Bà Rịa Vũng Tàu là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Nam giáp biển Đông.
Mã vùng điện thoại: 064
Biển số xe: 72
Tổ chức hành chính: Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 08 đơn vị hành chính gồm thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa và 6 huyện: Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Tân Thành, Châu Đức, và huyện Côn Đảo. Thành phố Vũng Tàu là trung tâm kinh tế, văn hóa và thị xã Bà Rịa là trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh.
Khí hậu
Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ôn hòa do chịu ảnh hưởng của biển, phân thành hai màu rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm 250C – 270C, hiếm khi có bão, thường xuyên có nắng, độ ẩm trung bình trên 80%. Bà Rịa – Vũng Tàu không có mùa động nên có thể thực hiện các chuyến nghỉ ngơi, du lịch cả năm.
Diện tích
Diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.982km2.
Dân số:
Dân số 994.837 người, mật độ dân số 462 người/km2 (Theo số liệu năm 2009).
Thành phần dân tộc: Việt, Hoa, Khmer, Chơ-ro
Lịch sử
Vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu xưa là địa bàn người Việt đến cư ngụ sớm hơn so với những nơi khác ở Nam bộ. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể mà những người Việt đầu tiên vào định cư ở Nam bộ thì cho đến nay, chưa có tài liệu nào nói rõ.
có tài liệu cho biết, từ sau cuộc hôn nhân công chúa Ngọc Vạn (con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên) với vua Chân Lạp (1620), dân Việt (xứ Đàng Trong) và Chân Lạp đã tự do đi lại và sinh sống ở hai bên lãnh thổ của nhau.
Năm 1623, vua Chân Lạp chấp thuận cho Chúa Nguyễn đặt trạm thu thuế ở Preinokor (tức Sài Gòn). Từ đó, Chúa Nguyễn có được sở Quan thuế Sài Côn (tức Sài Gòn) và khu dinh điền Mô Xoài (tức Bà Rịa). Nhưng sự ổn định đó không duy trì được bền vững.
Năm 1658, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần phải đưa 2.000 quân tiến đánh Thành Mô Xoài của Chân Lạp (thuộc vùng đất Bà Rịa
Lý do của cuộc chinh phạt này được Chúa Nguyễn đưa ra là để bảo vệ những cư dân người Việt đã vào đây làm ăn sinh sống. Trận này, Chúa Nguyễn bắt được vua Chân Lạp là Nặc Ong Chân. Chân Lạp xin được làm chư hầu và triều cống hàng năm. Năm Giáp Tuất, Thái Tông thứ 27 (1674), Chúa Hiền lại sai Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Diên đem quân đánh lũy Bô Tâm của Chân Lạp ở xứ Mô Xoài mà về sau người Việt gọi là Lũy cũ Phước Tứ (vùng thị trấn Long Điền ngày nay).
Những sự kiện được sử sách nhà Nguyễn ghi lại trên đây chứng tỏ rằng vào thời điểm ấy vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay đã có người Việt cư trú . Họ được chính quyền (các Chúa Nguyễn) bảo hộ và đây vẫn còn là vùng đất tranh chấp giữa vua Chân Lạp và các Chúa Nguyễn.
Trong bốn sự kiện lớn của năm Mậu Dần (1698) được đưa vào bộ Đại Nam Thực Lục tiền biên thì sự kiện Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế “sai Thông suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đặt Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện
Phước Long… lấy xứ Sài Gòn lập huyện Tân Bình… ” vào tháng Hai hẳn là sự kiện quan trọng nhất. Nó không chỉ có ý nghĩa trong việc xác lập chủ quyền ở vùng đất mới khai phá mà sự ghi chép ấy còn có giá trị sử liệu giúp hậu thế biết được chính xác một thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc.
Khi Kinh lược sử Nguyễn Hữu Cảnh lập hai huyện Phước Long và Tân Bình (2-1698) thì vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay thuộc huyện Phước Long, Dinh Trấn Biên. Ở mỗi Dinh, Nguyễn Hữu Cảnh đều cắt đặt các chức Lưu thủ (người đứng đầu để quản lý chung), Cai bạ (người trông coi về ngân khố), Ký tục (người xét xử hình án), và các cơ độị thủy, bộ binh. Với khoảng hơn vạn hộ cư trú trước đó và ba vạn hộ dân Ngũ Quảng được Nguyễn Hữu Cảnh chiêu mộ từ năm 1698 đến 1700, dân Phước Long – Tân Bình có khoảng hơn 4 vạn hộ (Đại Nam Thực Lục tiền biên). Tháng 10- 1698, Nguyễn Hữu Khánh được cử làm Lưu thủ dinh Trấn Biên.
Như trên đã nói, vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi cư dân người Việt vào khai khẩn từ rất sớm, trước khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý rất lâu. Khi ấy, trên bán đảo Vũng Tàu có lẽ làng xóm chưa hình thành. Tuy nhiên, trong sử sách nhà Nguyễn, Vũng Tàu đã được ghi là Thuyền Úc và trên bản đồ hàng hải nhiều nước phương Tây là Cinco Chagas Verdaretras hay Cap Saint Jarques. Như thế Vũng Tàu hẳn là một địa danh đặc biệt rất đáng lưu ý. Việc Nguyễn Ánh hứa sẽ nhượng Vũng Tàu cho Bồ Đào Nha vào năm 1786, nếu họ giúp Chúa Nguyễn đánh bại quân Tây Sơn đã chứng tỏ lợi thế và mối quan tâm đặc biệt của phương Tây đối với vùng đất này.
Tám năm sau khi khôi phục được vương triều, Gia Long (Nguyễn Ánh) đổi Gia Định trấn làm Gia Định thành với 5 trấn. Vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay tương đương với huyện Phước An (trước đó chỉ là một tổng) thuộc trấn Biên Hòa (có một phủ, bốn huyện). Huyện Phước An có 2 tổng với 43 xã thôn, phường ấp. Về sản xuất, Hiệp Tổng trấn Trịnh Hoài Đức cho biết: Huyện Phước An sản xuất nhiều muối trắng ở Vũng Dương, giá rất rẻ (100 căn giá một tiền, đương thời. ruộng muối có thu nhập cao hơn ruộng lúa). Ở đây có thứ lãnh đen mềm láng là tốt đệ nhất trong cả nước (diện tích trồng mía và trồng dâu nuôi tằm của tu nhân huyện Phước An chiếm gần 2% diện tích toàn trấn Biên Hòa). Theo Đại Nam Nhất thống chí, cho đến cuối thế kỷ trước, lãnh đen Phước An mà đứng đầu là vùng Tam An (Long Đất ngày nay) vẫn còn nổi tiếng trong cả nước.
Năm 1832, Trấn Biên Hòa được đổi thành tỉnh Biên Hòa, đến năm 1837, vua Minh Mạng đặt thêm phủ Phước Tuy, gồm huyện Phước An (Mô Xoài), Long Thành (Đồng Môn) và Long Khánh (Bà Ký). Phủ lỵ Phước Tuy đóng tại Bà Rịa. Đây là lần đầu tiên, địa bàn thị xã Bà Rịa ngày nay trở thành trung tâm hành chính của một phủ. Huyện Phước An bấy giờ có 4 tổng: An Phú Thượng (gồm 4 xã, 4 thôn, 1 phường, 3 thuyền), An Phú Hạ (gồm 8 thôn), Phước Hưng Thượng (gồm 1 xã, 9 thôn), Phước Hưng Hạ (gồm 1 xã, 10 thôn, 1 phường). Phước An có diện tích thực canh là 1698 mẫu, 3 sào, 13 thước trên tổng số 1729 mẫu, 4 sào, 3 thước đã được kê khai.
Thời Gia Long, Minh Mạng, các thôn Long Điền, Hắc Lăng (thuộc huyện Long Đất ngày nay) là trù phú, giàu có vào hạng nhất trong vùng, chủ yếu nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa…
Ngày mồng bảy Tết Kỷ Mùi (9-2-1859), 12 chiến hạm chạy bằng máy hơi nước của liên quân thực dân Pháp – Tây Ban Nha do Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy đã dàn trận tại vịnh Hàng Dừa (Bãi Trước – Vũng Tàu). Sáng sớm hôm sau, chúng nã pháo vào phòng tuyến bảo vệ của nhà Nguyễn trên bán đảo Vũng Tàu. Suốt trong ngày 10-2-1859, đoàn chiến hạm của liên quân Pháp – Tây Ban Nha với ưu thế hơn hẳn về đại bác đã phải vô cùng chật vật chống trả với những khẩu thần công của nhà Nguyễn đặt trên pháo đài Phước Thắng (vị trí Bạch Dinh ngày nay) mà tầm bắn tối đa chỉ 1km. Thống chế Trần Đồng, vị tổng tư lệnh chỉ huy trận đấu pháo đã hy sinh anh dũng trên chiến lũy cùng với những viên đạn cuối cùng của pháo đài Phước Thắng trong buổi chiều lịch sử 10-2-1959. Cái chết của vị Thống chế cùng trận đấu pháo quyết liệt và không cân sức của những người lính thủ can trường trên pháo đài Phước Thắng năm ấy tuy không ngăn được bước tiến của đạo quân xâm lược nhưng đã ghi một chiến công đầu trong trang sử hào hùng của quân và dân miền Đông Nam bộ ngay từ những ngày đầu chống đạo quân viễn chinh xâm lược của thực dân Pháp.
Ngày 14-2-1862, Biên Hòa rơi vào tay quan Pháp. Các đạo binh của nhà Nguyễn ở xứ Đồng Nai rút về Bà Rịa tiếp tục cuộc kháng chiến. Đô đốc Lê Quang Tuyên đã tập hợp các đạo binh trên địa bàn, giáng trả quân viễn chinh xâm lược của đô đốc Bonard những đòn chí tử tại thành Bà Rịa, Phước Thọ, Long Phước, Cù Mi… là những địa bàn trú quân và hoạt động của lực lượng nghĩa quân do Đô đốc Lê Quang Tuyên chỉ huy.
Năm 1867, thực dân Pháp chia Biên Hòa thành 5 địa hạt tham biện. Hạt Bà Rịa tương đương địa giới huyện Phước An gồm 4 tổng người Việt và 4 tổng người Thượng với 57 buôn làng. dân so 20.543 người. Năm 1869 có sự sắp xếp lại về hành chính: Hạt Bà Rịa chỉ còn 7 tổng nhưng tăng lên 67 làng. Về sản xuất, Hạt Bà Rịa có 3808,7 ha đất canh tác, ruộng muối chiếm đến 140 ha.
Ngày 1-5-1895, chính quyền thực dân ban hành Nghị định chính thức thành lập thành phố Vũng Tàu. Đây là mốc lịch sử quan trọng tạo tiền đề và mở đường cho Vũng Tàu phát triển. Sau này, vào các thời điểm 1899, 1904, 1920, 1956, 1989, 1991… Vũng Tàu có những đổi thay về địa giới, nhưng trước sau. điều đó đều khẳng định ưu thế của Vũng Tàu nói riêng và Phước Tuy xa nói chung.
Theo thống kê của chính quyền thực dân Pháp, năm 1910, dân số tỉnh Bà Rịa là 56.525 người, trong đó có 1.200 người quốc tịch âu, riêng Côn Đảo có 264 người (không kể tù nhân). Các trung tâm dân cư và kinh tế được nhắc đến nhiều là Chợ Bến, Long Hải (Long Đất ngày nay) và vùng Thị Vải (thuộc huyện Tân Thành ngày nay).
Năm 1930, định Bà Rịa chỉ có hai quận Long Điền và Đất Đỏ, dân số xấp xỉ 58.000 người, diện tích ruộng lúa canh tác gần 13.600 ha với sản lượng 10.000 tấn (trung bình 172kg/người). Đặc biệt diện tích trồng cao su tăng lên đáng kể, đạt 6.669 ha. Cùng thời điểm này, dân số Vũng Tàu là 7.000 người.
Trước Cách mạng Tháng Tám (1945) cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30- 4-1975), tình hình sản xuất lương thực ở Bà Rịa nhìn chung ít có thay đổi. Người ta thấy trong giai đoạn này diện tích trồng lúa của tỉnh Bà Rịa không tăng; diện tích trồng cao su giảm hơn một nửa so với trước. Riêng Vũng Tàu, dân số có lúc lên đến 87.000 người (1970), tăng hơn 80 lần so với 30 năm trước, trong khi dân số Bà Rịa chỉ tăng gấp đôi. Mật độ dân số Vũng Tàu cao thứ hai ở miền Nam, chỉ sau Sài Gòn.
Ngày nay, với những ưu thế của vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu, trong chiều hướng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tổ quốc, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn giữ một vị trí quan trọng, trong đó có những ngành kinh tế mũi nhọn hàng đầu của đất nước, chúng ta vẫn thầm cảm ơn các bậc tiền nhân đã khai phá vùng đất này, từ hơn 300 năm trước, để mỗi bước đi và niềm vui, hạnh phúc hôm nay, chúng ta đều có niềm tự hào và biết ơn những giọt mồ hôi và xương máu của cha ông.
Một số dấu mốc lịch sử
Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng đất được khai phá và xây dựng cách nay hơn 300 năm.
1698 – tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay được lưu dân người Việt từ miền Trung vào khai phá từ thời nhà Nguyễn, là vùng đất của thành Gia Định.
1895 – Thực dân Pháp tách phần đất của thành phố Vũng Tàu ngày nay lập thành phố Cap Saint Jacques.
1945 – Chính quyền cách mạng thành lập tỉnh Cáp (bao gồm Bà Rịa và Vũng Tàu ngày nay).
1967 – Thành lập tỉnh Bà Rịa – Long Khánh.
1975 – Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay là một phần của tỉnh Đồng Nai.
1980 – Thành lập Đặc Khu Vũng Tàu – Côn Đảo trên cơ sở thị xã Vũng Tàu thuộc tỉnh Đồng Nai và Côn Đảo.
12/08/1991 – Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chính thức được thành lập theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII và phát triển đến nay.