X

Điểm thăm quan du lịch tại Côn Đảo

Khu vực An Hải, Lò Vôi:
Thuộc đảo Côn Sơn nằm gần thị trấn Côn Đảo, nằm ngoài vườn quốc gia. Tổng diện tích 2 khu vực khoảng 16,3 ha,
Đặc điểm địa hình: Độ cao trung bình dưới 200 m; độ dốc trung bình dưới 80, thuộc cấp phòng hộ xung yếu. Các bãi biển điển hình:
– Bãi An Hải: Bãi An Hải nằm ngay trung tâm huyện Côn Đảo. An Hải có dải cát trắng trải dài xa ngút tầm mắt, là nơi tắm lý tưởng của du khách khi đến nghỉ dưỡng và khám phá cảnh quan thiên nhiên Côn Đảo. Từ trung tâm huyện, có thể đi bộ chừng 10 phút là đến bãi biển. Nước biển nơi đây trong xanh như pha lê, biển êm dịu vì được che chắn bởi những ngọn núi cao. Đây là bãi tắm trung tâm và có quy mô lớn nhất của Côn Đảo.
– Bãi Lò Vôi: Bãi Lò Vôi cùng với bãi tắm An Hải ở hai đầu trung tâm huyện tạo cho Côn Đảo một bãi biển tuyệt đẹp, thuận lợi của bãi Lò Vôi là nằm ngay trung tâm huyện, biển êm và nước biển rất trong xanh, bờ biển có dải cát trắng dài và rất sạch, trên bờ là những hàng dương cổ thụ soi bóng rất thích hợp cho du lịch dã ngoại.

Khu vực Bến Đầm:
Nằm ở phía Nam đảo Côn Sơn. Tổng diện tích khu vực khoảng 33,1 ha. Có nhiều phương tiện tàu thuyền hoạt động hỗ trợ du lịch.
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Ở khu vực này có thể xem xét cảng du lịch, làng nghề biển, các dịch vụ hậu cần…

Khu vực Bãi Nhát:
Nằm trên đường chính từ thị trấn Côn Sơn ra Bến Đầm, cách trung tâm huyện khoảng 6 km, hướng ra đảo hòn Bà, diện tích khu vực khoảng 13,6 ha, toàn bộ trong phân khu phục hồi sinh thái. Bãi Nhát có khung cảnh thiên nhiên còn rất hoang sơ, ít chịu sự tác động của con người, bãi biển có những hòn sỏi nhỏ nằm xếp lớp với nhau trông rất đẹp và sạch sẽ, nước biển trong xanh với những ngọn sóng cao xô vào bờ tung bọt trắng xóa.
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Ở khu vực này có thể phát triển Trung tâm huấn luyện thể thao như lặn biển, chèo thuyền, v.v. cơ sở lưu trú và bãi tắm.

Khu vực Bãi Đầm Trầu – Cỏ Ống :
Thuộc đảo Côn Sơn nằm gần sân bay Cỏ Ống, diện tích của khu vực rất nhỏ 3,3 ha, nằm ngoài Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Đặc điểm địa hình: Toàn bộ khu vực này là bãi cát và đất trống cây bụi nên độ cao, độ dốc thấp.
Tài nguyên du lịch là bãi tắm. Bãi Đầm Trầu nằm ngay cạnh sân bay Côn Sơn. Bãi Đầm Trầu với cát vàng rất đẹp mắt, được xem là đẹp nhất trên đảo Côn Sơn và còn rất hoang sơ.
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Tại đây có thể phát triển du lịch tắm biển, nghỉ mát phục vụ cho khu vực Cỏ Ống.

Khu vực Bãi Ông Cường :
Nằm tách biệt khu vực chính của Côn Đảo tại khu vực Cỏ Ống. Tiếp cận bằng đường mòn đi bộ từ sân bay Cỏ Ống khoảng 1km.Tổng diện tích khu vực là 10,2 ha, thuộc phân khu phục hồi sinh thái.
Thuận lợi : Khu vực này độc lập, yên tĩnh, hoạt động du lịch ít bị ảnh hưởng mùa gió chướng.
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Đây là khu vực có thể tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng; nghỉ dưỡng biển độc lập.

Khu vực vịnh Đầm Tre:
Nằm phía Bắc của đảo Côn Sơn tại khu vực Cỏ Ống. Đến Vịnh Đầm Tre bằng con đường mòn đi bộ trong rừng từ sân bay Cỏ Ống khoảng 2,5 km hoặc đi bằng tàu thuyền. Tổng diện tích khu vực là 48,5 ha, toàn bộ trong phân khu phục hồi sinh thái.
Vịnh Đầm Tre là một vịnh khá kín ở phía Bắc đảo Côn Sơn, nơi có hệ sinh thái san hô khá phát triển. Quanh vịnh là thảm rừng ngập mặn chuyển tiếp lên hê sinh thái rừng trên địa hình núi cao. Đây là một trong những điểm DLST hấp dẫn và có giá trị nhất ở VQG Côn Đảo. Đây là vịnh nằm trên đảo trung tâm (Côn Sơn), có thể tổ chức các hoạt động du lịch quanh năm, có đường mòn vào tới vịnh; hệ sinh thái rất đặc trưng như rừng ngập mặn phát triển trên các xác san hô, sinh vật biển; rừng lá rộng thường xanh; tham quan chim yến làm tổ trong mùa sinh sản, chim biển…
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Có thể tổ chức và phát triển các loại hình nghỉ dưỡng cao cấp theo kiểu dạng biệt thự làng nổi; phát triển một “bảo tàng” biển tự nhiên với những “lát cắt” sinh thái điển hình từ biển lên núi; tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái bao gồm tắm biển, lặn có ống thở và bình dưỡng, câu cá, đi bộ trong rừng…

Khu vực Bãi Đất Thắm (bãi Bàng):
Nằm ở phía Tây Bắc đảo Côn Sơn, diện tích khu vực là 9,4 ha, toàn bộ trong phân khu phục hồi sinh thái.
Có đa dạng về thành phần loài thực vật, động vật và sinh vật biển, sinh cảnh rừng đẹp, trạng thái rừng được coi là giàu nhất Côn Đảo nên có nhiều loài quý hiếm như Lát hoa, Găng néo…

Khu vực Bãi Ông Đụng – Bãi San hô:
Nằm ở phía Tây Bắc đảo Côn Sơn., cách trấn Côn Sơn khoảng 4,5 km; diện tích khu vực là 14,6 ha, thuộc phân khu phục hồi sinh thái.
Có vị trí dễ tiếp cận, khu vực này có đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có thể tham quan ngay trên tuyến đường đi; có trạm kiểm lâm và có nước ngọt sinh hoạt.
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Tại bãi Ông Đụng là điểm lý tưởng đã và đang triển khai các hoạt động du lịch như lặn có ống thở, đi thuyền kayaking trên biển, các tuyến đi bộ, tuyến thăm quan tìm hiểu hệ sinh thái đa dạng, cắm trại, câu cá.v.v… Bãi San Hô có khả năng tổ chức cắm trại dã ngoại.

Khu vực bãi Ông Câu:
Nằm ở phía Tây Bắc đảo Côn Sơn, có thể đi bộ từ Rađa xuống bãi Ông Câu hoặc đi canô từ cảng Bến Đầm qua Ông Câu. Diện tích khu vực là 25,8 ha, nằm toàn bộ trong phân khu phục hồi sinh thái.
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Đây là bãi biển nhỏ, có thể để triển khai du lịch gồm tắm biển, các tuyến đi bộ, tuyến thăm quan tìm hiểu hệ sinh thái đa dạng sinh học.

Khu vực Bãi Dài – Bãi Môi:
Nằm ở phía Tây Bắc đảo Côn Sơn, diện tích khu vực là 11,9ha, toàn bộ trong phân khu phục hồi sinh thái.
Gần khu vực Bến Đầm nên dễ tiếp cận, đa dạng sinh học cao, có cảnh quan đẹp.
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Có thể để triển khai du lịch tắm biển, cắm trại, đi bộ, lặn bằng ống khí và tham quan nghiên cứu hệ sinh thái đặc trưng ở khu vực này.

Khu vực Sở Rẫy:
Nằm ở khu vực trung tâm của đảo Côn Sơn, tổng diện tích khu vực khoảng 22,6 ha, toàn bộ trong phân khu phục hồi sinh thái.
Đặc điểm địa hình: độ cao trung bình 260 m so với mặt nước biển. Địa hình tại vị trí khai thác du lịch tương đối bằng phẳng; có cơ sở hạ tầng, nước ngọt và nước mưa, nhiều động thực vật quý hiếm.
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Đây là điểm lý tưởng để triển khai các hoạt động du lịch đi bộ, thăm quan tìm hiểu hệ sinh thái, nghiên cứu các loài thực vật, đặc biệt là những loài quý hiếm.

Khu vực đỉnh núi Thánh Giá:
Nằm ở khu vực phía Tây Nam đảo Côn Sơn. Từ Thị trấn Côn Sơn đến chân núi khoảng 3 km và lên đỉnh núi khoảng 6 km. Tổng diện tích khu vực khoảng 2 ha. Đây là khu vực đất quân sự.
Đặc điểm địa hình: Độ cao trung bình 577 m so với mực nước biển. Độ dốc trung bình 8 – 150. Hệ thống giao thông đi lại thuận lợi, có thể đi bộ hoặc xe lên tới đỉnh núi, là nơi cao nhất ở Côn Đảo.
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Có thể phát triển là thể thao leo núi chinh phục độ cao, vọng cảnh, VCGT cao cấp…

Núi Tàu Đổ (Tàu Bể):
Điểm tài nguyên du lịch này nằm trên sườn núi nhìn ra vịnh Đông Bắc thuộc phân khu phục hồi sinh thái. Từ điểm du lịch này có thể quan sát cảnh quan tuyệt đẹp của vùng vịnh nơi tập trung nhiều giá trị sinh thái biển với nhiều loài thú biển, bò sát biển. Tại đây có thể xây dựng hệ thống lưu trú Eco-lodge với các dịch vụ kèm theo.

Trụ sở VQG Côn Đảo :
Nằm ở phân khu hành chính của VQG, cách trung tâm thị trấn khoảng 10 phút bằng ô tô. Đây là nơi du khách có thể được cung cấp đầy đủ các thông tin về các giá trị sinh thái, đa dạng sinh học và cảnh quan của VQG, tham quan bảo tàng nơi trưng bày tiêu bản các các loài sinh vật quý ở VQG như Rùa biển, Đồi mồi, Cá heo, Dugong, Chim gầm ghì trắng.v.v…; tham quan vườn thực vật.

Hòn Bảy Cạnh:
Hòn Bảy Cạnh là đảo lớn thứ hai sau đảo Côn Sơn với diện tích tự nhiên là 693 ha với đỉnh cao nhất là 352 m. Đảo gồm 2 phần nối với nhau bằng doi cát ở giữa. Trên đảo có nhiều bãi cát như bãi Dương, bãi Cát Lớn, bãi Cát Nhỏ, bãi Xi Măng, bãi Sạn, bãi Bà Độp và bãi Giông. Có thể nói hòn Bảy Cạnh là nơi hội tụ nhiều giá trị sinh thái tự nhiên từ hệ sinh thái san hô, cỏ biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng nhiệt đới trên đảo với nhiều loài động vật như Khỉ đuôi dài, Kỳ Đà, Trăn, v.v. và đặc biệt đây là điểm rùa đẻ lớn nhất, tập trung ở khu vực bãi Cát Lớn với hàng trăm tổ. Đây cũng là nơi duy nhất ở Côn Đảo có ngọn Hải Đăng được xây từ năm 1884 trên độ cao 226 m để hướng dẫn tàu thuyền đi lại qua vùng biển Côn Đảo.
Trên Hòn Bảy Cạnh có 3 khu vực có thể phát triển du lịch:
* Khu vực Bãi Dương: Nằm ở phía Tây hòn Bảy Cạnh. Tổng diện tích khu vực khoảng 29,8 ha.Nằm ở độ cao trung bình dưới 200 m so với mực nước biển; độ dốc trung bình 8 – 150; thuộc cấp phòng hộ xung yếu.
Tại bãi Đương, có thể thăm quan hệ sinh thái rừng ven biển, lặn xem san hô, xem rùa đẻ. Bãi Dương cũng có thể xây dựng một số Eco-lodge phục vụ nhu cầu tắm biển, nghỉ ngơi và tham quan cảnh quan, tìm hiểu nghiên cứu các giá trị sinh thái đảo.
Tuy nhiên, ở đây có những khó khăn nhất định khi triển khai du lịch là hệ sinh thái rừng và biển rất nhạy cảm, do vậy chỉ có thể tiến hành các hoạt động du lịch ở mức độ thấp. Phát triển du lịch sẽ bị ảnh hưởng mùa gió chướng, không có nước ngọt.
* Khu vực Bãi Cát lớn: Nằm ở phía Nam hòn Bảy Cạnh, tổng diện tích khu vực khoảng 32,5 ha. Độ cao trung bình dưới 200 m so với mực nước biển; độ dốc trung bình từ 8 – 150. Có hệ sinh thái đa dạng. Có các bãi cát và bãi đá xen lẫn rừng đước. Đây là một trong những điểm lớn nhất của Côn Đảo có rùa sinh sản. Có thể quan sát rùa đẻ; quan sát động vật hoang dã theo các tuyến đường mòn trên đảo.
* Bãi Cát Nhỏ và Bãi Xi Măng: Nằm ở phía Nam hòn Bảy Cạnh, diện tích 2 khu vực khoảng 18 ha. Độ cao trung bình dưới 200 m so với mực nước biển; độ dốc trung bình từ 8 – 150. Có thể quan sát động vật hoang dã.
* Ngọn hải đăng: Hải Đăng là một trong những công trình di tích lịch sử nổi tiếng của Côn Đảo là nơi có thể tham quan và vọng cảnh.
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Như vậy cũng giống như vịnh Đầm Tre, hòn Bảy Cạnh là không gian du lịch đặc biệt quan trọng của Côn Đảo, nơi có thể xây dựng sản phẩm DLST cao cấp gắn với bảo tồn. Đến Hòn Bảy Cạnh, du khách tham quan khám phá rừng ngập mặn, với hệ sinh thái rất phong phú, đa dạng, nghe thuyết minh về đời sống, việc bảo tồn và phát triển của rùa biển.

Hòn Cau:
Hòn Cau (còn gọi là hòn Phú Lệ) có diện tích 78 ha với đỉnh cao nhất là 212 m. Trên đảo có 2 bãi biển là bãi Cát Lớn ở phía Tây Nam và bãi Cát Nhỏ (hay bãi Cỏ Vân) ở phía Tây của đảo.
Phần lớn đảo Hòn Cau hiện được che phủ bằng thảm thực vật rừng nhiệt đới với nhiều loài cây và một số loài động vật như Sóc, Kỳ Đà, chim biển, Yến, v.v. Vùng biển quanh đảo có hệ sinh thái san hô khá phát triển và các bãi biển ở đây cũng là nơi rùa đến sinh sản. Vì vậy có thể phát triển các sản phẩm du lịch như lặn biển, tham quan cảnh quan, xem rùa đẻ, câu cá, v.v.
Là đảo thứ hai sau Côn Sơn, Hòn Cau là đảo có nước ngọt quanh năm. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển một số Eco-lodge đáp ứng nhu cầu lưu trú (có kiểm soát) của du khách với số lượng hạn chế theo “sức chứa” như đã đề cập ở trên.

* Khu vực Bãi Cát Lớn: Nằm ở phía Nam Hòn Cau, rộng khoảng 13,4 ha. Độ cao trung bình dưới 200 m.
Đây là địa điểm có thể xem san hô, ngắm tổ chim yến, thăm di tích lịch sử và vườn cây ăn trái; bãi biển là nơi rùa sinh sản; có trạm kiểm lâm dành cho du khách, có máy phát điện, nước ngọt.
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Với những giá trị đặc biệt về cảnh quan và sinh thái, Hòn Cau được xem là không gian thứ 3 cùng với vịnh Đầm Tre và Hòn Bảy Cạnh có thể phát triển sản phẩm DLST cao cấp gắn với bảo tồn. Là nơi lý tưởng cho chuyến dã ngoại của du khách. Hòn Cau nổi tiếng với rừng dừa cho nước ngọt lịm. Đến đây du khách còn được vẫy vùng trong làn nước biển trong xanh với những bãi biển đẹp tuyệt vời.

Hòn Tài Lớn (hòn Phú Bình)
Là hòn đảo nhỏ nằm về phía Đông Nam đảo Côn Sơn, cách trung tâm huyện Côn Đảo chừng 5 km. Đảo rộng 31,5 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái. Là khu vực có hệ sinh thái san hô phát triển.
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Tại khu vực Hòn Tài có thể quan sát loài động vật quý hiếm là Khỉ mặt đỏ, lặn xem san hô ở khu vực lân cận, có thể leo núi, tắm biển…,

Hòn Trác:
Nằm về phía Nam của đảo Côn Sơn, cạnh hòn Tài, diện tích 14,0 ha trong phân khu phục hồi sinh thái. Các bãi cát nhỏ ở cụm đảo này là nơi rùa biển lên sinh sản.
Gần đảo trung tâm, thích hợp cho các hoạt động du lịch trong ngày ít gây tác động như ngắm cảnh, lặn biển….
Khả năng khai thác phát triển loại hình du lịch: Cụm đảo này là nơi lý tưởng để tổ chức hoạt động DLST biển và du lịch tham quan, quan sát các loài động vật, chim biển và rùa đẻ.

Hòn Bà:
Hòn Bà nằm phía nam hòn Côn Sơn chỉ cách nhau một doi nước hẹp (dn gian gọi là Họng Đầm), Đảo Hòn Bà : là một đảo tương đối lớn cùng với đảo Côn Sơn tạo nên vịnh Bến Đầm hiện là cảng chính của Côn Đảo. Trên Hòn Bà có 3 điểm cảnh quan, có giá trị du lịch bao gồm vịnh Đầm Quốc, vịnh Mũi Ba Non và vịnh Bến Đầm. Trên đảo Hòn Bà có những vách núi dốc rất thuận lợi để phát triển du lịch thể thao leo núi.
Tổng diện tích khoảng 23,4 ha.
Gần đảo Côn Sơn, là hòn đảo lớn thứ 2 nên có thể thu hút được nhiều hoạt động du lịch; là khu vực có nhiều dải bãi biển, nhiều cát và đá. Các tuyến đường mòn trên đảo có thể thăm quan nhiều sinh cảnh rừng, thực vật rừng và quan sát động vật hoang dã như: khỉ.
Loại hình du lịch có thể khai thác: Nghỉ mát, tắm biển, thể thao mạo hiểm, khai thác huyền thoại và chinh phục đỉnh Tình Yêu, tương truyền đây là nơi giam giữ thứ phi của chúa Nguyễn Ánh.

Hòn Tre Lớn:
Là hòn đảo nhỏ nằm về phía Tây đảo Côn Sơn. Tổng diện tích khu vực Bãi Cát Lớn của hòn Tre Lớn là 20,5 ha. Nằm toàn bộ trong phân khu phục hồi sinh thái.
Tài nguyên du lịch đa dạng, hấp dẫn. Khu vực này có rừng nhiệt đới, có bãi biển là bãi đẻ của rùa biển nơi có nhiều bãi cát nhỏ là những địa điểm rùa ưa thích lựa chọn để đẻ; có hệ sinh thái san hô phát triển.
Loại hình du lịch có thể khai thác: Tại đây có thể phát triển loại hình tắm biển, lặn biển bằng ống thở và quan sát rùa đẻ vào thời kỳ thích hợp trong năm, có thể thực hiện snorkeling và lặn xem san hô, ngắm cảnh.v.v…Ngoài ra, cũng như tại hòn Tài lớn, tại đây có thể tổ chức lưu trú qua đêm cho du khách.

Hòn Tre Nhỏ:
Là đảo nhỏ nằm về phía Tây Bắc đảo Côn Sơn. Diện tích hòn Tre Nhỏ là 11,1 ha, trong phân khu phục hồi sinh thái.
Đảo Hòn Tre nhỏ là nơi có nhiều giá trị sinh thái biển (san hô); sinh thái rừng trên đảo, trong đó có nhiều loài quý hiếm như Gầm ghì Trắng, Bồ câu Nicoba, v.v. và cảnh quan đẹp. Đây là điểm tham quan lý tưởng trên tuyến du lịch đường biển quanh đảo Côn Sơn.

Hòn Trứng:
Là đảo nhỏ nằm phía Đông Bắc đảo Côn Sơn (cách khoảng 1 tiếng tàu chạy). Đảo là thiên đường của các loài chim biển, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Tại đây có thể tổ chức quan sát, cảm nhận được thế giới các loài chim, cảnh quan hoang dã của hòn đảo đẹp này./.