Myanmar – Vừng ơi mở ra

Dulichbui.org – Tôi vẫn thích gọi Myanmar bằng cái tên cũ – Burma. Hình dung trong đầu tôi, Burma là 1 đất nước hoàn toàn xa lạ và cực kỳ kinh khủng. Kinh khủng bởi quá khứ về những sự cô lập và nghèo nàn về mọi mặt. Việc mở cửa này đã cho tôi một cái nhìn thực tế hơn.

Bagan, Myanmar – Ảnh: Boony Nguyen

Là thành phố lớn nhất trong quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, Yangon vẫn còn khá bừa bộn, nhem nhuốc dù rằng có rất nhiều đường cao tốc; khách sạn hạng sang đang được xây dựng. Gần như không có nhiều các hoạt động về đêm ngay tại trung tâm của trung tâm Yangon, khi chỉ mới tầm 7h tối, các hàng quán, chợ búa đều đã được thu dọn sạch sẽ. Ngoài điều đó thì có vẻ như nơi đây có thể sánh bằng các nước phát triển khác với:
– Hệ thống xe chất lượng cao cực kì chất lượng cả về phương tiện lẫn dịch vụ.
– Không hề có bóng dáng xe máy trong thành phố. Phương tiện di chuyển chính của người dân ngoài taxi, xe bus là xe lam, chỉ cần đặt được bàn chân vào xe là khắc có chỗ.
– Tiền thì tính bằng đô! Trung bình 1 món ăn trong 1 nhà hàng bình dân be bé có giá 5$.

Phương tiện đi lại chính ở Myanmar – Ảnh: Boony Nguyen

Điều may mắn là Myanmar đã chính thức miễn visa cho người Việt Nam chỉ trước ngày chúng tôi khởi hành 2 tuần. Điều đó có nghĩa cơ hội du lịch cũng như đầu tư vào đây sẽ mở rộng & dễ dàng hơn đồng nghĩa với việc mọi chi phí ở Myanmar sẽ tăng cao hơn.

Trái ngược với Yangon bụi bặm, chen chúc, Bagan hiện ra như xứ sở thần tiên trong một câu truyện cổ tích. Lóng lánh, huyền ảo vào ban ngày & lạnh lùng, huyền bí vào ban đêm. Khỏi phải nói, tôi đã mê cái vùng đất này như thế nào ngoài việc phải cong đít đạp xe mấy chục cây số.

Làng dệt lấy sợi từ ngó sen – Ảnh: Boony Nguyen

Thật sự thì tôi không mấy ấn tượng lắm với hồ Inle, hồ nước ngọt lớn thứ nhì Miến Điện, nằm ở độ cao khoảng 800m so với mực nước biển nên khí hậu khá là dễ chịu, ban ngày chỉ khoảng 20 độ. Nét đặc sắc ở đây là người dân chèo xuồng bằng 1 chân đánh cá. Ngoài ra còn có những khu làng nghề truyền thống như làng dệt lấy sợi từ ngó sen hay cuốn thuốc lá bằng những loại lá tự nhiên như quế, hồi, cam thảo… và cũng có rất nhiều dân tộc sống quanh đây, trong đó có bộ tộc Padaung, được biết đến với tên “người cổ dài”. Tuy nhiên, bộ tộc này hiện chỉ còn vài ba người sống ở đây.

Có một sự thật là sự thương mại hóa đã theo những con nước tràn vào từng ngách hồ. Nét đặc sắc duy nhất cũng được trả tiền để mua lấy sự hứng thú của khách du lịch.
Trở lại với Yangon, nơi có ngôi chùa vàng nổi tiếng Shwedagon. Và nó thật sự là cổng vàng của Myanmar, bởi ngoài việc nó hoàn toàn được dát vàng khối từ trên xuống dưới, nó còn mang lại cho Yangon hàng đống vàng mỗi ngày.

Như đã nói ở trên, việc miễn 35$ visa mang lại cho Miến Điện 1 nguồn thu lớn hơn rất nhiều qua việc tăng tất cả các loại phí, được gọi là phí chính phủ khi vào mỗi một vùng đất khác của Myanmar. Chưa kể mỗi một điểm du lịch lại có thêm phí vào cửa của điểm đó. Và chính phủ nước bạn rất biết cách kiếm tiền qua việc đánh đồng tỉ giá kyat = đô la Mỹ = Euro (nhưng các bạn không hề thu tiền kyat!). Theo thống kê cho thấy, cứ mỗi 300$ được thu về trong chi phí du lịch thì chính phủ đã ôm về trong tay hơn 100$!

Nhiều người bảo tôi vì sao đi ngắn thế, đến đây thì phải ở vài mươi ngày mới đủ. Lúc đầu tôi cũng thấy mình hơi tiếc, tiếc cho cái công đi vì biết bao giờ mới trở lại. Nhưng đi rồi, về rồi mới thấy thời gian đó thật là đủ. Đủ để lưu lại đủ những hình ảnh, đủ để không phải tiếc nuối 1 nơi nào
Dù đi nữa thì 1 chuyến du lịch đến miền đất vàng này cho 2 người trong vòng 1 tuần với 500$ (và đương nhiên là có thể tiết kiệm được hơn nhiều nữa cho chi phí đi lại, ăn, ở) là vẫn có thể chấp nhận được.
Và cuối cùng, thật sự thì đi chơi mệt lắm, không sướng như mọi người vẫn nghĩ đâu!

Một số điều thú vị của Myanmar:
– Để đến điểm tham quan chính nào chỉ cần đi theo/tìm đường mang điểm tham quan đó. Ví dụ như muốn đến chùa Shwedagon chỉ cần tìm đường Shwedagon Pagoda road.
– Từ sân bay vào TP/ngược lại cứ tìm các taxi có người đợi sẵn trong xe sẽ có được giá rẻ hơn.
– Ở Yangon thì đến các khu Ấn đổi tiền sẽ được giá hơn nhiều so với các nơi khác. 10.000 kyat = 10$ trong khi ở các quầy đổi tiền chỉ được 9.600 kyat. Tuy nhiên cũng có rất nhiều chỗ vẫn tính 10.000kyat = 10$ (Inle hoặc Bagan) nên cứ chịu khó hỏi lại cả 2 loại tiền.
… Còn nhiều quá chưa nhớ ra
chỉ nhớ
– Bia Mandalay thì ngon hơn bia Myanmar

Boony Nguyen

Liên hệ tư vấn, đặt dịch vụ: 0919.362.333

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *