Châu Đốc là thị xã biên giới trực thuộc tỉnh An Giang. Thị xã có phía Bắc giáp huyện An Phú, phía Tây bắc giáp Campuchia, phía Nam giáp huyện Châu Phú, phía Tây giáp huyện Tịnh Biên và Đông giáp huyện Phú Tân.
Khoảng cách: Châu Đốc nằm cách Long Xuyên khoảng 60km, cách Cần Thơ khoảng 120km, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250km.
Tổ chức hành chính: Châu Đốc có 07 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 04 phường: Châu phú A, Châu phú B, Núi sam và Vĩnh mỹ; và 3 xã: Vĩnh tế, Vĩnh ngươn và Vĩnh châu.
Diện tích: 99,95 km²
Dân số: 112.155
Dân tộc: Trên địa bàn thị xã có 4 dân tộc anh em cùng chung sống,đó là: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer.
Lịch sử hình thành thị xã Châu Đốc
Năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Ông Tôn hiến dâng vùng đất Tầm Phong Long (bao gồm An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng ngày nay) cho Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nguyễn Cư Trinh thừa lệnh Chúa Nguyễn đặt làm 3 đạo: Đông Khẩu (tức Sa Đéc), Tân Châu, và Châu Đốc, chính thức thiết lập nền hành chính toàn Nam bộ.
Ngay từ đầu Chúa Nguyễn đặt Đạo biên phòng tại Châu Đốc. Đây chưa phải là tổ chức hành chính quy cũ mà chỉ đóng vai trò đồn trú án ngữ sông Hậu theo chế độ quân quản. Sau khi chiếm lại Gia Định từ tay nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh sắp xếp hành chính Nam Bộ, Châu Đốc thuộc trấn Vĩnh. Năm 1802, đổi trấn Vĩnh Thanh (gồm An Giang, Vĩnh Long). Tài liệu Sử quán triều Nguyễn ghi lại: “Vì vùng đất ấy nhiều chổ bỏ hoang, đầu năm Gia Long mộ dân đến ở gọi là Châu Đốc Tân Cương, đặt Quản đạo, lệ vào tỉnh Vĩnh Long”. Nhà Nguyễn chọn Châu Đốc làm trung tâm huyện Vĩnh Định. Đến năm 1832, Minh Mạng bãi bỏ cấp Trấn, thành lập các Tỉnh. An Giang là một trong “Nam kỳ lục tỉnh” lúc bấy giờ, tỉnh thành An Giang đặt tại Châu đốc, dưới quyền cai quản của vị Tổng đốc đầu tiên là Trương Minh Giảng.
Sau khi quân Pháp thôn tính trọn Nam kỳ, chúng chia Nam kỳ thành 24 Sở tham biện (Inspection). Sở tham biện Châu Đốc trông coi huyện Đông Xuyên và Hà Dương. Theo Nghị định 20 tháng 12 năm 1899, Thống đốc Nam kỳ bãi bỏ Sở tham biện, thành lập Tỉnh (Province). Châu Đốc là một trong 21 tỉnh Nam kỳ, tỉnh lỵ đặt tại chợ Châu đốc thuộc địa phận làng Châu phú.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1948, Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam bộ sát nhập và phân định ranh giới tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc lập thành 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu. Tỉnh lỵ Châu Đốc thuộc tỉnh Long Châu Hậu. Cuối năm 1950, Long Châu Hậu nhập thêm Hà Tiên thành tỉnh Long Châu Hà. Cuối năm 1954, Xứ ủy Nam bộ lập lại 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc.
Ngày 22-10-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm hợp nhất Long Xuyên – Châu Đốc thành tỉnh An Giang. Năm 1964, chính quyền Sài Gòn tách An Giang thành 2 tỉnh: Châu Đốc và An Giang, Châu Đốc là quận lỵ quận Châu Phú. Năm 1965, Châu Đốc được nâng lên cấp Thị xã của An Giang. Đến tháng 9/1974, là một trong 2 Thị xã của tỉnh Long Châu Hà. Sau ngày Miền nam hoàn toàn giải phóng, theo Nghị quyết số 19 của Bộ Chính trị ngày 20/12/1975, thành lập tỉnh An Giang, Châu Đốc là thị xã thứ hai của tỉnh An Giang sau tỉnh lỵ Long Xuyên.
Tuy đơn vị hành chính có nhiều thay đổi qua tiến trình lịch sử trên 250 năm, nhưng Thị xã Châu Đốc luôn giữ một vị trí quan trọng đối với An Giang cũng như vớí các Tỉnh khu vực ĐBSCL cả về kinh tế lẫn quốc phòng.
Theo Du lịch Châu Đốc