm Hoá, Vĩnh Thông, Long Thạch.
Kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, vua Lê Thái Tổ lập lại chủ quyền, bờ cõi vẫn như cũ. Đến thời Lê Thánh Tông – năm Quang Thuận thứ 7 (năm 1466), bản đồ nước ta chia thành 12 đạo thừa tuyên, phủ Thái Nguyên đổi thành thừa tuyên Thái Nguyên. Đến năm Quang Thuận thứ 10 (năm 1496), Vua Lê Thánh Tông đổi thừa tuyên Ninh Sóc thành Thái Nguyên thừa tuyên gồm 3 phủ, 8 huyện, 7 châu. Bắc Kạn nằm trong phần đất phủ Thông Hoá.
Đến thời Nguyễn, năm Gia Long nguyên niên (năm 1802), vua Nguyễn Thế Tổ đổi Thái Nguyên thừa tuyên thành trấn Thái Nguyên. Năm Minh Mạng thứ 12 (năm 1831), vua Nguyễn Thánh Tổ đổi trấn Thái Nguyên thành tỉnh Thái Nguyên. Đất Bắc Kạn nằm trong tỉnh Thái Nguyên, về cơ bản vẫn thuộc phủ Thông Hoá. Có thể nói, dưới chế độ phong kiến, Thái Nguyên, trong đó có phần đất Bắc Kạn được coi là “miền quan yếu”, có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự ở phía Bắc Kinh thành Thăng Long.
Thực dân Pháp xâm lược, sau khi đánh chiếm và đặt bộ máy cai trị trên địa phận tỉnh Thái Nguyên, chúng đã nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính. Theo nghị định ngày 20-8-1891 và nghị định ngày 9-9-1891 của Toàn quyền Đông Dương, khu vực Bắc Kạn thuộc hai đạo quan binh. Phần phía Đông và Nam thuộc tiểu quân khu Thái Nguyên, đạo quan binh I. Phần phía Bắc thuộc tiểu quân khu Lạng Sơn, đạo quan binh II. Ngày 11-4-1900, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định lấy phần đất phủ Thông Hoá lập ra tỉnh Bắc Kạn gồm các châu Bạch Thông, Chợ Rã, Cảm Hoá (sau đổi thành Na Rì), Thông Hoá (sau đổi thành Ngân Sơn). Tiếp đó, ngày 25-6-1901, Toàn quyền Đông dương lại ra nghị quyết tách tổng Yên Đĩnh thuộc huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên nhập vào châu Bạch Thông. Năm 1916, theo nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ tách một số tổng của châu Bạch Thông, Chợ Rã và tổng Định Biên Thượng của châu Định Hoá tỉnh Thái Nguyên lập thành châu Chợ Đồn. Vào thời gian đó, tỉnh Bắc Kạn có 5 châu, 20 tổng và 103 xã.
Để đẩy mạnh công cuộc khai thác, bóc lột thuộc địa một cách có hệ thống trên quy mô lớn, thực dân Pháp đã tăng cường sức mạnh bộ máy cai trị. Vì thế, phong trào kháng Pháp đã diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc, trong đó đồng bào các dân tộc ở Bắc Kạn cũng có nhiều đóng góp tích cực. Năm 1904, đồng bào Dao ở hai xã Tân Sơn, Cao Sơn (Bạch Thông) nổi dậy chống chính sách s¬u thuế nặng nề của đế quốc, phong kiến. Năm 1914, ngay tại thị xã Bắc Kạn, các tù nhân yêu nước cùng với binh lính khố xanh có tinh thần dân tộc do Lý Thảo Long cầm đầu đã nổi dậy phá nhà lao, phá kho vũ khí của địch để trang bị cho nghĩa quân. Đây là cuộc nổi dậy có tiếng vang, thúc giục lòng yêu nước, tinh thần quật khởi của nhân dân trong vùng. Điều đặc biệt mới mẻ trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX ở Bắc Kạn, Thái Nguyên là đã có sự tham gia của giai cấp công nhân. Trong những năm 1920 – 1925, do chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp, Bắc Kạn trở thành một trong những địa phương đứng đầu về công nghiệp khai thác mỏ ở Bắc Kỳ, đồng thời là nơi tập trung nhiều công nhân, góp phần không nhỏ cho sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho nhiều người yêu nước tới hoạt động. Trong đó, Phạm Hồng Thái – một trong những nhân vật bất tử của cách mạng Việt Nam, người đã ném tạc đạn mưu sát Toàn quyền Đông dương Méclanh ở Sa Diện (Quảng Châu) – đã từng là công nhân khai thác mỏ ở Bắc Kạn, Thái Nguyên.
Bắc Kạn trong các thời kỳ cách mạng, kháng chiến
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập. Trong quá trình vận động cách mạng, tỉnh Bắc Kạn đã vinh dự là một trong những tỉnh nằm trong khu giải phóng Việt Bắc, là nơi “Nước Việt Nam mới phôi thai”.
Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn được giác ngộ đã sớm giành được chính quyền, Bắc Kạn là thị xã đầu tiên trong cả nước được giải phóng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thị xã Bắc Kạn được mệnh danh là “Thủ đô kháng chiến”. Tỉnh Bắc Kạn được Trung ương Đảng chọn xây dựng thành khu an toàn (ATK), căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Với vai trò là căn cứ địa cách mạng, Bắc Kạn hết lòng cưu mang đùm bọc đồng bào; giúp đỡ bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, kho tàng của Trung ương sơ tán; bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước…
Khi chiến sự lan rộng đến địa phương, quân và dân Bắc Kạn đã tiến hành tiêu thổ kháng chiến với chiến lược “vườn không, nhà trống”, phá huỷ giao thông và tham gia cùng bộ đội chủ lực đánh địch. Trong chiến dịch Việt Bắc (Thu – Đông năm 1947), suốt hai năm đánh địch trên mặt trận đường số 3 nổi tiếng cũng như quá trình tiễu phỉ bảo vệ quê hương, nhiều gương chiến đấu hy sinh oanh liệt được cả nước biết đến, nhiều tên núi, tên sông đã trở thành địa danh lịch sử, gắn với những chiến công hiển hách như Phủ Thông, Đèo Giàng… Cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta buộc thực dân Pháp phải rút chạy, Bắc Kạn trở thành tỉnh đầu tiên được giải phóng. Sự kiện lịch sử vẻ vang này được Đảng đánh giá cao, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Trong thư, Bác đã khẳng định “Cuộc thắng lợi này sẽ làm đà cho những thắng lợi khác to lớn hơn, vẻ vang hơn”.
Sau ngày được giải phóng (tháng 8 năm 1949), nhân dân các dân tộc Bắc Kạn hăng hái khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tích cực đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Một năm sau ngày giải phóng, Bắc Kạn trở thành địa phương dẫn đầu trong phong trào thi đua kháng chiến kiến quốc. Năm 1950, Bắc Kạn được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, được vinh dự giữ Cờ luân lưu “Đơn vị có phong trào thi đua khá nhất” do Hồ Chủ tịch trao tặng.
Với vai trò và nhiệm vụ là căn cứ địa cách mạng, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã dồn sức chi viện cho tiền tuyến. Trong hơn tám năm kháng chiến, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã đóng góp hơn 3 triệu ngày công trực tiếp phục vụ chiến đấu. Các đoàn thể chính trị, nhất là Hội Phụ nữ đã thành công trong việc phát động phong trào toàn dân xây dựng lực lượng vũ trang. Trong hai năm 1952 – 1953, phong trào hũ gạo nuôi quân và mùa đông binh sĩ đã ủng hộ bộ đội hơn 2.000 tấn l¬ương thực, 2.633 chiếc chăn và áo ấm. Hàng nghìn thanh niên con em các dân tộc đã lên đường nhập ngũ. Nhiều đơn vị bộ đội địa phương, du kích tập trung đã lập công xuất sắc, được phong tặng nhiều huân chương, huy chương và danh hiệu cao quý, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn luôn thực hiện tốt vai trò tỉnh căn cứ địa, nhiều đơn vị, cá nhân lập công xuất sắc, được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày 2-10-2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn. 5 huyện, thị xã Bắc Kạn và 17 xã trong tỉnh cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bắc Kạn trong quá trình xây dựng và đổi mới
Để đáp ứng yêu cầu là hậu phương lớn chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, ngày 21-4-1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra Quyết định số 103/NĐ-TVQH thành lập tỉnh Bắc Thái trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ngày 14-4-1967, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 50/CP đổi thị xã Bắc Kạn thành thị trấn Bắc Kạn trực thuộc huyện Bạch Thông. Ngày 29-12-1978, kỳ họp Quốc hội thứ tư khoá VI đã quyết định phân địa giới Bắc Thái và Cao Bằng, tách 2 huyện Ngân Sơn và Chợ Rã của tỉnh Bắc Thái nhập vào tỉnh Cao Bằng.
Ngày 16-7-1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 262/HĐBT “Giải thể thị trấn Bắc Kạn thuộc huyện Bạch Thông để thành lập thị xã Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Thái”.
Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngày 6-11-1996, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ mười đã phê chuẩn việc chia lại địa giới hành chính của một số tỉnh. Trong đó, tỉnh Bắc Thái được chia thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.
Ngày 1-1-1997, tỉnh Bắc Kạn chính thức được tái lập. Các huyện Ngân Sơn, Ba Bể (Chợ Rã) tái nhập lại vào tỉnh Bắc Kạn. Tháng 8-1998, thành lập thêm huyện Chợ Mới trên cơ sở tách từ phần đất phía Nam huyện Bạch Thông. Ngày 28-5-2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2003/NĐ-CP về việc thành lập huyện Pắc Nặm trên cơ sở tách huyện Ba Bể. Như vậy, trải qua không ít những thay đổi về địa dư hành chính, hiện nay, tỉnh Bắc Kạn được chia làm 8 đơn vị hành chính bao gồm 7 huyện (Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì, Pắc Nặm) và thị xã Bắc Kạn.
Phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang, trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đã không ngừng phấn đấu vươn lên khắc phục khó khăn, giành được nhiều thành tựu mới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội, nhanh chóng đưa Bắc Kạn tiến kịp các tỉnh miền xuôi.