An Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có phía Tây Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài gần 100 km, phía Đông và phía Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ, cách thành phố Hồ Chí Minh 190 km.
Mã vùng điện thoại: 076
Biển số xe: 67
Tổ chức hành chính: Tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính gồm: TP.Long Xuyên, 2 thị xã là Châu Đốc và Tân Châu, 8 huyện gồm An Phú, Phú Tân, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Thành và Thoại Sơn.
Khí hậu:
An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 27ºC (dao động 20 – 35ºC), lượng mưa trung bình năm khoảng 1.500 mm. Độ ẩm trung bình 75 – 80%.
Diện tích:
Diện tích tự nhiên của tỉnh An Giang là 3.506 km2 .
Dân số:
Năm 2009, dân số của tỉnh trên 2,1 triệu người. An Giang là tỉnh có dân số đông nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Thành phần dân tộc: Việt, Khmer, Hoa, Chăm.
Lịch sử
Người Việt bắt đầu đến vùng đất An Giang từ lúc nào, đến nay chưa thấy sử sách ghi chép rõ ràng. Tuy nhiên theo truyền thuyết dân gian và một số vết tích còn lại, thì đã có một số nhóm người Việt gốc miền Trung vào đây từ rất lâu. Mặc dù cuộc sống ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng họ vẫn kiên trì tìm đất sống. Họ ở rải rác dọc theo bờ sông Tiền và sông Hậu.
Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, đã thấy có người Việt ở vùng Bình Mỹ (Châu Phú), vùng Châu Đốc và vùng cù lao Cây Sao (cù lao Ông Chưởng). Tương truyền khi thuyền quân xuôi dòng Cửu Long (1700), Nguyễn Hữu Cảnh ghé lại những nơi có người Việt ở để thăm hỏi và khích lệ mọi người giữ tình thân thiện dù không cùng chủng tộc. Ông cũng cho phép một số binh phu được ở lại theo ven sông vùng Châu Phú, Châu Đốc, Tân Châu, Chợ Mới cày cấy làm ăn .
Lưu dân ở vùng Cù lao Ông Chưởng được gọi là dân “hai huyện” (Phước Long và Tân Bình). Họ được xem là mẫu mực về thuần phong mỹ tục, giữ vững được nếp ăn, nếp nghĩ của người Việt. Từ Chợ Mới đến Cái Hố theo lòng rạch Ông Chưởng, ta gặp một số gia đình cố cư, ông bà của họ đến đây cư ngụ từ đời Gia Long, Minh Mạng hoặc lâu hơn (6 đời).
Ở Cù lao Giêng, có một địa danh xưa là bến đò Phủ Thờ. Phủ Thờ này là của họ Nguyễn từ Bình Định vào, con cháu ngày nay ở vào đời thứ 7, thứ 8, cư ngụ kề nhau đông đúc.Người Việt đi vào phương Nam lập nghiệp với cả gia đình cha mẹ, vợ con, và khi đã đến thì không thể về, vì quá xa.Nhờ các chính sách của Chúa Nguyễn mà công cuộc khai hoang mở mang bờ cỏi phương Nam của dân Việt ngày càng nhanh chóng.
Khi tỉnh An Giang mới thành lập, dọc theo hữu ngạn sông Tiền, dân cư khá đông, tập trung ở cù lao Ông Chưởng. Một số thôn, xã được thành lập. Riêng cù lao Giêng tuy không rộng lắm, nhưng sanh kế dễ dàng, nên qui tụ được 4 thôn.Phía hữu ngạn sông Hậu, dân cư thưa thớt. Từ biên giới Việt – Miên xuống Long Xuyên chỉ có các làng Bình Thạnh Tây (đối diện Bình Thạnh Đông bây giờ), Bình Đức, Mỹ Phước.
Vùng An Giang gồm 2 khu vực mới và cũ riêng biệt :
– Phía Tân Châu, Ông Chưởng, Chợ Mới dễ canh tác, dân đông, làng cũ vì đã lập từ lâu .
– Phía hữu ngạn sông Hậu, là vùng rừng núi hoang vu, đất khó canh tác, dân thưa thớt, làng mới lập .
Việc di dân lập ấp ở An Giang có công đóng góp rất lớn của Thoại Ngọc Hầu, bắt đầu từ năm Đinh Sửu 1817. Lúc bấy giờ nhiều nhà cửa của nông dân đã được dựng lên, các đình chùa cũng bắt đầu xây cất. Năm 1818, theo lệnh triều đình, Nguyễn Văn Thoại đốc suất đào kinh Đông Xuyên ra đến Rạch Giá, tạo điều kiện canh tác thuận lợi cho dân khẩn hoang 2 bên bờ kênh.
Đào kênh Vĩnh Tế xong, Nguyễn Văn Thoại cho đắp con đường từ Châu Đốc đến núi Sam, nhờ đó mà dân từ Châu Đốc vào núi Sam khẩn ruộng, lần hồi tiến đến khai phá vùng Tịnh Biên . Đầu thế kỷ XIX đã nhiều lần quân Xiêm xâm lấn nước ta. Hà Tiên, Châu Đốc là những vùng bị thiệt hại trước tiên và nặng nề nhất. Năm 1833, giặc Xiêm tàn phá dọc kênh Vĩnh Tế, chiếm Châu Đốc và tràn qua Tân Châu.
Nhưng chỉ 5 năm sau dân cư đã quy tụ trở lại, thành lập hàng chục thôn rải rác từ núi Sam dọc theo 2 bờ kênh Vĩnh Tế về phía Hà Tiên .Vùng Châu Đốc là biên cương hiểm trở, vừa sản xuất vừa phải đối phó với ngoại xâm. Mỗi người dân khẩn hoang là một lính thú biên cương.Gia tộc Lê Công gốc Thanh Hóa là một trong những nhóm di dân đến khai phá vùng Châu Đốc (khoảng năm 1785 – 1837).
Hiện con cháu đời thứ 7 còn cư ngụ ở đây .Gia tộc thứ 2 cũng có công khai phá vùng Châu Đốc là dòng Nguyễn Khắc, thuộc con cháu của Nguyễn Văn Thoại .Dưới đời vua Minh Mạng, tội phạm lưu đày phần lớn gom về vùng Vĩnh Tế để lập các xóm dọc bờ kênh, dần dần hình thành vùng dân cư .
Nguyễn Tri Phương, khi làm kinh lược sứ ở miền Nam, đã có sáng kiến lập đồn điền biên giới nhằm ngăn giặc, yên dân, tập trung ở vùng Châu Đốc, Hà Tiên. Năm 1854, Nguyễn Tri Phương báo cáo đã thành lập được 21 cơ đồn điền. Hai năm sau, tỉnh An Giang và Hà Tiên đã chiêu mộ được 1.646 dân đinh, lập 159 thôn ấp .
Trong thời gian này, người Chăm ở ngang chợ Châu Đốc (Đa Phước, Châu Phong) cũng gom lại từng đội, do 1 viên Hiệp quản đứng đầu. Từ bên Chân Lạp, người Chăm rút về nương náu trong lãnh thổ Việt Nam để tránh loạn lạc nội chiến bên Chân Lạp, rồi định cư luôn ở Tân Châu, An Phú . . . . .
Cùng thời đó, người theo đạo Thiên Chúa lánh nạn kỳ thị tôn giáo của vua quan nhà Nguyễn từ miền ngoài đến khá sớm ở cù lao Giêng (1778), Bò Ót (1779) và Năng Gù (1845) đã làm tăng thêm dân số vùng đất An Giang.
Tư liệu trước đây nói về nguồn gốc các dân tộc thiểu số ở An Giang như :
– Người Khmer: Là dân bản địa kì cựu, hầu hết đều sinh ở Việt Nam nên gọi là người Việt gốc Khmer, tập trung nhiều nhất ở các quận Tri Tôn và Tịnh Biên. Phong tục và tiếng nói của họ cũng không khác người Khmer ở chánh quốc. Họ sùng bái đạo Phật, tôn kính các sư sãi và sẵn sàng dâng cúng cho chùa những huê lợi do họ làm ra để cầu phúc.- Người Chăm và người Mã Lai đến ở vùng Châu Đốc từ năm 1840. Trước kia họ sống ở Cao Miên.
– Người Hoa: Theo dụ số 48 ngày 21/8/1956 của chính quyền Ngô Đình Diệm sửa đổi bộ luật quốc tịch Việt Nam, thì những người Hoa sinh đẻ tại Việt Nam kể như dân Việt Nam.Đến An Giang còn có những người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Lực lượng này gồm dân các tỉnh chung quanh (Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long…) theo về với đạo, phần lớn tập trung khai phá vùng Thất Sơn, rừng núi hoang vu.
– Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do cụ Đoàn Minh Huyên sáng lập, chia nhiều đoàn tín đồ đến khai khẩn nhiều nơi:
• Đoàn 1 vào Thất Sơn , bên chân núi Két, do cụ Bùi Văn Thân, tức tăng chủ Bùi Thiền sư và cụ Bùi Văn Tây, tức Đình Tây hướng dẫn, lập nên các trại ruộng Hưng Sơn và Xuân Sơn, sau này hợp thành xã Thới Sơn (Tịnh Biên).
• Đoàn 2 do cụ Quản cơ Trần Văn Thành chỉ huy, đến Láng Linh, vùng đầm lầy khai hoang, lập đồn, tụ nghĩa binh chống Pháp.
• Đoàn 3 do cụ Nguyễn Văn Xuyến (tức đạo Xuyến) đưa tín đồ về Cái Dầu-Bình Long (Châu Phú).
Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do cụ Ngô Lợi khởi xướng, cũng đã đưa hàng trăm tín đồ từ khắp nơi về vùng núi Tượng, núi Dài khai hoang, lập làng , giáo huấn tứ ân.Theo Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1847 tỉnh An Giang, số đinh theo báo cáo của Bộ Hộ có 22.998 người (cả nước Việt Nam khi đó số đinh chỉ có 1.024.388 người).
Đến năm 1930, chấm dứt các chính sách di dân khẩn hoang vào miền Nam. Qua số liệu niên giám thống kê của Pháp năm 1921, dân số 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc cộng lại đông đứng thứ nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Đi An Giang thời điểm nào là đẹp nhất?
An Giang có những thời điểm rất đẹp trong năm để cho các bạn yêu thích du lịch bụi miền tây khám phá
- An Giang mùa nước nổi: từ tháng 8 tới tháng 10 hàng năm, nước ngập trắng đồng, thời điểm tuyệt vời để ghé thăm rừng tràm Trà Sư.
- Lễ hội bà chúa xứ núi Sam: diễn ra vào cuối tháng 3 âm lịch, lễ hội lớn nhất ở Nam Bộ với khoảng 2 triệu lượt khách mỗi năm.
- Hội đụa bò Bảy Núi: được diễn ra cùng lúc với lễ cúng Dolta của đồng bào Khmer, thường từ ngày 29-8 tới ngày 1-9 âm lịch.
Điểm du lịch ở An Giang
Châu Đốc
Là một trong hai trung tâm chính của tỉnh An Giang, Châu Đốc là nơi được nhiều du khách lựa chọn làm điểm đến trong hành trình của mình. Nơi đây có miếu bà chúa xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa thầy Tây An, chợ Châu Đốc, làng cá bè trên sông, làng Chăm cồn Tiên…
Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư là điểm tham quan độc đáo bậc nhất của miền tây, nơi đây sở hữu những khu rừng ngập nước tuyệt đẹp cùng với hệ sinh thái đa dạng. Các bạn sẽ được lên đò chèo len lỏi trong những cánh rừng, trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ, yên tĩnh và đôi khi là sẽ bắt gặp những chủ nhân của rừng tràm.
Thất Sơn
Thất Sơn là tên gọi chung cho bảy ngọn núi lớn ở khu vực Tịnh Biên, Tri Tôn. Trong quá khứ Thất Sơn là chốn thâm sơn cùng cốc, là nơi tu hành, tu luyện của các vị đạo sĩ phép thuật cao cường và nơi thú dữ ngự trị. Ngày nay du khách rất thích thú khi được đến với núi Cấm, núi Anh Vũ Sơn, núi Dài, núi Tượng…
Ba Chúc
Nằm dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia làng Ba Chúc là nơi ghi dấu tội ác của quân đội Pol Pot khi đưa quân qua tấn công Việt Nam. Hiện nay bảo tàng ở Ba Chúc vẫn còn lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về sự kiện này.
Búng Bình Thiên
Hồ nước trời Búng Bình Thiên là thắng cảnh thiên tuyệt đẹp thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang. Xung quanh hồ là cộng đồng người Chăm sinh sống với những ngôi nhà sàn truyền thống, các thánh đường Chăm uy nghi, trầm mặc. Văn hóa Chăm rất ấn tượng với du khách khi đến đây.
Cù lao ông Hổ
Cù lao ông Hổ thuộc địa bàn thành phố Long Xuyên, đây là vùng đất trái ngọt màu mỡ của tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên cù lao được biết đến nhiều bởi là quê hương của chủ tịch Tôn Đức Thắng, hiện nay khu di tích Bác Tôn được trùng tu, xây dựng khang trang và là điểm tham quan thu hút nhiều du khách.
Tân Châu
Nằm đối diện với thành phố Châu Đốc là thị xã Tân Châu, chỉ mất chừng 5 phút đi phà là du khách đã đặt chân tới những thánh đường Chăm tuyệt đẹp, tới làng lụa Tân Châu nổi tiếng từ xưa tới nay.
Đặc sản An Giang có gì ngon?
Mắm Châu Đốc
Mắm Châu Đốc là đặc sản nổi tiếng nhất của tỉnh An Giang, mắm được làm từ các loại cá đánh bắt trên dòng sông Hậu, từ những chú cá tươi rói kết hợp với bí quyết làm mắm của người dân bản địa tạo nên một món ăn độc nhất vô nhị. Mắm được dùng để nấu lẩu, nấu bún nước lèo hoặc làm nước chấm với món bánh tráng cuốn.
Bánh bò thốt nốt
Bánh bò thốt nốt là món ăn chơi được nhiều người dân và du khách yêu thích, tuy nhìn có vẻ đơn giản nhưng để làm được bánh ngon phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu chọn gạo làm bột, chọn đường thốt nốt, tỉ lệ trộn nguyên liệu sao cho vừa ăn…
Bún cá Long Xuyên
Khác với bún cá Kiên Giang hay bún cá Châu Đốc, món bún cá Long Xuyên nổi bật với màu vàng đặc trưng của miếng chả chiên hay nước dùng thơm ngọt được ninh rất kĩ từ các nguyên liệu sạch. Ăn kèm với nó đương nhiên không thể thiếu là các loại rau sống và chút nước mắm ngon.
Bánh canh Vĩnh Trung
Nếu một lần đến với vùng đất Bảy Núi nhất định du khách phải ghé ăn món bánh canh Vĩnh Trung. Cũng là bò viên, giò heo, thịt heo nhưng món bánh canh này độc đáo bởi có những gia vị của người Khmer. Mùi tỏi phi thơm nồng với nước dùng ngọt lừ sẽ làm cho du khách muốn ăn thêm nữa món ngon này.
Bánh hỏi bò đun
Bánh hỏi bò đun ở Châu Đốc là món ăn rất ngon được nhiều du khách lựa chọn, bò đun ở đây nghĩa là bò cuộn với phô mai, mỡ hành sau đó được nướng lên với mùi thơm đặc trưng, ăn kèm đương nhiên là bánh hỏi cùng các loại rau và nước chấm.
Tung lò mò
Đây là tên gọi khác của món lạp xưởng bò cực kì nổi tiếng của An Giang, lạp xưởng bò được làm từ thịt bò tươi với cơm nguội lên men, cuốn bằng ruột bò. Món ăn này chỉ cần phơi khô khi nào ăn thì nướng hoặc đem chiên nhưng nướng vẫn là ngon nhất.