X

Du lịch bụi Vũng Tàu

Vũng Tàu là thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, vùng Đông Nam Bộ. Vũng Tàu nằm phía Nam của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ba mặt giáp biển với chiều dài bán đảo 20km, còn lại phía Bắc giáp thị xã Bà Rịa.

Khoảng cách: Vũng Tàu cách Tp.Hồ Chí Minh 120km.

Tổ chức hành chính: Vũng Tàu gồm 16 phường : 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Rạch Dừa, Nguyễn An Ninh, và xã đảo Long Sơn.

Diện tích: 149,65km2

Dân số:
Dân số (năm 2007) : 278.188 người. Mật độ dân số năm 2007 : 1.859 người/km2.

Khí hậu: Nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình trong năm: 26-280C. Có 2 mùa : Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4

Lịch sử
Vũng Tàu từng có tên là Tam Thắng để ghi lại sự kiện thành lập ba làng đầu tiên ở đây: Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam. Chữ tam Thắng là biến âm của Tam Thoàn ( tức Tam Thuyền ). Đây là ba chiếc thuyền do ba viên đội chỉ huy bảo vệ bà con đường thuỷ vào Gia Định chống lại bọn cướp biển. Vào năm 1822 vua Minh mạng ban thưởng phẩm hàm và cấp đất cho họ khai khẩn lập làng làm ăn sinh sống. Đội thuyền thứ nhất do ông Phạm Đăng Dinh chỉ huy lập nên làng Thắng Nhất, đội thuyền thứ hai do ông Lê Văn Lộc chỉ huy lập nên làng Thắng Nhì, đội thuyền thứ ba do ông Ngô văn Huyền chỉ huy lập nên làng Thắng Tam.
Để nhớ ơn ông Phạm Văn Dinh là người đã lập ra khu đất này, người ta đã lấy tên ông đặt cho con sông duy nhất ở Vũng Tàu: sông Dinh và tên một dãy núi: núi Dinh ( Ngoài ra còn có một giải thích khác về tên của dãy núi Dinh: núi Dinh là núi Kho, thế kỷ XVIII các tướng lĩnh của chúa Nguyễn ánh xây dựng doanh trại trên núi này và Dinh còn có nghĩa là doanh trại. Dãy núi Dinh gồm các ngọn núi Dinh, ông Trịnh, Thị Vải. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ( thời Tự Đức 1829 – 1883 ) viết: “Vùng đất này xưa thuộc Phước nam Thắng cách Phước Thọ 31 dặm về phía Tây – Nam, là một mũi đất càng nhô ra biển càng lớn.
Phía Bắc mũi đất ôm giếng Ngọc, phía nam nối tiếp tới ghềnh Rái và che chở cho biển Cần Giờ một vịnh lớn được hình thành bởi các dòng sông, chảy ra biển, là chố yên ổn cho tàu thuyền trú ngụ…”. Hẳn do địa hình như vậy nên Vũng Tàu còn có một cái tên khác là Thuyền áo ( áo của Thuyền ). Trong bản đồ dinh Trấn Biên của các chúa Nguyễn ( Thế kỷ XVII ) của cuốn Biên Hoà Lược sử toàn biên, Vũng Tàu ngày nay đã được ghi là Thuyền áo.
Đầu thế kỷ XVI trên bản đồ thế giới, Vũng Tàu có tên là : Cinco Chagas Veirdareiras ( Năm vết thương của chúa cứu thế ), sở dĩ họ gọi như vậy vì nơi đây có năm ngọn núi, người đi biển dễ nhận thấy từ ngoài xa, biểu tượng của niềm vui, của sự cứu giúp đối với họ. Các bản đồ hàng hải của người Bồ Đào Nha đều ghi Vũng Tàu là Cinco Chagas Veirdareiras. Nhưng khi cuốn hải trình nổi tiếng “Biển Phương Đông” (La Neptune Oriental) của một nhà hàng hải Pháp ra đời thì nó lại có tên là Cap Saint Jacques, có người giải thích đó là do cách đọc của các thuỷ thủ Châu Âu nên Cinco Chagas trở thành Silkei Chagas và cuối cùng là Saint Jacques.
(Theo nhà văn Nguyễn Tuân, Saint Jacques là tên một loài sò quen thuộc với người Pháp – Coquille Saint Jacques có mặt tại vùng biển này). Trong thời Pháp thuộc Vũng Tàu có một cái tên khác là Ô Cấp hoặc Cấp.
Ô Cấp là phiên âm của tiếng Pháp au Cap trong câu Aller au Cap (đi ra mũi đất). Ô Cấp lúc đầu dùng để chỉ cả vùng đất Vũng Tàu. Khi nói đến Vũng Tàu hay Ô Cấp, nếu để ý đến ngữ nghĩa của các từ sẽ thấy Vũng Tàu không giống như Ô Cấp, bởi Vũng Tàu là vùng nước sâu để cho thuyền đậu, còn Ô Cấp là mũi đất chạy nhô ra biển.
Nhưng chúng đều được dùng chung để chỉ một vùng đất vùng biển. Ở đây khác nhau chỉ là cách đặt tên thao mũi đất chỗ lồi hướng ra biển, người phương Đông đặt tên theo vũng chỗ lõm (hướng vào đất liền), thể hiện một tâm lý nào đó về cách nhìn ra thế giới bên ngoài.
Ngày 10 tháng 2 năm 1859 tức mồng 8 Tết Kỷ Mùi, quan quân nhà Nguyễn đã khai hỏa lần đầu tiên những khẩu súng thần công đặt ở pháo đài Phước Thắng, cao 30 m và cách bờ biển Bãi Trước gần 100 m, bắn vào đoàn chiến thuyền của liên quân Pháp-Tây Ban Nha do tướng Rigault de Genouilly chỉ huy trên đường vào xâm lược Nam Kỳ, mở đầu cuộc kháng chiến chống quân Pháp ở Nam Kỳ. Trong trận này Thống chế Trần Đồng, Tổng chỉ huy lực lượng thủy lục quân nhà Nguyễn đã hy sinh.
Năm 1876 Vũng Tàu thuộc tiểu khu Bà Rịa, nằm trong khu vực hành chánh Sài Gòn, theo nghị định phân chia hành chính của thực dân Pháp.
Ngày 1 tháng 5 năm 1895 Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định tách thị xã Cap Saint Jacques ra khỏi tiểu khu Bà Rịa để lập thành phố tự trị Cap Saint Jacques. Đến ngày 20 tháng 1 năm 1898, Cap Saint Jacques hợp nhất trở lại với tiểu khu Bà Rịa, đến năm 1899 lại tách ra thành hai đơn vị hành chính độc lập. Ngày 14 tháng 1 năm 1899thành phố tự trị Cap Saint Jacques thành lập tổng Vũng Tàu gồm 7 xã.
Năm 1901, dân số Vũng Tàu là 5.690 người, trong đó có gần 2.000 người di cư từ miền Bắc vào, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản.
Ngày 1 tháng 4 năm 1905 theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương, Cap Saint Jacques không còn là thành phố tự trị và trở thành đại lý hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa.
Năm 1929 Cap Saint Jacques trở thành tỉnh riêng, rồi đến năm 1935 tỉnh Cap Saint Jacques lại hạ cấp xuống thành thành phố. Năm 1947 tái lập tỉnh với tên Vũng Tàu gồm cả quận Cần Giờ của tỉnh Gia Định nhập vào, nhưng đến năm 1952 lại giải thể tỉnh, hạ thành thị xã. Ngày 22/10/1956 giải thể thị xã Vũng Tàu, chuyển thành quận thuộc tỉnh Phước Tuy. Đến 08/09/1964 thành lập thị xã Vũng Tàu trực thuộc chính quyền trung ương cho đến 30/04/1975.

Theo Du lịch Vũng Tàu