Thành Cổ Quảng Trị

Dulichbui.org – Để trấn giữ phía Bắc kinh đô Huế, vào đầu thời Gia Long, thành cổ Quảng Trị đã được xây dựng, lúc bấy giờ vị trí của thành được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (Vị trí bây giờ). Ban đầu thành được đắp bằng đất, tới năm 1827 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch.

Thành Cổ Quảng Trị

Khuôn viên Thành Cổ Quảng Trị có dạng hình vuông với chu vi tường thành là 481 trượng 6 thước (gần 2000m), cao 1 trượng (9,4m), dưới chân dày 3 trượng (12m). Bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh, bốn góc thành là 4 pháo đài cao, nhô hẳn ra ngoài. Bên trong thành có các công trình kiến trúc như Hành cung, cột cờ, dinh Tuần Vũ, dinh án Sát, dinh Lãnh Binh, Ty Phiên, Ty Niết, kho thóc, nhà kiểm học, trại lính …
Trong những năm 1809 -1945 nhà Nguyễn lấy làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ thì Thành Cổ lại có thêm nhà lao (hiện nay vẫn còn một phần), toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn…
Nhắc đến Thành cổ Quảng Trị người ta không thể không nhắc đến sự kiện “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Năm đó, tại thành cổ Quảng Trị, các chiên sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị đã phải đương đầu với khối lượng bom đạn khổng lồ của Mỹ – Nguỵ trút xuống thành cổ.
Tại thị xã nhỏ bé chưa đầy 2Km2 này, địch đã tập trung vào đây mỗi ngày 150 – 170 lần máy bay phản lực, 70 – 90 lần máy bay B52, 12 – 16 tàu khu trục, tuần dương hạm, 2 sư đoàn dù và thuỷ quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp (với 320 xe tăng, xe bọc thép) và hàng chục tiểu đoàn pháo cỡ lớn…
Chỉ trong vòng 81 ngày, Mỹ- ngụy đã ném xuống đây gần 330.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25/7, chúng xả vào Thành Cổ hơn 5000 quả đại bác.
Thế nhưng với ý chí quyết tâm cao độ, tinh thần chiến đấu kiên cường quân giải phóng cùng với nhân dân Quảng Trị đã đánh địch bật ra khỏi Thành Cổ và cả thị xã để từ chiến công đó tạo thế thắng trên bàn đàm phán của quân và dân ta tại Hội nghị Pari.

Thành Cổ Quảng Trị

Chiến công ở Thành Cổ Quảng Trị đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang hào hùng. Thành Cổ là nơi hi sinh cao quý của biết bao chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị anh hùng.Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ trong chiến tranh nên từ sau hoà bình lập lại, Thành Cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn…
Để tưởng nhớ các anh hùng, chiến sĩ đã hi sinh tại nơi đây, tại Thành cổ Quảng Trị một đài tưởng niệm lớn đã được xây dựng ở chính giữa Thành Cổ. Đài tưởng niệm được đắp nổi bằng đất có hình một nấm mồ chung, bốn phía gia cố xi măng tạo thành hình bốn cửa của Thành Cổ, phía trên là nơi để mọi người thắp hương tưởng niệm. Tượng đài tạo ra một thế lưỡng nghi, trên là phần dương, dưới là phần âm.
Phần dương có một lỗ thông từ dương đến âm và hai nửa vầng trăng khuyết, thể hiện dương có âm và âm có dương. Trong phần âm có đặt hành trang người lính (mũ và balô), phần âm hướng lên trời, một cây thiên mệnh với ý nghĩa đưa linh hồn các liệt sĩ lên chốn thiên đường. Cây thiên mệnh xuyên qua ba áng mây thể hiện: Thiên (trời), địa (đất) và nhân (người) (Thuyết tam tài của người á Đông)
Phía trên cây thiên mệnh có một ngọn nến tượng trưng ánh hào quang toả sáng, dưới tầng mây cuối cùng có gắn hình tượng chung cho ba bát cơm cúng người đã khuất. Ngoài vòng tròn có gắn 81 tờ lịch, thể hiện 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt giữ thành cổ của các chiến sĩ quân giải phóng. Phía dưới tượng đài làm theo hình bát quái.
Bên cạnh đó, trong khuôn viên của Thành cổ ngày nay còn có những công trình mới được xây dựng như: bảo tàng, tượng đài do cựu sinh viên từng chiến đấu tại Thành cổ xây dựng,… và gần đay nhất nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng một tháp chuông (quả chuông nặng trên 7 tấn, trị giá gần 4 tỉ đồng).Tháp chuông được đặt tại quảng trường từ thành cổ đến bờ sông Thạch Hãn, được khánh thành vào sáng ngày 29.4.2007; mục đích xây dựng tháo chuông này để đến ngày lễ, ngày rằm, tiếng chuông vang lên, siêu thoát linh hồn các liệt sĩ đã hy sinh.
Ngày nay về thăm lại Thành cổ người ta lại bồi hồi nhớ lại câu thơ của nhà thơ Trần Bạch Đằng:

“Hễ có Việt Nam có Cổ thành
Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh
Huân chương khó đủ từng viên gạch
Tấc đất từng giây mỗi lá cành”.

Liên hệ tư vấn, đặt dịch vụ: 0919.362.333

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *